📞

Những phút gay cấn ở APEC Việt Nam 2017

14:09 | 11/02/2018
Vững bản lĩnh, kiên định lập trường, khéo léo vận động, thuyết phục và thương lượng… tất cả các kỹ năng ấy đều rất cần thiết để đối mặt với những giây phút gay cấn tại các Diễn đàn đa phương như APEC.
Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ với TG&VN về Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đối với cá nhân ông, có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và cả những đêm dài “đấu trí” để vượt qua những vấn đề chưa từng có tiền lệ trong APEC.

Thưa Thứ trưởng, Năm APEC Việt Nam 2017 và điểm nhấn là Tuần lễ Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng đã kết thúc thắng lợi trên mọi phương diện. Để có được kết quả đó, chúng ta phải đối mặt và vượt qua những khó khăn nào?

Trước hết, cần phải khẳng định một lần nữa là Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao đã thành công rất tốt đẹp. Quá trình chuẩn bị đăng cai tổ chức được tiến hành trong khoảng ba năm, từ năm 2014. Trong quá trình này, đặc biệt trong năm 2017, chúng ta đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo tôi, nổi lên có 3 nhóm thách thức chính, gồm:

Về mặt tổ chức, đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức một Hội nghị Cấp cao đa phương có quy mô lớn ngoài thủ đô, đồng thời phải đón các đoàn thăm song phương quan trọng tại Hà Nội, do đó các công tác chuẩn bị đều phải nhân đôi, nhân ba, và phải bảo đảm lực lượng cán bộ và nguồn lực tại cả 2 địa điểm. Việc bảo đảm triển khai đúng tiến độ quá trình nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng cũng là một thách thức. Lần này địa điểm tổ chức các sự kiện là tại các khách sạn và các khách sạn tự nâng cấp đủ tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia APEC 2017. Chính phủ chỉ hỗ trợ nâng cấp một số địa điểm như Trung tâm báo chí quốc tế. Đi kèm với bảo đảm cơ sở vật chất là công tác an ninh - y tế, lễ tân phải chuẩn bị chu đáo, an toàn tuyệt đối.

Công tác tổ chức của chúng ta còn bị thách thức bởi lý do thời tiết. Đúng lúc Tuần lễ Cấp cao APEC chuẩn bị bắt đầu thì cơn bão Damrey đổ bộ. Nhiều cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị về cảnh quan đường phố bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão, đòi hỏi phải khắc phục gấp rút. Chúng ta cũng phải bố trí lại kịch bản tổ chức các sự kiện và lịch hoạt động của các đại biểu phù hợp với điều kiện thời tiết.

Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trao đổi với đại biểu tại Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC. (Ảnh: Nguyễn Hồng) .

Về mặt nội dung, năm 2017, tình hình thế giới, khu vực chuyển biến  nhanh, phức tạp và khó lường. Tâm lý nghi ngại toàn cầu hóa, về việc phân bổ không đồng đều các lợi ích của tự do hóa thương mại và đầu tư cho các bộ phận dân cư nổi lên mạnh mẽ. Tình hình chính trị nội bộ và chính sách của nhiều thành viên chủ chốt của APEC đang trong quá trình điều chỉnh. Tình hình đó khiến cho việc xây dựng chủ đề, chương trình nghị sự cũng như thống nhất nội dung các văn kiện của APEC trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các phương án đàm phán. Trong năm, ta đã chủ động thúc đẩy Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) và các Hội nghị Bộ trưởng từng bước thông qua các sáng kiến để trình lên Lãnh đạo Cấp cao. Chúng ta cũng triển khai ráo riết công tác tham vấn, vận động các thành viên ở tất cả các cấp. Song thực tế cho thấy, để đạt được các văn kiện Tuyên bố Cấp cao và Tuyên bố Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế, chúng ta đã mất 6 ngày 5 đêm liên tục thương lượng, vận động bên lề Hội nghị. Có những câu chữ phải mất gần một ngày để đàm phán. Với sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo cấp cao và phát huy bản lĩnh đối ngoại đa phương dày dặn, chúng ta đã đạt được đồng thuận thông qua 2 Tuyên bố chung và 6 văn kiện quan trọng kèm theo trong Tuần lễ Cấp cao.

