📞

Những yếu tố nào sẽ định hình kinh tế thế giới năm 2023?

Thanh Tú 12:57 | 11/12/2022
Theo trang mạng abc.net.au, năm 2022 là một năm có nhiều thay đổi lớn, và có thể nói nền kinh tế thế giới đang trải qua một sự thay đổi mang tính thời đại khi năm 2023 đến gần.
Kinh tế thế giới năm 2023 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. (Nguồn: WEF)

Sau gần nửa thế kỷ lạm phát và lãi suất giảm, thế giới đột nhiên thay đổi mạnh mẽ. Nửa thế kỷ qua là thời kỳ mở ra sự tăng trưởng vượt bậc, hợp tác và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, đi kèm với nó cũng là nợ nần chồng chất và bất bình đẳng gia tăng.

Hồi đầu năm, hầu hết mọi người đều tin rằng lạm phát tăng đột biến sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, là một phản ứng tạm thời trước tình trạng phong tỏa do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Thế nhưng, trong bối cảnh năm 2023 đang đến gần, dường như niềm tin này bắt đầu bị lung lay.

Dưới đây là 5 yếu tố có thể sẽ định hình năm 2023:

Lãi suất

Đây là yếu tố cơ bản định hình thế giới. Chỉ trong vòng 7 tháng, thế giới phải chứng kiến mức tăng lãi suất chưa từng thấy. Tốc độ tăng chóng mặt này có thể chậm lại trong năm tới, nhưng nếu lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn, việc tăng dần lãi suất trong vài năm tới là không thể tránh khỏi.

Thường được coi là một yếu tố đáng báo động, song lãi suất cao hơn không nhất thiết là một điều xấu. Tuy nhiên, việc thích nghi với một thế giới mới sẽ không dễ dàng, đặc biệt là một thế giới ngập trong nợ nần. Lãi suất ngày càng giảm và cuối cùng là lãi suất cực thấp trong 50 năm qua đã bóp méo các quyết định đầu tư, tạo ra “bong bóng” giá tài sản và đẩy nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình tăng mạnh ở các nước phát triển.

Cùng với việc bãi bỏ quy định tài chính, lãi suất tăng đã thúc đẩy tăng trưởng và giúp chuyển cán cân thu nhập từ những người làm công ăn lương sang các nhà đầu tư. Tăng trưởng lợi nhuận dễ dàng vượt xa tiền lương.

Khi “cơn sóng thần” lạm phát càn quét toàn cầu vào thời điểm này năm ngoái, người lao động ở các quốc gia phát triển đã yêu cầu tái cân bằng khi giá cả tăng vọt đã tước đi thu nhập của họ. Người tiết kiệm cũng bị ảnh hưởng. Với rất ít hoặc không có lợi nhuận từ các khoản đầu tư an toàn, họ buộc phải chấp nhận rủi ro ngày càng nhiều hơn để kiếm đủ tiền - một chiến lược đã khiến họ phải trả giá đắt khi thị trường tài chính lao dốc.

Nếu một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra vào năm tới, như nhiều người dự báo, lãi suất có thể sẽ ổn định và thậm chí có thể giảm xuống. Nhưng đó có thể chỉ là tạm thời.

Kinh tế Trung Quốc

Có điều gì tiêu biểu cho tình trạng biến động và bất ổn toàn cầu hiện nay hơn Trung Quốc? Nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng hiện nay đang bị tàn phá do nhiều năm đóng cửa vì đại dịch Covid-19, “bong bóng” bất động sản đang “xì hơi”, dân số đang già đi nhanh chóng.

Tác động của Trung Quốc đối với tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là lạm phát, sẽ còn nghiêm trọng hơn. Mặc dù tốc độ tăng trưởng ấn tượng kể từ những năm 1980 đã khiến nước này trở thành lực lượng thống trị trong thương mại toàn cầu, nhưng mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc ra thế giới không phải là quần áo, đồ điện tử hay máy móc và công nghiệp nặng, mà là lạm phát thấp hơn. Khi Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, quy mô khổng lồ của Trung Quốc cho phép nước này sản xuất hàng hóa rẻ hơn bao giờ hết cho thế giới.

Vì vậy, trong khi phương Tây tự hào vì đã quản lý kinh tế hoàn hảo và kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tiền tệ được áp dụng xuất sắc, thì chính Trung Quốc đang gánh vác tất cả những công việc nặng nhọc đó cho phương Tây. Trung Quốc sẽ vẫn là một cường quốc kinh tế, nhưng trừ khi một quốc gia khác như Ấn Độ trải qua quá trình chuyển đổi giống Trung Quốc, nếu không “con rồng lạm phát” có thể sẽ xuất hiện trở lại.

Kết thúc toàn cầu hóa

Khi các ngành công nghiệp đóng cửa hàng loạt trên khắp thế giới phát triển và chuyển sang Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp, mức lương thực tế thấp hơn đã gây ra sự bất mãn trong xã hội và sự thay đổi chính trị theo hướng cực đoan, cả cánh tả và cánh hữu.

Nhiều thế hệ các nhà kinh tế trẻ tuổi đã được dạy về lợi ích của thương mại tự do và nhiều chính phủ đã dỡ bỏ các rào cản thương mại để tìm kiếm sự thịnh vượng quốc tế lớn hơn. Về lý thuyết, mọi thứ có vẻ tốt đẹp hơn, hàng hóa chắc chắn đã rẻ hơn.

