📞

Nhớ về ngoại giao Hồ Chí Minh tại 'thủ đô gió ngàn'

Phạm Quang Hiệu 10:37 | 19/05/2022
Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1947-1954 tại Việt Bắc, trong đó có Thủ đô kháng chiến Tuyên Quang và ATK Thái Nguyên đã cho thấy đỉnh cao của tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học lớn về đối ngoại cho những giai đoạn cách mạng tiếp theo và đến ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, lãnh tụ kháng chiến Lào tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác cùng Trung ương Đảng trở lại An toàn khu vùng Việt Bắc. “Suối dài xanh mướt nương ngô / Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn". Tại đây, Bác đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người còn là nhà ngoại giao kiệt xuất, là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, trực tiếp dẫn dắt, chỉ đạo những thế hệ cán bộ ngoại giao tiền bối trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc.

Chủ động tiến công trong thế ngàn cân treo sợi tóc

Khi đó, nền Cách mạng Việt Nam còn non trẻ, gặp muôn vàn khó khăn, bị cô lập bao vây. Việt Nam chưa được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến và nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tranh thủ các khả năng hòa bình với Pháp và chủ động tiến công trên mặt trận ngoại giao, vận động nhân dân Pháp và nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược.

Mục đích của cuộc đấu tranh dư luận quốc tế là kiên trì vạch trần tội ác chiến tranh do thực dân Pháp gây ra, làm cho thế giới và dư luận Pháp nhận rõ tính chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân ta, làm điểm tựa cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đông Dương. Người thường gửi thư, thông điệp tới nhân dân Pháp làm rõ lập trường về cuộc xung đột Việt - Pháp, kêu gọi nhân dân Pháp hành động đòi Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc xâm lược. Người cũng luôn tận dụng mọi cơ hội để gặp gỡ phóng viên nước ngoài nhằm làm cho dư luận hiểu vấn đề Việt Nam, khẳng định lại chủ trương của Việt Nam hợp tác với Pháp.

Cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động trao đổi với các quan chức, chính giới Pháp. Người đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, phân rõ thiệt hơn về cuộc chiến Việt – Pháp, phê phán nghiêm khắc những điều kiện đồng nghĩa với đầu hàng mà chính quyền Pháp nêu ra. Trước những hoạt động của Bác, đầu tháng 8/1947, Léon Blum - lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, 3 lần là Thủ tướng Pháp - đã tuyên bố trên báo Pháp: “tôi đã nhận được theo đường chính thức một thư riêng của ông (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ông vẫn là đại diện chân chính và xứng đáng của nhân dân Việt Nam... Đã có ánh sáng ở Đông Dương".

Hình thành liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong hình thành liên minh kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết chặt chẽ ba dân tộc.

Với bạn Lào, những hoạt động ngoại giao của Người giai đoạn này đã thể hiện sự quan tâm, chú ý tới các mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo kháng chiến Lào. Cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Hoàng thân Xuphanuvông, lãnh tụ kháng chiến Lào từ Thái Lan về Việt Bắc. Hai nhà lãnh đạo đánh giá tình hình và bàn phương hướng phối hợp đẩy mạnh cuộc kháng chiến của hai dân tộc. Sau đó, Hoàng thân nhiều lần quay trở lại Việt Bắc, làm việc và trao đổi thư từ với Bác.

Với bạn Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước. Trong thư trả lời Chủ tịch Chính phủ Campuchia giải phóng kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam ngày 12/12/1947, Người khẳng định: “Các dân tộc ta, đã sẵn có một tinh thần tranh đấu cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ, thì thắng lợi thế nào cũng về ta, và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập”.

Tại Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương tháng 9/1952, Bác Hồ đã nói: “Nhân dân Việt Nam hết lòng thành thật giúp đỡ nhân dân Lào, nhân dân Miên một cách vô điều kiện. Sự thật thì chưa thể tìm ra chữ gì để thay thế chữ 'giúp', chứ thực ra không phải là giúp mà là nghĩa vụ quốc tế”.

