📞

Nhớ lại cuộc đàm phán về tài sản sau chiến tranh

10:20 | 15/08/2018
Năm 2018 là dịp kỷ niệm lần thứ 23 Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao  (11/7/1995 – 11/7/2018). Việc đi đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ là cả một quá trình khó khăn, phức tạp liên quan tới nhiều khía cạnh, lĩnh vực, trong đó có vấn đề tài sản sau chiến tranh giữa hai nước.

Sau năm 1975, giữa Mỹ và Việt Nam tồn đọng 3 vấn đề về tài sản cần đàm phán giải quyết trước khi đi vào chính thức bình thường hóa quan hệ, đó là: Tài sản tư nhân của Mỹ ở miền Nam bị tịch thu sau 1975 do chính phủ Mỹ đòi bồi thường; Tài sản của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài bị Mỹ phong tỏa; và Tài sản ngoại giao (bất động sản) của mỗi bên trên lãnh thổ bên kia. 

Cuối năm 1992, thông qua kênh liên lạc là phái đoàn thường trực tại Liên Hợp Quốc ở New York, phía Mỹ chuyển cho ta thông điệp: “Tài sản còn tồn đọng giữa hai bên chưa được giải quyết là cản trở cuối cùng để đi tới bình thường hóa quan hệ chính thức giữa hai nước”. 

Chuẩn bị để vượt qua khác biệt

Về tài sản của tư nhân, phía Mỹ đòi bồi thường 192 khiếu nại (trong tổng số 534 khiếu nại ban đầu) với tổng tiền gốc cộng lãi suất đến ngày 28/2/1994 là 231,474,828 USD (trong đó tài sản của 3 công ty dầu khí có hợp đồng tô nhượng ở miền Nam chiếm tới 58%). Tài sản của Nhà nước Việt Nam (chủ yếu là các tài khoản của chính quyền Sài gòn) bị Mỹ phong tỏa, với số tiền gốc và lãi xuất tiền gửi đến ngày 22/4/1994 là 353,770,885 USD. Tài sản ngoại giao của mỗi bên thì phía Mỹ sở hữu 36 ngôi nhà (2 ở Hà Nội, 1 ở Huế, 33 ở TP. Hồ chí Minh). Phía ta chỉ có 1 là trụ sở sứ quán của chính quyền Sài gòn tại Washington D.C. 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (phải) tại lễ ký Hiệp định chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. (Ảnh tư liệu)

Ở thời điểm ấy, cuộc đàm phán có rất nhiều trở ngại nhưng cũng có thuận lợi. Trở ngại là Mỹ vẫn đang áp dụng cấm vận về kinh tế và cô lập ta về chính trị. Về phía ta, tâm lý “chống Mỹ” vẫn đang là cao trào trong nhiều tầng lớp. Về pháp lý, ngay sau 1975, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố tịch thu vô kiều kiện các tài sản của Mỹ ở Nam Việt Nam và không thừa nhận mọi khoản nợ của chế độ cũ. 

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 1992-1994, sau khi vấn đề MIA và giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia đã cơ bản được giải quyết, tình hình chính trị khu vực và quốc tế có diễn biến mới. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và đang xem xét việc gia nhập ASEAN. Cùng với thắng lợi bước đầu của Đổi Mới, tổ chức thành công Hội nghị lần thứ nhất các nước tài trợ tại Paris tháng 11/1993, trong đó các nước và các tổ chức tài chính quốc tế cam kết cho Việt Nam vay mới gần 2 tỷ USD. Đây là bước chuyển to lớn sau giai đoạn phương Tây cô lập ngoại giao với Việt Nam kể từ 1979. Về quan hệ song phương, Mỹ và Việt Nam cũng bắt đầu phải tính đến việc đàm phán bình thường hóa quan hệ chính thức. 

Vì chủ đề đàm phán có nhiều khía cạnh pháp lý quốc tế nên Bộ đã giao Vụ Luật Pháp Quốc tế (LPQT) nhiệm vụ phối hợp với Vụ Bắc Mỹ, Cục Lãnh sự và Vụ Quản trị Tài Vụ chủ trì đoàn đàm phán liên ngành. Thành viên tham gia nhóm đàm phán của Bộ ta lúc đó có các anh Nguyễn Quý Bính, Vụ trưởng và Hoàng Vĩnh Thành (Vụ LPQT), Hà Huy Thông và Nguyễn Lộc (Vụ Bắc Mỹ), Trương Xuân Thanh và Nguyễn Minh Vũ (Cục Lãnh sự), Đoàn Đức (Vụ QTTV). Trưởng đoàn là anh Nguyễn Quý Bính. Tham gia đoàn đàm phán còn có đại diện các cơ quan: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, PetroVietnam. 

Linh hoạt trên nguyên tắc

Đàm phán chính thức bắt đầu từ 28/2/1994 và trải qua bốn vòng liên tiếp ở cả Hà Nội và Bangkok. Về tài sản của Việt Nam bị Mỹ phong tỏa: Ta đặt mục tiêu nắm sâu thêm về tài sản bị phong tỏa. Ngay từ vòng đầu tiên, đoàn ta đã cung cấp thêm thông tin cho phía Mỹ về “những tài khoản chưa thấy họ công bố” và yêu cầu phía Mỹ giúp điều tra lại. Ngoài giao dịch giữa hai đoàn, phía Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính Việt Nam cũng được huy động vào cuộc. 

