📞

Nhìn lại dấu ấn tháng 1 của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền 14:52 | 06/03/2020
TGVN. Là lớp người có trên 30 năm gắn bó với công việc của Liên hợp quốc (LHQ) kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này năm 1977, tôi rất vui và tự hào về những gì Việt Nam đã làm và đã đạt được tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ trong thời gian vừa qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tháng 1/2020. (Nguồn: UN)

Hai sự kiện với thông điệp mạnh mẽ

Ngày 7/6/2019, Việt Nam đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị này và đảm nhiệm luôn vai trò Chủ tịch HĐBA trong tháng 1/2020. Làm Chủ tịch ngay tháng đầu tham gia HĐBA, lại là đầu năm khi khối lượng công việc nhiều là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam (các nước thường tham gia HĐBA một thời gian rồi mới làm Chủ tịch).

Tuy nhiên, với những nỗ lực cao nhất và những chuẩn bị rất công phu từ sớm, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch HĐBA và các mục tiêu đề ra trong tháng 1/2020; HĐBA hoạt động suôn sẻ, có hiệu quả. Nổi bật và để lại ấn tượng nhất là 2 sáng kiến của Việt Nam về tổ chức phiên thảo luận mở về tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế cho tháng mở đầu kỷ niệm 75 năm ra đời LHQ (1945-2020) và phiên họp về tăng cường hợp tác giữa LHQ và Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Tháng Chủ tịch thành công của Việt Nam tại HĐBA đã để lại dấu ấn và thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế, luôn mong muốn đóng góp cho công việc của LHQ, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của LHQ trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế và phát triển trên thế giới.

Ngày 9/1, HĐBA đã tổ chức phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng do Việt Nam đề xuất với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”. Do mang tính thời sự cao, đáp ứng đúng mong mỏi của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, chủ nghĩa đa phương và LHQ gặp nhiều khó khăn, nên phiên thảo luận do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì đã thu hút được con số cao kỷ lục các nước tham gia phát biểu (106 nước) và phải kéo dài trong 3 ngày.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế cũng như đối thoại tìm giải pháp cho các nguy cơ đối với hòa bình; tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế là con đường đạt được nền hoà bình bền vững và xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế; nhấn mạnh HĐBA và từng nước thành viên HĐBA cần đi đầu trong tuân thủ và thực hiện Hiến chương, các nước thành viên LHQ tăng cường đối thoại, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy tối đa các công cụ Hiến chương đã đề ra, nhất là trong việc ngăn ngừa xung đột và hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Trong phát biểu, Tổng Thư ký LHQ và các nước đều hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến đưa ra đúng thời điểm của Việt Nam.

Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, HĐBA đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch do Việt Nam đề xuất và chủ trì soạn thảo, trong đó khẳng định giá trị vững bền của Hiến chương LHQ trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế, điều tiết quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của HĐBA đối với tôn chỉ, mục đích của Hiến chương; nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan LHQ, tổ chức khu vực... cần luôn hành động phù hợp với Hiến chương.

Đến nay, sau 75 năm, Hiến chương LHQ vẫn giữ nguyên giá trị là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, chỉ đạo mọi hoạt động của LHQ. Việc lần đầu tiên trong lịch sử LHQ có được một Tuyên bố riêng về Hiến chương LHQ, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp ngày nay, là một sự kiện nổi bật có ý nghĩa quan trọng. LHQ chính thức ra đời ngày 24/10/1945, 4 tháng sau khi Hiến chương LHQ được ký ngày 26/6/1945.

