Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 (Quyết định số 208/QĐ-TTg). Đây là chiến lược đầu tiên của Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa nhằm triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội lần thứ XI của Đảng. Chiến lược xác định nội hàm khái niệm, các mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp triển khai cụ thể của ngoại giao văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, dù còn một số tồn tại, hạn chế, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tham gia tích cực triển khai của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, công tác ngoại giao văn hóa đã được triển khai sâu rộng ở nhiều cấp độ, cả trong và ngoài nước và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, đóng góp tích cực vào thành công chung của đối ngoại và sự phát triển của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bối cảnh triển khai Chiến lược
Nhìn lại 10 năm qua, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo trước Đại hội XI.
Bên cạnh những mặt thuận lợi như: hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế; các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa trong phát huy bản sắc dân tộc và tăng cường sức mạnh mềm quốc gia; những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra những công cụ đắc lực để truyền tải nhanh chóng, rộng rãi các giá trị văn hóa, công tác ngoại giao văn hóa cũng đứng trước nhiều thách thức như: sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước trên nhiều lĩnh vực, kể cả trên lĩnh vực văn hóa; chiến tranh, xung đột, khủng bố vẫn diễn ra ở một số nơi, trong đó có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn văn hóa, tôn giáo, sắc tộc; các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó văn hóa là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ở trong nước, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về xây dựng, bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành ngày càng quan tâm, coi trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, trình độ phát triển, năng lực hội nhập quốc tế của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, còn hạn chế so với thế giới. Mặt trái của kinh tế thị trường, thông tin giả, thông tin xấu, độc hại trên internet, đặc biệt là trên mạng xã hội ngày càng nhiều; việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hóa cũng làm tăng nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông mới để truyền bá văn hóa, kích động bạo lực, thù hận và thực hiện "diễn biến hòa bình".
Những kết quả đạt được sau 10 năm
Trong bối cảnh đó, là một trong những trọng tâm công tác của đối ngoại, công tác ngoại giao văn hóa đã bám sát các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng về đối ngoại và phát triển văn hóa, gắn kết với các chiến lược ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, đổi mới, sáng tạo các biện pháp triển khai nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững đất nước và góp phần nâng cao vị thế, uy tín và sức mạnh mềm quốc gia.
Ngoại giao văn hóa kết hợp với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế giúp tạo hiệu ứng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, du lịch, góp phần mở rộng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương và đối tác nước ngoài. Một số địa phương đang hướng đến xây dựng thương hiệu "thành phố sáng tạo", "thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO, trở thành trung tâm của khu vực và thế giới trong lĩnh vực ẩm thực, điện ảnh... |
Thứ nhất, ngoại giao văn hóa quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới. Các hoạt động quảng bá được cả hệ thống chính trị tích cực triển khai nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước Việt Nam có lịch sử hào hùng hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, một đất nước tươi đẹp và giàu tiềm năng phát triển; con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thân thiện và hiếu khách; nền văn hóa Việt Nam đặc sắc, đa dạng và hòa hợp.
Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tiến hành nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế; tổ chức nhiều chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, Tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; vinh danh các anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam.
Đặc biệt, các hoạt động tôn vinh "Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất", được triển khai hiệu quả tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (ở tất cả các châu lục), với nhiều hình thức, quy mô đa dạng, phong phú, đã góp phần tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam và con đường xây dựng đất nước mà Việt Nam đang lựa chọn. Các hoạt động quảng bá đó có ý nghĩa quan trọng trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Thứ hai, ngoại giao văn hóa góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Việc đưa nét đặc trưng, tinh tế của văn hóa Việt Nam vào công tác đón tiếp Lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam nhân các chuyến thăm, hội nghị, các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam như việc đón tiếp chu đáo, thân tình; xây dựng bộ nhận diện hình ảnh, thiết kế trang phục cho Lãnh đạo cấp cao, chuẩn bị quà tặng đối ngoại, chiêu đãi ẩm thực, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, bố trí cho các đoàn khách quốc tế tham quan danh lam thắng cảnh, cơ sở văn hóa, lịch sử Việt Nam; gia tăng hàm lượng văn hóa trong xây dựng nội dung phát biểu của Lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương, đã góp phần xây dựng quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa các lãnh đạo, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và giành được thiện cảm của các nước dành cho Việt Nam, góp phần vào thành công chung của các hoạt động chính trị.