Về tài sản của tư nhân Mỹ đòi bồi thường, ta đặt mục tiêu giảm thiểu tối đa khoản tiền khiếu nại qua việc bác bỏ “các khiếu nại bất hợp lý“. Riêng về các hợp đồng dầu khí, phương thức đàm phán của đoàn là thu thập đầy đủ các chứng cứ pháp lý, cả trên báo chí công khai, nhằm chứng minh “phía Việt Nam đã chính thức mời các công ty dầu khí Mỹ quay trở lại, thực tế đã có 2/3 công ty dầu của Mỹ cử đoàn sang Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, từ 1/5/1975, chính phủ Mỹ áp dụng lệnh cấm vận và các công ty Mỹ không tiếp tục hợp đồng tại Việt Nam, vì vậy trách nhiệm đối với thiệt hại của công ty dầu lửa Mỹ không thuộc về phía Việt Nam mà thuộc về Chính phủ Mỹ, căn cứ theo qui định nội luật của Mỹ cũng như luật quốc tế...

Lập luận này hình thành sau quá trình nghiên cứu tham khảo các quy định nội luật và án lệ của Mỹ về kiện tụng - bồi thường tài sản tư nhân có liên quan đến trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Trong tiến trình đàm phán, khi hai bên gần đạt đến giải pháp, đoàn Mỹ đã thừa nhận “Tài liệu và lập luận của đoàn Việt Nam cho thấy phía Việt Nam có chuẩn bị kỹ, nêu đầy đủ căn cứ pháp lý, nhưng không nên giữ quan điểm cứng rắn nữa mà nên nhìn vào tương lai quan hệ hai nước để đi tới giải pháp”. 

Đoàn coi đây là một “thắng lợi kỹ thuật” vì thông thường phía Mỹ hay thuyết giáo về việc tuân thủ các quy tắc luật pháp quốc tế, bây giờ lại nhấn mạnh phải nhìn vào tương lai quan hệ chính trị giữa hai nước. Kết quả qua đàm phán phía ta giảm thiểu được 1/3 khoản tiền khiếu nại và hai bên đồng ý phương thức giải quyết cả gói. 

Cũng cần nhấn mạnh thêm ý nghĩa sâu sắc của phương thức giải quyết cả gói (khấu trừ khoản đòi bồi thường vào khoản tiền bị phong tỏa) là một sáng kiến nhằm “tránh đối đầu” trên những mặt nhạy cảm, theo đó Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm pháp lý đền bù cho các cá nhân có khiếu nại; phía ta không có trách nhiệm và không quan tâm xử lý các khiếu nại cụ thể; như vậy tránh được xung đột pháp lý và tranh cãi kéo dài về nguyên tắc thừa kế. 

Về tài sản ngoại giao của hai bên, qua nhiều lần kiên trì trao đổi và khảo sát thực địa, do có nhiều phức tạp do lịch sử để lại nên không thể đơn thuần xử lý theo phương thức trao trả, hai bên đồng ý cần tính đến các hình thức linh hoạt khác như mua lại hoặc đánh đổi vị trí. Liên quan tới quyền sở hữu tài sản ngoại giao của phía Mỹ, hai bên chấp nhận công thức do phía Việt Nam đề xuất: “hai bên tôn trọng nguyên tắc theo luật nước sở tại, nhưng khi nào luật Việt Nam thay đổi cho phép sở hữu tự do về tài sản nhà đất thì tài sản của Mỹ cũng được hưởng quyền đó, không mất thêm chi phí và các xem xét khác”. Về việc sửa chữa, xây dựng, liên doanh đối với các tài sản trên, phía Mỹ cũng đồng ý ghi rõ “phải phù hợp với/tuân theo luật pháp địa phương về qui hoạch và phân vùng”. 

Thành công nhỏ cho một tiến trình lớn

Ngày 28/1/1995, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ W. Lord đã ký đồng thời tại Hà Nội và Washington D.C. Hiệp định về giải quyết tài sản ngoại giao (trước khi thỏa thuận về giải quyết tài sản khiếu nại và tài sản bị phong tỏa được ký kết), mà hai bên coi là động thái chính trị đối với dư luận nhằm thúc đẩy không khí bình thường hóa quan hệ. Sau khi hai thỏa thuận còn lại được ký kết, tiến trình này đã được chính quyền Mỹ chính thức khởi động. 

Ngày 11/7/1995, sau 20 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã công bố quyết định về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đây là thắng lợi chung của cả nước ta, trong đó có phần đóng góp nhỏ nhưng trực tiếp là việc giải quyết thành công các tài sản còn tồn đọng giữa hai bên sau chiến tranh, để đi vào bình thường hóa quan hệ. 

Theo phương án giải quyết cả gói, ta giảm được gần 1/3 số tiền khiếu nại và thu về được 150 triệu USD từ các tài sản bị phong tỏa. Đây là khoản tiền có giá trị lớn lúc đó đối với ta. Đàm phán Việt Nam - Mỹ giải quyết vấn đề tài sản sau chiến tranh diễn ra trong gần hai năm nhưng có những ý nghĩa quan trọng đóng góp thực chất và trực tiếp vào việc tiến tới bình thường quan hệ ngoại giao giữa hai nước cựu thù trong quá khứ.  Về mặt ngoại giao, cuộc đàm phán này cũng để lại nhiều bài học quý báu về việc vận dụng linh hoạt có nguyên tắc luật pháp quốc tế theo đúng phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành