Trong trưng bày chuyên đề “Mỗi kỷ vật một câu chuyện” (Sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969) diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội từ 13/10/2022-15/2/2023, khách tham quan có thể bắt gặp những kỷ vật của kiều bào gửi tặng Người. Có những kỷ vật rất thân quen, nhưng không phải ai cũng biết được xuất xứ của nó…
Kỷ vật gắn bó của Việt kiều Thái Lan
Năm 1928-1929, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động bí mật ở Thái Lan với bí danh Thầu Chín, Người đã được đồng bào Thái Lan và kiều bào ta che chở, bảo vệ.
Tại đây, anh Thầu Chín đã mở những lớp học nhỏ nhằm tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho kiều bào và đưa một số thiếu niên Việt Kiều sang Trung Quốc bồi dưỡng.
Bác Hồ với kiều bào Thái Lan. (Ảnh tư liệu) |
Đầu năm 1959, do tình hình tại Thái Lan, kiều bào bị dồn về một số tỉnh miền Nam và Chính phủ sở tại có ý định trao đổi họ cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Kiều bào ta đã đoàn kết một lòng, kiên quyết chống lại những hành động đó và đòi hồi hương về miền Bắc Việt Nam.
Đảng, Chính phủ Việt Nam dưới dự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Ngày 20/6/1959, Hiệp định hồi hương cho Việt kiều đã được ký kết. Theo đó, Việt kiều ở Thái Lan bắt đầu hồi hương vào đầu năm 1960.
Sáng ngày 10/1/1960, đúng 8h30', chuyến tàu đầu tiên chở 922 kiều bào ta ở Thái Lan về nước đã cập cảng Hải Phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng chí trong Trung ương và Chính phủ đã xuống tận Hải Phòng đón kiều bào.
Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” với bút danh V.K đăng báo Nhân dân, số ra ngày 8/1/1960 để ca ngợi lòng yêu nước của kiều bào và nhắc lại kỷ niệm trong những ngày hoạt động của Người tại Thái Lan.
Kiều bào ta ở Thái Lan vô cùng cảm động và biết ơn sâu sắc đối với Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp bà con được trở về Tổ quốc, được đón tiếp nồng nhiệt và tạo mọi điều kiện để làm ăn sinh sống. Vì vậy, mọi người đã tự nguyện đóng góp công sức và tài vật để xây dựng đất nước.
Đặc biệt, với tình cảm kính yêu vô hạn dành cho Bác Hồ, kiều bào Thái Lan đã gửi nhiều tặng phẩm biếu Người, trong đó có chiếc đài GRUNDIG, một loại máy vô tuyến điện dùng đèn điện tử, vỏ nhựa màu trắng, hình thang vát góc, đáy lớn 28,5 cm, đáy nhỏ 27,5 cm, chiều cao 17,3 cm.
Hồ sơ hiện vật này trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh có lưu phiếu gửi của Ban Việt kiều Trung ương gửi Văn phòng Phủ Chủ tịch. Trong phiếu có ghi chiếc “đài Radio dùng đèn điện tử nhãn hiệu GRUNDIG của đám cưới anh Liên, chị Đức Việt kiều Thái Lan kính biếu Bác Hồ do bà Then về chuyến thứ tám mang về”.
Phiếu gửi về ghi ngày 7/6/1960, có đóng dấu của Ban Việt kiều Trung ương. Trong phiếu có chữ ký xác nhận của ông Trần Văn Vượng (cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch) đã nhận tặng phẩm trên.
Chiếc đài GRUNDIG, một loại máy vô tuyến điện dùng đèn điện tử, vỏ nhựa màu trắng, hình thang vát góc. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Chiếc đài được Bác đặt trên bàn làm việc cạnh giường trong phòng ngủ ở tầng hai Nhà sàn, hằng ngày, qua chiếc đài này, Người nghe tin tức thời sự trong nước, quốc tế.
