Ảnh minh họa. |
Nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Nhật Bản được đặt tại Ohi sẽ tạm ngưng hoạt động vô thời hạn kể từ ngày 16/9, đánh dấu mốc toàn bộ 50 lò phản ứng hạt nhân dừng hoạt động lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ. Quyết định của chính phủ Nhật Bản được đưa ra sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở mức nghiêm trọng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011. Nước nhiễm phóng xạ vẫn rò rỉ hàng ngày ra khu vực bên ngoài Fukushima mà chưa thể chấm đứt dù Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đã hợp tác cùng chính phủ để tìm giải pháp.
Nhà máy điện hạt nhân ở đất nước mặt trời mọc cung cấp một phần ba sản lượng điện hàng ngày. Việc đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ phải lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn. Giá điện tăng cao cùng sự bất ổn của các nhà máy điện hạt nhân khiến người dân nước này vô cùng lo lắng.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố việc đóng cửa tạm thời toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân chỉ là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn đề phòng những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai. Ông Abe cũng nói rằng các nhà máy điện hạt nhân có thể sẽ trở lại hoạt động sau 6 tháng nữa.
Trên thực tế, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, phần lớn người dân Nhật Bản muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và phản đối việc cho những lò phản ứng này hoạt động trở lại. Theo chuyên gia hạt nhân Tetsunari Iida, Giám đốc Viện Chính sách năng lượng bền vững, “Lý lẽ cho rằng nền kinh tế sẽ đi xuống nếu không có điện hạt nhân là thiển cận. Nếu chúng tôi gặp một thảm họa tương tự Fukushima thì Nhật Bản sẽ hứng chịu tổn thất lớn hơn nhiều và đánh mất sự tín nhiệm toàn cầu”.
Một số nhà phân tích cảnh báo kinh tế Nhật Bản có thể sụt giảm mạnh trong ba tháng cuối năm do chính phủ phải tăng cường nhập khẩu xăng dầu và than đá để phục vụ cho việc cung cấp điện.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản thừa nhận mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã cao hơn tới 18 lần so với những báo cáo trước đó mà Công ty Tepco ghi nhận. Mức độ bức xạ này sẽ gây tử vong cho con người chỉ trong khoảng 4 giờ tiếp xúc.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima hoàn toàn tê liệt do trận động đất và sóng thần năm 2011. Kết cấu nhà máy yếu đi rõ rệt khiến các kỹ sư không thể tiến hành can thiệp vào cấu trúc của công trình. Nước từ biển thường xuyên được bơm vào nhà máy để làm mát hai lò phản ứng còn lại nhưng công việc này lại dẫn tới việc rò rỉ phóng xạ từ nước ra môi trường bên ngoài.
Chính phủ Nhật Bản thừa nhận việc rò rỉ phóng xạ ở Fukushima không chỉ là trách nhiệm của Tepco mà còn là trách nhiệm của cả đất nước. Thủ tướng Abe khẳng định với Ủy ban Olympic quốc tế rằng, nước nhiễm xạ rò rỉ “đã được kiểm soát” và không ảnh hưởng tới nước ở Tokyo. Tuy nhiên, Tepco khẳng định “vẫn chưa kiểm soát” được tình hình ở Fukushima. Nếu như không có biện pháp xử lý kịp thời, Fukushima có thể sẽ đứng trước thảm họa hạt nhân không kém gì thảm họa Chernobyl, Ukraina.
H.D