Một năm sau khi bùng phát, xung đột Nga - Ukraine vẫn là bài toán khó của hai nước nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Trong ảnh, một người đàn ông đạp xe ngang qua một căn hộ bị phá hủy bởi đạn pháo tại thành phố Dnipro, Ukraine ngày 12/4/2022. (Nguồn: AP) |
Bất ngờ lớn
Xung đột quân sự Nga-Ukraine là “bất ngờ” ngoài dự báo. Tất cả các bên liên quan đều đã dự báo sai và bị bất ngờ ở một khía cạnh nào đó.
Ukraine bất ngờ vì phần đông người dân nước này không tin Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt”, mà chỉ làm động tác giả để gây áp lực chính trị.
Trong khi đó, châu Âu từ lâu đã đinh ninh rằng một cuộc xung đột vũ trang theo phương thức truyền thống là điều “không thể nghĩ tới” trên lục địa của họ. Các nước này cũng bất ngờ bởi tin rằng những liên kết, ràng buộc lẫn nhau về kinh tế khá sâu đậm giữa họ và Nga sẽ kiềm chế các hoạt động quân sự của Moscow.
Ở phía bên kia, mặc dù ở thế chủ động, song Moscow cũng bất ngờ trước sức kháng cự của Kiev. Đến Mỹ và Anh, dù được cho là đã có thông tin tình báo về tính toán của Tổng thống Vladimir Putin, cũng không ngờ cục diện xung đột sẽ diễn ra theo chiều hướng căng thẳng, giằng co tới vậy, dù quân đội Nga được cho là có tiềm lực quân sự mạnh hơn Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) nhiều lần.
Đồng thời, xung đột quân sự Nga-Ukraine cho thấy suy diễn về an ninh, lợi ích và cách hành xử của các quốc gia theo quan niệm truyền thống không còn đúng trong một thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường như hiện nay.
Đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân xung đột
Đã một năm, các bên vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng này.
Nga cho rằng, châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phá vỡ cam kết hậu Chiến tranh Lạnh rằng sẽ không mở rộng về phía Đông. Moscow khẳng định việc NATO mở rộng năm lần về phía Đông, áp sát biên giới của mình đã đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, buộc nước này phải có biện pháp đáp trả.
Sâu xa hơn, Nga cho rằng một cấu trúc an ninh châu Âu, trong đó nước này không có tiếng nói bình đẳng, “bằng vai phải lứa” với các nước lãnh đạo châu Âu khác là không thể chấp nhận được. Moscow coi đây như xung đột toàn cầu, thay vì đơn thuần xung đột cục bộ với Ukraine. Trong đó, một bên là Nga, phần còn lại gồm Mỹ và NATO, giữa lực lượng muốn duy trì trật tự thế giới “đơn cực” do Mỹ và phương Tây dẫn dắt và lực lượng muốn một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh châu Âu cho rằng, Nga đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc căn bản của trật tự quốc tế sau Thế chiến II. Họ cho rằng, đây là “xung đột của ông Putin” và nhà lãnh đạo xứ bạch dương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự kiện này. Washington và Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích nhà lãnh đạo Nga đang “sống trong trật tự thế giới của thế kỷ XIX”.
Ba kịch bản
Chính vì các bên không có nhận thức chung về nguyên nhân thực sự của khủng hoảng và đều tin lẽ phải thuộc về mình, việc tìm kiếm giải pháp cho xung đột đến nay vẫn khó khăn, bế tắc. Dù đã có nỗ lực trung gian hòa giải, cả công khai lẫn bí mật của một số nhà lãnh đạo quốc tế, song những động tác ngoại giao, khơi gợi đàm phán đều nhanh chóng thất bại. Cho tới nay, các bên đều tỏ ra muốn giải quyết vấn đề trên chiến trường và chỉ chấp nhận đàm phán trên thế mạnh.
Moscow tin rằng việc kéo dài xung đột, làm tiêu hao sức lực của Kiev sẽ khiến nước này kiệt sức và phải đàm phán theo điều kiện của mình. Nga coi đây là một xung đột cần thiết và sẵn sàng mất nhiều năm để “thu hồi” Ukraine về “đất mẹ”. Ông Vladimir Putin có thể cũng chờ đợi sự thay đổi lãnh đạo ở xứ cờ hoa vào năm 2024 sẽ khiến Mỹ và NATO thay đổi cách tiếp cận đối đầu quân sự với mình.
