📞

Những năm tháng khó quên ở Việt Nam

15:15 | 08/07/2016
Hình ảnh Việt Nam những năm đầu đổi mới, những chuyến giao lưu như “con thoi” giữa hai nước, chính khách Việt đầy bình dị và vẻ đẹp phụ nữ Việt...là phần ký ức đẹp đẽ của cựu Đại sứ Pháp Claude Blanchemaison.

Có thể hiểu tình cảm chân thành của vị cựu Đại sứ Pháp bởi sau 20 năm trở lại, ông vẫn say sưa nói về Việt Nam trong ba tiếng đồng hồ liền tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Claude Blanchemaison đến Việt Nam sau khi hai nước từng trải qua một cuộc chiến đầy đau thương nên mối quan hệ giữa người Việt và người Pháp vẫn còn nhiều e ngại. Với mong muốn được trải nghiệm phiêu lưu, thách thức mới mẻ nên Claude Blanchemaison chọn việc đến Việt Nam trên cương vị tân Đại sứ...

Bốn năm chỉ toàn “điềm may”

Claude Blanchemaison cho biết, ông đến Hà Nội vào mùa Xuân năm 1989, trong bầu không khí của thủ đô một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và tháng 3/1993, ông rời khỏi một đất nước đang thay đổi nhờ ý chí phát triển và mong muốn hội nhập quốc tế cũng như nâng cao vai trò của mình trong những hoạt động của cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Vị cựu Đại sứ ấn tượng với những năm tháng nhiều biến động trong thời kỳ cả dân tộc Việt Nam dốc sức, chuyển mình đổi mới để vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Ông đã sống trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam và mối quan hệ Pháp-Việt. Đó cũng là giai đoạn Việt Nam mới bước vào công cuộc đổi mới với muôn vàn khó khăn như kinh tế lạm phát, Việt Nam bị cô lập, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận Việt Nam...

Claude Blanchemaison tại buổi gặp gỡ ở Hà Nội ngày 29/6 (Ảnh: Nguyễn Hồng).

Tuy nhiên, trong bốn năm công tác tại Việt Nam, Claude Blanchemaison chứng kiến hàng loạt sự kiện, hoạt động lớn, sôi nổi. Cựu Đại sứ Pháp chia sẻ, khi ấy, ngày Quốc khánh Pháp trở thành một dịp thường niên hội tụ các nhạc công và ca sĩ Việt Nam tại Đại sứ quán. Ông đã không ít lần đón tiếp những chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Roland Dumas và của nhiều thành viên Chính phủ Pháp, cũng như nhiều doanh nhân và nghệ sĩ. Đặc biệt, hợp tác giữa hai nước được phát triển mạnh mẽ.

 Từ năm 1989, hợp tác điện ảnh được thúc đẩy khi các đạo diễn, diễn viên người Pháp tìm đến Việt Nam để làm phim “Điện Biên Phủ”, “Đông Dương” và “Người tình” - những bộ phim phương Tây đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1992 đánh dấu sự ra đời của Trung tâm Đào tạo và Quản lý Pháp-Việt, chương trình nội trú tại các bệnh viện lớn của Pháp dành cho các bác sĩ trẻ Việt Nam và chương trình đào tạo nhân lực của Bộ Tài chính. Trong năm này, chiến hạm đầu tiên của Pháp đã cập bến Hải Phòng đánh dấu hợp tác quốc phòng bắt đầu giữa hai nước.

Và thành quả tốt đẹp nhất trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ là tháng 2/1993, Tổng thống François Mitterrand đặt chân tới Hà Nội, Điện Biên Phủ và TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam nói riêng, giữa Việt Nam và thế giới nói chung.  Theo ông, không quá khi nói rằng, từ sau chuyến thăm của Tổng thống Mitterrand, cánh cửa bước ra thế giới của Việt Nam đã rộng mở.

Người Việt có sức hút đặc biệt

Cũng trong thời gian bốn năm, Claude Blanchemaison đã rong ruổi từ Bắc vào Nam và thường xuyên gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo cũng như nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, doanh nhân, nghệ nhân… Với ông, được gặp gỡ và trò chuyện cùng những người Việt Nam chính là những trải nghiệm thú vị nhất mà ông muốn lưu giữ.

Claude Blanchemaison ấn tượng mạnh với những chính khách Việt Nam bình dị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình... Ông đặc biệt kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một nhà lãnh đạo tài tình, đồng thời là một người yêu nước Pháp và nền văn hóa Pháp. Có lẽ vì vậy, trong quãng thời gian làm Đại sứ, Claude Blanchemaison đã gặp Tướng Giáp tới mười lăm lần. Hai con người có sự cách biệt về tuổi tác, khác biệt về văn hóa và từng ở hai phe đối lập lại trở nên thân thiết, gắn bó đến lạ thường.

Có một điều đặc biệt là từng làm Đại sứ tại Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha, nhưng hiện Việt Nam là nơi duy nhất ông chấp bút viết hồi ký. Cách đây hai năm, Claude Blanchemaison đã viết một cuốn sách về Việt Nam là “Khúc ca Pháp của Tướng Giáp”. Với cuốn sách mới được xuất bản tại Việt Nam mang tên “Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam”, ông đề tựa rằng: “Thân tặng tất cả những ai đã khiến tôi yêu mến đất nước Việt Nam” cùng với tình cảm vô cùng trìu mến của một người ngoại quốc.

"Trong những năm tháng làm việc tại Việt Nam tôi không hề cảm thấy áp lực và khó khăn. Các bạn Việt Nam đã tạo cho tôi niềm tin, cũng như thiện cảm. Có một câu hỏi cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào lý giải được, tại sao một đất nước bị ghi dấu nhiều cuộc chiến tranh mà lại sản sinh ra nhiều phụ nữ đẹp, thông minh và tuyệt vời đến vậy. Tôi chỉ muốn nói một điều rằng, tôi đã để lại trái tim của mình ở Việt Nam", ông chia sẻ.

Claude Blanchemaison sinh năm 1944, tốt nghiệp các trường: Trường Thương mại Cao cấp, Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris, Đại học Luật và Kinh tế Paris, Trường Hành chính Quốc gia. Sau nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông làm Đại sứ tại Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha.

Tại Bộ Ngoại giao, ông từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Viễn Đông, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Phát triển.

Tại văn phòng Thủ tướng Chính phủ, ông là Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề châu Âu và Tổng thư ký nhiệm kỳ Pháp làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu năm 2008. 5 năm nay, ông là đại diện của Pháp tại Hội đồng thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) và tham gia giảng dạy tại một số trường đại học.