📞

Những nhịp cầu hữu nghị

16:00 | 03/04/2016
Kể nhiều câu chuyện về những đóng góp tích cực của các cá nhân trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, để quan hệ giữa hai quốc gia tươi sáng như thời điểm hiện tại, có sự đóng góp rất lớn của những người dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.
Để giúp khép lại một chương đau buồn trong lịch sử, cựu binh Mỹ Chuck Searcy chọn rà phá bom mìn và giáo dục phòng tránh tai nạn là sứ mệnh nhân đạo của mình.

Trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, trước cả khi tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam được thiết lập thì đầu năm 1992, Văn phòng MIA (tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh) được đặt tại Hà Nội. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh rằng việc hai bên hợp tác tìm kiếm những người Việt Nam và Mỹ mất tích thời chiến tranh “không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn là vấn đề đối ngoại – chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước”.

Chất keo gắn kết

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng chính những nỗ lực nhân đạo to lớn ấy của Việt Nam tác động đến nhận thức, suy nghĩ của chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân Mỹ. “Hợp tác trong lĩnh vực MIA, từ một vấn đề gai góc, đã trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt – Mỹ, tạo dựng được lòng tin lẫn nhau và trở thành cầu nối giúp hai nước xích lại gần nhau hơn”, Thứ trưởng nhận định. Thành quả đó không chỉ nhờ tầm nhìn xa của các nhà Lãnh đạo Việt Nam mà còn có phần đóng góp không nhỏ của người dân hai nước.

“Nếu không có đóng góp của người dân thì không bao giờ có thể triển khai được các hoạt động đó”, nhà ngoại giao có nhiều năm rong ruổi trên các nẻo đường, từ đồng bằng tới miền núi, từ miền Bắc tới miền Nam tham gia vào công tác tìm kiếm người Mỹ mất tích nhấn mạnh.

 Ông kể, có lần đoàn của ông đến một địa phương ở Thanh Hóa, nơi có nhà trẻ từng bị Mỹ ném bom, người dân tỏ rõ thái độ không hợp tác. Lần khác, đoàn của ông đến xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), có dân quân còn mang súng tự chế định bắn người Mỹ đi trong đoàn. Nhưng khi được giải thích về chủ trương nhân đạo, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai của Đảng và Nhà nước thì người dân đã hết sức ủng hộ.

“Hàng nghìn, hàng vạn lớp người tham gia quá trình tìm hài cốt quân dân Mỹ mất tích. Nếu không có điều này thì hợp tác MIA không thể thực hiện và quan hệ hai nước không thể tiến triển như hiện nay”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết.

Về phía Mỹ, những người đi đầu trong việc bắc những nhịp cầu bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ phải kể đến các cựu chiến binh. Chính các cựu chiến binh đã giữ gìn thông tin, cung cấp tư liệu cho Bộ Quốc phòng Mỹ để phía Mỹ chuyển cho Việt Nam. Nhờ những thông tin đó, phía Việt Nam đã tìm được hơn một nghìn hài cốt bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, ngoài các cựu binh Mỹ, phải kế đến các tổ chức phi chính phủ Mỹ, đến Việt Nam ngay cả trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Họ đến các vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ người dân Việt Nam từ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như chăm sóc sức khỏe, cung cấp nước sạch, đào tạo nghề… Rồi từ đó, ngày càng nhiều tầng lớp người Mỹ tham gia “nối nhịp cầu hữu nghị” giữa hai nước “cựu thù”, từ các chính khách, học giả, các lãnh đạo địa phương..,  với sự hợp tác rất thực chất.

Giữ hận thù sẽ không có bạn

Trước đây, nhiều người Mỹ nhìn Việt Nam là một cuộc chiến tranh. Một bộ phận cho rằng Việt Nam là nước cộng sản độc tài với thái độ thù địch. Nhưng rồi, chính giao lưu nhân dân đã giúp họ có cái nhìn khác.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc kể một câu chuyện xúc động của một nghị sĩ Mỹ, một cựu binh. Đến thăm một Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có chồng và con hy sinh trong chiến tranh, ông nghị sĩ nghĩ rằng mình sẽ được đón tiếp với thái độ căm thù, thậm chí chửi rủa vì ông thấu hiểu được mất mát, tổn thất quá lớn mà bà mẹ phải chịu đựng. Nhưng không, người mẹ đó đã ôm ông khóc và nói với ông: “Chiến tranh đã đi qua rồi. Giờ chúng ta là bạn bè. Mong sao Việt Nam và Mỹ mãi mãi là bạn”. Ông nghị sĩ quỳ xuống và khóc.

 Trái tim nhân hậu, bao dung của người mẹ Việt Nam đã không chỉ làm thay đổi suy nghĩ của ông nghị sĩ. Những câu chuyện như thế đã tác động đến suy nghĩ của nhiều người Mỹ về Việt Nam.

