“Bộ ba" Churchill, Roosevelt và Stalin tại Hội nghị thượng đỉnh Yalta, tháng 2 năm 1945. |
Kỳ 1: Tình bạn làm thay đổi lịch sử
Bài phát biểu của Stalin
Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là Điện Kremlin bắt đầu ngày càng có những thái độ không thân thiện với các quốc gia tư bản phương Tây. Một trong nhiều lý do chính là chuyến về thăm Leningrad của Berlin khiến Ahdanov nổi giận. Liên Xô bắt đầu thắt chặt kiểm soát. Điều này làm gia tăng sự cô lập và ngột ngạt trong đời sống văn hóa nước này.
Vào ngày 9/2/1946, trong thời gian tổng tuyển cử Xô viết tối cao, Stalin có bài diễn thuyết tại Mátxcơva. Ông cho rằng vấn đề xung đột lý tưởng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi và việc hợp tác giữa hai bên là rất khó duy trì. Đảng Cộng sản của Liên bang Xô viết nhận thức rõ điều này, và cuộc chiến đó đang ngày một đến rất gần...
Sứ quán Anh và Mỹ tại Mátxcơva nhanh chóng nghiên cứu bài diễn thuyết của Stalin. Tạp chí Time coi đây là nhận định có tính khiêu khích nhất mà một lãnh đạo chính trị phát ngôn kể từ khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. Thậm chí, một số người trong Chính phủ Mỹ còn coi đó như là “tuyên bố chiến tranh thế giới thứ ba”. Trong bối cảnh đó, Kennan gửi Bức điện dài từ Mátxcơva về Washington.
Kennan và Roberts
Vào thời điểm Kennan gửi Bức điện dài, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Harriman đang trên đường về Mỹ, đại biện lâm thời Kennan là người chịu trách nhiệm trong việc điều tra tình hình tại sứ quán ở Mátxcơva. Qua các cuộc nói chuyện giữa Roberts và Berlin, Kennan có lẽ đã nhận thức được tình hình Liên Xô đang trải qua biến động sâu sắc.
Trong bức điện rất dài đó, Kennan chỉ ra cho Roberts thấy thái độ của Liên Xô đối với thế giới bên ngoài. Nhận thấy đây là bản phân tích hoàn hảo về tình hình Liên Xô, Roberts chuyển nó đến Bộ Ngoại giao của ông, sau đó ông được lệnh thảo một báo cáo do chính ông viết về tình hình Liên Xô. Chính phủ Anh hiểu rõ tài ngoại giao của Roberts, và vào thời điểm then chốt này, Văn phòng Bộ Ngoại giao muốn thấy quan điểm nhìn nhận về Nga và cách thức ứng xử mà ông đề xuất. Với sự giúp đỡ của một vài phụ tá, ông đã gửi một bản báo cáo gồm ba phần, dài và chi tiết không thua kém so với Bức điện dài của Berlin.
Dễ hiểu “những bức điện dài” đó gần như tương tự nhau bởi quan hệ thân thiết giữa Kennan và Roberts. Bên cạnh đó, báo cáo của Roberts nhấn mạnh quan điểm lạc quan hơn nhiều so với của Kennan. Điều này có thể bắt nguồn từ sự khác biệt về nhân cách giữa hai người, nhưng cũng phản ánh sự khác nhau trong truyền thống ngoại giao của Anh và Mỹ. Trước hết, Roberts không nhất thiết phải lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh với Liên Xô, mà ông còn đề xuất có thể có những hợp tác ở mức độ nhất định. Đáp lại tin đồn chiến tranh sắp xảy ra, ông bày tỏ rằng ông chưa bao giờ tưởng tượng đến cuộc chiến giữa Anh và Liên Xô. Quan điểm này dựa trên thực tế Liên Xô hoàn toàn kiểm soát an ninh cho toàn khu vực rộng lớn, thiết lập các quốc gia vệ tinh ở Đông Âu, trở thành quốc gia lớn nhất thế giới và bảo đảm an ninh cho chính nước này. Theo quan điểm của ông, mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Liên Xô là củng cố vùng ảnh hưởng mà nước này đang nắm giữ. Ông không tin thế giới lại nổ ra chiến tranh chỉ vì sự mâu thuẫn về tư tưởng.
Mặt khác, dù có nhiều quan điểm chỉ trích Liên Xô, ông vẫn viết trong báo cáo: “Những hy vọng tươi mới về tương lai đang ngày càng rõ nét ở Liên Xô hơn bất kỳ quốc gia nào”. Có thể Berlin đã chỉ cho Roberts thấy không khí ngột ngạt ngày càng tăng ở Liên Xô, nhưng vào thời điểm đó, “kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” đang đạt được những thành tựu to lớn với nỗ lực biến Chủ nghĩa xã hội thành hiện thực đã tiếp thêm quan điểm lạc quan cho ông.
Mở “cửa” Chiến tranh Lạnh
Bức điện dài của Kennan và Báo cáo dài của Roberts đều có những tác động ngoài sức tưởng tượng. Từ lúc chính phủ của hai người này nhận được, chính sách của Mỹ và Anh đã đổi hướng hoàn toàn so với mong đợi của hai nhà ngoại giao. Một nhân tố trong vấn đề này là dư luận. Rất nhiều người Anh, Mỹ từng kỳ vọng việc hợp tác giữa các đồng minh chiến tranh trước đây sẽ được tiếp tục, cảm thấy hy vọng của họ đã bị phản bội, và họ đột ngột chuyển thái độ thù địch đối với Liên Xô.
Thời điểm mấu chốt của việc chuyển thái độ xuất phát từ bài phát biểu “rào sắt” của Thủ tướng Anh Churchill ở Missouri đúng một tháng sau bức điện tín của Kennan. Sau khi nghiên cứu kỹ bài phát biểu của Churchill, Stalin phản đối dữ dội. Ông cho rằng những người Anglo-Saxon coi thường người Nga và đang tìm cách thống trị thế giới theo cách mà Hitler đã thực hiện bằng thuyết phân biệt chủng tộc. Sự giận dữ của Stalin khiến Kennan kinh ngạc. Theo ông, sự phản ứng đó “là điển hình phản ứng mãnh liệt chưa từng có của người Xô viết mà ông biết đến trong bất kỳ tuyên bố ngoại giao nào”. Sau phát biểu của Churchill, thái độ thù địch và đề phòng của Stalin với phương Tây lên cao hơn bao giờ hết.
Từ lúc này, Chiến tranh Lạnh trở nên khốc liệt. Kennan và Roberts chỉ trích những người lạc quan cho rằng vẫn có thể hợp tác với Liên Xô, nhưng họ cũng phản đối quan điểm quá bi quan đối với tình hình. Tuy quan điểm của hai người phần nào có sự khác biệt, họ vẫn dự đoán thời kỳ chiến tranh lạnh mới không quá tồi tệ cho Anh và Mỹ. Hai nhà ngoại giao đã vô tình mở cánh cửa Chiến tranh lạnh và thực tế đối đầu sau đó đã vượt ngoài tưởng tượng của hai người về sự khốc liệt và căng thẳng.
Kennan và Roberts đều nghĩ rằng mối nguy hại từ Liên Xô có thể dễ dàng giải quyết thông qua việc soạn thảo các chính sách một cách đúng mực và thực tế. Dư luận phương Tây thì theo quan điểm không khoan nhượng. Ngày nay, vẫn còn nhiều nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về ý nghĩa việc hai nhà ngoại giao này muốn nỗ lực định hướng lịch sử vì một trật tự thế giới ổn định.
Vĩnh Tiến (Theo Gaiko Forum)