Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, ngày 19/6. (Nguồn: TTXVN) |
Hiện nay, đối ngoại đã và đang phát huy vai trò tiên phong trong thu hút nguồn lực bên ngoài theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong hành trình đó, báo chí đối ngoại có đóng góp như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Điều này đã được khẳng định nhiều lần tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới và Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW.
Theo đó, công tác thông tin đối ngoại, bao gồm báo chí đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng nhà nước ta, có vai trò tiên phong trong thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển.
Tôi cho rằng, trước hết, báo chí đối ngoại góp phần truyền tải và giúp thế giới có thông tin đúng, đủ về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam, từ đó thu hút sự quan tâm và ủng hộ chủ trương, đường lối phát triển và bảo vệ đất nước của Việt Nam, chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế, lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong các vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Trong bối cảnh các quốc gia đều ra sức tuyên truyền lập trường, chính sách của mình, báo chí đối ngoại có nhiệm vụ đưa tiếng nói của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, bảo đảm thông tin về Việt Nam là “điểm sáng” trong dòng chảy thông tin toàn cầu.
Thứ hai là ba năm sau đại dịch Covid-19, thế giới đang chứng kiến sự hồi phục của đầu tư quốc tế cũng như du lịch nước ngoài. Các nước cũng đang cạnh tranh trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài vào đầu tư và du lịch. Báo chí đối ngoại cần góp phần tạo ra “sức hút” của Việt Nam qua các bài viết với nội dung phong phú, thông tin tích cực, qua đó, quảng bá, giới thiệu cho cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thân thiện, mến khách, đậm đà bản sắc dân tộc, có môi trường đầu tư thuận lợi, là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, điểm kinh doanh thuận lợi đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, là một bộ phận của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí đối ngoại cũng cần tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác hiệu quả với những âm mưu phá hoại hình ảnh Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế của các thế lực thù địch. Không thể đứng ngoài cuộc, báo chí đối ngoại cũng cần tích cực tham gia công cuộc đấu tranh này, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với thế mạnh là với nhiều ngôn ngữ thể hiện, báo chí đối ngoại vươn xa và tiếp cận với công chúng nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, với các phương thức truyền thông ngày càng hiện đại, khoảng cách không còn là rào cản thông tin, báo chí đối ngoại càng có nhiều lợi thế để thông tin nhanh, lan toả rộng và tương tác kịp thời với công chúng, giúp Việt Nam phủ sóng sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế.
Ở chiều ngược lại, theo Thứ trưởng, thế và lực mới của đất nước không ngừng phát triển đi lên sẽ có tác động như thế nào đến hướng đi của báo chí đối ngoại?
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trước đây và thậm chí ngay cả bây giờ, báo chí đối ngoại của chúng ta vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng. Ngôn ngữ chính trên các báo vẫn là tiếng Việt và tiếng Anh, không nhiều báo có các ngôn ngữ phổ biến khác. Nội dung chuyên biệt còn hạn chế. Nhiều báo chỉ đơn giản dịch tin bài tiếng Việt sang tiếng Anh, mà chưa đầu tư xây dựng những nội dung phù hợp với thị hiếu của độc giả nước ngoài.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong khi đó, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao, nhu cầu và mục tiêu tuyên truyền của chúng ta ngày một mở rộng. Đối tượng tuyên truyền của chúng ta không còn bó hẹp ở những người có nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam mà chúng ta muốn tuyên truyền tới tất cả công chúng trên toàn thế giới, đưa thông tin về Việt Nam vào tivi, máy tính, điện thoại di động, mạng xã hội mà họ đang sử dụng.
Chúng ta không chỉ muốn tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung theo cách một chiều, chúng ta muốn đưa những câu chuyện hấp dẫn, thú vị về Việt Nam trên mọi lĩnh vực, phù hợp với từng địa bàn, đáp ứng thị hiếu của từng đối tượng sử dụng, qua đó, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa câu chuyện về Việt Nam, hình ảnh của Việt Nam tới dư luận quốc tế.
