"Nghiện" điện thoại thông minh dường như làm cho hôn nhân trở nên tệ hơn. |
Tháng 7/2014, tờ Oriental Daily đưa tin: Một người đàn ông ở Đài Loan (Trung Quốc) đã đệ đơn ly dị vì lí do người vợ không chu toàn vai trò nội trợ. Anh buộc tội chị vợ mải mê chơi game trên điện thoại thông minh, đến nỗi không đoái hoài đến con cái cũng như việc nhà. Nhà cửa thì bừa bộn, con gái ốm mà không được uống thuốc đúng giờ...
Theo tờ nhật báo của Hong Kong (Trung Quốc) này, đây là trường hợp hôn nhân sứt mẻ đầu tiên liên quan đến thói quen "nghiện" điện thoại thông minh. Và trên thực tế, câu chuyện này không phải hiếm gặp trong cuộc sống ngày nay, khi mà việc sử dụng các thiết bị di động và mạng xã hội đang trở thành một khuynh hướng và một lối sống.
Trung Quốc
Theo chuyên gia tâm lý Yu Kun, 50% vụ ngoại tình liên quan đến mạng xã hội. (Nguồn: Telegraph) |
“Hôm nay bạn có ly hôn không?” đã trở thành một câu nói đùa mới và phổ biến giữa những người Trung Quốc. Điều này xuất phát từ thực tế là, tỷ lệ những cặp vợ chồng “đường ai nấy đi” ở đất nước đông dân nhất thế giới đã tăng mạnh từ năm 2004, và một trong những “kẻ” phải chịu trách nhiệm chính là sự “phủ sóng” ngày càng đậm đặc của mạng xã hội.
Số liệu thống kê từ Bộ Dân chính Trung Quốc vào đầu năm 2015 cho thấy: Năm 2013 có 3,1 triệu trường hợp ly hôn, chiếm 23,4% dân số - trong khi tỷ lệ năm 1979 là 4,7%. Riêng các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu…, tỷ lệ lên đến hơn 30%. Theo nghiên cứu về các cặp vợ chồng của tạp chí tiếng Trung Banyuetan, sự hiện diện của mạng xã hội không giúp các đôi uyên ương xích lại gần nhau hơn mà trong một số trường hợp, nó khiến cho tình trạng hôn nhân tồi tệ hơn, thậm chí là đi đến ngõ cụt.
Phát biểu trên tạp chí này, ông Chen Yiyun thuộc Ủy ban chuyên nghiên cứu về gia đình và hôn nhân cho hay, các ứng dụng mạng xã hội như WeChat hay Momo đang trở thành công cụ được ưa chuộng hơn trong việc “mời mọc” các cô gái. Theo dữ liệu từ trang web chuyên tư vấn hôn nhân Yihunyin.com, số lượng các cô nhân tình (còn gọi là “người thứ ba”) được tìm thấy trên các trang WeChat và Momo đã tăng 20% trong vài năm qua.
Là một chuyên gia tư vấn tâm lý, ông Yu Kun đã xử lý nhiều tình huống trong đời sống vợ chồng và trong đó, hơn 50% vụ ngoại tình có liên quan đến mạng xã hội.
Malaysia
Ở quốc gia Đông Nam Á này, các ứng dụng ứng dụng nhắn tin thông minh như WhatsApp đã trở thành một diễn đàn để các cặp vợ chồng trẻ bày tỏ sự tức giận sau các cuộc cãi vã. Trong bài báo mới đây trên tờ Kosmo, PGS.TS Mariani Mohd Nor, Trưởng Khoa Giáo dục, trường Đại học Malaya, chia sẻ điều đó khi trình bày về một thực trạng đáng buồn là nước này có hơn 274.000 vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng Hồi giáo trong 6 năm.
"WhatsApp giúp tăng cường mối quan hệ gần gũi hơn giữa các thành viên trong gia đình, nhưng nó đã bị lạm dụng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi họ thể hiện cơn bực tức bằng cách gửi tin nhắn trong WhatsApp, nó có thể truyền đạt một ngữ điệu hay cách hiểu khác so với ý định ban đầu của người gửi”, nhà tâm lý học này nói.
Thống kê của Cơ quan Tư pháp Shariah của Malaysia cho thấy, 38.035 cặp vợ chồng đã ly hôn từ giữa tháng Giêng đến tháng Tám năm ngoái. Nghĩa là, trung bình mỗi ngày có 156 đôi chấm dứt cuộc hôn nhân. Những nguyên nhân dẫn đến kết thúc buồn này là sự khác biệt không thể hòa giải, sự phản bội, sự can thiệp của gia đình và vấn đề tài chính. Bên cạnh đó, theo TS. Mariani, một xu hướng đang nổi lên là người dùng WhatsApp đã lừa gạt bạn đời bằng cách kết bạn với những người khác.
"Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Instagram cũng có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa các cặp vợ chồng, bởi vì sự vô cảm của nó, khi đăng tải những bài viết và hình ảnh không phù hợp", bà nói thêm.
Anh
Cứ năm người thì có một người cho biết, nguyên nhân vợ chồng họ cãi nhau thường xuyên liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội. |
Chuyện tương tự đang diễn ra tại xứ sở sương mù. Kết quả khảo sát trên 2.000 người đã kết hôn do công ty luật Slater and Gordon (Anh) thực hiện hồi tháng 4/2015 cho thấy: Cứ 7 người thì có 1 người cân nhắc chuyện ly hôn với lý do là việc bạn đời sử dụng mạng xã hội hay các diễn đàn trực tuyến khác.
Tỷ lệ tương tự đối với những trường hợp thừa nhận việc tìm kiếm bằng chứng không chung thủy của bạn đời thông qua mạng trực tuyến. Ngoài ra, 20% người được khảo sát cho biết, tình trạng vợ chồng cãi nhau thường xuyên liên quan đến việc một trong hai người sử dụng mạng xã hội.
Lý do phổ biến của người được khảo sát khi sử dụng tài khoản mạng xã hội của bạn đời, là kiểm tra xem đối tác nói chuyện với ai, gặp gỡ ai và đi đâu. Những vụ cãi nhau đều liên quan đến việc người sử dụng tài khoản liên lạc với “người cũ” bằng cách gửi những tin nhắn bí mật hay đăng những bức ảnh không thích hợp.
“Cách đây 5 năm, Facebook hiếm khi được nhắc đến trong các vụ ly hôn, nhưng giờ đây, nó đã trở nên phổ biến”, luật sư Andrew Newbury của công ty Slater and Gordon nói. “Truyền thông xã hội là kẻ thù mới của hôn nhân. Mạng xã hội, đặc biệt là những bức ảnh và bài viết trên Faecbook, ngày càng liên đới đến nguyên nhân của các vụ ly hôn”.