Nhỏ Bình thường Lớn

Niềm hạnh phúc của những người mẹ đỡ đầu

Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ban Phụ nữ Quân đội chỉ đạo, cho đến nay, 17 con đỡ đầu được Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị nhận chăm lo về cả vật chất lẫn tinh thần.

Một ngày cuối tuần, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Thi Hà, nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng chính trị, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, cùng các chị em trong đơn vị đến thăm Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Quảng Trị.

Tin liên quan
Ngày quốc tế Tiếng mẹ đẻ (21/2): Gìn giữ tiếng Việt thân thương Ngày quốc tế Tiếng mẹ đẻ (21/2): Gìn giữ tiếng Việt thân thương

Hai cậu bé Hồ Văn Vàng và Trương Hữu Thành bỗng chạy ào ra với các mẹ. Tiếng “con chào mẹ” ríu rít vang lên rồi ôm chầm lấy những người mẹ đỡ đầu để thoả lòng mong mỏi.

Tình cảm mẹ con được bồi đắp mỗi ngày

Chị Trần Thị Hà chia sẻ: “Khác với hồi đầu khi Hội Phụ nữ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đến thăm và nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng hai cháu, các con còn sợ sệt, ngại đến gần chúng tôi.

Nhưng cùng với thời gian, sự quan tâm yêu thương của người mẹ dành cho con, các con đã tự nhiên đón nhận những người mẹ không sinh ra con, nhưng luôn sẵn tấm lòng cùng nuôi dưỡng các con lớn khôn mỗi ngày.

Ngoài chu cấp về vật chất, chúng tôi mỗi khi có thời gian hoặc ngày cuối tuần thường đến trung tâm gặp gỡ, hướng dẫn và chăm sóc các con đỡ đầu trong sinh hoạt và học tập. Cứ thế, tình cảm mẹ con được bồi đắp mỗi ngày”.

Niềm hạnh phúc của  những người mẹ đỡ đầu
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Thi Hà (bên phải) cùng hội viên ở đơn vị đến thăm và dạy bảo hai con đỡ đầu của Hội ở trung tâm người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Khánh Linh)

Cậu bé Trương Hữu Thành là một trong hai con đỡ đầu được mẹ Trần Thị Hà nhận đỡ đầu với tư cách cá nhân. Chị bảo: “Tôi là một người mẹ, lại công tác ở Hội phụ nữ, trái tim dễ đồng cảm mỗi khi biết thêm một bé mồ côi. Tôi có hai con đẻ, trong khả năng kinh tế gia đình cho phép, tôi nhận thêm hai con đỡ đầu để tự mình có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn”.

Khẽ chỉnh lại cổ áo giúp bé Thành, chị Trần Thị Hà kể mà như tâm tình: “Bé Thành tội lắm, con sinh ra đã bị bỏ rơi ở bệnh viện.

Sau đó con được một gia đình nhận nuôi, nhưng được vài năm thì hàng xóm phát hiện con bị bố mẹ nuôi bạo hành rất dã man. Khi lực lượng chức năng đến giải cứu, trên người con chi chít vết thương cũ, mới hằn in trên thân thể gầy trơ xương, đen nhẻm.

Được đưa về Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Quảng Trị nuôi dưỡng, tâm lý của Thành khi ấy vẫn sợ hãi, hoảng loạn và sợ người lạ.

Tôi cùng chị em trong Ban chấp hành đến thăm con, không cầm được nước mắt, tôi chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về, rồi quyết định làm mẹ đỡ đầu để bù đắp và sưởi ấm trái tim tổn thương quá nhiều của con”.

Sau nhiều lần đến trung tâm thăm Thành cùng sự gần gũi trao yêu thương cho cậu bé mồ côi, từ lúc nào đó, Thành đã cất tiếng gọi “mẹ ơi” với chị Trần Thị Hà.

Chị bảo: “Lúc ấy tôi rất hạnh phúc khi nghe con báo cáo chuyện học hành, sinh hoạt mỗi ngày. Thậm chí khi ra khỏi trung tâm để mua sách hay đi sinh nhật bạn, Thành cũng nhắn tin, gọi điện xin phép mẹ nuôi rồi mới đi.

Khi nghỉ dịp lễ hay nghỉ Hè, tôi lại đón Thành về nhà mình chơi vài ngày cùng hai con đẻ của tôi, rồi cả nhà lại cùng đi ăn sáng, đi uống cà phê, mua sắm đồ dùng".

Những bữa cơm gia đình giản dị nhưng ấm áp tình thân của chồng con chị Hà dành cho “con đỡ đầu” như ruột thịt trong nhà. Thành còn sinh hoạt và ngủ chung giường với con đẻ của chị, tình cảm mấy anh em ngày càng quấn quýt, yêu thương nhau.

