TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại giao visa ở châu Phi | |
Điện mừng 40 thiết lập quan hệ Việt Nam - Nigeria |
Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác, khi nói về châu Phi, người ta thường bị ảnh hưởng bởi những gì được nghe, thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là nghèo đói, lạc hậu và dịch bệnh… Thế nhưng, có những góc khác của châu Phi mà nếu bạn đã từng ở đó, cùng hòa mình với nó, bạn sẽ thấy mọi thứ không đến nỗi nào.
Thái độ sống lạc quan
Trước khi đi công tác nhiệm kỳ tại Nigeria, tôi đã một lần đi công tác tại Sierra Leone, một đất nước gần Nigeria. Có lẽ vì thế mà khi đặt chân xuống mảnh đất này, tôi không cảm thấy bỡ ngỡ hay sốc như nhiều người lần đầu tiên đến châu Phi. Càng sống ở đây, mới thấy đất nước và con người Nigeria nói riêng và các nước châu Phi nói chung không u ám như những gì truyền thông đang truyền tải.
Trong nhiệm kỳ của mình tại đây, tôi đã đi và được trải nghiệm nhiều nơi, từ thủ đô Abuja, nơi tập trung chủ yếu là các chính khách và thương gia giàu có cho đến cố đô Lagos, thành phố đông đúc và chật chội nhất châu Phi, hay những bang xa xôi như Imo, Enugu, Abia hay Kogi… Dù mỗi nơi đi qua có những nét đặc trưng riêng, nét văn hóa riêng của mỗi bộ tộc, nhưng có những điều sẽ khiến bạn ngạc nhiên về đất nước và con người Nigeria.
Anh Đặng Dũng (thứ hai từ trái sang), cùng các cán bộ Đại sứ quán trong dịp kỷ niệm Quốc khánh. |
Đầu tiên là con người nơi đây rất lạc quan. Lạc quan ở đây không phải là lạc quan về một tương lai tốt hơn mà là thái độ với cuộc sống. Có lẽ đó là nét đặc trưng của người châu Phi. Bạn có thể thấy bất cứ lúc nào, những người nông dân đang cặm cụi trên đồng đột nhiên dừng lại và cùng hòa mình vào một điệu nhảy sôi động. Hay ở những khu chợ, dù là những khu chợ sang trọng dành cho người giàu đến những khu chợ lao động tồi tàn ở vùng quê, bạn có thể dễ dàng nghe thấy những bản nhạc phát ra từ những chiếc đài vốn đã từ lâu vắng bóng ở Việt Nam. Hình ảnh những con người nơi đây với chiếc đài trên vai, bước đi lắc lư theo điệu nhạc vô cùng quen thuộc.
Những con người ấy, nằm trong số 90% những người nghèo đói ở Nigeria, sống chỉ với 1 – 2 USD/ngày, với những bữa cơm thậm chí chỉ có ít rau dại hái quanh nhà. Cũng chính vì thế mà họ khá thân thiện. Có thể lần đầu gặp, những người dân châu Phi sẽ nhìn bạn với ánh mắt tò mò và hơi xa cách, nhưng khi đã tiếp xúc vài lần thì sẽ là thái độ vồn vã, ấm áp.
Hầu hết những người Nigeria tôi tiếp xúc khá chân thật, dù vẫn còn xen lẫn vào đó chút “láu cá” rất riêng của người Nigeria. Ở mảnh đất này, nếu đi chợ bạn có thể mua đồ đạc và để vào một góc hoặc cạnh xe bạn rồi tiếp tục đi mua sắm, đảm bảo sẽ không ai động đến chỗ hàng đó dù chẳng có ai bên cạnh trông coi. Lần đầu tiên đi chợ, tôi thực sự thấy ngạc nhiên, nhưng khi hiểu được ở đây người ta coi ăn cắp là một hành động không thể chấp nhận được thì tôi không còn thấy lạ nữa.
Thiếu kiên trì sẽ phát rồ
Về cuộc sống của các cán bộ ngoại giao ở đây, có lẽ nó không quá khổ như nhiều người vẫn tưởng. Nhưng nó đòi hỏi một sự kiên trì, nếu không có lẽ bạn sẽ phát rồ mất. Thú vui duy nhất của các cán bộ sứ quán chỉ là… cuối tuần đi chợ. Vì ở Abuja sẽ không có một dịch vụ giải trí nào dành cho bạn. Tôi có một vài anh bạn doanh nghiệp người Nigeria, và họ cho biết cuối tuần họ thường đi Dubai hoặc châu Âu để nghỉ ngơi, vì họ chẳng biết chỗ nào để nghỉ ngơi ở Abuja.
Bên cạnh đó, có một “nỗi oan” mà không chỉ ở Nigeria mà còn ở các Đại sứ quán Việt Nam khác ở châu Phi, rằng chi phí sinh hoạt không hề rẻ như Bộ Tài chính hay tất cả mọi người khác lầm tưởng. Ở đây, chi phí cho cuộc sống cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể trẻ em sang đây muốn đi học trường gọi là quốc tế (của người bản địa dạy bằng tiếng Anh) cũng đã tương đương với các trường tư thục cao cấp ở Việt Nam, còn các trường quốc tế như British school hay American school là điều quá viển vông.