Trên cương vị chủ nhà, chúng ta phải đảm nhiệm vai trò chủ trì, điều hành các hoạt động của APEC. Lãnh đạo nước ta đã chủ trì các Hội nghị lớn của APEC. Các bộ, ngành, cơ quan của nước ta cũng đã đảm nhận vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch của nhiều ủy ban, nhóm công tác APEC, chủ trì, điều hành nhiều hoạt động ở cấp làm việc của APEC. Đây vừa là cơ hội để nước ta thể hiện năng lực dẫn dắt, sáng tạo, khả năng đóng góp đối với các quan tâm chung của quốc tế, song cũng là thách thức lớn đối với các bộ, ngành, cơ quan, khi đa số các cán bộ đều kiêm nhiệm, vừa làm công tác APEC vừa đảm nhận các công tác đối ngoại khác. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, ngay từ đầu năm 2015, Ủy ban Quốc gia với sự hỗ trợ của Ban Thư ký APEC quốc tế và các thành viên APEC đã tăng cường công tác thông tin về Diễn đàn, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kỹ năng đàm phán, chủ trì, điều hành hội nghị… cho cán bộ các bộ, ngành, cơ quan, từ trung ương đến địa phương, qua đó góp phần hình thành một đội ngũ có kỹ năng và bản lĩnh đa phương và hội nhập quốc tế vững vàng và chuyên nghiệp hơn.

 Là người trực tiếp tham gia các hoạt động quan trọng của Tuần lễ Cấp cao APEC, Thứ trưởng nhớ tới những “thời khắc gay cấn” nào?

Đối với cá nhân tôi, có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là 3 thời điểm:

Thứ nhất, đó là vào chiều tối ngày 08/11, khi đã đến lúc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC phải kết thúc theo kế hoạch để hai Bộ trưởng đồng chủ trì cuộc họp báo vào lúc 17.30 giờ, song đến 18.45 giờ là lúc chuẩn bị diễn ra Chiêu đãi của các Bộ trưởng, các đoàn vẫn chưa thống nhất được văn kiện. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng

Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã quyết định kéo dài Hội nghị Bộ trưởng thêm nửa ngày. Sau một đêm dài “đấu trí”, đến sáng ngày 09/11, việc đàm phán văn kiện vẫn tiếp tục. Phó Thủ tướng đã trực tiếp vận động từng Trưởng đoàn để thống nhất tuyên bố Hội nghị kết thúc với kết quả là thông qua về nguyên tắc sẽ có các Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC và Tuyên bố Bộ trưởng, và giao các quan chức APEC tiếp tục đàm phán, thu hẹp các khác biệt. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong APEC.

Thứ hai, đó là đêm ngày 10/11, các thành viên vẫn chưa đạt được đồng thuận về văn kiện, trong khi Lãnh đạo của các thành viên APEC đều đã đến Đà Nẵng. Nhiều thành viên gây sức ép, đề nghị ta ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị. Lãnh đạo nước ta trực tiếp gặp gỡ, tham vấn song phương từng thành viên. Đến lúc này, mặc dù chúng ta đã tính toán và chuẩn bị kỹ các phương án, song thật tâm chúng tôi rất lo không hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Cuối cùng, nhờ sự giữ vững bản lĩnh, kiên định lập trường, đồng thời khéo léo vận động, thuyết phục và thương lượng với các đối tác, đến 11.30 giờ đêm ngày 10/11, khi còn chưa đầy 10 tiếng là đến giờ khai mạc Hội nghị Cấp cao APEC, văn kiện đã được thống nhất, với các nội dung rất tích cực và cân bằng, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương…

Thứ ba, là chiều và tối ngày 10/11, thời điểm họp Cấp cao TPP. Đã quá giờ Cuộc họp Cấp cao, song Thủ tướng Nhật Bản và Canada vẫn chưa xuất hiện. Báo chí đã tập trung ngoài sảnh rất đông chờ tin của Hội nghị. Sau gần nửa giờ, Thủ tướng Nhật Bản xuất hiện, thông báo cuộc họp phải hoãn. Ngay lập tức, chúng ta đã phối hợp với các nước, tìm mọi phương án để cứu vãn TPP cũng như “giữ cầu” quan hệ với các thành viên, thúc đẩy tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ngay trong buổi tối hôm đó dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Nhật Bản và ta. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, góp phần quan trọng duy trì đà hợp tác của TPP và tạo động lực cho xu thế liên kết kinh tế khu vực.

Theo Thứ trưởng, nguyên nhân của những tình huống khó khăn đó là gì?

Những cái “khó” của năm nay theo tôi có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là nguyên nhân khách quan như tôi đã nêu ở trên. Đó là do tình hình chung của thế giới và khu vực năm 2017 rất phức tạp, khó lường. Cọ xát, cạnh tranh giữa các thành viên APEC diễn ra gay gắt. Việc điều hòa quan điểm, lợi ích giữa các thành viên trong bối cảnh đó là bài toán hết sức khó khăn.

Đó còn là do sự nổi lên của xu hướng bảo hộ thương mại, dân túy, tâm lý lo ngại toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, đặt ra thách thức gay gắt đối với mục tiêu và các giá trị cốt lõi của hợp tác APEC, làm cho việc đàm phán các nội dung liên quan trong các văn kiện APEC trở nên khó hơn bao giờ hết.

