Cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu, chọn một trong hai ứng cử viên trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. (Nguồn: AP) |
Chỉ còn vài ngày nữa, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu, chọn một trong hai ứng cử viên trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Câu chuyện bầu cử là chuyện thời sự không chỉ trên truyền thông, mà cả trong đời thường, không chỉ người dân Mỹ mà người dân khắp thế giới đều quan tâm. Đơn giản là vì nước Mỹ quá lớn và quá mạnh, bất cứ ai, đảng nào nắm quyền ở Mỹ sẽ có tác động không chỉ đến cuộc sống, túi tiền của người dân Mỹ, mà còn đến hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế trên thế giới, ít nhất trong 4 năm tiếp theo.
Mặc dù ngày bầu cử chính thức chưa đến, nhưng cho đến giờ này đã có ít nhất 50 triệu cử tri đã bỏ phiếu (khoảng 20% tổng số cử tri) thông qua hình thức bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua thư. Tại sao bầu cử lại diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11, tại sao ứng cử viên thắng phổ thông đầu phiếu nhưng không đảm bảo rằng người đó sẽ giành được chức Tổng thống, thế nào là "người thắng cuộc được tất cả" (the winner takes it all) ...?
Ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 11, tại sao?
Ngày thứ Ba, 5/11/2024, là ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Tại nước này, cứ 4 năm một lần lại diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Xen kẽ giữa 2 kỳ bầu cử Tổng thống và vào năm chẵn, nước Mỹ lại có các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nói một cách khác, cứ hai năm một lần và vào các năm chẵn là cả nước Mỹ lại sôi động bước vào “Mùa bầu cử”.
Theo luật Mỹ, ngày bầu cử được ấn định là ngày thứ B, nhưng phải sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 (nếu ngày thứ Ba mà rơi vào mùng 1/11 thì không được tính). Theo đó, ngày bầu cử nếu được tổ chức sớm nhất thì cũng phải là ngày 2/11 và muộn nhất là ngày 8/11.
Thực ra luật quy định bầu cử thống nhất cả nước vào ngày thứ Ba trong tháng 11 như nêu ở trên được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1845. Còn trước đó thì Luật cũ (thông qua năm 1792) quy định các bang tùy điều kiện của mình linh hoạt tổ chức bỏ phiếu trong khoảng thời gian 34 ngày trước ngày 1/12. Có nhiều cách lý giải tại sao Quốc hội Mỹ lại chọn bỏ phiếu chung vào ngày thứ Ba như trên:
Một là, thời gian đó nằm trong thời gian 34 ngày của luật cũ và nếu tổ chức ngày bầu cử chung thì sẽ tạo một sân chơi “công bằng”, giảm thiểu khả năng một ứng cử viên Tổng thống thắng điểm tại một số bang bầu cử sớm nhất, để rồi giành được lợi thế ở các bang khác bầu cử muộn hơn;
Hai là, đầu tháng 11 hàng năm không quá lạnh và nông dân vừa kết thúc vụ mùa (vào thời kỳ này nước Mỹ là nước nông nghiệp và dân chủ yếu sống nhờ nghề nông);
Ba là, nếu tổ chức vào ngày thứ 4 trong tuần cũng không tiện do nhiều nơi nông dân chọn ngày thứ Tư là ngày họp chợ;
Bốn là, chuyển dịch ngày bầu cử về phía cuối tuần lại vướng vào ngày nghỉ lễ tôn giáo.