Hiến chương quy định cụ thể tôn chỉ mục đích cho sự ra đời của LHQ cùng những nguyên tắc chỉ đạo các hoạt động của LHQ, trong đó có nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình... Theo Hiến chương, HĐBA được giao trọng trách hàng đầu trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Việt Nam đã đề xuất và ngày 30/1 chủ trì thành công sáng kiến thứ hai là lần đầu tiên tổ chức tại HĐBA cuộc họp với chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN”. Sáng kiến nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN và sự hưởng ứng tích cực của các nước thành viên HĐBA. Sự tham gia của 2 diễn giả chính là Tổng Thư ký LHQ và Tổng Thư ký ASEAN đã giúp HĐBA và cộng đồng quốc tế tăng hiểu biết về vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN và trong duy trì hoà bình, an ninh ở khu vực cũng như sự tham gia tích cực của ASEAN trong công việc của LHQ, nhất là hoạt động gìn giữ hoà bình trên thế giới.

Việt Nam, các nước thành viên ASEAN, HĐBA đều tin rằng hợp tác có hiệu quả giữa LHQ với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, có ý nghĩa quan trọng, góp phần duy trì hoà bình an ninh, phát triển bền vững ở cả cấp khu vực và toàn cầu, đồng thời mong muốn ASEAN sẽ đóng góp nhiều hơn cho công việc của LHQ và duy trì hoà bình, an ninh quốc tế.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý chủ trì Họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA, tháng 1/2020. (Nguồn: UN)

Nỗ lực lớn, thành quả lớn

Tổng hợp lại trong tháng giữ trọng trách Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã chủ trì khoảng 30 cuộc họp chính thức, tham vấn kín, thảo luận mở...; xem xét 12 vấn đề (chủ yếu là các vấn đề của khu vực châu Phi, Trung Đông...); thông qua được 4 nghị quyết quan trọng ảnh hưởng đến sinh mệnh hàng triệu người trên thế giới như gia hạn chương trình cứu trợ nhân đạo xuyên biên giới của Syria...

Đối với một số vấn đề mà các nước có quan điểm, lợi ích khác nhau, việc dung hòa những khác biệt này là rất khó, đòi hỏi Chủ tịch phải rất tích cực, chủ động, khách quan, khéo léo... Việt Nam đã làm được điều này và với sự phối hợp chặt chẽ của các nước Ủy viên, HĐBA đã kịp thời xử lý một số vấn đề cấp bách. HĐBA cũng thông qua một Tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí... Ngoài ra, với tư cách Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế và nhiều cuộc họp, thông tin về các hoạt động của HĐBA cho các nước ngoài HĐBA có quan tâm.

Các nước thành viên HĐBA đều đánh giá trong Tháng Chủ tịch của Việt Nam, công việc HĐBA hoàn thành suôn sẻ, có hiệu quả, chúc mừng Việt Nam thành công, đặc biệt có điểm nhấn về kỷ niệm 75 năm Hiến chương LHQ với con số kỷ lục diễn giả.

Những kết quả trên đã triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, làm sâu sắc quan hệ của Việt Nam với các nước và các đối tác, góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Là lớp người có trên 30 năm gắn bó với công việc của LHQ kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức này năm 1977, tôi rất vui và tự hào về những gì Việt Nam đã làm và đã đạt được tại HĐBA LHQ. Tôi cũng rất vui và tự hào chứng kiến sự trưởng thành ngày càng cao của đội ngũ những người làm công tác ngoại giao đa phương tại LHQ.

Tôi hiểu, để hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch trong tháng đầu năm bận rộn, mọi người đã phải nỗ lực rất lớn và chuẩn bị chu đáo từ rất sớm, từ nội dung đến tổ chức, đảm bảo sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, phối hợp, thông tin giữa các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, đảm bảo sự tham gia và vai trò điều hành có hiệu quả, nhanh nhạy, kịp thời của Việt Nam tại HĐBA LHQ.

Tôi tin rằng với nỗ lực cao, các bước chuẩn bị sớm và kinh nghiệm tích luỹ được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua, đặc biệt tại HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và với sự hợp tác, ủng hộ của các nước, Việt Nam sẽ có cơ sở thuận lợi để hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 và vai trò Chủ tịch HĐBA lần 2 vào tháng 4/2021.