Người làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951. (Ảnh tư liệu)

Tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô

Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ khi Người luôn nhận định, nhìn thấy khả năng Trung Quốc và Liên Xô sẽ là cánh cửa để ta mở rộng quan hệ với bạn bè thế giới. Người không từ bỏ một cơ hội nào dù là nhỏ nhất để xây đắp mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị với Trung Quốc và Liên Xô như: nêu cao tinh thần quốc tế; hết lòng giúp đỡ khi cách mạng Trung Quốc yêu cầu dù có thời điểm cách mạng nước bạn gặp nhiều khó khăn; cử các đoàn công tác làm việc với đại diện Chính phủ Liên Xô để thông báo về tình hình, cách mạng Việt Nam…

Những sự chuẩn bị của Người đã tạo tiền đề để quan hệ Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô chính thức đơm hoa kết trái. Nhân dịp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, ngày 5/12/1949, Bác đã gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ngày 18/1/1950, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến ngày 30/1/1950, Liên Xô cũng chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Đây là một sự kiện quan trọng đối với ta, từ đó các quốc gia khác lần lượt công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam, phá vỡ thế bao vây cô lập, đem lại sự ủng hộ vô cùng quan trọng và có ý nghĩa chiến lược cho cuộc kháng chiến. Đó là bài học thành công trong thực hiện chủ trương tranh thủ điều kiện quốc tế, tận dụng sức mạnh thời đại của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tranh thủ sự ủng hộ của các nước và nhân dân thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng hoà bình dân chủ trên thế giới. Trong nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn, Người khẳng định Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ trên thế giới; hợp tác với mọi nước.

Ngày 14/1/1950, trong lời tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà cùng các nước trên thế giới, Người tuyên bố: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”.

Sau tuyên bố này, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Việc ta triển khai quan hệ trên nhiều hướng đã góp phần mở rộng tập hợp lực lượng quốc tế, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, tạo thuận lợi để ta tiếp tục tranh thủ được sự ủng hộ và viện trợ quan trọng về cả khí tài, kinh tế và trên các diễn đàn quốc tế.

Tranh thủ khả năng hòa bình tại Hội nghị Geneva

Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, trên cơ sở thế và lực của cuộc kháng chiến, nhận định đúng xu thế phát triển của tình hình thế giới và ý định hòa hoãn của các nước lớn trên thế giới, Trung ương Đảng và Bác đã chủ trương “vừa đánh vừa nói chuyện” theo tinh thần “phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh thắng, nói chuyện càng thuận lợi...”.

Tháng 11/1953, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở cuộc tiến công trên mặt trận đối ngoại, hoan nghênh và ủng hộ việc triệu tập hội nghị quốc tế bàn về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam toàn thắng, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneva. Dưới sự chỉ đạo của Bác và Trung ương Đảng, mặt trận quân sự kết hợp chặt chẽ với mặt trận đối ngoại từng bước làm nhụt ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán.

Ngày 8/5/1954, cuộc đàm phán Geneva là lần đầu tiên nước ta bước vào đàm phán một hiệp định đa phương với nhiều nước lớn tham gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo rất sát sao việc đấu tranh trên bàn đàm phán. Hiệp định Geneva được ký kết đã trở thành thắng lợi to lớn của nhân dân ta dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Người. Thắng lợi tại Hội nghị Geneva đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, thúc đẩy quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Bác Hồ với đồng chí Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Ý nghĩa vẹn nguyên, ngọn hải đăng soi sáng

Các hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc đã để lại những bài học về đối ngoại sâu sắc cho đến nay, với ý nghĩa nguyên vẹn và tiếp tục là ngọn hải đăng soi sáng cho công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta.

Thứ nhất, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo là nhân tố quyết định thành công của mọi hoạt động đối ngoại.

Bác luôn xem “tự lực cánh sinh là cái gốc, điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta”. Đây là tư tưởng trung tâm, bao trùm mọi hoạt động đối ngoại cho đến nay vẫn là nội dung chỉ đạo nhận thức và hành động của ngoại giao Việt Nam.

Độc lập tự chủ thể hiện trong tư duy nhận thức độc lập và sáng tạo, trong quyết sách và thực hiện đường lối chính sách. Để thực hiện điều đó trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại cần luôn xuất phát từ mục tiêu cách mạng, hoàn cảnh trong nước mà xác định nguyên tắc, đối sách phù hợp với xu thế chính trị thế giới và tôn trọng quy luật khách quan.

Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi sức mạnh dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, đặt cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình và tiến bộ xã hội.

Trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, sức mạnh dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của yếu tố vật chất và tinh thần, là sự kết hợp sức mạnh của truyền thống lịch sử, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao..., trong đó quan trọng nhất là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh thời đại luôn mang nội hàm mới, phù hợp với sự phát triển của nhân loại, là sức mạnh đoàn kết, đấu tranh của các lực lượng tiến bộ vì hòa bình; là các tiến bộ vượt bậc của cách mạng khoa học công nghệ; là những cơ hội mà toàn cầu hóa tạo ra...

Thứ ba, phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, giương cao ngọn cờ độc lập, hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ, thực hiện phương châm thêm bạn bớt thù, mở rộng đoàn kết quốc tế.

Hòa hiếu trong bang giao là một truyền thống quý báu của dân tộc ta, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và nâng truyền thống đó lên tầm cao mới. Người luôn chủ trương thực hiện chính sách hoà hiếu với tất cả các nước tôn trọng chủ quyền độc lập của nước Việt Nam, kể cả những nước đã từng là kẻ thù xâm lược. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, ta cần tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, quán triệt phương châm đối tác – đối tượng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các giá trị phổ quát của nhân loại. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, xử lý hài hòa quan hệ nước lớn, không để quan hệ với nước này ảnh hưởng đến quan hệ với nước khác, coi trọng quan hệ với các nước láng giềng.

Việc xử lý hài hoà quan hệ với các nước lớn, đồng thời coi trọng quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, giữ vai trò quan trọng trong tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyên tắc cơ bản mà Người đề ra là nắm vững lợi ích dân tộc, giữ vững độc lập tự chủ, cố gắng tìm mẫu số chung về lợi ích, thi hành chính sách cân bằng không để quan hệ với nước này ảnh hưởng đến quan hệ với các nước khác; tận dụng khéo léo điểm đồng để thúc đẩy quan hệ với các nước lớn.

Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược tiếp tục diễn ra gay gắt, quyết liệt hơn, tác động mạnh mẽ đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần tiếp tục kế thừa, phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đó coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn, kiến tạo điểm đồng, hạn chế điểm khác biệt, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thứ năm, hình thành rõ nét tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thời kỳ tại Việt Bắc, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất sáng tạo, để lại cho chúng ta những mẫu mực về phong cách và nghệ thuật ngoại giao: Dự đoán đúng về xu thế, xác định rõ mục tiêu; Linh hoạt tạo thời cơ và kịp thời tận dụng; Kết hợp đấu tranh ngoại giao với xây dựng thực lực, chính trị và quân sự; Tìm kiếm bạn đồng minh và tận dụng mâu thuẫn nội bộ đối phương; Kiên định về mục tiêu, linh hoạt về sách lược.

Ứng xử trong một thế giới ngày càng biến động phức tạp với thách thức và cơ hội đan xen hiện nay, những bài học về phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Bác sẽ là nền tảng, hành trang quan trọng cho các thế hệ cán bộ, tiếp tục soi sáng cho công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay của nước ta.

Bác Hồ nói chuyện về tình hình cách mạng trong nước và thế giới với cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và phục vụ những ngày ở chiến khu Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Còn nhớ đây những lời thơ của Nguyễn Đình Thi:

“Một nhà sàn đơn sơ vách nứa,

Bốn bên suối chảy cá bơi vui

Đêm đêm cháy hồng lên bếp lửa,

Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi”,…

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác, chúng ta càng thấy tự hào thành quả lịch sử to lớn và quý báu mà các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã để lại. Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở tại chiến khu Việc Bắc là những bài học sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị soi sáng đến ngày nay. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và phát huy những bài học đó, góp phần phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố kiến thức, tư duy, phương pháp nghiên cứu đúng đắn để vận dụng trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước trước một thế giới biến động khó lường.

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (tháng 12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã tổng kết: “Trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của Dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho nền ngoại giao Thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, tiếp tục kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn chiến lược mới.