📞

Những thông điệp ngoại giao đầu tiên

Đỗ Nguyệt Hương 06:00 | 01/09/2019
TGVN. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cha đẻ của nền Ngoại giao hiện đại đã để lại cho ngành Ngoại giao ngày nay nhiều bài học trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay.
Bác Hồ phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 1, tháng 3/1957. (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp. Chớp thời cơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Từ những ngày đầu trứng nước

Lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như hịch non sông thúc giục người dân ra trận. Đồng bào trong cả nước đã đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, tạo thành “một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi sự nguy hiểm, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Chỉ trong vòng 15 ngày từ 14 đến 30/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thắng lợi hoàn toàn: 19/8/1945 giành thắng lợi ở Hà Nội; ngày 23/8/1945 chiếm Huế; ngày 30/8/1945, Vua Bảo Đại thoái vị nộp ấn kiếm cho cách mạng, ngày 25/8/1945 chiếm Sài Gòn… chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền về tay nhân dân.

Với thực tế lịch sử, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi về chiến lược và sách lược cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Một kỷ nguyên mới đã mở ra cho dân tộc ta, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và lịch sử đánh giá về sự thành công của Cách mạng tháng Tám, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi này là nghệ thuật ngoại giao của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với thế giới, Cách mạng tháng Tám là dấu chấm hết, mở đầu thời kỳ tan rã không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ, tạo nên làn sóng mạnh mẽ cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên phạm vi toàn thế giới, là tấm gương cho các dân tộc đang bị áp bức trên thế giới noi theo, là một sự kiện có nhiều ý nghĩa về mặt đối ngoại.

Sáng 26/8/1945 tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp thường vụ T.Ư. Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc họp quyết định chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để ra mắt chính phủ lâm thời và chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ Cộng hòa.

Lời hịch non sông vang mãi

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng triệu đồng bào và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở hội nghị Tehran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Bản Tuyên ngôn độc lập chỉ khoảng 1034 từ nhưng ý nghĩa hết sức to lớn và mang giá trị thời đại. Có thể nói, vào thời điểm xuất hiện của bản Tuyên ngôn độc lập, xứ Đông Dương nói chung và nước Việt Nam nói riêng, gần như chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới. Thậm chí, tại hội nghị giữa các nước thắng trận sau Chiến tranh Thế giới lần II, Charles de Gaulle (Tổng thống Pháp lúc bấy giờ) đã yêu cầu các nước coi vấn đề Việt Nam là vấn đề nội bộ của nước Pháp! Hơn nữa, lúc này, trên đất nước ta có rất nhiều lực lượng can thiệp, vận mệnh tổ quốc rất nguy kịch! Vì vậy, đối với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết Tuyên ngôn độc lập phải trực tiếp bảo vệ thành quả đầu tiên và quan trọng nhất của một cuộc cách mạng xã hội là vấn đề “chính quyền”. Do đó, bằng khoảnh khắc lịch sử này hai chữ “Việt Nam” lần đầu tiên được viết trên bản đồ thế giới như quốc danh của một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành vị trí trang trọng để dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ, nước Pháp như là khởi nguồn cho ý tưởng, cho tác phẩm bất hủ của Người. Đây là “nước cờ cao tay”, một nghệ thuật ngoại giao trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế. Chính đại tá Paty, đại diện của Mỹ tham gia phái đoàn giải giáp quân phát xít Nhật tại Việt Nam, khi nghe dịch bản thảo Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến “đã không còn tin vào tai mình nữa”! Lịch sử cũng ghi nhận, gần như sau khi Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi, chính giới Pháp cũng bắt đầu phân hóa thành hai phe đối lập trong quan điểm về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất khéo kết hợp các quyền cơ bản của con người với quyền dân tộc thiêng liêng thành các quyền dân tộc với nội dung bao gồm các quyền về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là phạm trù cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại mà chúng ta phải dựa vào để bảo vệ tổ quốc một cách kiên định ngày nay. Đó cũng là bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho ngành Ngoại giao nước ta về tính kiên định, sáng tạo trong việc đấu tranh bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bác Hồ thăm Liên Xô năm 1955. (Ảnh tư liệu)

Những bài học không bao giờ cũ

Với bản Tuyên ngôn độc lập, từ chiều sâu trong lịch sử đấu tranh oai hùng để dựng nước và giữ nước của mình, khát vọng tự do, độc lập đã nhiều lần được tuyên ngôn như là một ý chí bất khuất của dân tôc ta. Tuyên ngôn độc lập vì thế cũng là lời tuyên chiến với những thế lực đã, đang và sẽ cản trở dân tộc ta hiện thực hóa cái khát vọng thiêng liêng từ ngàn đời của dân tộc mình. Vấn đề độc lập dân tộc lúc này, không còn là của riêng Việt Nam mà đã trở thành vấn đề chung của cả nhân loại. Tuyên ngôn độc lập đã trở thành một văn kiện pháp lý có tầm quốc tế.

Pháp luật quốc tế đã chỉ rõ rằng, trong quá trình giành độc lập, bản Tuyên ngôn độc lập là biện pháp xác nhận rõ ràng hay mặc nhiên là sự tạo nên một nhà nước mới. Vì vậy, trên tư thế đó, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước toàn thế giới là nhà nước đã được quốc tế công nhận về mặt pháp lý.

Trên đây là những bài học rút ra từ thắng lợi rực rỡ của Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28/8/1945), cũng là cha đẻ của nền Ngoại giao hiện đại nước ta, đã để lại cho ngành Ngoại giao ngày nay. Những bài học này chưa bao giờ cũ trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương trong hội nhập quốc tế nhằm gìn giữ môi trường hòa bình cho công cuộc đổi mới của nước ta.

74 năm trôi qua, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 (ngày Quốc Khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã mở đường đưa dân tộc ta tiến thẳng vào kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc và chủ nghĩa xã hội, đưa vị thế của nước Việt Nam lên sánh ngang cùng các nước tiên tiến trên thế giới.