Có lẽ chính vì vậy, người nhạc sĩ luôn luôn mang trong mình chí khí người chiến sĩ. Ông đã hoạt động tích cực trong Hội Người Việt Nam tại Pháp từ nhiều năm nay, đồng thời đóng góp hết mình cho nền âm nhạc Việt Nam. Chắc hẳn nhiều bà con Việt kiều và bạn bè Pháp chưa thể quên, giữa lòng Thủ đô nước Pháp, với bộ quần áo màu nâu may theo kiểu Tôn Trung Sơn, ông đã từng chỉ huy những dàn nhạc, những bản hợp xướng vang vọng lòng quả cảm của anh bộ đội Cụ Hồ, của những thanh niên, thanh nữ hy sinh tuổi xuân phục vụ chiến trường đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc. Và cả nhiều hợp xướng dịu dàng, thân thương của những người sống xa Tổ quốc nhớ về Đất Tổ Hùng Vương…
Tổ quốc là trên hết...
Trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào, ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ ai, ông luôn luôn nói: “Tổ quốc là trên hết”, “Dân tộc là trên hết”, “Càng xa Tổ quốc, càng yêu Dân tộc, càng phải cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho Dân tộc”, “Mà có cống hiến bao nhiêu cũng không xứng đáng với những hy sinh, gian khổ của đồng bào trong nước đâu”…
Trong tâm hồn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo còn luôn luôn ẩn khuất bản năng và giá trị của một nhà sử học. Vào những dịp gặp gỡ lâu lâu, ông thường nói say sưa về lịch sử nước nhà, nhất là lịch sử chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ, nhưng bao giờ ông cũng kết thúc bằng những câu chuyện về Cách mạng tháng Tám, về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Và rồi, trước khi nói sang chuyện khác, ông thường nói: “Bác Hồ của chúng ta vĩ đại lắm”, “Dân tộc ta vĩ đại lắm các anh ơi”.
...và lòng tự hào dân tộc
Phải chăng cái Hồn của đất Việt luôn luôn quanh quẩn bên mình, nên nhạc sĩ mới sáng tác thành công những tác phẩm như Sóng thần, Chuyện của Pao, Suối lưng mây… Ông về nước nhiều lần để đóng góp vào chương trình âm nhạc phục vụ những sự kiện lớn của đất nước. Tên tuổi đã được ghi vào Từ điển, nhưng ông sống rất bình dị và khiêm tốn. Không có xe riêng, luôn đi lại bằng các phương tiện công cộng, kể cả khi ra sân bay để về nước hoặc từ sân bay trở về nhà.
Hôm tiễn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Orly sau khi Thủ tướng kết thúc chuyến thăm chính thức nước Pháp đầu tháng 10 năm ngoái, trong khi chờ đợi tại sân bay Orly, ông Đạo tâm sự với tôi và mấy anh, chị trong Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Pháp rằng: “Thủ tướng của ta có cách nhìn rất xa, rất rộng và rất sát sao với công việc của đất nước”. Ông đơn cử hai ví dụ gần nhất: Một là, Thủ tướng đã cắt ngắn chuyến thăm để về nước trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết hậu quả do trận lũ lụt và vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; Hai là, trong buổi nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và một số bà con Việt kiều, ngoài việc nhắc lại một số ý chính trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị nói về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng có nói: bà con gửi tiền về cho người thân trong gia đình mình dù ít, dù nhiều cũng đã là đóng góp cho đất nước rồi…”. Thủ tướng nói như vậy chí lý lắm.
Nguyễn Thiện Đạo là một nhạc sĩ luôn luôn mang trong mình lòng tự hào dân tộc. Nếu trong sáng tác, ông không đặt “đúng, sai” làm thước đo mà là “hay, dở”, thì khi nhìn nhận về mỗi việc làm, về tư tưởng và các hành xử của những bạn hữu và của chính bản thân mình đối với đất nước, ông lại lấy “hay, dở”, “đúng, sai” làm thước đo phẩm giá và tố chất con người, cho nên ông coi những người sống trên đất khách, quê người mà chỉ biết chỉ trích, chỉ biết “bới lông, tìm vết” chẳng khác nào những nốt nhạc lạc lõng trong một bản hợp xướng hay một dàn đồng ca vậy.
“Rất Tây và cũng rất Ta”
Ông Đạo rất dí dỏm trong đời thường. Đã có lần tôi nói đùa với người bạn đời của ông: nếu tôi là con gái thì chắc sẽ tự nguyện ngả vào lòng người nhạc sĩ và hơn nữa, nếu được làm vợ lẽ cũng là rất tuyệt vời. Cả hai vợ chồng nhạc sĩ phá lên cười. Nhưng bà nói ngay: “Ngả vào lòng thì được, chứ đừng làm lẽ, vì ông ấy quấy lắm, nhiều đêm mất ngủ… Không phải bởi “chuyện ấy” đâu, mà là nhiều hôm, lúc 2-3 giờ sáng, đang ngủ say, ông ấy đánh thức dậy và nói rằng “Em ơi! Em thử nghe đoạn nhạc này, bài thơ này… anh vừa sáng tác xem có được không nhé!”
Mỗi lần ăn cơm với nhau, tôi thường nói: Ông rất Tây và cũng rất ta. Ông nói cần “Tây” để cho Tây biết rằng ta không kém họ cái gì. Còn phải rất “ta” vì uống nước phải nhớ nguồn. Ăn đậu rán, mà không có mắm tôm, kinh giới thì còn gì là ta; ăn canh cua mà không có cà muối thì ôi thôi còn gì chán bằng; Rau muống luộc mà không có tương thì còn đâu là hương vị; Rồi thì “quốc lủi” với tóp mỡ, rau khoai lang nộm tỏi… Ông thường nói: Đấy cũng là Quốc hồn, Quốc túy đấy.
Mong Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sinh thêm những đứa con tinh thần mới và tiếp tục góp phần xứng đáng vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.
Nguyễn Văn Đoạt
Nguyên Công sứ ĐSQ VN tại Pháp
Nhạc sĩ từng tâm sự, khi sáng tác, ông đứng giữa “cuồng dại và lý trí”. Bản giao hưởng - hợp xướng Khai giác dài 40 phút với 500 nhạc công do ông dày công sáng tác từ nhiều tháng nay chẳng khác nào thai nghén một đứa con, sẽ được trình diễn trong ngày bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tổ chức vào ngày 16/5 tới là một trong những minh chứng cho cái “cuồng dại và lý trí” ấy... |