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây tin rằng Ukraine không được phép thất bại, bởi điều này đồng nghĩa rằng Nga sẽ mở rộng xung đột sang các nước Baltic, Đông Âu khác, trực tiếp đe doạ đến lãnh thổ thành viên NATO và an ninh châu Âu. Họ cũng hy vọng rằng, những thách thức kinh tế và khó khăn trong nội bộ sẽ khiến chính quyền của ông Putin ít nhiều lung lay, qua đó mở đường cho một lãnh đạo mới, với tầm nhìn và giải pháp mới cho cuộc xung đột dai dẳng, nguy hiểm này. Bằng lập trường cứng rắn của mình, Mỹ và phương Tây cũng muốn gửi thông điệp đến các nước lớn khác trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng quyết liệt.
Với mục đích và ý đồ như trên, xung đột quân sự Nga-Ukraine năm thứ hai có thể phát triển theo nhiều “kịch bản” khác nhau. Tuy nhiên, các hướng chính sẽ là:
Theo kịch bản thứ nhất, xung đột tiếp tục leo thang, mở rộng, với NATO có thể bị cuốn vào xung đột trực tiếp. Khi đó, không loại trừ khả năng các bên có thể sử dụng đến các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, với hệ luỵ vô cùng khó lường đối với cục diện an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, hiện cả Nga và Mỹ, phương Tây vẫn đặc biệt thận trọng và kiềm chế, không để xung đột phát triển theo hướng này.
Kịch bản thứ hai là các bên đều mệt mỏi và chấp nhận một giải pháp đình chiến, dù chỉ là tạm thời, để tái xây dựng lực lượng. Kịch bản này chưa có dấu hiệu sẽ xảy ra do Nga tỏ ra đã thích ứng được phần nào các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tiếp tục xuất khẩu năng lượng để duy trì nền kinh tế và nền công nghiệp quốc phòng. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế, củng cố công nghiệp quốc phòng, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine chừng nào Kiev còn yêu cầu.
Kịch bản thứ ba là xung đột tiếp tục kéo dài dai dẳng, không có bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối trên chiến trường. Đây dường như là viễn cảnh được đánh giá có nhiều khả năng xảy ra nhất, trong đó các bên tiếp tục đọ sức, chờ đợi xem bên nào mệt mỏi và đuối sức trước. Cả Mỹ và Nga đều sẽ bị phân tán bởi các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Trong khi đó, châu Âu sẽ phải dung hòa được quan điểm của các nước Đông Âu chủ trương một lập trường cứng rắn, với quan điểm các nước Tây Nam Âu có thể có cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn. Tuy nhiên, nhân tố then chốt chính là ý chí và sức bền bỉ, chịu đựng của người dân Ukraine.
Tác động đến thế giới
Tuy nhiên, dù phát triển theo hướng nào, xung đột Nga-Ukraine vẫn sẽ tác động sâu sắc tới toàn cầu. Các trụ cột căn bản của trật tự thế giới hiện hành không còn đủ vững để bảo đảm hòa bình, ổn định toàn cầu. Cân bằng hạt nhân chiến lược giữa các cường quốc đã bị phá vỡ với đột phá mới về khoa học quân sự, song song với việc nhiều thành viên mới gia nhập hoặc lăm le gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân”.
Liên kết và sự tuỳ thuộc lẫn nhau về kinh tế quốc tế, một thời gian dài đã giúp thúc đẩy hợp tác, kể cả giữa các đối thủ vì mục tiêu phát triển chung, nay bị “vũ khí hóa” và trở thành nguy cơ an ninh giữa các nước không thân thiện hoặc cạnh tranh chiến lược. Trong khi đó, luật pháp và các tổ chức quốc tế bị xói mòn hiệu lực khi chính các nước lớn không gương mẫu, không tuân thủ chặt chẽ, chỉ tuân thủ một cách có chọn lọc hay đơn phương diễn giải theo lợi ích vị kỷ của mình.
Hệ quả là thế giới sẽ bước vào một giai đoạn bất ổn khi các quốc gia tìm cách định hình lại “luật chơi”, xây dựng và tập hợp lực lượng để tìm kiếm một điểm cân bằng mới. Cục diện “đa cực, đa trung tâm” đó nhiều khả năng sẽ phải mất nhiều năm để hình thành và ổn định. Hình hài nó sẽ ra sao, vẫn chưa ai có thể đoán định được. Một điều chắc chắn là tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể có vai trò và tiếng nói trong quá trình xây dựng nên trật tự đó, một trật tự dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.