Nếu không làm báo, tôi sẽ không gặp được những con người, những số phận, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi địa vị xã hội. Dù họ thành đạt hay bất hạnh đến đâu, bao giờ cũng giữ được phẩm chất làm người khiến tôi phải khâm phục, kính trọng. Qua đó, giúp tôi viết nên chân dung của họ để có thể tập hợp vào trong một cuốn sách có tên Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng, khắc họa chân dung về số phận 54 con người mà tôi coi đó là tài sản quý giá mình có được trong cuộc đời làm báo.
Nếu không làm báo, tôi sẽ không có được những kỷ niệm thật vui và cảm động, như được một nhà giáo - sau nhiều năm kiên trì hỏi thăm và tìm địa chỉ để gặp - cảm ơn về một bài viết của tôi cuối tháng 3/1975. Bài báo có nhan đề Về Sơn Mỹ giải phóng được đăng trên báo Nhân Dân và đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng ngay sau khi vùng đất này được giải phóng. Trong bài viết đó, tôi kể chuyện gặp một số dân làng Mỹ Lai, Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) còn sót lại sau vụ tàn sát của lính Mỹ, giết hại một lúc 504 người (năm 1968). Một trong những người dân còn sót lại đó là mẹ của nhà giáo đã tìm gặp và cảm ơn tôi. Vì tôi là người đầu tiên, qua bài báo của mình, đã báo tin cho anh biết mẹ anh vẫn còn sống sau vụ thảm sát kinh hoàng ấy. Khi đó, anh đang còn ở miền Bắc, từng giờ, từng phút đón tin tức giải phóng từ quê nhà.
Nhà báo Dương Đức Quảng (bên trái ) tham dự một sự kiện cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (Ảnh: NVCC) |
Nếu không làm báo, tôi không có được cơ duyên tiếp cận với Nhật ký Đặng Thùy Trâm từ khi cuốn Nhật ký này chưa xuất bản và được cùng các nhà văn, nhà báo từng có mặt ở chiến trường Khu 5, chiến trường Quảng Ngãi, Đức Phổ… trong chiến tranh chống Mỹ tổ chức việc phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi cuốn Nhật ký này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Và cũng qua hoạt động báo chí này, tôi trở thành người thân của hai gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Giá (phóng viên quay phim, nhiếp ảnh trước khi hy sinh để lại 48 bức ảnh anh chụp ở Đức Phổ, sau này cũng được Fred, người cựu binh Mỹ trao lại cho gia đình, như đã trao cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho gia đình chị) và trở thành “người bạn Việt Cộng từng đối đầu trên chiến trường Quảng Ngãi” được Fred và Rob, anh trai của Fred, cũng là một cựu binh Mỹ ở Việt Nam quý mến.
Nếu không làm báo, tôi không có điều kiện được ăn cơm nấu vẫn sống với chút nước mắm cái, không phải bằng chén, bát mà là trên nắp chiếc nồi quân dụng 20 cùng các chiến sĩ Quân giải phóng Miền Nam bên sông Thu Bồn giữa một trận càn của địch trong “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972. Và sau này, lại có dịp được ngồi cùng bàn với một vị Tướng lừng danh từng xông pha trận mạc trong một bữa Quốc tiệc của Thủ tướng nước bạn chiêu đãi Thủ tướng Việt Nam sang thăm.
Nếu không làm báo, chắc tôi khó có điều kiện được trải nghiệm để biết hầu hết các phương tiện giao thông chủ yếu trên trái đất này. Từ đôi chân đi bộ vượt Trường Sơn ròng rã hơn 3 tháng trời trong chiến tranh đến đi xe đạp gần 200km từ Vinh (Nghệ An) vào Đồng Hới (Quảng Bình) giữa những ngày nơi đây là “đất lửa”, “túi bom”.
Nhà báo Dương Đức Quảng có không ít kỷ niệm với cố Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh: NVCC) |
Nếu không làm báo, chắc tôi sẽ không có được những người bạn đồng nghiệp thân thiết cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi trong suốt mấy chục năm làm báo vừa qua. Có người đã hy sinh, có người đã mất, có người đang bị bệnh tật. Và chính những người bạn đồng nghiệp ấy đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui và cả sự may mắn không ngờ.
Cách đây hơn chục năm, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi viết bài báo: Phóng viên nhiếp ảnh Kim Hùng: Ngạo nghễ chống lại tử thần, nói về cuộc đời cầm máy ảnh lắm nỗi truân chuyên nhưng đầy tự hào của anh và sự lạc quan chống lại bệnh ung thư quái ác để tiếp tục làm việc và sáng tạo trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời.
