Các chiến dịch tại Quảng Trị năm 1972 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. (Ảnh tư liệu) |
Cách đây 50 năm, khi đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, mảnh đất Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều nỗi đau trong chiến tranh bởi là tuyến đầu ngăn cách giữa bờ Nam và bờ Bắc. Quân và dân cả nước hướng vào chiến dịch giải phóng Quảng Trị.
Trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, năm 1972, đã diễn ra cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch trong chiến dịch dài ngày nhất (308 ngày), kể từ khi mở màn (30/3/1972) đến ngày Sư đoàn 320B đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt của địch (31/1/1973), giữ vững trận địa, tạo lợi thế trên bàn đàm phán.
Nói đến chiến dịch Quảng Trị năm 1972 là phải nói đến hai chiến dịch. Đó là cuộc tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
Đây đều là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến dịch còn là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Năm tháng sẽ qua đi nhưng chiến công giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 mãi mãi không bao giờ mờ phai trong ký ức người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Chiến dịch Trị - Thiên
Bước vào Đông Xuân năm 1971-1972, tình hình cách mạng ở miền Nam có những bước phát triển tích cực, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được những thuận lợi cơ bản. Đầu năm 1972, Mỹ phải rút khoảng 40 vạn quân khỏi miền Nam.
Tháng 8/1971, Bộ Chính trị họp, ra nghị quyết về phương hướng hoạt động quân sự năm 1972 đồng loạt mở nhiều chiến dịch tiến công trên chiến trường miền Nam, đánh phá chiến lược “bình định” của địch, tạo bước chuyển biến cơ bản, tiến lên thay đổi cục diện chiến tranh.
Ngày 11/3/1972, sau khi soát xét kết quả chuẩn bị trên các hướng, Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định tiến hành cuộc tổng tiến công chiến lược, hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên.
Tiếp đó, ngày 13/3, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên (lấy phiên hiệu là B702) được thành lập. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng - được cử làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng - được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo hướng chiến lược quan trọng này.
Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp thảo luận, nhất trí phê duyệt kế hoạch và xác định nhiệm vụ lớn nhất là giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, trước hết là giải phóng tỉnh Quảng Trị.
Sáng 30/3/1972, trong buổi giao ban của Bộ Tư lệnh chiến dịch, nghe báo cáo về quy trình chuyển quân hoán đổi vị trí của địch ở những cao điểm trên chiến trường, Tư lệnh chiến dịch nhận định: “Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công” và đúng 11h30 ngày 30/3/1972, chiến dịch mở màn.
Trải qua hai giai đoạn với các cuộc tiến công và nổi dậy mãnh liệt của quân và dân ta, đến ngày 1/5/1972, Quảng Trị đã hoàn toàn được giải phóng.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 30 ngày, ta đã vượt qua sông Bến Hải, phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược Macnamara và các căn cứ, làm chủ đường số 9, giải phóng Đông Hà - Ái Tử, khiến đối phương phải rút khỏi thị xã Quảng Trị (ngày 1/5/1972) về cố thủ ở phía Nam sông Mỹ Chánh (Thừa Thiên - Huế).
Với chiến dịch Trị - Thiên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, quân và dân ta đã phá tan tuyến phòng thủ kiên cố nhất ở miền Nam Việt Nam.
Cùng với chiến thắng ở Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, thắng lợi ở Quảng Trị là đòn giáng mạnh vào Mỹ - Ngụy, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Báo chí nước ngoài thống kê, trong 81 ngày từ 28/6 đến 14/9/1972, Thành cổ Quảng Trị hứng chịu khoảng 328.000 tấn bom, đạn, tương đương sức công phá của bảy quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. |
81 ngày đêm bảo vệ thành cổ
Trước tình thế Quảng Trị thất thủ, Thừa Thiên bị uy hiếp nặng nề, chính quyền Sài Gòn khẩn trương củng cố các đơn vị thiết lập phòng tuyến mới ở Nam sông Mỹ Chánh.
Sau nhiều thời gian chuẩn bị, ngày 13/6/1972, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị”, lấy tên là “Lam Sơn 72”.
Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân. Đây là cuộc hành quân cực kỳ đẫm máu. 30 vạn người dân Quảng Trị phải đương đầu với thử thách chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.
Sau mấy ngày đổ bộ nghi binh, bắn phá dọn đường, sáng sớm ngày 28/6/1972, từ tuyến xuất phát Đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản kích “Lam Sơn 72”.
Chủ động đối phó cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, ngay từ khi địch tập kết quân, ngày 25/6/1972, Bộ tư lệnh B5 lệnh cho tỉnh đội Quảng Trị: Khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, đánh bại cuộc phản kích lớn của địch.
Bộ đội địa phương, du kích vừa phối hợp khẩn trương đưa tám vạn dân của thị xã và hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng đến các nơi an toàn, vừa tổ chức nhiều đợt tập kích đánh địch ở nhiều hướng.
Khắp các xã, phường phía Nam tỉnh, trên tuyến song Vĩnh Định, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nung nấu lời thề (còn người còn trận địa, quyết tử bảo vệ quê hương), kiên cường chiến đấu không cho địch vào thị xã.
Cuộc chiến đấu giữa quân và dân ta với địch trong những ngày tháng Chín trên mặt trận thị xã và Thành cổ Quảng Trị bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Những cuộc chiến đấu khốc liệt giành từng đoạn hào, căn hầm, gầm cầu, hố đất, cống rãnh… lên tới đỉnh điểm. Cả một vùng thị xã kéo dài xuống bãi biển trở thành vùng bình địa đổ nát, hoang tàn. Nhiều điểm chốt, thước đất thấm máu hàng chục chiến sĩ hy sinh…
Mức độ khó khăn, quyết liệt không chỉ là “tọa độ lửa” dày đặc, những trận chiến ác liệt, mà còn do thời tiết xấu, mưa, lũ lụt kéo dài làm ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất.
Số thương vong của các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành cổ ngày một nhiều. Hỏa lực chi viện cho thị xã giảm dần, các ngã đường qua sông bị địch chặn đánh quyết liệt, lại bị nước lũ chia cắt gây rất nhiều thiếu thốn, trở ngại. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn hồi 18h ngày 16/9/1972.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Sự kiện góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì và bền bỉ của ta trên bàn Hội nghị ở Paris, tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển sang thế trận mới, tiếp tục đánh địch phản kích, bảo vệ vùng giải phóng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn đánh giá: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn, mà chúng ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại”.
Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng là sự kiện trọng đại trên chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Lần đầu tiên một tỉnh ở miền Nam được giải phóng, trở thành nơi đặt trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cổ vũ mạnh mẽ quân, dân cả nước xốc tới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó cũng là sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị trong 30 năm chiến tranh giải phóng nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng.
Ngày 28-29/4, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Bộ với chủ đề "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu, bảo vệ Thành cổ năm 1972: Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển". Năm 2022, tỉnh Quảng Trị có nhiều ngày kỷ niệm lớn như kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2022); 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022); 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Trong đó, Hội thảo là một trọng tâm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm đặc biệt này. |
| Gặp gỡ hữu nghị Việt Nam-Hungary nhân ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo đã tham dự buổi ... |
| Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển Ngày 9/4, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển” tại thôn Đông ... |