Tuy nhiên, phần lớn nhược điểm lại bị bỏ qua hoặc phớt lờ. Và khi lợi ích dồn về nhóm ngày càng nhỏ hơn và giàu có hơn ở các công ty hàng đầu và các công ty đa quốc gia, sức hấp dẫn của một nền kinh tế toàn cầu hóa bắt đầu giảm sút.

Đại dịch đã đặt khái niệm này (nền kinh tế toàn cầu hóa) vào tầm ngắm khi sự gián đoạn thương mại dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và hàng hóa trầm trọng. Sau đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine phá vỡ ảo tưởng về một thế giới thống nhất bằng thương mại.

Thế giới đã chuyển sang phi toàn cầu hóa, và chủ nghĩa “hướng nội” đã phải trả giá. Người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn và giá cả cao hơn gây áp lực duy trì lãi suất cao hơn.

Từ góc độ toàn cầu, kết quả cuối cùng là chúng ta khó có thể chứng kiến lại “phép màu kinh tế” mà chúng ta đã thấy ở Trung Quốc, nơi hàng tỷ người đã thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Đối với nhiều quốc gia, mặt tích cực là việc phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ trong nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho thanh niên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn.

Năng lượng

Kinh tế học thường là chiến trường giữa các trường phái tư tưởng khác nhau. Nhưng sự thay đổi trong tư duy kinh tế có những tác động to lớn đối với tất cả chúng ta.

Quay trở lại những năm 1970, cái được gọi là chủ nghĩa Keynes (là một lý thuyết kinh tế dựa trên sự can thiệp của nhà nước) đã bị "khai tử" khi lạm phát lan tràn khắp thế giới. Trong thời hậu chiến, các chính phủ kiểm soát nền kinh tế thông qua các chính sách chi tiêu, thuế và phân phối lại thu nhập. Điều đó đã được thay thế bằng chủ nghĩa tiền tệ, một hệ thống trong đó các ngân hàng trung ương kiểm soát nền kinh tế thông qua lãi suất và các chính phủ hầu như vắng mặt trong việc quản lý kinh tế.

“Mồi lửa” cho sự thay đổi đó đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi các nước sản xuất dầu mỏ, dẫn đầu là Saudi Arabia và các nhà sản xuất Trung Đông khác, thành lập một liên minh và đẩy giá lên cao, đẩy lạm phát vào quỹ đạo.

Một lần nữa, thế giới chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng đã dẫn đến một đợt bùng phát lạm phát. Và nó xảy ra trùng với thời điểm kết thúc chủ nghĩa tiền tệ hoặc ít nhất là điểm giới hạn của chính sách tiền tệ đã đạt đến.

Các chính phủ, đặc biệt là ở châu Âu, đã bắt đầu đóng vai trò lãnh đạo trong quản lý kinh tế. Họ đã can thiệp vào thị trường năng lượng, đánh thuế cao hơn đối với các nhà sản xuất và phân phối số tiền thu được cho người tiêu dùng.

Cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng dẫn đến trần giá và sự can thiệp trực tiếp vào cái được cho là "thị trường tự do". Chính phủ của nhiều nước có khả năng sẽ can thiệp vào nền kinh tế nhiều hơn trước đây.

Chuyển đổi năng lượng

Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt từ rất lâu trước khi có sự thay đổi bất ngờ này trong nền kinh tế toàn cầu. Thực trạng hiện còn cấp bách hơn nữa. Tây Âu đã phải hứng chịu hậu quả trong cuộc chiến năng lượng với Nga.

Đặc biệt, Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga cho phần lớn hoạt động sản xuất, và giá cả tăng đột biến đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của nước này. Rất nhiều ý kiến cho rằng sẽ xảy ra suy thoái trong những tháng tới, nhưng khả năng phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng có thể hạn chế thiệt hại.

Không chỉ giá khí đốt, giá than cũng đã tăng vọt lên mức kỷ lục, dẫn đến giá điện tăng đột biến. Điều đó tạo ra cơ hội và thách thức. Những mức giá cao hơn đó có khả năng đẩy nhanh nỗ lực sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Một cuộc chạy đua đang diễn ra hiện nay giữa những người tin rằng hydro xanh sẽ cung cấp năng lượng cho tương lai và những người tin rằng điện khí hóa do năng lượng Mặt Trời và gió tạo ra sẽ chiếm ưu thế.

Cho đến vài năm trước, nhiều người vẫn nghĩ rằng khí đốt sẽ là nhiên liệu chuyển tiếp khi thế giới chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo. Giá xăng tăng cao đã cản trở kế hoạch đó.

Chi phí tái cấu trúc nguồn cung cấp năng lượng của thế giới là rất lớn. Để bắt đầu, cần phải nâng cấp lưới điện. Ngay bây giờ, chúng được thiết kế để vận chuyển năng lượng từ các nhà máy đốt than trên khắp đất nước.

Khi các nhà máy đó đóng cửa và việc sản xuất năng lượng trở nên phổ biến hơn, lưới điện sẽ cần được xây dựng lại. Kết quả là giá điện sẽ đắt hơn, nhưng nó sẽ rẻ hơn so với việc chúng ta không làm gì cả và tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

(theo abc.net.au)