Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký thoả thuận mới tại Brussel (Bỉ) ngày 27/9. (Nguồn: AFP) |
Sau thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do, Nhật Bản và EU đã có được thêm dấu ấn mới trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với việc ký kết thoả thuận về phối hợp cùng nhau thực hiện những dự án về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vận tải và công nghệ số có tác dụng và hiệu ứng kết nối châu Âu với châu Á. Việc ký kết này đã được chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiến hành ở Brussel (Bỉ) ngày 27/9 vừa qua.
Hợp lực đối phó
Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, thoả thuận này chính thức hoá sự tham gia của Nhật Bản vào "Chiến lược kết nối với Châu Á" được EU đưa ra và thực hiện từ một vài năm nay. EU dành cho việc thực hiện những dự án trong khuôn khổ chiến lược này khối lượng tài chính 60 tỷ EUR.
Tuy EU không xác nhận chính thức nhưng ai ai cũng thừa biết là chiến lược này của EU nhằm mở rộng quan hệ hợp tác của EU với các đối tác bên ngoài và đối phó với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng như đối phó việc Trung Quốc, bên cạnh quan hệ hợp tác với khối EU, còn tăng cường tranh thủ riêng nhiều thành viên EU trong khuôn khổ quan hệ hợp tác riêng được thể chế hoá ngày càng nhiều và được gọi là khuôn khổ hợp tác 17+1.
Nhật Bản và EU không tham gia kế hoạch kia của Trung Quốc. Nhật Bản vốn không giấu diếm sự ngần ngại và nghi ngại về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và đã có hẳn chiến lược ganh đua với Trung Quốc trên phương diện này. Tuy EU và Nhật Bản quả quyết công khai là thoả thuận mới về kết nối không nhằm đối phó kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, song một trong những mục tiêu được hai bên theo đuổi với thoả thuận mới này cũng như với thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do đã được ký kết trước đó là đối phó Trung Quốc, trong ấy đặc biệt là kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Cách tiếp cận của EU và Nhật Bản ở đây là hợp sức nhằm đồng thời hai mục tiêu là tăng cường hợp tác song phương và cùng đối phó Trung Quốc. Trung Quốc có chủ định kết nối châu Á - Thái Bình Dương với châu Âu và các châu lục khác thì EU phải có chiến lược kết nối châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản cũng không thể không tìm cách vươn tới châu Âu. Vì thế, EU và Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược lý tưởng của nhau.
Thế và lực mới
EU giúp Nhật Bản tăng cường năng lực ganh đua với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khi Nhật Bản có thể giúp EU đẩy lùi và làm phá sản mưu tính của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và phạm vi hợp tác sang khu vực châu Âu và phân rẽ nội bộ EU. Chiến lược kết nối châu Á của EU với sự tham gia của Nhật Bản sẽ giúp cho cả hai mạnh thêm về tài chính, dễ được tin cậy và chấp nhận hơn về chính trị cũng như hứa hẹn hiệu quả thiết thực hơn.
EU và Nhật Bản cùng nhau tạo ra được sự lựa chọn thay thế kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cho các nước ở hai châu lục và khu vực. Hai đối tác này cùng được lợi nhiều trong cả hai kịch bản có thể xảy ra là ganh đua giữa họ với Trung Quốc và hợp tác giữa họ với Trung Quốc. EU và Nhật Bản sẽ có được thế và lực mới nếu như rồi đây cả hai có cùng tham gia kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc hoặc khi để cho Trung Quốc tham gia vào những dự án trong khuôn khổ thoả thuận kết nối này của họ.
Trong chừng mực nhất định, EU và Nhật Bản cũng còn có được tác động và hiệu ứng tương tự để xử lý quan hệ của từng bên với Mỹ. Nhật Bản vừa ký kết một thoả thuận thương mại với Mỹ, nhưng đấy chỉ là thoả thuận hạn chế chứ chưa toàn diện. EU vẫn bị Mỹ xung khắc thương mại. Sự kết nối sẽ giúp EU và Nhật Bản hợp sức đối phó Mỹ hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực bởi cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ với từng bên.
Với Trung Quốc hay với Mỹ thì EU và Nhật Bản hợp sức nhau như thế để đấu một thì nếu không làm cho đối thủ bị thì bản thân họ cũng tránh bị đối thủ làm cho chột hoặc què.
Dịch Dung