Mặc dù ngày bầu cử chính thức chưa đến, nhưng cho đến giờ này đã có ít nhất 50 triệu cử tri đã bỏ phiếu. (Nguồn: BBC) |
Một danh sách rất dài
Năm bầu cử Tổng thống như năm 2024 này khác cơ bản năm bầu cử giữa kỳ ở chỗ là có thêm lá phiều bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, còn danh sách bầu các chức danh khác cơ bản giữ nguyên. Trong ngày bầu cử Tổng thống hoặc giữa kỳ, cử tri trên khắp nước Mỹ bầu một danh sách rất dài, với 1 số ghế chủ chốt gồm:
1/3 tổng số Thượng nghị sĩ liên bang (33 hoặc 34 người trên tổng số 100 Thượng nghị sĩ do nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ là 6 năm, nhưng mỗi kỳ bầu cử 2 năm 1 lần nên bầu lại 1/3 để giữ tính liên tục);
Toàn bộ 435 Hạ nghị sĩ liên bang và 6 nghị sĩ (không có quyền bỏ phiếu trong các vấn đề mang tính “quyết định”) đại diện cho Thủ đô Washington DC và 5 vùng lãnh thổ chưa hợp nhất (gồm Guam, Puerto Rico, American Samoa, Bắc Mariana, Quần đảo Virgin);
Một số Thống đốc bang (nhiệm kỳ 4 năm), trong đó đa phần các Thống đốc (khoảng 2/3 trong tổng số 50 Thống đốc) được bầu vào các cuộc bầu cử giữa kỳ. Riêng 2 bang là Vermont và New Hampshire thì khác với 48 bang còn lại, cứ 2 năm lại bầu cử Thống đốc một lần vì Thống đốc ở đây chỉ có nhiệm kỳ 2 năm;
Nghị viện các bang (cũng tổ chức thành lưỡng viện - Bicameral Body - là Thượng viện bang và Hạ nghị viện bang, tuy nhiên số lượng thành viên thượng viện và hạ viện mỗi bang lại khác nhau). Đáng chú ý là chỉ duy nhất bang Nebraska trong số 50 bang quốc hội bang này được tổ chức nghị viện theo hình thức “Nhất viện” (Unicameral Body);
Chức Thị trưởng, Hội đồng thành phố, thị trấn…
“Người chiến thắng được tất cả”
Có thể nói hệ thống tổ chức chính quyền liên bang, bang và cách thức bầu các chức danh nắm những vị trí trên ở Mỹ là một trong những hệ thống phức tạp và tinh vi nhất trên thế giới vì phải tính đến sự cân bằng của rất nhiều yếu tố.
Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng giữa các bang. Quá trình đàm phán để hình thành nhà nước Liên bang hợp chúng quốc Hoa Kỳ mà ban đầu chỉ có 13 bang (thực chất là 13 quốc gia riêng lẻ) là sự mặc cả, thỏa hiệp. Họ thỏa hiệp về Thượng viện Liên bang, nhất trí rằng đây là thiết chế lập pháp quan trọng nhất, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và tại đó các bang lớn, bé đều có đại diện như nhau là 2 Thượng nghị sĩ. Chẳng hạn bang Delaware chỉ có 1 triệu dân, nhưng cũng có 2 Thượng nghị sĩ như bang đông dân nhất là California với 40 triệu người.
Thứ hai, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và mọi người bình đẳng như nhau. Tổng số 435 Hạ nghị sĩ liên bang Mỹ là không đổi, nhưng dân số các bang có thể thay đổi hàng năm do phát triển kinh tế, thay đổi trong môi trường, giáo dục và nhu cầu di chuyển của người dân để tìm kiếm công ăn việc làm, tìm nơi định cư mới.
Do đó cứ 10 năm 1 lần, vào các năm chẵn đầu các thập kỷ (ví dụ 1990, 2000, 2010, 2020), nước Mỹ lại tổ chức các cuộc điều tra dân số toàn quốc với nhiều câu hỏi để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trên cơ sở bản đồ dân số thay đổi sau một thập kỷ, “bản đồ” bầu cử cũng được vẽ lại theo sự thay đổi dân số và số lượng nghị sĩ của mỗi bang có thể tăng hay giảm tùy thuộc số lượng dân cư tại một bang vào thời điểm điêu tra dân số. Các bang có dân số đông và tăng nhanh và nhờ đó cũng có số lượng dân biểu lớn trong Hạ viện là California, Texas, Florida.
Thứ ba, “Người chiến thắng được tất cả”. Do tổ chức nhà nước theo hình thức liên bang, nên dân Mỹ tuy mang tiếng bầu cử trực tiếp Tổng thống nhưng lại không bầu trực tiếp, mà bầu gián tiếp theo tổng số ghế mà các bang có đại diện tại Quốc hội Liên bang gồm 100 phiếu đại diện các Thượng nghị sĩ, 435 phiếu đại diện các Hạ nghị sĩ và 3 phiếu đại cử tri của Thủ đô Washington DC với tổng cộng 538 phiếu Đại cử tri. Và người đắc cử Tổng thống phải giành được ít nhất 270 phiếu Đại cử tri, tức quá bán con số 538 phiếu Đại cử tri.
