Các nghệ sĩ của Nhà hát ballet Mỹ. |
Từ giữa thế kỷ trước, chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch dành nhiều khoản chi cho hoạt động quảng bá bằng văn hóa. Năm 1954, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower lập “Quỹ Tổng thống cho hoạt động quốc tế”, tài trợ cho các công ty tổ chức giao lưu nghệ thuật, thể thao ở nước ngoài. Năm 1958, Công ty múa ballet Alvin Ailey được thành lập bởi nhà biên đạo múa Alvin Ailey.
Tìm sự thấu hiểu
Năm 1966-1967, công ty Alvin Ailey thực hiện hai chuyến lưu diễn ở các quốc gia châu Phi vừa giành được độc lập. Năm 1970, họ mang những tiết mục ballet hiện đại đến Liên Xô sau khi Nhà hát ballet New York cũng có chuyến lưu diễn lịch sử đến Moscow năm 1962.
Sharon Luckman, Giám đốc điều hành Ailey cho biết các vũ công không chỉ giữ gìn hình ảnh Mỹ trên sân khấu mà cả khi họ ngồi trong quán cà phê, dạo phố… Mỗi nghệ sĩ là đại diện cho nước Mỹ thân thiện, tích cực “chứ không phải đi đến đâu gây chiến, tạo xung đột đến đó”.
Hiện nay, các tour diễn ballet khắp thế giới như một phần dự án “DanceMotion USA”. Giám đốc Cơ quan giao lưu văn hóa và giáo dục, Bộ Ngoại giao Chris Miner cho biết riêng trong giai đoạn 2010-2015 mức kinh phí đài thọ dao động từ 1,7 đến 2 triệu USD. Họ không chỉ tổ chức biểu diễn mà còn trao đổi học thuật thông qua các hội thảo khoa học, triển lãm. Năm 2003, khi cuộc chiến chống khủng bố khởi động, các kết quả thăm dò cho thấy cái nhìn tiêu cực về Mỹ trong mắt người Hồi giáo tăng mạnh, Washington đã gửi các biên đạo múa đến các quốc gia Hồi giáo lớn để tăng cường giao lưu, tìm sự thấu hiểu.
Mùa thu năm 2010, Nhà hát ballet Mỹ (ABT) lưu diễn Cuba sau lần đến Havana nửa thế kỷ trước. Các vũ công ballet Mỹ với hai người gốc Cuba được đối xử như những ngôi sao ở Havana. Có lẽ, Mỹ hiểu rằng tình yêu ballet của người dân quê hương nghệ sỹ bậc thầy Alicia Alonso sánh ngang sự hâm mộ dành cho bóng chày và nhạc jazz. Julia Kent, vũ công chính của ABT cho biết thành viên trong đoàn cảm thấy mình như một đại sứ. Trao đổi văn hóa, tăng cường tiếp xúc giữa người dân giúp hai bên vượt qua rào cản chính trị, tạo tiền đề cải thiện quan hệ. Kết quả bình thường hóa quan hệ được công bố cuối năm 2014 cho thấy nhận định đó là chính xác.
Tạo nên “khuôn mẫu khác”
Sau khi ký thỏa thuận trao đổi văn hóa Mỹ-Xô vào cuối những năm 1950, Liên Xô đã cử Nhà hát Ballet Bolshoi mang chương trình “Bolshoi Ballet’s American Primiere” đến biểu diễn ở Mỹ. Các tiết mục bao gồm bốn vở Romeo & Juliet, Hồ Thiên Nga, Giselle và The Stone Flower cùng nhiều trích đoạn diễn tả xã hội Liên Xô trước và sau cách mạng. Sự kiện thu hút 900 ngàn lượt đặt vé trong khi chỉ 165 ngàn vé được phát ra.
Đáp lại, năm 1960, các vũ công ABT sang Liên Xô lưu diễn. Ban đầu, biên đạo múa nổi tiếng John Martin chỉ trích điều này là "sự sỉ nhục quốc gia sâu sắc", yêu cầu hủy kế hoạch này. Trái với dự báo của Martin, ABT được chào đón nồng nhiệt, đặc biệt là khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov bất ngờ xuất hiện tại đêm bế mạc ở Moscow.
Sau khi Nhà hát Bolshoi được trùng tu năm 2011, khán giả đầu tiên của vở Người đẹp ngủ trong rừng là Tổng thống Dmitry Medvedev. Ông giao nhiệm vụ cho các vũ công lưu diễn khắp thế giới, đặc biệt là tại các nước chưa “thấu hiểu” Nga. Khi vấn đề “quần đảo Curin” nóng lên năm 2012, các vũ công Bolshoi đã mang đến Tokyo các vở Hồ thiên Nga, Raymonda, Spartacus và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
Tháng 7/2014, các vũ công Bolshoi đã có buổi biểu diễn quan trọng tại Hội chợ Trung ương Lincoln (New York, Mỹ). Chương trình không chỉ mang tính biểu tượng cho việc nối lại tình hữu nghị giữa Nga – Mỹ mà còn mở ra hy vọng cho việc hai nước đối thoại chính trị. Một lần nữa, giao lưu ballet đóng vai trò tạo nên "khuôn mẫu khác" trong quan hệ song phương hiện nay. Một chi tiết khá thú vị là trong hàng ngũ nghệ sĩ của Bolshoi có vũ công tài năng người Mỹ David Hallberg. Gia nhập Nhà hát Bolshoi tháng 9/2011, nam vũ công 34 tuổi cảm thấy trách nhiệm cao cả vì là một người Mỹ và mong muốn đem một cái gì khác biệt tới Nga trong khi vẫn tôn trọng truyền thống Bolshoi.
Nhà nghiên cứu Cadra Peterson McDaniel, tác giả cuốn sách Ngoại giao văn hóa Xô – Mỹ, đánh giá sự tan băng trong quan hệ hai nước giữa thế kỷ XX có nhiều đóng góp của ngoại giao văn hóa, bao gồm ballet. McDaniel cho rằng Liên Xô đã cung cấp thông điệp sâu sắc về vai trò của nghệ thuật trong xã hội và sự điều chỉnh quan hệ chính trị. Ballet đã giúp chính sách đối ngoại của Liên Xô cũ được gọi tên là "chiến tranh một cách nghệ thuật”. Đó là kinh nghiệm quý báu cho việc nhìn nhận giá trị của nghệ thuật trong chính sách đối ngoại Nga thế kỷ XXI.
Câu chuyện “ngoại giao ballet” của Mỹ và Nga cho thấy văn hóa và nghệ thuật nói chung, ballet nói riêng có thể hỗ trợ ngoại giao chính thống trong một số giai đoạn và hoàn cảnh nhất định.
Nguyên Bảo