Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Chủ tịch đảng NLD Aung San Suu Kyi. (Nguồn: The Guardian) |
Vừa qua, Myanmar đã lựa chọn thành công Tổng thống dân sự đầu tiên của mình để thay thế Tổng thống Thein Sein, nguyên là một vị tướng. Việc ông Htin Kyaw của NLD nhậm chức vào ngày 30/3 sẽ chấm dứt quá trình chuyển tiếp chậm chạp bắt đầu từ năm 2010. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Htin Kyaw sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giúp Myanmar duy trì và thực hiện được các mục tiêu an ninh-phát triển.
Cải tổ thể chế
Các ưu tiên chính của NLD là tiếp tục tăng trưởng kinh tế và quá trình công nghiệp hóa còn non trẻ, đồng thời với việc chống tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Đảng này chưa bao giờ nắm quyền sau nhiều thập kỷ nên có được cảm tình cao của người dân khi nhấn mạnh cải cách kinh tế theo kiểu phương Tây.
NLD lên kế hoạch đẩy mạnh hình ảnh kỹ trị của mình và đánh giá lại 68 dự án lớn của chính phủ hiện đang bị tạm ngưng do phản ứng của người dân hoặc các cáo buộc tham nhũng. Một phần của nỗ lực này được xem là nhằm được nới lỏng thêm các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Đảng này cũng lên kế hoạch sắp xếp hợp lý chính phủ bằng cách giảm số lượng các Bộ, từ 36 xuống 21, và thành phần trong Nội các chiếm 60-70% vị trí là các nhà kỹ trị phi chính trị. Nhưng NLD sẽ phải đối mặt với những thách thức quen thuộc với các quốc gia đang phát triển: Để duy trì các mạng lưới bảo trợ đảng và sự ổn định chính trị, họ không thể thực sự sắp xếp hợp lý bộ máy hành chính cồng kềnh của Myanmar. Thay vào đó, họ nói rõ rằng, những nhân sự thuộc 15 Bộ bị xóa bỏ sẽ nhận được vị trí mới trong các cơ quan tương ứng.
Mặc dù vậy, đó chỉ là vấn đề nhỏ nhất của NLD. Đối thủ thể chế chính của đảng này vẫn là quân đội được Hiến pháp bảo vệ, lực lượng đã cai trị nước này trong 6 thập kỷ qua và đã đưa ra lộ trình chuyển tiếp sang hệ thống dân sự. Trong 6 năm kể từ 2010, quân đội nước này đã tư nhân hóa các ngành công nghiệp do nhà nước điều hành trước đây và chuyển giao chúng cho các đồng minh. Đồng thời, quân đội đã thông qua các nhà lập pháp được bổ nhiệm theo Hiến pháp và Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn để tiếp tục đảm bảo quyền lực của họ.
Mặc dù quân đội gần như không bị Hiến pháp động đến và Hiến pháp không thể được thay đổi nếu không có sự ủng hộ của quân đội hiện kiểm soát 25% trong Quốc hội. Tuy nhiên, NLD quả thực có thể gây áp lực cho quân đội như là sẽ sửa đổi Hiến pháp hay từng bước giảm bớt vai trò của quân đội trong nền kinh tế. NLD – với quyền kiểm soát lập pháp của mình - cũng sẽ có nhiều quyền kiểm soát đối với ngân sách của quân đội, mặc dù Quốc hội sắp mãn nhiệm vốn đã thông qua ngân sách 2016-2017.
Vấn đề sắc tộc
Về mặt Hiến pháp, NLD trên thực tế không có khả năng kiểm soát quân đội, nên họ sẽ nhận thấy khó có thể giải quyết thách thức cốt lõi của Myanmar: kiểm soát các khu vực biên giới bị chia rẽ về địa lý và đa dạng về sắc tộc. Các nhóm sắc tộc thiểu số chiếm hơn 30% dân số và được huy động trong một loạt phong trào dân tộc chủ nghĩa khác nhau (vũ trang và không vũ trang).
Chính mong muốn kiểm soát bằng vũ lực vùng ngoại vi “cứng đầu” này đã kích động cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Mặc dù quân đội kiềm chế bạo lực, nhưng họ không thể đưa các phần tử hiếu chiến vào hệ thống mới vì sự thiếu năng lực, nạn tham nhũng và các chính sách kinh tế đầy tai ương. Trái lại, NLD muốn đưa các nhóm này vào thông qua phương tiện chính trị, trong suốt thời gian đó duy trì khả năng áp đặt quyền kiểm soát trung ương. Kể từ quá trình chuyển tiếp chính trị năm 2010, việc giải quyết vấn đề biên giới đã trở nên vô cùng phức tạp: NLD nắm giữ quyền kiểm soát chính trị trong khi quân đội độc quyền về bạo lực hợp pháp.
Sự phân chia quyền lực này đã thách thức việc quốc gia này đạt được tiến bộ trong những cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra với các nhóm vũ trang. Các lực lượng vũ trang sắc tộc chiếm số lượng lớn hàng chục nghìn người và kiểm soát những phần lãnh thổ rộng lớn. Do đó, nhiệm kỳ của chính quyền NLD sẽ được đánh dấu bằng xung đột sắc tộc tiếp tục.
