📞

Nhiếp ảnh Mỹ Catherine Karnow: Việt Nam một đất nước nhiều phiên bản nhưng thân thiện và mạnh mẽ

07:07 | 10/10/2018
Những câu chuyện đầy tính nhân văn đã được nhà nhiếp ảnh Catherine kể một cách say sưa, với tâm thế như đang xảy ra mới hôm qua, hôm kia và thậm chí ngay trước mắt vậy. 
Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow.

Là con của chủ bút tạp chí Time Life - Stanley Karnow, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Catherine Karnow với hành trình 30 năm đeo đuổi những dự án riêng của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Sau chuyến thăm Việt Nam đầu tiên cùng với cha vào năm 1990, chị đã quay trở lại Việt Nam nhiều lần trong suốt 28 năm qua, để rồi hình ảnh một Việt Nam buồn bã, ảm đạm đã chuyển đổi thật nhanh trước ống kính máy của Catherine thành thân thiện, mạnh mẽ và hướng đến tương lai…

Những câu chuyện đầy tính nhân văn đã được nhà nhiếp ảnh Catherine kể một cách say sưa, với tâm thế như đang xảy ra mới hôm qua, hôm kia và thậm chí ngay trước mắt vậy. 

Và chỉ trong hơn một giờ, cũng không thể cảm nhận hết những gì chị đã trải qua, nhưng với những gì chị đã và đang có về Việt Nam, chị bảo “Đó không chỉ là tình yêu chị dành cho cha của mình và còn là cách thể hiện một phần tình cảm của người dân Mỹ đối với mảnh đất Việt Nam, để vết thương trong quá khứ vơi đi và lành lại”, cũng đủ để chúng ta cảm nhận một đất nước Việt Nam trong suốt hành trình 28 năm.

Thế giới và Việt Namxin chiasẻ cùng bạn đọc cuộc trò chuyện thú vị này.

Chị đã đến với Việt Nam như thế nào, là một sự tình cờ hay có một lý do nào khác?

Catherine: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hong Kong vào thập niên 60 của thế kỷ trước, đây cũng là thời điểm mà cuộc chiến tranh ở Việt Namđang bước vào giai đoạn ác liệt. Thật sự, lúc đó tôi không hiểu nghĩa “Việt Nam”là gì, thậm chí tôi còn không biết chắc chắn đó là một quốc gia, mà chỉ là một cái tên ở đâu đó rất gần nhưng rất đáng sợ và đầy đe dọa. 

Con đường đến với Việt Nam của tôi vô cùng thuận lợi. Bởi cha tôi là nhà báo nổi tiếng Stanley Karnow, ông là chủ bút của tạp chí Time-Life và lúc đó với tư cách là phóng viên nước ngoài cho báo The Washington Post. Ông viết bài về Trung Quốc, Đông Nam Á và đặc biệt là về Việt Nam.

Nên trong chuyến đến Hà Nội viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của cha tôi tháng 3/1990, ông đã đưa mẹ và tôi theo cùng và mặc dù tôi đi theo con đường chuyên nghiệp nhưng vẫn chỉ là người mới vào nghề, do vậy suốt chuyến làm việc của cha tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hầu như tôi chả có được “sáng kiến” gì cho riêng mình. 

Sau khi về lại Mỹ, mẹ tôi bảo “đáng lẽ con nên là người chụp ảnh câu chuyện đó, vì cha con và vì cả những điều đẹp đẽ trong cuộc sống”. Đó chính là động lực để tôi ấp ủ nhiều dự án cho riêng mình tại Việt Nam.

Trong lúc tôi đang loay hoay không biết sẽ bắt đầu từ đâu để đến với Việt Nam sau chuyến đi với cha mình, không lâu sau đó tôi đến Sydney và tình cờ gặp được một thanh niên người Việt mà anh đã rời khỏi đất nước bằng thuyền vào năm 1981. Anh bảo tháng 7 anh dự định sẽ về Việt Nam, đó cũng là chuyến về Việt Nam lần thứ 2 của anh và anh muốn mời tôi đi cùng.

