Trộm ví công tác ngoại giao nhân dân là công việc “vác tù và hàng tổng” bởi có thể có một số người nghĩ rằng, những nhà ngoại giao tham gia các tổ chức hữu nghị, đảm nhiệm những trọng trách mà nghe tên rất “hoành tráng”… sẽ được hưởng một số lợi ích. Tuy nhiên, trên thực tế, họ không được hưởng bất kỳ chính sách, chế độ hay một khoản phụ cấp nào mà hoàn toàn làm việc trên tinh thần tự nguyện.
Đặc biệt là hầu hết các nhà ngoại giao sau khi đã hoàn thành trọng trách ngoại giao nhà nước đều rất nhiệt thành tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân nhằm cống hiến hết sức mình cho công tác đối ngoại chung của đất nước. Trong số đó có nhiều người có tiếng trong ngành Ngoại giao, đến nay vẫn tích cực tham gia các hoạt động hữu nghị, bất chấp những trở ngại về tuổi tác và sức khỏe.
Đại sứ Phan Thúy Thanh (đứng thứ hai từ trái) trong chuyến công tác tại tỉnh Kontum. |
Sống vui và có ích
Đại sứ Nguyễn Quang Khai đã nói với tôi như thế khi chia sẻ về nghề nghiệp của mình. Ông bảo, ngoại giao là cái nghề, cái nghiệp của mình. Đã là nghề nghiệp thì không thể bỏ được. Thế là, trước khi hết nhiệm kỳ Đại sứ tại các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và chuẩn bị nghỉ hưu, ông nhận được lời mời của Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (HAUFO) tham gia một số hội hữu nghị. Ông coi lời mời này là sự đánh giá tốt về kinh nghiệm ngoại giao của mình nên vui vẻ nhận lời.
Đó cũng là lý do mà hiện Đại sứ Nguyễn Quang Khai có lẽ là một trong những nhà ngoại giao đảm nhiệm nhiều vị trí công tác nhất trong công tác ngoại giao nhân dân. Ông liệt kê ra hàng loạt chức vụ hữu nghị mà hầu hết đều liên quan đến địa bàn Trung Đông, nơi ông đã trải qua bốn nhiệm kỳ Đại sứ liên tục, do năng lực công tác cũng như vốn tiếng Ả rập đáng nể của mình.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai (ngoài cùng bên phải) có lẽ là một trong những nhà ngoại giao đảm nhiệm nhiều vị trí công tác nhất trong công tác ngoại giao nhân dân. |
Quan điểm của Đại sứ Khai cũng giống rất nhiều đồng nghiệp tiền bối, cũng như hậu bối của ông. Đó là trong thời gian làm ngoại giao nhà nước, hầu hết họ đều xây dựng được mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo cũng như các tầng lớp xã hội của các nước. Thêm vào đó, khả năng ngoại ngữ cũng đang ở “độ chín” nên việc tham gia công tác ngoại giao nhân dân chính là cơ hội, là điều kiện để họ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Còn với Đại sứ Phan Thúy Thanh, bà đến với công tác này như một sự tiếp nối của những hoạt động ngoại giao nhà nước. Bà bảo, “cái duyên đã đưa tôi đến với Hội bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam khi tôi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Luxembourg vào cuối năm 2008. Tôi nhận lời và cảm thấy rất vui vì đã có một quyết định đúng đắn khi được đóng góp sức mình vào hoạt động đối ngoại cho một hội từ thiện lớn của đất nước”.
Nối dài tình hữu nghị
Theo Đại sứ Phan Thúy Thanh, tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động ngoại giao nhân dân được coi là một phương tiện không thể thiếu và rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, thực chất là quảng bá cho quyền lực mềm của một quốc gia.
Thêm vào đó, với đa số vị Đại sứ, trong quá trình làm công tác ngoại giao nhà nước, họ cũng đã làm ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhân dân giúp các Đại sứ xây dựng mối quan hệ thân thiết với những người dân bản địa. Trong trường hợp của Đại sứ Nguyễn Quang Khai, không phải ngẫu nhiên mà khi làm việc tại các nước Ả rập, thay vì "Ngài Đại sứ ", họ đã gọi ông là "Anh Đại sứ ".
Ông chia sẻ, “tôi cảm thấy rất vui khi có rất nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới, từ những người dân bình dị, các nhà doanh nghiệp đến các nhà lãnh đạo cấp cao. Tôi coi những mối quan hệ này là vốn quý của mình. Đặc biệt là những tình thân có thể chứng tỏ rằng, mặc dù trên thế giới có nhiều thay đổi nhưng tình cảm giữa những người bạn sẽ được trân trọng mãi”.
Phần thưởng quý giá
Đại sứ Phan Thúy Thanh cho rằng, cái được lớn nhất của bà khi tham gia hoạt động ngoại giao nhân dân chính là niềm vui khi được cùng các bạn bè quốc tế trao những món quà hỗ trợ tới những cảnh đời bất hạnh tại nhiều tỉnh thành. Bà bảo: “Công tác đối ngoại của một Hội nhân đạo và từ thiện ở Việt Nam có nhiều khó khăn và vất vả. Tuy nhiên, nếu bạn có tình yêu chân thành và lòng tin đích thực vào mục đích tốt đẹp của công việc mà bạn đang làm thì tôi có cảm tưởng rằng đối tác mà bạn đến vận động cũng sẽ chia sẻ với bạn điều ấy”.
Hội bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã chuyển nhiều tỷ đồng đến những người khuyết tật hoặc các gia đình có người khuyết tật tại nhiều nơi trên cả nước thông qua các dự án sinh kế và thực sự đã có hiệu quả nhất định, mở ra một hướng đi mới cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Đó chính là phần thưởng lớn đối với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bỉ. Bà chia sẻ: “Tôi học được và ngộ ra rất nhiều điều từ những hoạt động mà mình tham gia. Tôi cảm thấy mình bao dung, bình tĩnh hơn, yêu cuộc sống hơn và trân quý những gì mình đang có hơn rất nhiều”.
Cùng chung cảm xúc đó, Đại sứ Nguyễn Quang Khai tâm sự: “Mỗi khi hoàn thành một công việc cho các Hội, tôi cảm thấy rất vui. Mới đây nhất là Đại sứ Palestine tại Hà Nội Saadi Salama đã gửi thư cho tôi để cảm ơn đã nhiệt tình giúp đỡ tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine, còn Đại sứ Iran Salah Adibi sau khi trình thư uỷ nhiệm đã đến chào ngay Ban lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam - Iran… Tôi coi đây là phần thưởng cao quý nhất đối với mình”.
Không riêng Đại sứ Thanh hay Đại sứ Khai, tại hầu hết các tổ chức hữu nghị, phi chính phủ, hay các tổ chức xã hội – từ thiện khác tại Việt Nam… đang có sự đóng góp tích cực, không ngừng nghỉ của các nhà ngoại giao nhằm nối dài hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.