Tuy nhiên, việc NLD lựa chọn các ứng cử viên Tổng thống cho thấy, vấn đề sắc tộc quan trọng như thế nào để đạt được mục tiêu của họ: ông Kyaw có một phần sắc tộc Mon và ông Van Thio thuộc sắc tộc Chin – hai nhóm thiểu số chính ở nước này. Bà Suu Kyi từng tuyên bố, các đảng viên NLD, chứ không phải là người được bổ nhiệm từ các đảng sắc tộc, sẽ nắm giữ tất cả các vị trí Bộ trưởng ở cấp bang và khu vực. (Mặc dù bản thân những người được bổ nhiệm có khả năng sẽ là các chính trị gia thuộc NLD, đồng thời là thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số).
Cuộc chiến biên giới
Hiện quân đội Myanmar đang tăng cường cuộc chiến của họ chống lại những người sắc tộc nổi dậy, tập trung vào những người kiểm soát biên giới với Trung Quốc. Kể từ năm 2011, cuộc chiến này đã gây thương vong cho nhiều dân thường, nhưng thay vì giảm bớt thì quân đội lại đẩy mạnh chúng. Khi quân đội khiến những phần tử vũ trang sắc tộc chống lại nhau thì đó chính là một diễn biến phá hoại những nỗ lực của NLD nhằm lôi kéo các nhóm này.
Mối đe dọa lớn nhất cho quyền lực của Chính phủ Myanmar là mạng lưới lỏng lẻo các nhóm dân quân sắc tộc trải dài dọc theo biên giới với Trung Quốc: Tổ chức Độc lập Kachin, Quân đội Tự do Quốc gia Ta’ang, hai đội quân sắc tộc Kokang và Quân đội Nhà nước Wa thống nhất... Giống như các cartel ở phía Bắc Mexico, các nhóm này kiểm soát những khu vực sinh lợi dọc theo biên giới với một nền kinh tế luôn vận động.
Họ có quyền tiếp cận dễ dàng vô số vũ khí loại nhỏ và cung cấp thuốc phiện, thuốc kích thích và các nguồn tài nguyên như gỗ, khoáng sản và đá quý cho thị trường đang phát triển của Trung Quốc. Đặc biệt, người Kokang và Wa - phần lớn là sắc tộc Hán, được coi là có mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc (cả ở địa phương và trung ương), đóng vai trò như một kiểu đòn bẩy mà qua đó Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến Chính phủ Myanmar.
Từ năm 1989 đến năm 1994, dưới áp lực của những biện pháp trừng phạt và NLD còn non trẻ, quân đội đã làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn với một vài nhóm dân quân. Thậm chí, 3 trong số đó (Quân đội Tự do Quốc gia Ta’ang, Quân đội Liên minh Dân chủ dân tộc Myanmar và Quân đội Nhà nước Wa thống nhất) còn được trao cho khu vực tự trị được ủy nhiệm theo Hiến pháp của riêng họ.
Chiến lược hiện tại của quân đội là chiến lược chia để trị, khiến vô số những người nổi dậy sắc tộc ở Đông Bắc Myanmar chống lại nhau. Hồi tháng 10/2015, chính phủ sắp mãn nhiệm đã tìm cách ký kết một thỏa thuận ngừng bắn với 8 nhóm dân quân – ít hơn so với con số mong muốn là 15, tuy nhiên vẫn đủ để tạo điều kiện cho một số lượng đáng kể các nhóm bị cấm trước đây tham gia các hoạt động kinh tế hợp pháp. Kể từ đó, quân đội đã sử dụng các nhóm này, đặc biệt là Hội đồng Khôi phục Nhà nước Shan, chống lại các nhóm khác.
Lệnh ngừng bắn này đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh nhằm kiểm soát biên giới. 7 nhóm quyết định không tham gia thỏa thuận ngừng bắn này vì họ muốn đưa vào cả những nhóm sắc tộc Hán - Myanmar tham gia thỏa thuận, một đòi hỏi bị quân đội từ chối. Ngay sau thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng Mười, quân đội Myanmar bị cáo buộc là đã sử dụng Hội đồng Khôi phục Nhà nước Shan như là một đội quân ủy nhiệm chống lại các nhóm này.
Vào tháng Mười Một, Hội đồng Khôi phục Nhà nước Shan đã cử 200 chiến binh tới biên giới Trung Quốc, nơi họ giao chiến với Quân đội Tự do Quốc gia Ta’ang. Vào tháng Một vừa qua, nhóm này đã cử thêm 300 chiến binh và tham gia nhiều cuộc xung đột hơn. Trong cả hai trường hợp, có thông tin rằng chính phủ đã cung cấp phương tiện vận tải cho các phần tử vũ trang sắc tộc và giúp họ qua lại an toàn các trạm kiểm soát.
Quân đội cũng được cho là đã bí mật dính dáng tới việc thành lập một nhóm dân quân sắc tộc mới ở bang Kachin – Quân đội Dân tộc Shan-Ni – nhằm giúp làm suy yếu Tổ chức Độc lập Kachin hùng mạnh. Và, theo Quân đội Tự do Quốc gia Ta’ang, 7 trong số 10 lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ của quân đội Myanmar hiện đóng tại bang Shan ở phía Bắc.
NLD sẽ “thừa kế” cuộc xung đột đang tiến triển chậm chạp này, bị chi phối bởi một chiến lược quân sự mà họ không kiểm soát. Theo nhiều cách, việc quân đội đẩy mạnh chống lại các nhóm dọc theo biên giới Trung Quốc – cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua các nhóm dân quân ủy nhiệm – là sự tiếp tục chiến lược của lực lượng này kể từ đầu những năm 2000. Khi NLD tìm cách kiểm soát cuộc xung đột dường như không thể giải quyết ở Myanmar, thì uy tín của họ với các sắc tộc và cả với cộng đồng quốc tế có khả năng sẽ bị thách thức.