Trong quá trình Bác Hồ sử dụng, có một lần chiếc đài được đem đi sửa vào tháng 7/1968 và thay một số linh kiện theo yêu cầu của cơ quan 41 (cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch). Đây là một vật chứng lịch sử, hiện vật biểu trưng cho tình cảm sâu nặng của kiều bào ta ở Thái Lan dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nó là một trong những phương tiện giúp Người theo dõi tin tức để kịp thời chỉ đạo công cuộc cách mạng trong cả nước và được Bác trân trọng sử dụng, gìn giữ trong suốt một khoảng thời gian dài cho tới ngày Người đi xa.
Ngày 18/12/1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để giữ gìn lâu dài những di vật gốc có liên quan trực tiếp đến Người, chiếc đài này cùng các hiện vật khác đã được đưa vào bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Huy hiệu Marcel Cachin do ông Nguyễn Viết Ty gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Những món quà ý nghĩa từ kiều bào Pháp
Là một tổ chức chặt chẽ, có tinh thần cách mạng, Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp được thành lập vào những năm kháng chiến đã có nhiều đóng góp cả về tinh thần và vật chất cho sự nghiệp của dân tộc. Hội đã thu hút hàng nghìn người Việt Nam đủ các tầng lớp sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp hướng về quê hương.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với tư cách Thượng khách, Người thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với đại biểu các giới kiều bào, giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình đất nước sau Cách mạng Tháng Tám; về ý chí và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta bảo vệ nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…
Đĩa hát “Những tiếng hát trong các bưng biền Việt Nam” do ông Nguyễn Viết Ty gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Chính nhân cách, đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sự cảm phục từ những Việt kiều yêu nước. Sự gần gũi, thân mật trong những lần gặp gỡ, sự ân cần, chu đáo trong những lời dặn dò của Người khiến bà con xa quê ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với quê hương, Tổ quốc, cổ vũ kiều bào thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc.
Nguyễn Viết Ty là một Việt kiều yêu nước, sang Pháp năm 1921. Cơ duyên đến với Nguyễn Viết Ty khi ông vinh dự trở thành đầu bếp nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam đến Paris trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 1946.
Tiếp xúc với Người, ông đã nhận thức được những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đất nước, về dân tộc. Sau khi Bác Hồ về nước, Nguyễn Viết Ty đã nhờ ông Nguyễn Đức Thọ mang từ Paris về tặng Người một số tặng phẩm để bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình.
Máy chữ Hermes Baby do ông Nguyễn Viết Ty gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Những tặng phẩm đó, gồm: Huy hiệu Marcel Cachin. (Marcel Cachin là chính trị gia người Pháp, người bạn chung lý tưởng khi Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Pháp những năm 20 của thế kỷ XX); Đĩa hát “Những tiếng hát trong các bưng biền Việt Nam” giới thiệu những ca khúc cách mạng do nhà báo Pháp Madeleine Riffaud chọn và giới thiệu cho Chương trình “Những bài hát thế giới”; Máy chữ Hermes Baby (phiên bản Thụy Sỹ).
Bộ tặng phẩm của ông Nguyễn Viết Ty biểu trưng cho tình cảm sâu nặng của kiều bào Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ tặng phẩm này cùng với các hiện vật khác đã được đưa vào bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh để phát huy giá trị lâu dài.
| Đảng bộ Bộ Ngoại giao có nhiều bài dự thi nhất cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Chiều 21/10, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng nghĩa dự Lễ tổng kết và trao ... |
| Tổng thư ký Liên hợp quốc thăm Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh Sau cuộc hội đàm hiệu quả với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cùng đi dạo, ... |
| Trưng bày những tặng phẩm Bác Hồ từ 1945-1969 Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa tổ chức trưng bày chuyên đề 'Mỗi kỷ vật một câu ... |
| Nhiều hoạt động ý nghĩa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp Nhân kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn ... |
| Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - điểm nhấn quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa Sự kiện “Hồ Chí Minh: Con người vì hoà bình, danh nhân văn hoá kiệt xuất” tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp là môt hoạt ... |
| Lễ kỷ niệm 35 năm tổ chức UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Ngày 11/10, tại trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris (Pháp), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Đại sứ quán ... |