Thánh đường quốc gia ở Abuja, Nigeria. |
Ở đây, có những lúc chúng tôi cảm tưởng mình đang cận kề với cái chết. Tôi đã từng trực tiếp thấy vụ nổ bom ở Văn phòng đại diện của Liên hợp quốc khi đang làm việc tại Đại sứ quán Sierra Leone gần đó, hay vụ đánh bom vào một khu chợ thương mại ngay giữa thủ đô Abuja mà chúng tôi vừa đi qua… Nguy cơ không chỉ đến từ những trái bom, nhiều đồng nghiệp và chính bản thân tôi từng suýt chết vì sốt rét chỉ vì một điều đơn giản là bệnh viện không thể phát hiện ra bệnh. Chúng tôi là những người may mắn. Nhưng, có những người không may mắn như thế. Cựu Đại sứ Angola ở Abuja, hay như hai cô ca sỹ người Hàn Quốc sang biểu diễn ở Abuja đã chết trên đường trở về nước.
Nếu không có sự kiên trì thì chắc chúng tôi khó có thể vượt qua được!
Không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ
Nhưng dù sao thì đó cũng là cuộc sống. Ngoại trừ những khó khăn đó, cuộc sống của các cán bộ trẻ như chúng tôi tại Nigeria cũng không có điều gì đáng phàn nàn. Trong công việc, có lẽ ở Nigeria ít có đoàn thăm nên chủ yếu công việc của chúng tôi là hoạt động ngoại giao kinh tế.
Đặc biệt, có hai lần đi bảo hộ công dân để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Lần đầu là vụ tầu Phúc Hải Sun bị giữ ở Lagos năm 2011. Hơn 20 thuyền viên trên tàu bị mắc kẹt, dù họ hoàn toàn có thể về Việt Nam, nhưng họ vẫn ở lại tàu vì một lời “đe dọa” rằng sẽ không được trả lương nếu bỏ về. Mà tất cả đều bị nợ lương, ít thì 6 tháng, nhiều thì 1-2 năm.
Họ phải sống ở trên tàu khi chẳng có một đồng tiền sinh hoạt từ chủ tàu, phải bán dầu để lấy tiền mua thức ăn và hoàn toàn không biết số phận con tàu khi nào được xét xử. Chỉ đến khi thuyền trưởng người Myanmar chết vì sốt rét, tôi đã phải gọi điện để khuyên họ về Việt Nam bởi quyền lợi của họ sẽ được pháp luật bảo vệ, đừng vì những lời đe dọa mà đánh cược với mạng sống của chính mình. Tôi cũng liên hệ với người nhà của họ ở Việt Nam để thuyết phục. Cuối cùng, mọi người đã nghe tôi. Ngày tiễn hơn 20 thuyền viên lên máy bay về nước, nhìn những khuôn mặt rám nắng của họ, tôi cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm.
Lần thứ hai là vụ đi giải cứu 6 phụ nữ Việt bị lừa bán sang Ghana năm 2013. Đại sứ quán nhận được yêu cầu giúp đỡ từ Cơ quan chống buôn người Ghana (CID Ghana). Lúc đó, tất cả các thông tin đều mơ hồ, chỉ biết được những phụ nữ này bị đưa đến Takoradi, một khu vực khá rộng lớn cách xa thủ đô Accra. Nếu bạn từng đi châu Phi thì hẳn đã nghe đến câu “nhà không số, phố không tên, có tên không đúng” để mô tả về đường phố ở đây.
Lần đó, tôi đi cùng một cán bộ bên thương vụ. Hai anh em cùng với một số cảnh sát và tình nguyện viên của CID đi xuống Takoradi. Dù có tình nguyện viên người địa phương đi cùng, nhưng chúng tôi vẫn không thể tìm được họ, vì tất cả đều bị quản thúc không được đi ra ngoài và không biết mình đang ở chỗ nào.
Cuối cùng, nhờ thông tin họ đang làm việc ở một quán karaoke và khách chủ yếu là người Hàn Quốc và Trung Quốc, chúng tôi nhận định đó phải là nơi gần khu các chuyên gia dầu khí người Hàn Quốc đang sống. Thật may mắn, chúng tôi đã tìm ra họ. Sau đó một thời gian, CID Ghana đã tiến hành giải cứu 6 công dân trên. Dù vất vả khi phải liên tục bay đi bay lại giữa Nigeria và Ghana, nhưng khi được chứng kiến 6 khuôn mặt phấn chấn khi lên máy bay về Việt Nam, tôi chợt nhận thấy công việc của mình không còn là trách nhiệm và nghĩa vụ nữa.
Có lẽ, chẳng thể nói hết về cuộc sống tại châu Phi trong một vài trang viết nhưng dù thế nào, những chuyên viên trẻ lần đầu đi công tác châu Phi như chúng tôi đều tự an ủi với nhau: “Đã từng sống ở đây rồi thì nơi nào mà chẳng sống được”. Phải chăng đó cũng là niềm tin để những cán bộ trẻ như chúng tôi tiếp tục cống hiến cho công việc.
Vượt thác ghềnh, ra biển lớn Chiến lược “phát triển và hội nhập” đã nâng cao và cân bằng các sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao của Việt ... |
Nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược của ngành Ngoại giao là một trong những nhiệm vụ ... |
Phát huy vai trò kết nối Đến Việt Nam từ năm 1992 từ khi còn là nhà ngoại giao trẻ, đó là cơ duyên để ông Giles Lever trở lại mảnh ... |