Tôi đã đồng ý và đó như một định mệnh vậy.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghép bởi 8.800 bức ảnh của Catherine

Và chị đã đến với Việt Nam và những bức ảnh của chị đủ sắc màu hỷ nộ ái ố, từ cuộc sống rất đời thường đến những nhân vật rất nổi tiếng như tướng Giáp, Phạm Xuân Ẩn...  Vậy chị có gặp khó khăn để thể hiện bản thân khi chị đối diên với từng hoàn cảnh và từng nhân vật?

Catherine: Đúng vậy. Sau chuyến đi về Việt Nam tháng 7 thì tôi đã về thêm rất rất nhiều lần khác nữa trong suốt 28 năm qua. Trong quá trình làm dự án của mình, tôi cũng thật sự không gặp bất kỳ khó khăn gì. 

Bởi tôi may mắn khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề báo chí, cha tôi đã từng viết cuốn sách kinh điển gây tiếng vang lớn về sự thật của cuộc chiến tranh Việt Nam “Việt Nam, một lịch sử”. Khi xuất bản, cuốn sách đã làm người Mỹ phải tiếp tục nói về Việt Nam sau khi không còn hiện diện và cả là những năm tháng im lặng, giận dữ và xấu hổ.

Và ông đã có những bài học cho bản thân và cho nghề nghiệp. Vì vậy, ông luôn động viên và cho tôi lửa nuôi dưỡng đam mê của mình. Ông bảo “tôi phải tự tin là chính mình cho dù đối diện với bất cứ điều gì”, điều đó đã giúp cho tôi cảm thấy tự tin, gần gũi hơn với mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh mà tôi có cơ hội hay mong muốn được tiếp cận.

Nhiếp ảnh gia Catherine Karnow trong một lần phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chụp những bức ảnh đời thường và những bức ảnh nhân vật nổi tiếng, theo chị điều gì là khó khăn nhất? 

Catherine: Như tôi đã chia sẻ ở trên, sự chân thành và cầu thị đã đem đến cho tôi rất nhiều thuận lợi để đến với từng nhân vật và có lẽ trong đó cũng có cả sự may mắn.

Riêng với Tướng Giáp, tôi may mắn vì trước đó cha tôi đã có bài phỏng vấn ông cho tạp chí New York Time và tôi cũng đã được gặp ông nhưng lúc đó tôi chỉ là đứa “ăn theo”. Nên khi được giới thiệu làm quen với gia đình Đại tướng vào 7/1990, ban đầu tôi có cảm giác hơi sợ hãi, không tự tin vì ông là người quá nổi tiếng, ảnh hưởng của ông sau trận Điện Biên Phủ đã vang dậy toàn cầu.

Tuy nhiên, khi chia sẻ với cha tôi về điều đó, ông bảo “Không cần con phải có kiến thức như chuyên gia về chiến dịch Điện Biên Phủ hoặc lịch sử của Việt Nam, chỉ cần con tự tin và chia sẻ với Đại tướng tất cả những điều con suy nghĩ”. Kết quả là tôi được gia đình Đại tướng đón tiếp nồng ấm và những ngày sau đó, tôi trở nên thân thiết với tất cả mọi người trong gia đình Đại tướng.

Trong hàng loạt các bức ảnh của chị từ những năm 90 của thế kỷ trước, với chị bức ảnh nào để lại ấn tượng nhất? 

Catherine: Sau 28 năm đến Việt Nam, tôi có nhiều bộ ảnh khác nhau và tôi xem những bức ảnh mình chụp giống như những đứa con vậy. Cha mẹ luôn nhìn con cái của mình hằng ngày bằng ánh mắt yêu thương. 

Nhưng có lẽ bức ảnh để lại ấn tượng nhất chính là người phụ nữ trên đoàn tàu Thống Nhất. Tôi đã lên chuyến tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn nhưng trạm dừng chân của tôi ở Huế, Vậy mà, chuyến tàu đi chậm như sên trong cái nóng của mùa hè tháng 7 nên phải mãi đến 3 ngày sau tôi mới đến được. Khi ở trên tàu, cả ngày tôi cứ đi từ toa này đến toa tàu khác, với hy vọng chụp được những bức ảnh đời thường Việt Nam và cuối cùng tôi bắt gặp người phụ nữ tên Trần Thị Điệp tôi chụp vào năm 1990. Chị là giáo viên và cũng đang trên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn. Khi tôi thấy chị cùng ba con nhỏ của mình nhìn ra cửa sổ. Nhìn ánh mắt người của chị và nụ cười của những đứa con chị chứa đựng niềm tin mãnh liệt vào tương lai mà phía trước là Sài Gòn, chị sẽ có một cuộc sống đầy đủ hơn và tương lai sán lạn hơn. Ánh mắt đó, tôi cảm nhận như đại diện cho tất thảy người dân Việt luôn hướng về tương lai phía trước.