Hoạt động gắn biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Marseille (Pháp) vào ngày 26/11/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng hình ảnh tổng thể về Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch; có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và đồng thời cũng dễ hòa hợp đối với người nước ngoài đầu tư, lao động, học tập tại Việt Nam.
Tính đến tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận 46 danh hiệu/di sản, đứng đầu các nước ASEAN về số lượng di sản được UNESCO công nhận. Các danh hiệu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư, du lịch, tạo công ăn việc làm của địa phương, bên cạnh ý nghĩa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Thứ ba, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao vị thế đất nước và tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững đất nước. Tại các diễn đàn đa phương, ngoại giao văn hóa kết hợp với ngoại giao chính trị xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam, phát huy và làm lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam thông qua việc thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm của quốc gia thành viên tham gia đóng góp vào công việc chung của tổ chức, ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các giá trị phổ quát; thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cùng chung nỗ lực, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu như phòng chống Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển bền vững...
Tại ASEAN, ngoại giao văn hóa Việt Nam đã đóng góp tích cực, cùng các quốc gia thành viên xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) thông qua các sáng kiến, đề xuất nhằm góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh, nâng cao nhận thức của người dân hướng đến Cộng đồng ASEAN; tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường...; thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN, tạo dựng một bản sắc văn hóa chung ASEAN, qua đó góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Tại tổ chức UNESCO, Việt Nam đã chủ động tham gia các kỳ họp, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp xây dựng đối với các vấn đề liên quan đến chính sách, quản trị và chuyên môn của UNESCO; đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các Ủy ban chuyên môn và tham gia quá trình sửa đổi Hiến chương và quy chế hoạt động của Tổ chức.
Hiện UNESCO đang hỗ trợ Việt Nam triển khai 02 dự án lớn: bộ chỉ số cơ bản phát triển giáo dục Việt Nam và Dự án thí điểm về chỉ số văn hóa nhằm triển khai Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Ngoài các nguồn lực tri thức, thông tin và mạng lưới chuyên gia UNESCO, Việt Nam cũng đang khai thác hiệu quả các dự án, các nguồn tài chính từ các Quỹ theo các Công ước văn hóa, Chương trình tham gia UNESCO, các học bổng, giải thưởng UNESCO, đóng góp trực tiếp vào phát triển bền vững đất nước.
Thứ tư, ngoại giao văn hóa tham gia xây dựng thương hiệu địa phương. Nhiều địa phương đã tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn, trong đó, nhiều sự kiện, lễ hội định kỳ và thường niên dần trở thành “thương hiệu” của địa phương, tạo sức hút đối với Ngoại giao Đoàn tại Việt Nam, với bạn bè và khách du lịch quốc tế.
Ngoại giao văn hóa kết hợp với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế giúp tạo hiệu ứng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, du lịch, góp phần mở rộng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương và đối tác nước ngoài. Một số địa phương đang hướng đến xây dựng thương hiệu "thành phố sáng tạo", "thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO, trở thành trung tâm của khu vực và thế giới trong lĩnh vực ẩm thực, điện ảnh...
Thứ năm, ngoại giao văn hóa phục vụ tích cực công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Thông qua các hoạt động dành cho NVNONN như dạy tiếng Việt; tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa; tặng sách, xây dựng tủ sách hoặc góc thư viện Việt Nam ở các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống, học tập đã góp phần giúp đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ được tiếp cận các thông tin chính thống về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, qua đó củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, hướng về quê hương đất nước, gìn giữ và phát huy truyền thống, lịch sử, các giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN và từ đó, thúc đẩy họ tham gia quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam với người dân sở tại.
