TIN LIÊN QUAN | |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Người Pháp nghĩ gì? | |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Người Nhật nghĩ gì? |
Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 không lâu, cho đến khi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (12/1946), tôi dạy tiếng Anh ở trường trung học Nam Định. Được chính quyền tỉnh khuyến khích và giúp đỡ, tôi tích cực hoạt động để đóng góp vào công cuộc xây dựng văn hóa mới. Được bầu làm chủ tịch “Văn hóa cứu quốc” của tỉnh, tôi tổ chức những buổi nói chuyện thường xuyên về văn hóa trong nước và thế giới, được giới văn hóa tỉnh nhiệt liệt hoan nghênh. Buổi nói chuyện nào cũng đông người đến dự, vì có nhiều trí thức có tên tuổi sẵn sàng cộng tác. Tôi còn nhớ, buổi tôi nói chuyện về văn hóa Mỹ, người nghe đến rất đông. Chả là, vào thời điểm đó, dư luận nói chung có cảm tình với người Mỹ đã thắng quân Nhật chiếm đóng nước ta, và ta hy vọng Mỹ giúp ta đuổi thực dân Pháp trong khi đợi phái đoàn đồng minh đến Việt Nam, trước khi tước vũ khí quân Nhật chiếm đóng. Ngay bản tuyên ngôn độc lập và những lời tuyên bố của chính phủ cách mạng vẫn đề cao chính sách dân chủ và độc lập dân tộc của Mỹ, ít nhất trong các tuyên bố chính thức. Đối với tôi, giới thiệu văn hóa Mỹ trong hai tiếng đồng hồ với những hiểu biết của mình chưa đầy đủ, cũng là một việc “bạo phổi”.
Nhưng rồi sự việc cũng qua, mãi nửa thế kỷ sau, năm 1995 tôi mới dám cho ra đời cuốn Hồ sơ văn hóa Mỹ (đến nay đã xuất bản lần thứ năm) sau khi thu thập được nhiều tư liệu thư tịch và được nhiều bạn Mỹ giúp đỡ, đặc biệt là sau khi đi thực tế ở Mỹ. Đối với một vấn đề lớn như vậy tôi chỉ dám gọi nó là “hồ sơ”.
Ngoài bìa, tôi cho minh họa tượng Thần Tự do và chú chuột Mickey in trên lá cờ Mỹ. Ý tôi muốn thể hiện lịch sử và văn hóa Mỹ bằng hình ảnh sự đối lập và hiện diện song song của hai khuynh hướng: Tượng thần tự do cầm ngọn đuốc, biểu trưng cho cạnh khía lý tưởng của người Mỹ, còn Mickey của phim hoạt hình Mỹ, biểu trưng cho cạnh khía thực dụng của người Mỹ. Tôi nghĩ hai yếu tố này lúc hòa hợp, lúc đấu tranh đã làm nên lịch sử và phản ánh văn hóa Mỹ. Dù ta yêu hay ghét Mỹ cũng không thể chối cãi là Mỹ đã ra đời vì lý tưởng tự do và có đóng góp đấu tranh cho tự do thế giới (thí dụ: vai trò tiên phong của Hiến pháp Mỹ). Nhưng phải nhận định là Mỹ rất thực dụng, do đó mà nạn phân biệt chủng tộc tồn tại rất lâu dài và ý tưởng làm bá chủ kinh tế thế giới cũng vậy. Những bạn Mỹ của tôi nhìn cái bìa sách đều mỉm cười, không phê phán gì.
Mỗi người sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa nhất định. Khi đột nhiên phải tiếp xúc lâu dài với nền văn hóa khác, thế nào người ta cũng bị choáng váng, bị một “cú sốc về văn hóa” (culture shock). Hiện tượng này có thể chia làm bốn thời kỳ: Thời kỳ trăng mật, độ một hai tháng (người ta thích thú phát hiện cảnh lạ, người mới); Hoang mang, choáng váng, sốc (thấy ứng xử của họ kỳ lạ, dớ dẩn, xấu...); Tìm hiểu, điều chỉnh cách ứng xử của bản thân (cho phù hợp với họ. Không tìm hiểu họ sai hay ta đúng mà tìm hiểu tại sao họ lại ứng xử theo cách của họ): Hòa nhập (chấp nhận ứng xử của họ sau 6-12 tháng).