Tôi rất tâm đắc và cứ mãi ngắm nhìn bức ảnh này, vì mỗi lần nhìn lại bức ảnh, nó giúp tạo ra động lực cùng nguồn cảm hứng mới cho tôi trong những dự án sắp tới. 

Catherine giới thiệu về triển lãm ảnh “Việt Nam- 25 năm của một đất nước đang thay đổi” tại Tổng lãnh sự Hoa Kỳ. (Ảnh: Bảo Lan)

Tôi biết, chị có rất nhiều bộ ảnh với Tướng Giáp và bức chân dung được tạo bởi 8800 bức ảnh nguyên tác của chị và trở thành bức ảnh nổi tiếng xuất hiện nhiều trên ấn phẩm của Việt Nam cũng như nước ngoài. Chị có điều gì chia sẻ?

Catherine: Người Pháp gọi ông là “Ngọn núi lửa phủ Tuyết”, nên thật sự mà nói, tôi vô cùng tự hào và vinh dự khi được nhiều lần làm việc, gặp gỡ và là nhà báo duy nhất được theo cùng Đại tướng trong nhiều sự kiện để tôi có cơ hội chụp lại từng khoảng khắc của vị Tướng lừng danh, như chuyến thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1994 và căn cứ Mường Phăng- nơi ông đã ẩn náu những tháng này chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ lừng danh...

Tôi cũng rất hãnh diện, khi bức ảnh chân dung Tướng Giáp do chính tôi chụp đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm trong nước và quốc tế. Tôi đã rất kiên nhẫn để có được nó. Bởi lúc đó tôi một mình quay trở lại Việt Nam mà không có cha tôi bên cạnh (7/1990) và ngôi nhà của ông thì có vẻ tối lại kín, chỉ có vài ngọn đèn neon đủ soi thấy mặt người nhưng không đủ đế tôi có thể chụp. Nên tôi đã “liều” mình và được ông cho phép, tôi đã đi khắp nhà ông, mỗi bước đi của tôi đều có bảo vệ của ông theo dõi chặt chẽ và cuối cùng, tôi tìm thấy một dãi ánh sáng chiếu xuống những bậc cầu thang. Tôi đã đề nghị Đại tướng ngồi vào vị trí đó. Đó quả là một cách không chính thống để chụp ảnh một con người đầy quyền lực như vậy, nhưng rõ ràng Ông (PV) thích cách làm việc gan lì và kiên nhẫn của tôi!

Tình cảm của tôi đối với Ông nói riêng và với Việt Nam ngày càng lớn. Khi biết tin Ông  từ trần, tôi quyết định trở về Việt Nam để chia buồn cùng gia đình ông và chụp bộ ảnh quốc tang. Tôi rất cảm động khi chứng kiến nhiều người dân cầm trên tay bức ảnh chân dung Tướng Giáp của tôi trong Lễ quốc tang. Tôi tự hào vì bức ảnh của mình có thể giúp nhân dân VN bày tỏ tấm lòng mến mộ, lòng đau buồn của họ trước sự ra đi của Ông.

Như chị đã chia sẻ, gần 30 năm chị đã dành nhiều tình cảm cho Việt Nam. Vậy Việt Nam trong mắt chị 40 năm qua thay đổi như thế nào? 

Catherine: Mỗi chuyến trở về Việt Nam của mình, tôi có cơ hội làm quen với nhiều người bạn mới, được gặp gỡ những nhà báo Việt Nam, mỗi người tôi gặp thì họ lại tôi có nguồn cảm hứng mới và cho tôi cảm giác thuộc về nơi đây, giống như quê hương thứ hai của mình vậy.