Thứ sáu, ngoại giao văn hóa đẩy mạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hàng năm, hàng trăm hoạt động văn hóa, nghệ thuật nước ngoài được tổ chức tại Việt Nam, với các chương trình phong phú như biểu diễn nghệ thuật (cả truyền thống và đương đại), chiếu phim, triển lãm, giới thiệu sách, tinh hoa ẩm thực của các nước... Trong đó, nhiều hoạt động lớn, có quy mô đã trở thành sự kiện thường niên được công chúng mong đợi. Nhiều sự kiện được tổ chức tại các địa phương khác nhau của Việt Nam tạo điều kiện cho đông đảo người dân tiếp cận với tinh hoa từ các nền văn hóa đa dạng trên thế giới.
Việc tiếp thu, tiếp biến, học hỏi có chọn lọc các giá trị văn hóa đặc sắc, các chuẩn mực, giá trị phổ quát của nhân loại, văn hóa ứng xử, văn hóa chính trị, văn hóa kinh doanh, tri thức khoa học tự nhiên và xã hội... từ các nước tiến bộ trên thế giới đã góp phần làm giàu có hơn văn hóa dân tộc, đóng góp vào nhiệm vụ “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Phương hướng thời gian tới
Bên cạnh những kết quả nổi bật đó, quá trình triển khai công tác ngoại giao văn hóa vẫn tồn tại một số hạn chế như: nhận thức về vai trò, ý nghĩa của ngoại giao văn hóa và việc triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa chưa được thực hiện thường xuyên, đồng đều; chất lượng, nội dung, hình thức còn chậm được cải thiện, đổi mới; việc ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong triển khai ngoại giao văn hóa còn hạn chế; nguồn lực dành cho ngoại giao văn hóa còn rất khiêm tốn so với nhu cầu…
Bước vào giai đoạn 2021-2030, bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, mang tính bước ngoặt, mang lại cơ hội phát triển bứt phá chưa từng có nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam.
Thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được dịch sang tiếng Nga. (Nguồn: TTXVN) |
Để đạt mục tiêu đưa Việt Nam đến năm 2025 thành nước đang phát triển có thu nhập vượt mức trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao, Đại hội XIII đã đề ra nhiệm vụ cho đối ngoại là tiếp tục phát huy “vai trò tiên phong” trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Đồng thời, quán triệt tầm quan trọng của văn hóa như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII ngày 24/11/2021: “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...” và “phải quán triệt nghiêm túc quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt về phát triển văn hóa là: "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”…
Do đó, triển khai ngoại giao văn hoá là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025: "phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước".
Để góp phần triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực đối ngoại và văn hóa, Bộ Ngoại giao đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021, với một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại và văn hóa, nhất là tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa cần đặt trong tổng thể Chiến lược đối ngoại và Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước; gắn kết việc triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021 – 2025 và các chiến lược trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ...
Thứ hai, nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao văn hóa thời gian tới là tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước và làm lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới nhằm phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại góp phần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới; xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Thứ ba, triển khai mạnh mẽ các biện pháp ngoại giao văn hóa phục vụ phát triển, xác định người dân, doanh nghiệp vừa là đối tượng thụ hưởng – trung tâm phục vụ, vừa là đối tác tham gia triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa; tập trung và huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ thu hút du lịch, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh “chủ động, thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19”.
Một tiết mục văn nghệ trong Đại nhạc hội ASEAN - Nhật Bản 2019. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thứ tư, gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả ba mặt trận: đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc xây dựng quan hệ tin cậy, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế. Phát huy vai trò trụ cột của ngoại giao văn hóa trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Thứ năm, tích cực thúc đẩy hội nhập quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa, dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh văn hóa, song song với nhiệm vụ xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường triển khai các biện pháp ngoại giao văn hóa hướng đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm giữ gìn văn hóa, truyền thống, nâng cao tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, củng cố đại đoàn kết, cùng hướng về cội nguồn, quê hương đất nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc.
Thứ sáu, tích cực đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức các hoạt động ngoại giao văn hóa và linh hoạt thích ứng với tình hình, bối cảnh mới. Tăng cường ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện mới để truyền tải hình ảnh và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
| Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 Ngày 30/11, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 2013/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn ... |
| Ngoại giao văn hóa ‘phá băng’ giữa mùa dịch Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới công tác ngoại giao văn hóa thời gian qua. Tạm gác lại những kế hoạch quy mô, ... |