Như vậy, trong thời gian tới, cùng với các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại khác, báo chí đối ngoại cũng cần có những đột phá cả về chủ trương, nội dung, hình thức và nguồn lực. Báo chí đối ngoại cần là lực lượng đi đầu, chủ công trong công tác thông tin đối ngoại, quyết tâm “đưa Việt Nam tới gần thế giới và đưa thế giới tới gần Việt Nam”.
Với chủ trương đó, báo chí cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá dư luận, thị hiếu của công chúng, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như truyền thông số, truyền thông mạng xã hội, thậm chí cả trí tuệ nhân tạo, vào công việc của toà soạn, đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng phóng viên, nhà báo cả về lập trường chính trị lẫn năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, phát hành tin bài dưới nhiều thứ tiếng, hướng tới mục tiêu báo chí đối ngoại của Việt Nam trở thành một nguồn tin phát tin cậy, thường đọc của dư luận quốc tế, không chỉ phản ánh tình hình trong nước, mà còn thể hiện rõ nét lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề dư luận quốc tế quan tâm, đưa tiếng nói của Việt Nam trở thành kênh dư luận riêng, đáng chú ý trong truyền thông thế giới.
Thứ trưởng từng nhận mạnh rằng nguồn lực về tri thức kiều bào ở nước ngoài vô cùng to lớn và nếu khai thác tốt được nguồn lực này sẽ là đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng những mục tiêu lớn cho đến năm 2030, 2045. Báo chí đối ngoại có thể “góp sức” ra sao trong nỗ lực này, thưa Thứ trưởng?
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) nói chung, phát huy nguồn lực trí thức kiều bào nói riêng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có công tác thông tin đối ngoại và báo chí đối ngoại. Khác với bạn bè quốc tế, vốn có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhìn chung vẫn sử dụng chung tiếng nói với người dân trong nước, có những hiểu biết nhất định về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong nước. Do đó, báo chí đối ngoại cũng nghiên cứu, tính toán cách tiếp cận phù hợp.
Trước tiên, báo chí đối ngoại có thể phát huy vai trò là một kênh thông tin hiệu quả, giúp kiều bào nắm bắt được tình hình phát triển mọi mặt của đất nước. Việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về các dự án, chính sách, chiến lược phát triển, lĩnh vực ưu tiên phát triển, cơ hội đầu tư tại Việt Nam… giúp kiều bào nắm bắt được xu hướng phát triển và cơ hội đầu tư tại quê nhà, từ đó mở ra những cơ hội hợp tác và đóng góp của kiều bào cho sự phát triển của quê hương.
Ở chiều ngược lại, báo chí đói ngoại cần phát huy các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng, tăng cường hợp tác với báo chí kiều bào để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của NVNONN…
Các cơ quan báo chí truyền thông trong nước cần tiếp tục đồng hành, thể hiện trân trọng đối với những đóng góp ý nghĩa của bà con NVNONN trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, giúp lan tỏa hơn nữa tinh thần yêu nước, sự sẻ chia của cộng đồng NVNONN với nhân dân trong nước.
Báo chí đối ngoại cũng có thể mở các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, tổ chức các sự kiện, hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến về các lĩnh vực mà kiều bào quan tâm, từ khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, đến kinh tế, tài chính, văn hóa… Qua đó, kiều bào có thể đóng góp ý kiến, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, tạo nhịp cầu kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trí thức, doanh nhân người Việt thành công ở nước ngoài với chính quyền và nhân dân trong nước, tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước kết nối với kiều bào, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Tôi cũng mong báo chí tích cực lan tỏa những câu chuyện thành công và kinh nghiệm của kiều bào trong các lĩnh vực khác nhau khi đầu tư, hợp tác tại Việt Nam, góp phần tạo động lực và cảm hứng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giúp kiều bào nhận thấy giá trị và tiềm năng đóng góp của mình, mà còn là minh chứng rõ ràng cho những cơ hội mà kiều bào có thể tìm thấy khi hợp tác và đóng góp cho quê hương, củng cố niềm tin và khuyến khích kiều bào tham gia vào công cuộc phát triển đất nước nhiều hơn nữa.