“Đã có nhiều quan chức cao cấp Mỹ, những người thăm Việt Nam lần đầu, lo lắng không biết người dân Việt Nam đối xử với họ như thế nào”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc kể. Tổng thống George W.H. Bush thăm Việt Nam khi mãn nhiệm kỳ, Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống George W. Bush năm 2006…, nhiều ngoại trưởng và nghị sĩ Mỹ cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi tới đất nước từng là nỗi ám ảnh của họ.

Thực sự cảm động và bất ngờ trước thái độ thân tình, hữu nghị, bao dung của người Việt Nam, đã có quan chức bày tỏ: “Không hiểu sao người Việt Nam lại bao dung đến thế?”. “Chúng tôi cũng đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chiến đấu với nhiều kẻ thù khác nhau. Khi họ đến bằng súng đạn thì chúng tôi phải chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Khi họ đến với tình hữu nghị thì chúng tôi coi họ như những người bạn”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã trả lời đầy tự tin như thế. Bởi lẽ, như  Thứ trưởng giải thích nếu giữ hận thù thì chúng ta sẽ không có bạn. Những người đến với mong muốn hợp tác, tôn trọng, hai bên cùng có lợi thì chúng ta sẵn sàng đón tiếp.

Những ngày đầu hai nước bình thường hóa quan hệ, hoạt động giao lưu nhân dân còn có sự e dè, nghi kị nhưng gần đây thì hợp tác giữa những người dân đã chủ động và cởi mở hơn. Việt Nam trong mắt nhiều người Mỹ là một quốc gia thân thiện, hòa bình, phát triển năng động, mở ra những cơ hội cho kinh doanh. “Việt Nam là một đất nước và là một đối tác. Một số khác nói là đối tác quan trọng và thậm chí dùng từ chiến lược”, ông Ngọc cho biết.

Trở về với “đêm trở gió”!

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhớ lại, năm 1997, khi đi mở Tổng lãnh sự quán ở San Francisco, Carlifornia, nhiều Việt kiều tỏ thái độ chống đối rất gay gắt. Một ngày có ba cuộc biểu tình, tình hình rất căng thẳng. Thậm chí, vào thời điểm đó, vẫn có những lực lượng gửi vũ khí, lực lượng về nước, nuôi ảo tưởng có thể dùng vũ lực để gây bạo loạn, lật đổ.

Nhưng gần đây thì có những “thay đổi có tính chất bước ngoặt” đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Một mặt do sự lớn mạnh của đất nước. Điểm nữa rất quan trọng là quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ được cải thiện. Thứ nữa, với chính sách hòa hợp dân tộc, coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt của dân tộc thì ngày càng nhiều Việt kiều trở về nước sinh sống, làm ăn.

Ca sĩ Ái Vân trong chương trình Giai điệu Tự Hào.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc lấy ví dụ, trước đây gần như không có chuyện ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn thì thời gian gần đây ca sĩ hải ngoại về Việt Nam hay ca sĩ Việt Nam sang Mỹ biểu diễn là chuyện bình thường. Điều này phải kể đến vai trò “mở đường” của rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có ca sĩ Hương Lan. Về Việt Nam, để được hát cho chính người Việt trên quê hương mình nhưng khi trở lại Mỹ, có rất nhiều người đi quanh nhà chị biểu tình tẩy chay. Hoặc như ca sĩ Ái Vân, mỗi lần lên Tổng Lãnh sự quán thường phải đội tóc giả và trang điểm khác đi nếu không thì bị mất show, nguồn sinh nhai chính của chị.

Nhưng các nghệ sĩ vẫn tỏ rõ bản lĩnh, vẫn tiếp tục về với tiếng gọi quê hương. Dần dần các ca sĩ khác cũng về. Rồi không chỉ các nghệ sĩ, những khán giả của họ cũng trở về. Thứ trưởng kể, khi đang ở cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, có những Việt kiều chia sẻ với ông rằng những bài hát như Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa… đã thôi thúc bước chân họ trở về. Nhiều người về Việt Nam chỉ vì một bài hát, vì mong ước được thấy mùa trở gió của Hà Nội sao lại thơ mộng vậy.

Hơn 20 năm qua, hàng vạn người Mỹ đặt chân đến Việt Nam, hàng triệu lượt người Việt từ Mỹ trở về quê hương và cũng có hàng vạn lượt người Việt đến Mỹ. Chính họ là những người đang bằng nhiều cách khác nhau, làm dày thêm những trang sử mới về mối bang giao của hai quốc gia cách xa nửa vòng trái đất.

Và người kể cho tôi nghe những câu chuyện trên, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, cũng đã có gần 30 năm trong nghề ngoại giao và cũng gần chừng ấy năm làm các công việc liên quan đến thúc đẩy “mối quan hệ hợp tác đầy đủ” giữa Việt Nam và Mỹ, như mong muốn trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman vào năm 1946.