Alexis Zorba là cuốn tiểu thuyết khiến cho Kazantzakis nổi tiếng, đặc biệt là trong các nước nói tiếng Anh (được dịch sang tiếng Anh năm 1952). Bác Zorba điển hình cho tính cách người dân Hy Lạp (đảo K’rê-tê), sống một cuộc sống mãnh liệt, bản năng, tự do, hào hiệp, không để ý đến đạo lý thường tình, tiền nong. Tính cách Zorba đối lập với tính cách người kể chuyện, một trí thức mọt sách, suy nghĩ liên miên hơn là sống thực. Chuyện kể một thanh niên thị dân nảy ra ý khai thác một mỏ than nâu, với sự cộng tác của bác Zorba mà chàng gặp một cách tình cờ. Việc kinh doanh thất bại vì thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm. Zorba lại sống quá phóng túng. Ghép vào cốt chuyện chính là một sự việc phụ làm rõ tính cách của Zorba. Zorba dan díu với một thiếu phụ Pháp sống lưu lạc ở một làng lân cận, một bà góa bị nghi oan là giết một thiếu niên.
Chúa Kitô bị đóng đinh câu rút lần nữa là tiểu thuyết điển hình cho phong cách của nhà văn Hy Lạp mới. Kazantzakis sử dụng huyền thoại lẫn cổ tích dân gian để đưa ra một thông điệp hiện đại, mang tính phổ biến. Câu chuyện này xảy ra năm 1922 ở một làng Hy Lạp, lên án bọn giàu có bạc đãi những người đồng hương, làm trái với lời Chúa dạy. Theo phong tục, cứ bảy năm một lần, dân một làng diễn lại tích “Khổ nạn Chúa Kitô”. Năm ấy, một bác chăn cừu được chọn đóng vai Chúa, bốn người khác sẽ đóng vai tông đồ. Trong thời gian tập kịch, một số dân Hy Lạp vùng lân cận bị bọn cai trị Thổ Nhĩ Kỳ đuổi, phải tạm trú ở làng. Họ bị dân làng giàu có bạc đãi, nên phản ứng bằng hành động đốt phá. Bác chăn chiên và các bạn đứng về phía người nghèo đi lánh nạn. Bác cầm đầu bọn họ và bị cha xứ Chính giáo giết ngay trong nhà thờ vào ngày lễ Chúa Giáng sinh.
Odyssey là thiên anh hùng ca Hy Lạp mới, kể lại chuyện phiêu lưu trong thiên anh hùng ca Hy Lạp cổ về nhân vật Odysseus của Homeros. Tác phẩm gồm 24 tập, 33.333 câu thơ, viết đi viết lại bảy lần từ năm 1925. Tác giả định tâm gửi gắm vào đây tất cả tư duy triết học của mình. Ông sử dụng những thành ngữ và nhịp điệu các bài ca dân gian, vốn cổ tích dân gian, lời ăn tiếng nói của những người chăn chiên và dân chài. Phần mở đầu và kết thúc gồm những lời khấn mặt trời; lửa và ánh sáng làm nền cho thiên anh hùng ca. Những chuyến đi của Odysseus tượng trưng cho cuộc đấu tranh đau khổ và nhiệt tâm vì tự do và sự thuần khiết của tinh thần. Theo tác giả, tác phẩm của ông là một cố gắng mới hùng dũng và sôi nổi của con người hiện đại để đi tìm giải thoát qua tất cả những giai đoạn lo âu hiện đại, theo đuổi những hoài bão táo bạo nhất.
Chúa Kitô bị cám dỗ lần cuối cùng là tiểu thuyết đề cập đến một chủ đề quan trọng trong trong sáng tác của Kazantzakis: cuộc đấu tranh bất tận giữa tinh thần và xác thịt (do quan điểm tôn giáo tự do, Kazantzakis đã bị rút phép thông công). Tác phẩm mô tả trong khoảng thời gian trên cây thập tự. Chúa Jésus bỗng cảm thấy loáng lên một sự cám dỗ: Chúa muốn sống thật những thử thách của con người. Chúa thấy mình lấy vợ, có con, sống một cuộc đời đơn giản, sung sướng, chứ không phải một cuộc sống sôi động, khổ hạnh để trở thành vị Cứu thế. Nhưng rồi, những hình ảnh ấy tiêu tan: Chúa lại thấy mình bị đóng đinh câu rút, như vậy là Chúa đã hoàn thành nhiệm vụ cứu vớt nhân loại. Chúa Cứu thế không mang lại sấm sét, tàn phá, mà hiện thân của sự chịu đựng cao cả nêu trên, các tông đồ và đồ đệ của Chúa Kitô ban đầu bán tín bán nghi, mãi cho đến khi đóng đinh câu rút, một số mới hiểu rõ sứ mạng của Chúa. Tác phẩm này bị Giáo Hoàng ra lệnh cấm (1954), bộ phim quay dựa vào tác phẩm bị phe Công giáo cực đoan (Intégristes) phản đối khi chiếu ở Paris (đốt rạp chiếu vào năm 1988).