Chất lượng hơn số lượng
Nếu ứng cử viên Tổng thống thắng tại bang nào, thì coi như nhận được phiếu Đại cử tri của toàn bộ bang đó. Từ đây xảy ra các trường hợp sau:
Một là, ứng cử viên thắng tại nhiều bang hơn chưa chắc đã đảm bảo thắng cuộc;
Hai là, ứng cử viên nhận được nhiều phiếu của cử tri hơn chưa chắc đã thắng (tức thắng qua phổ thông đầu phiếu nhưng vẫn trượt, như trường hợp Phó Tổng thống Al Gore thắng Thống đốc Bang Texas George Bush về phổ thông đầu phiếu trên toàn nước Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2000, nhưng lại thua tại bang quan trọng là Florida và do đó thua phiếu Đại cử tri);
Các ứng cử viên tổng thống Mỹ phải trải qua một con đường dài và khó khăn để trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm. (Nguồn: Wikimedia, NLD) |
Hay như trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, ứng cử viên Tổng thống Dân chủ Hilary Clinton thắng phổ thông đầu phiếu, nhưng vẫn thua chung cuộc ứng cử viên Donald Trump vì thua phiếu Đại cử tri;
Ba là, điều quan trọng đối với bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào là tìm mọi cách thắng ở các bang đông dân, có nhiều phiếu Đại cử tri. Do 1 số bang ở Mỹ có truyền thống bỏ cho Cộng hòa (như Texas, Georgia), và một số bang có truyền thống bỏ cho Dân chủ (như California, New York), và do có đến 80% các cử tri có sẵn “dòng máu cộng hòa” hay “dòng máu dân chủ” chạy trong cơ thể, dù bất kể ứng cử viên đảng của họ xấu tốt ra sao thì họ vẫn luôn “trung thành” với lý tưởng mà mình đã chọn và bỏ phiếu cho “đảng của mình”.
Do đó, các cuộc bầu cử ở Mỹ trên thực tế là nhắm vào các “Swing states” (bang dao động) hay “Swing voters” (các cử tri dao động) hoặc những cử tri độc lập, các cử tri vẫn còn lưỡng lự, chưa quyết định (independent, undecided voters).
Phát triển dân chủ có tiệm tiến
Tiến trình bầu cử ở Mỹ cũng là một sự phát triển dân chủ có tiệm tiến, chứ không phải bỗng chốc dân Mỹ được “hưởng” toàn bộ quyền bầu cử, ứng cử như hiện nay. Lập luận của giới tinh hoa (elite) Mỹ ngay từ khi lập quốc là các quyền chính trị sẽ được mở rộng cùng với các tiến bộ kinh tế, xã hội của các nhóm cử tri và của nước Mỹ, cụ thể:
Vào cuối thế kỷ XVIII cho đến tận đầu thế kỷ XX (năm 1920) phụ nữ Mỹ (cũng như phụ nữ hầu hết các nước khác) không có quyền đi bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình.
Trước Thế kỷ XX, rất nhiều bang quy định chỉ có những người đàn ông da trắng (Caucasian men), có học vấn nhất định (hết tiểu học), có tài sản (hầu hết các bang quy định là 50 acres đất trở lên) hoặc có đóng thuế thu nhập thì mới được quyền đi bỏ phiếu. Lập luận của các nhà lập pháp khi đó là, nếu các cử tri mù chữ hoặc học thức thấp mà đi bầu thì họ không thế nhận thức được cái đúng, cái sai và sẽ bị “mua phiếu”, làm hỏng hệ thống chính trị. Ngoài ra, đóng thuế được xác định là một tiêu chuẩn vì nếu anh không đóng thuế thì có nghĩa anh chẳng có đóng góp, chẳng có nghĩa vụ gì với đất nước, nên không thể có “quyền lợi” và “khả năng” góp ý vào việc hoàn thiện thể chế.
Người nô lệ thì tuyệt nhiên bị cấm tiệt việc bỏ phiếu vì họ không biết chữ lẫn không có thu nhập. Tuy nhiên, sau cuộc nội chiến Bắc-Nam 4/1861-5/1865, thái độ của một số bang miền Nam đối với người da đen đã có sự cởi mở hơn, mặc dù sự kỳ thị đối với người da đen ở miền Nam vẫn rất mạnh.
Tháng 2/1870, Hiram Rhodes Revels trở thành Thượng nghị sĩ da đen đầu tiên được bầu và đại diện cho bang miền Nam Mississippi tại Thượng viện Liên bang Mỹ. Còn Barack Obama, Tổng thống Mỹ giai đoạn 2009-2016, mới là Thượng nghị sĩ da đen thứ 5 (con số hiện nay là 10) trong lịch sử nước Mỹ từ khi lập quốc năm 1776 đến nay.
Tuy nhiên, phải đến ngày 6/8/1965 khi Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson ký Đạo luật về Quyền bầu cử, trong đó cấm tuyệt đối việc ngăn chặn, tạo các rào cản gây cản trở việc bỏ phiếu của các sắc dân thiểu số thì từ đó trở đi các sắc dân thiểu số mới được hưởng các quyền bỏ phiếu đầy đủ như của người da trắng.
Gọi là "bỏ phiếu” nhưng trên thực tế người Mỹ “bấm nút” lựa chọn người đại diện của mình. Điều này đã được “luật hóa” sau kết quả bầu cử gây tranh cãi giữa ứng cử viên Tổng thống Al Gore và ứng cử viên George Bush trong cuộc bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi tháng 11/2000.