Mong tương lai tươi sáng cho các con

Ngoài cậu bé Trương Hữu Thành, chị Trần Thị Hà còn nhận con đỡ đầu thứ hai là Trần Văn Nam Khánh (SN 2006), ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà.

Bố mẹ ly hôn từ khi anh em Khánh còn nhỏ, bố đi lấy vợ khác, gia cảnh nghèo khó, mẹ Khánh bỏ đi biệt tích hơn mười năm nay không về. Anh em Khánh sống cùng ông bà ngoại.

Dẫu hoàn cảnh khó khăn, nhưng Khánh nhiều năm liền là học sinh giỏi. Nhưng ước mơ học tiếp của Khánh tưởng như phải đóng lại khi ông bà không còn khả năng lao động, do sức khoẻ già yếu.

Nhận đỡ đầu Khánh từ tháng 5/2023 cho đến khi Khánh học xong Đại học, chị Hà cho biết: “Tôi chu cấp cho cháu Khánh toàn bộ tiền học phí, học thêm hàng tháng, sách vở, quần áo… khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Tôi hy vọng sẽ cùng gia đình mình làm động lực, chỗ dựa tốt nhất để Khánh yên tâm học tiếp và sẽ làm chủ tương lai sau này của mình”.

Trong số những đứa con được Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đỡ đầu, chị Trần Thị Hà và chị em trong Hội còn luôn dành tình cảm yêu thương cho cô bé Hồ Thị Sáo, học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã A Vao, huyện Đakrông.

Chị Trần Thị Hà kể: "Chúng tôi gặp cô bé Hồ Thị Sáo, học sinh lớp 7, trường tiểu học và trung học cơ sở xã A Vao, huyện Đakrông vào dịp đơn vị đi thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” .

Căn nhà của 6 mẹ con bé Sáo tuềnh toàng, trống hơ trống hoác. Năm chị em Sáo mồ côi cha đã vài năm, mẹ cô bé bị bệnh đau yếu nên các em cứ như cây cỏ lớn lên với bữa đói, bữa no nhờ sự cưu mang của hàng xóm, thầy cô".

Dù hoàn cảnh éo le của gia đình, nhưng thầy cô và bạn bè đều cảm phục thành tích học tập của cô bé. Nhìn những tấm giấy khen học sinh giỏi treo trên vách nhà rách nát của Hồ Thị Sáo, tim những người mẹ của Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đều đồng lòng nhận đỡ đầu cô bé, với 4 triệu đồng/năm, cho đến khi Hồ Thị Sáo đủ 18 tuổi.

Theo chị Trần Thị Hà, để có nguồn quỹ lâu dài chăm sóc và nuôi dưỡng các con đỡ đầu, toàn bộ cán bộ, hội viên trích ngày lương của mình để góp sức chăm lo cho các con.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ cũng tiết kiệm và khai thác nguồn thực phẩm tăng gia sản xuất của các cơ quan, đơn vị, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay góp sức để có thêm tiền hỗ trợ đều đặn hàng tháng cho 17 con đỡ đầu.

Nữ Thiếu tá chia sẻ: “Để lo cho các con một tương lai tươi sáng, chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng của những người mẹ, chúng tôi luôn dành hết tình cảm yêu thương để chăm lo cho các con”.

Để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh và giáo viên phải hạnh phúc

Để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh và giáo viên phải hạnh phúc

Cốt lõi của trường học hạnh phúc, ngay bản thân giáo viên và học sinh phải cảm thấy hạnh phúc và được tôn trọng.

Một tuần làm việc chỉ 4 ngày, người lao động có hạnh phúc hơn?

Một tuần làm việc chỉ 4 ngày, người lao động có hạnh phúc hơn?

Ít việc hơn, ít tiền hơn, nhưng hạnh phúc hơn và năng suất cao hơn. Đó là lập luận của những người ủng hộ chế ...

Mang Tết Việt đến với người Pháp ở thành phố Lorient

Mang Tết Việt đến với người Pháp ở thành phố Lorient

Ngày 11/2 (tức ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn), sự kiện Tết Việt mang tên 'Tết Thăng Long' đã được tổ chức tại Trung tâm ...

Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn La được UNESCO công nhận là thành viên ‘Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu’

Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn La được UNESCO công nhận là thành viên ‘Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu’

Đây là bước triển khai cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, ...

Năm Du lịch quốc gia 2024: Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần phát triển đột phá về du lịch tỉnh Điện Biên

Năm Du lịch quốc gia 2024: Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần phát triển đột phá về du lịch tỉnh Điện Biên

Chiều 20/2, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về công tác ...