Các nước châu Á mà Nhật Bản đang hướng tới là Trung Quốc, Thái Lan,.. nhằm giúp họ ứng phó với tình trạng dân số bị già hóa. Ở những nước này, do chế độ chăm sóc y tế cho người già chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều người vẫn cảm thấy lo lắng khi trả tiền để cha mẹ mình được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Y tá và điều dưỡng nước ngoài được khuyến khích làm việc tại Nhật Bản (Nguồn: HrinAsia) |
Chính phủ Nhật Bản đang coi dịch vụ này là một lĩnh vực tăng trưởng có tính chiến lược. Họ hy vọng sẽ cung cấp các dịch vụ điều dưỡng, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu người máy và các thiết bị liên quan đến chăm sóc sức khỏe con người.
Sáng kiến hợp tác công - tư này có thể giúp Nhật Bản, một trong những quốc gia có tốc độ “già hóa” dân số nhanh nhất thế giới, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và công nghệ về dịch vụ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe con người với các nước châu Á.
Dự án trên do Ban Thư ký Nội các Chính phủ Nhật Bản điều hành, thông qua các cuộc đàm phán với chính phủ các nước khác, hướng tới việc hạ thấp các rào cản đối với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhật Bản muốn tham gia thị trường châu Á.
Điều này sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản tiếp cận thị trường nước ngoài bằng cách cung cấp nguồn tín dụng hỗ trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và một quỹ của chính phủ.
Theo số liệu của Ban Thư ký Nội các Nhật, đã có ít nhất khoảng 50 công ty của Nhật Bản đã thực hiện kinh doanh dịch vụ này ở nước ngoài.
Trên thực tế, nguồn lao động điều dưỡng để thực hiện dịch vụ trên gặp không ít khó khăn. Tình trạng này xảy ra ở nhiều quốc gia ở châu Á, kể cả Nhật Bản. Để đối phó với tình hình trên, Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch dựa vào các đàm phán thương mại tự do để có nguồn cung lao động từ các quốc gia như Indonesia, Phillipines, và Việt Nam.
Chính phủ nước này cũng dự định đưa lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng vào danh mục những ngành công nghiệp dịch vụ có thể tiếp nhận người nước ngoài, miễn là lao động được đào tạo theo chương trình kỹ thuật của họ.