Tìm hiểu văn hóa Mỹ cũng không ra ngoài nhận định trên. Trong tác phẩm Culture Shock! USA, Esther Wanning phân tích những đặc điểm của văn hóa Mỹ khiến người nước ngoài bị sốc khi tiếp xúc với Mỹ. Dưới đây xin lược dịch một số nét tâm lý Mỹ.
Không hiểu làm sao mà bất cứ ở sân ga nào trên thế giới, cũng có thể nhận ra ngay một người Mỹ? Mặc dù người Mỹ có nhiều gốc rễ, nhưng quả thật là họ có một phong cách Mỹ. Mỹ có người dè dặt, có người ngổ ngáo, có người hay nói, có người lầm lì, nhưng tính chất Mỹ không thể nhầm lẫn được.
Sự thân thiện – Người nước ngoài đều công nhận là người Mỹ thân thiện, cởi mở. Rất ít người Mỹ tỏ vẻ kênh kiệu, mặc dù trong thâm tâm họ tự coi mình trên thiên hạ. Tổng thống Mỹ thường nhấn mạnh: ông cũng là người bình thường như những người khác. Một giáo sư đại học đi câu cá cùng những người thợ hàn ống nước là chuyện thường. Gặp bất cứ ai, người Mỹ cũng chào một cách thân thiện bằng từ “Hi”! Đó là sự thể hiện của ý thức bình đẳng. Gặp người láng giềng thế nào cũng chào “Hello”. Ở trong một tòa nhà có người ngoại kiều ở, những người này bị dân phố ghét vì ra đường không chào hỏi họ.
Thân thiện nhưng không có nghĩa là bạn bè – Thân thiện chẳng qua chỉ thể hiện một hành vi dân chủ. Có người ngoại quốc vội vàng cho đó là tình bạn bè thì quả là hơi vội và sau đó sẽ đi đến kết luận là tình bạn ở Mỹ thật hời hợt. Từ “friend” (bạn) thực ra để chỉ người quen nói chung. “Bạn” thực sự thì ở Mỹ cũng hiếm như mọi nơi.
Tình cảm – Người Mỹ cho là không cần giấu giếm tình cảm. Nhiều khi họ lại bộc lộ hơi thái quá. Thí dụ: gặp người quen thường cũng có khi nói “It’s great to see you. You look fabulous. Let’s have lunch soon”.
Nhưng tình cảm trên chẳng qua chỉ có nghĩa: gặp nhau và trao đổi với nhau ở góc phố này quả là thú vị. Còn về bữa ăn trưa mời nhau, thì chưa hẳn là mời thực sự. Khi người Mỹ nói hồ hởi “ I like you” (Tôi thích anh) thì có thể người châu Á cho là họ nói hơi bốc. Khi hài lòng, người Mỹ mỉm cười rạng rỡ, khoa chân múa tay, hoặc tuyên bố ầm ĩ “This is marvellous, best news I’ve ever heard” (Thật là kỳ diệu, tin tuyệt vời nhất mà tôi được nghe).
Khác với người châu Á, người Mỹ chỉ mỉm cười khi được biết tin lành hay hài lòng. Người Mỹ không mỉm cười để che đậy sự lung túng; thể hiện sự buồn rầu thường khó khăn hơn với họ.
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về cái chết và tâm trạng chờ chết
TGVN. Tâm trạng người chờ chết dưới góc độ một con người, chuyện trò với họ để thông cảm và biết chỗ mạnh chỗ yếu ... |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về các dân tộc thuộc địa cũ và toàn cầu hóa
TGVN. Những xung đột ở nhiều nơi khác trên thế giới là hậu quả tham vọng của các công ty siêu quốc gia muốn nắm ... |
|
Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về 'Đánh du kích' (1946-1954)
TGVN. Sự phát triển của quân đội chính quy tiến hành song song với phong trào du kích là hình thái khác của chiến tranh ... |