Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy tác phẩm Hồn thiêng sông núi chào mừng Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần đầu tiên tại Hà Nội hôm 23/11. |
Sẽ nhiều hơn 86 đứa con
Tôi rất yêu Hà Nội vì tôi sinh ra ở Hà Nội. Tôi đi từ số 19 Tràng Tiền năm 13 tuổi và khi trở về Việt Nam, tôi ở trong căn nhà rất nhỏ nhìn ra mặt hồ, cảm thấy như mình chưa bao giờ ra đi...
Có lẽ số kiếp của tôi là sống cô đơn, nhưng trong sự cô đơn, tôi đã chọn cho mình con đường cả đời chỉ cống hiến cho âm nhạc. Nói như vậy nhưng không có nghĩa là tôi không có bạn đời. Vợ tôi cũng là người Việt Nam, bà làm chuyên viên kế toán. Sống với nhau đã được 46 năm, nhưng tôi mới là người phải chịu ơn vợ vì đã lo cho tôi có mọi điều kiện vật chất, tinh thần để sáng tác tốt nhất. Bà đã hy sinh toàn diện cho tôi mà chưa một lời đòi hỏi. Ngay cả khi tôi cần một số tiền nào đó để làm từ thiện hoặc trao học bổng cho sinh viên, bà ấy cũng sẵn sàng gửi mà không một câu thắc mắc. Những khi tôi ở lại Việt Nam khá lâu không về Pháp được, bà ấy chỉ nói: "Không sao, anh cứ ở lại, thở cái không khí của đất nước để hấp thụ những gì đẹp nhất của Việt Nam mà sáng tác".
Hiện đã có 86 đứa con tinh thần là âm nhạc nhưng tôi cũng chuẩn bị cho những đứa con sẽ được ra đời sau này. Sau Hồn thiêng sông núi vừa biểu diễn nhân Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần I, vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tôi có vinh dự lớn là được Hội nhạc sĩ Việt Nam đặt viết Hồn đất Việt. Đây là tác phẩm nghệ thuật tổng hợp cho giao hưởng, ban nhạc dân tộc, lĩnh xướng, múa dân tộc, múa hiện đại, trống Tây Sơn, múa ballet đương đại, ngâm Kiều, ngâm thơ… đi từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời Hồ Chí Minh. Kịch bản gồm có 16 chương, dài hơn 60 phút tôi viết trong vòng một năm liền này đã nộp cho Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) và đang chờ xét duyệt.
Hào khí nghìn năm và chất trữ tình lai láng
Tôi nhận thấy nền âm nhạc của phần lớn các nước trên thế giới đều bắt nguồn từ dân ca, trừ âm nhạc của Pháp đi lên từ dòng nhạc hàn lâm là thính phòng. Tuy học tại Pháp nhưng 80% âm nhạc của tôi không bị ảnh hưởng gì vì nó luôn thiên vê gốc dân tộc. Với xuất phát điểm là dân ca Việt Nam, tôi kết hợp thêm kỹ thuật sáng tạo và tinh tế trong phối khí của nhạc Pháp.
Từ bao năm nay, tôi vẫn đặt cho mình một câu hỏi: Cái gì độc đáo nhất của Việt Nam? Trung Quốc có những tác phẩm hoành tráng vì họ là một đất nước rộng với nền văn hóa lớn. Nhật Bản nhỏ hẹp nhưng thường xuyên chịu thiên tai như động đất nên họ có tinh thần võ sĩ đạo. Sau nhiều nghĩ suy, trăn trở, tôi nhận ra cái hay nhất, tinh túy nhất của dân tộc ta là hào khí nghìn năm kết hợp với chất trữ tình lai láng. Các nghệ sĩ của ta hãy nên sáng tác từ chính khí - chất đặc sắc này của dân tộc.
Bài học về truyền thống
Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì 10 năm nay có 2 quốc tịch, được mua nhà ở Hà Nội. Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách cởi mở, thuận lợi. Đây là thời điểm mà Việt kiều nên phát huy sự thiện chí và luôn suy nghĩ rằng: "Tôi đóng góp được gì cho Việt Nam" trước khi "Việt Nam làm được gì cho tôi?".
Một điều rất quan trọng là việc dạy tiếng Việt. Tôi cho rằng, điểm yếu lớn nhất của nhiều Việt kiều hiện nay là không có ý thức dạy cho con em nói tiếng Việt. Tôi e ngại rằng thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3 ở Pháp sẽ khó kế thừa được truyền thống. Trong cuộc đời tôi, có một người thầy mà tôi rất kính trọng là giáo sư, nhạc sĩ nổi tiếng Olivier Messiaen. Bài học đầu tiên mà ông dạy cho tôi chính là bài học về truyền thống. Khi bước vào lớp học, ông đã bảo tôi: "Anh là người Việt Nam thì hãy giữ bản sắc dân tộc Việt Nam".
THUẬN HẢI (ghi)
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sinh năm 1940. Năm 1953, ông được gia đình gửi đi Pháp du học, sau đó trúng tuyển và theo học khoa Sáng tác âm nhạc của Nhạc viện Quốc gia Paris. 10 năm sau, ông đã đoạt giải nhất sáng tác nhạc của Pháp, với tác phẩm Thành đồng tổ quốc ca ngợi Việt Nam anh dũng chống giặc ngoại xâm. Nguyễn Thiện Đạo có tên trong 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: Le Petit Larousse và Le Petit Robert cùng một số cuốn khác như Who's who? (Mỹ) và Who's who in music (Anh). Ông cũng được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch trao Huy chương Chiến sĩ Văn hóa. |