Từ câu chuyện truyền cảm hứng của Quang Linh Vlogs - Team châu Phi, kết nối người dân Việt Nam - Angola, Thứ trưởng có thông điệp gì gửi tới những lực lượng trực tiếp làm công tác báo chí đối ngoại hiện nay?
Vừa qua, tôi đã gặp Quang Linh khi Linh và team châu Phi về nước. Tôi nghĩ đây là một “hiện tượng” thú vị của truyền thông xã hội. Từ một chàng trai xứ Nghệ rời xa quê hương đi mưu sinh xứ người, Linh chỉ mong muốn kể câu chuyện thực về cuộc sống của minh cho bạn bè biết. Nhưng rồi Linh đã trở thành Vlog với hàng triệu tương tác, nói cách khác Linh đã nổi tiếng trên mạng xã hội và có khả năng định hướng, dẫn dắt công chúng. Đó là bởi vì những việc làm, hoạt động thiện nguyện của Linh tại Angola chứa đựng những câu chuyện nhân văn sâu sắc, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người xem, truyền cảm hứng tích cực tới đông đảo người Việt trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ, đặt trong bối cảnh xã hội ngày càng có nhiều cám dỗ và bản thân Linh cũng chưa phải đã hết khó khăn. Linh cũng đã góp phần đưa châu Phi xa xôi đến gần với người Việt Nam, xây dựng cầu nối giữa người dân Việt Nam với Angola nói riêng và châu Phi nói chung.
Từ góc nhìn thông tin đối ngoại, đây là cũng có thể coi là một “cách làm hay”, dù Quang Linh vô tình hay có chủ đích, khi lan tỏa được giá trị văn hoá, hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam, trong đó có tinh thần cống hiến cho cộng đồng tới người dân sở tại.
Cách làm này không dựa vào những bài viết, chiến dịch quảng bá rầm rộ, không được phát tán qua những kênh truyền thông chính thống nhưng vẫn có hiệu quả truyền thông mạnh mẽ và được người dân sở tại đón nhận. Có lẽ đây cũng là một gợi ý cho báo chí đối ngoại trong thời gian tới, khi chúng ta muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam tới “tận ngóc ngách” của thế giới, những nơi mà truyền thông chính thống khó lòng tiếp cận, những sản phẩm khuôn mẫu khó được tiếp thu, khi đó, những câu chuyện giản dị, những sản phẩm đơn giản trên mạng xã hội lại có khả năng lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Từ câu chuyện đơn lẻ của Quang Linh tới kế hoạch truyền thông là một khoảng cách rất xa. Tuy nhiên, tôi tin rằng với quyết tâm đổi mới để lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới, báo chí đối ngoại sẽ có những bước chuyển mình đúng đắn trong thời gian tới, xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cũng như kết nối những nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
| Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người kể chuyện vĩ đại của lịch sử Đọc lại những bài báo, bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày tháng Sáu ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Báo chí cần 'chuyển mình' trong thời đại số Để tiếp tục thành công trong thời đại số và truyền thông xã hội, báo chí cần thực hiện một loạt các đổi mới và ... |
| Báo chí phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để khẳng định vị thế Trước bối cảnh mới với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN và sự cạnh tranh gay gắt, buộc cơ quan báo chí phải có ... |
| Quảng cáo số - 'phao cứu sinh' của báo chí hiện đại Hiện nay, số lượng phát hành của báo in giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực ... |
| Nhà báo Ngô Việt Anh: Báo chí hãy làm mới mình bằng công nghệ số Các cơ quan báo chí nên phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của độc giả trung thành để thu ... |