Những năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore luôn phát triển tích cực và là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cao. Tuy nhiên, với vị trí địa lý đặc thù, Singapore trở thành trạm trung chuyển thương mại của thế giới, Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu mới nổi với nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh nhưng thương mại song phương vẫn chưa tương xứng.
Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ ngày 24-26/2 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tạo ra xung lực mới trong quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực, đi vào triển khai.
Nhà đầu tư Singapore đã xây dựng hàng loạt dự án nhà ở, căn hộ, đặc biệt là các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Thị trường nhỏ, tiềm năng lớn
Mặc dù dịch Covid-19 đã tác động tới các nền kinh tế; trong đó, có Việt Nam và Singapore nhưng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Đặc biệt, ngay trong tháng đầu năm mới 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng lưu ý, tính đến tháng 2/2022, Singapore đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Đây là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Không những thế, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia vào 18/21 ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Singapore đã có dự án đầu tư tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Tin liên quan |
Việt Nam-Singapore: Những con số ấn tượng bất chấp đại dịch |
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Singapore là một thị trường tương đối nhỏ nhưng là một thương cảng tự do lớn, gần như không có hạn chế nào về nhập khẩu.
Hiện nay, hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore đều được miễn thuế, trừ một số mặt hàng như ô tô, xăng dầu, rượu và thuốc lá. Đây cũng là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia, thương mại, logistics lớn của Đông Nam Á và toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hoá. Dù khoảng cách địa lý giữa Singapore và Việt Nam không xa nhưng chưa nhiều mặt hàng của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể thâm nhập vào quốc đảo này.
Theo bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, hiện nay, có đến 21 trong số 25 nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới có trụ sở tại Singapore, đồng thời đây cũng là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Hơn nữa, hệ thống cảng biển Singapore hiện được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia, thông qua 200 tuyến vận chuyển. Có khoảng 5% lượng hàng được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng.
Chính vì vậy, xuất khẩu hàng hoá vào Singapore ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội lớn hơn là tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thị trường Singapore qua các sàn thương mại điện tử. Đây là kênh tiếp cận dễ nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam cũng như là một hình thức huấn luyện chuyển đổi số cho doanh nghiệp với chi phí thấp”, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, thị trường thương mại điện tử của Singapore có độ mở lớn đối với hàng hoá nước ngoài, có xu hướng tiêu dùng xuyên biên giới mạnh mẽ.
Do đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập thị trường hoặc thử thị trường, thị hiếu, gu của người tiêu dùng Singapore thông qua thương mại điện tử.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cần tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai nước đã tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, là hai nước duy nhất trong khu vực có các Hiệp định toàn diện với EU và Vương quốc Anh, Việt Nam và Singapore có thể bổ trợ để cùng khai thác và thâm nhập vào các thị trường này.
Tận dụng lợi thế
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thị trường này đang có rất nhiều sàn thương mại điện tử đang hoạt động như Shopee, Lazada, Amazon.sg, Qoo10, Ezbuy, Ebay…Hầu hết các sàn thương mại điện tử đều cho phép đóng gói và kiện toàn dịch vụ từ nước ngoài trừ Amazon.sg và các sàn chuyên về thực phẩm.
Chi phí phải trả cho các sàn giao dịch thương mại điện tử là 7,5% giá trị giao dịch, không kể chi phí vận chuyển. Không những thế, người tiêu dùng Singapore sẽ vào thẳng các sàn này để tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu.
Vì vậy, thị trường Singapore rất thích hợp để các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể thử nghiệm tham gia thương mại xuyên biên giới.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự thành lập công ty ở Singapore hoặc tìm nhà nhập khẩu Singapore để tự làm các thủ tục, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ/thương mại điện tử.
Về FTA giữa Việt Nam với EU và Anh, FTA giữa Singapore với EU và Anh, ông Ngô Chung Khanh- Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, FTA Việt Nam với EU loại bỏ các dòng thuế từ 3-7 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, dài hơn so với thời gian 3 năm của FTA Singapore - EU.
Giới thiệu hàng hóa Việt Nam tại Singapore. (Nguồn: Báo Hà Nội Mới) |
Đối với FTA Việt Nam - Anh tương tương FTA Singapore – Anh bởi cả EU và Anh đều không áp dụng hạn ngạch thuế quan và quy tắc cộng gộp với thực phẩm chế biến từ Việt Nam.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể hợp tác sử dụng hạn ngạch thuế quan về sản phẩm thực phẩm chế biến mà EU, Anh đã cấp cho Singapore; hợp tác tạo ra chuỗi giá trị theo phương thức sản xuất thiết bị gốc để mở rộng xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác để tạo sự hiện diện thương mại, chế biến thực phẩm để xuất khẩu.
Ghi nhận những thành tựu hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Singapore thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực để thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, đóng góp vào việc phát triển quan hệ “Đối tác Chiến lược” giữa Việt Nam và Singapore.
Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất triển khai hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số; hợp tác về thương mại thông qua các sàn giao dịch hàng hóa của Singapore, nhất là sàn giao dịch hàng nông sản của Singapore.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý việc tận dụng các FTA mà hai nước tham gia; trong đó khuyến khích doanh nghiệp hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, viễn thông, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thuộc khối CPTPP và RCEP.
Hơn nữa, tận dụng lợi thế khi Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khu vực có các Hiệp định toàn diện với EU và Vương quốc Anh để có thể bổ trợ cùng khai thác, thâm nhập thị trường EU và Vương quốc Anh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch điện VIII đến 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, Việt Nam đang giảm dần các nhiên liệu sơ cấp, nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch như năng lượng tái tạo, điện khí, điện sinh khối.
Singapore là quốc gia phát triển trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch, có kinh nghiệm và có khả năng giúp đỡ các quốc gia khác trong lĩnh vực này. Vì vậy, Bộ Công Thương Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng kỳ vọng phía Singapore hỗ trợ thúc đẩy kết nối, đưa các sản phẩm nông thủy sản thế mạnh của Việt Nam, nhất là các loại trái cây tươi như vải, nhãn, thanh long vào các hệ thống phân phối lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường cũng như người dân Singapore được thưởng thức trái cây đặc sản Việt Nam.
| Đại sứ Mai Phước Dũng: Rất nhiều nhà đầu tư Singapore đặt niềm tin và tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo khí thế mới, động ... |
| Báo chí Singapore: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định mối quan hệ tuyệt vời Ngày 22/2, trang Channel News Asia dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) thông báo về chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch ... |