Tôi thật sự thán phục trước tốc độc phát triển, hiện đại hóa của Việt Nam. Điển hình là nhiều tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng phát triển cùng đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vì lý do gì đó tôi vẫn bắt gặp đâu đó những đôi mắt buồn, có thể lịch sử khó nhọc của đất nước đã in dấu trong từng tế bào của họ… Nhưng chính lịch sử đã tạo ra một đất nước Việt Nam nhiều phiên bản và những phiên bản đó không bao giờ lập lại, bởi một đất nước Việt Nam ngày càng thay đổi, ngày càng mạnh mẽ và phát triển về phía trước.

Quỹ D.O.V.E hỗ trợ 144 chiếc xe PET cho những người bị tàn tật do chiến tranh và bị nhiễm chất độc da cam tại miền Trung Việt Nam và ảnh nhỏ là em Nguyễn Thị Lý - sẽ là một trong những bức ảnh được Catherine triển lãm trong bộ ảnh chất độc màu da cam tới đây.

Được biết chị cũng đã đến Việt Nam với nhiều dự án. Vậy dự án tiếp theo của chị là gì?

Catherine: Cuộc tham chiến của Mỹ đã là một sai lầm. Hậu quả là có đến gần 100.000 đứa con lai mà chính phủ Mỹ phải nhận trách nhiệm, bằng việc cho phép họ di dân sang Mỹ cùng những người thân của họ thông qua một luật được ban hành vào năm 1987.

Nghiêm trọng hơn là đã hơn 4 thập kỷ trôi qua, nhưng số phận của nhiều người dân bị nhiễm bệnh tật, bị biến dạng kinh hoàng đến ba đời ở nhiều gia đình Việt Nam bởi chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống trên nhiều vùng đất của Viêt Nam. 

Và mặc dù quân đội Mỹ đã nhận trách nhiệm nhưng họ cũng mới chỉ hỗ trợ để dọn dẹp môi trường và một phần nhỏ dùng cho viện trợ nhân đạo. Là một người Mỹ, tôi cảm thấy một phần trách nhiệm phải công khai những nổi đau kinh hoàng này, để cộng đồng quốc tế hiểu hơn về những nguy hại mà chất độc màu da cam đã gây ra cho con người để không rơi vào sai lầm thêm lần nữa.

Những dự án của tôi luôn nhận được sự ủng hộ của cha và gia đình, họ đã giúp tôi hỗ trợ cụ thể cho từng nạn nhân. Đồng thời, đã cùng làm việc với các tổ chức nhân đạo, như Chilren of Vietnam, Quỹ D.O.V.E và đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể và rất tích cực từ các tổ chức này. Ngoài ra, sự hiện diện của thượng nghị sỹ Patrick Leahy đã buộc chính phủ Mỹ phải thực hiện viện trợ nhân đạo, sự hỗ trợ của gia đình bác sỹ người Mỹ John Abby… và hơn thế nữa là việc quay trở lại Việt Nam của nhiều cựu chiến binh Mỹ để hỗ trợ cho những nạn nhân mà họ là một phần gây ra nổi đau cho họ. 

Khi tiếp xúc với họ, tôi cảm giác như nỗi đau của chính mình và đó là những điều tôi đau đáu. Vì vậy,  tôi đang lựa chọn thời gian thích hợp để triển lãm bộ ảnh về nạn nhân chất độc màu da cam. Tôi kỳ vọng, chính phủ Mỹ tiếp tục quan tâm và có hành động cụ thể hơn đối với nạn nhân, tiếp tục mở rộng chương trình công tác xử lý và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đó không chỉ là tình yêu tôi dành cho cha của mình với những dự án còn bỏ dở khi ông đã không còn thời gian để thực hiện, mà còn là cách thể hiện một phần tình cảm của người dân Mỹ đối với mảnh đất Việt Nam, để vết thương trong quá khứ vơi đi và lành lại.

Xin cảm ơn chị đã dành thời gian cho Thế giới & Việt Nam. Chúc chị sẽ tiếp tục thành công với những dự án đã ấp ủ của mình trong thời gian tới.