Việc đạt được Tuyên bố Cấp cao (TBCC)  và Tuyên bố Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế từng được cho là điều không thể, vậy các nhà đàm phán của Việt Nam đã vượt qua những giây phút đấu trí như thế nào?

Đến giờ phút này, có thể khẳng định, việc đạt được TBCC và Tuyên bố Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC với 6 văn kiện quan trọng kèm theo là một thành công lớn, được tất cả các thành viên APEC và cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Những khoảnh khắc đấu trí cũng chính là những thời điểm rất đáng nhớ đối với chúng tôi trong dịp Tuần lễ Cấp cao (TLCC). Rất may mắn là trong quá trình này, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp Lãnh đạo, cũng như sự đồng hành, ủng hộ hết mình của các bộ, ban, ngành, cơ quan và địa phương liên quan. Bài học rút ra từ quá trình này theo tôi có 4 điểm:

Một là, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình; phối hợp tốt với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, huy động sự vào cuộc của giới học giả trong nước và quốc tế cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và khu vực trong quá trình này.  Đây là cơ sở rất quan trọng để sau này chúng ta làm tốt công tác đàm phán văn kiện.

Hai là, cần hình thành lộ trình thực hiện chính xác. Dự báo được tình hình năm nay khó, chúng ta đã sớm đề ra phương châm “biết thắng từng bước”. Tại từng hội nghị quan trọng của APEC chúng ta đều đề ra mục tiêu cụ thể về nội dung và phấn đấu cao nhất để đạt được các văn kiện. Do đó, đến TLCC chúng ta đã có 9 sáng kiến được thông qua ở cấp Bộ trưởng và cấp làm việc. Sáu văn kiện quan trọng được thông qua tại TLCC APEC kèm theo TBCC và Tuyên bố Bộ trưởng đều nằm trong nhóm 9 sáng kiến này. 

Ba là, phát huy tốt vai trò chủ trì, dẫn dắt trong việc đàm phán văn kiện, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia, cố vấn để xây dựng sớm các phương án đàm phán đối với tổng thể văn kiện cũng như từng vấn đề kỹ thuật, và cả về sách lược, chiến lược đàm phán tại từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Thành công về văn kiện là một minh chứng sinh động cho sự phối hợp liên ngành, hợp tác nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, cơ quan thành viên của Tiểu ban Nội dung, Ủy ban Quốc gia APEC 2017.

Bốn là, hình thành đội ngũ cán bộ có bản lĩnh và kỹ năng đối ngoại đa phương, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ”, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong quá trình chủ trì đàm phán văn kiện, kết hợp hiệu quả giữa đàm phán và vận động, đấu tranh chính trị - ngoại giao song phương với từng đối tác, nhất là các thành viên chủ chốt.

Những bài học này chúng ta cần tiếp tục phát huy khi đảm nhiệm những trọng trách quốc tế lớn sắp tới như Chủ tịch ASEAN 2020, ứng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Tuyên bố APEC được cho là có những ngôn ngữ còn mạnh hơn cả Tuyên bố của G20 về vai trò của APEC trong ủng hộ thương mại đa phương. Xin Thứ trưởng chia sẻ đánh giá về kết quả này?

Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng với nội dung thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương là một trong những kết quả quan trọng nhất của Năm APEC 2017. Theo tôi, Tuyên bố này có ý nghĩa sâu sắc trên cả 3 phương diện: đối với quốc tế, APEC và với Việt Nam.

Với quốc tế, có thể nói đây là Tuyên bố chung đa phương ở cấp cao duy nhất trong năm 2017, với sự tham gia của các nền kinh tế hàng đầu thế giới: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga…, có nội dung cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, không gia tăng bảo hộ. Hội nghị Cấp cao của các diễn đàn, cơ chế hợp tác khác G-7, G-20, WTO đều không ra được Tuyên bố chung với câu chữ, nội dung tích cực như vậy. Có thể nói, Tuyên bố Hội nghị cấp cao APEC đã vượt tầm khu vực, tạo động lực và niềm tin cho các nền kinh tế không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trên toàn cầu vào sự cần thiết tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Với APEC, Tuyên bố tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, tiên phong của Diễn đàn trong việc thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế khu vực. Đối với các thành viên APEC, việc tự do hóa thương mại và đầu tư là hết sức quan trọng vì các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. TBCC APEC cũng là thông điệp mạnh mẽ của các thành viên về giữ vững đà hợp tác và liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương.

Việc ta chủ trì thúc đẩy Hội nghị đạt được kết quả này khẳng định quyết tâm của Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong tình hình xu hướng bảo hộ gia tăng, những cam kết ở cấp cao này cũng tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục mở rộng thương mại quốc tế và thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(thực hiện)