Nếu không làm báo, tôi sẽ không hiểu hết ý nghĩa của các từ “sai một ly đi một dặm”, “cái sảy nảy cái ung”, “chữ tác thành chữ tộ”. Gần đây, có một vài chuyện về sai lầm của tờ báo này, tờ báo nọ trong việc đưa tin sai sự thật hoặc bất lợi về chính trị. Nhưng người chịu trách nhiệm chính để cho các tin bài đó xuất hiện trên mặt báo hoặc trên mạng internet đã không bị xử lý kỷ luật đúng mức, với lý do “lỗi do cậu đánh máy”.
Và từ đó, “lỗi do cô/cậu đánh máy” đã trở thành câu chuyện khôi hài được nhiều người “nhễu nhại” trong các bài viết đưa trên mạng internet. Nhưng quả thật, nếu không làm báo, tôi sẽ không biết một chuyện cụ thể về lỗi thật của một cô đánh máy. Thật may, tôi đã kịp thời phát hiện ra và sửa trước khi phát tin cho các báo, nếu không thì chắc tôi khó có thể biện hộ cho cái sai này và khó có thể kéo dài nghề làm báo của mình đến bây giờ.
Còn nhiều chuyện “sai một ly đi một dặm”, “chữ tác thành chữ tộ” không thể cười hoặc cười ra nước mắt khác mà tôi đã gặp trong đời làm báo của mình, kiểu đánh máy không dấu thì “nha tho” có thể đọc thành “nhà thơ”, “nhà thờ” hay… “nhà thổ” như Tổng Bí thư Trường Chinh từng nhắc một nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà báo Dương Đức Quảng. (Ảnh: NVCC) |
Nếu không làm báo, tôi đã không mắc phải một sai lầm nhớ đời, đưa một chuyện không có thật thành một chuyện như thật lên mặt báo. Đó là năm 1992, trên cương vị Phó Tổng Biên tập báo Tuần Tin Tức, phụ trách phía Nam, tôi đã ký để cho in lên báo Tuần Tin Tức một vụ “đòi vàng” hoàn toàn sai sự thật, khiến dư luận lúc đó rất bức xúc, và không ít người đọc oán trách các cơ quan Nhà nước và Chính phủ trong cung cách và thái độ “đối xử tồi tệ” với dân. Một phóng viên của báo đưa cho tôi bài viết kèm theo hồ sơ về vụ việc ông Trần Đức ở thành phố Hồ Chí Minh, hơn 90 tuổi, suốt 30 năm với trên 300 lá đơn gửi hết cấp này cấp khác để đòi lại 394 lượng vàng gửi vào Ngân hàng Nhà nước mà nay vẫn không đòi được.
Thực tế, số vàng trên không phải của ông Trần Đức mà là của một nhà tư sản người Hoa tìm cách tẩu tán tài sản khi bị cải tạo sau ngày giải phóng, gửi ông Trần Đức cất giấu hộ, bị Đội cải tạo phát hiện và thu giữ. Sau này, một kẻ xấu nhận ông Trần Đức là cha nuôi biết chuyện đã đứng tên ông để khiếu kiện, đòi lại số vàng đó, hy vọng nếu đòi được sẽ được ông Trần Đức chia cho một nửa như ông đã hứa!
Vụ việc này, sau báo Tuần Tin Tức còn có một số báo khác đăng khiến đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải giải quyết. Vì vụ việc được báo chí nêu nên Thủ tướng đã giao cho tôi làm việc với các cơ quan có trách nhiệm để làm rõ vụ việc, báo cáo Thủ tướng.
Tôi đã báo cáo Thủ tướng hồ sơ vụ việc được người “con nuôi” của ông Trần Đức đưa cho các nhà báo đã bị “rút ruột”. Toàn bộ kết luận thanh tra xử lý vụ việc và ý kiến trả lời của các cơ quan có thẩm quyền ở TP. Hồ Chí Minh và của một số cơ quan Trung ương từ khi có “đơn đòi vàng của ông Trần Đức” đã không được người “con nuôi” của ông cung cấp cho các nhà báo.
Cứ cho là không có chuyện tiêu cực của các nhà báo trong việc viết bài về vụ việc này, thì rõ ràng các nhà báo đã bị đánh lừa. Và không chỉ vậy, cả Tòa soạn báo và người phụ trách, trong đó có tôi, cũng bị đánh lừa vì một chuyện tưởng như thật này.
Đó quả thật là những kỷ niệm "nhớ đời" trong cuộc đời làm báo của tôi.
Nhà báo Dương Đức Quảng
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí - Văn phòng Chính phủ)