📞

Nỗ lực bảo vệ quyền con người của Việt Nam được ghi nhận

Đức Trí 14:00 | 16/09/2023
Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có. Về quyền con người, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc thực thi quyền con người là một trong những mục tiêu quan trọng đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp.
Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. (Nguồn: UNICEF)

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Ở trong nước, Việt Nam nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Thế nhưng, bên cạnh luồng thông tin tích cực là chủ đạo, vẫn còn không ít những đánh giá sai sự thật, thiếu khách quan, định kiến về Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

Các thế lực thù địch, cơ hội, phản động luôn tìm cách lợi dụng những vấn đề còn tồn tại của đất nước, khoét sâu những hạn chế, hạ thấp thành tựu phát triển, phủ nhận sự thay đổi tích cực của đời sống nhân dân, vu cáo nhằm bóp méo hình ảnh Việt Nam. Những âm mưu đi ngược xu thế thời đại đó của các thế lực chống phá sẽ chẳng che mắt được ai, bởi thực tế về nhân quyền ở Việt Nam, những thành tựu đạt được luôn chứng minh điều ngược lại.

Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu cao vào ngày 11/10/2022 là minh chứng cho thấy những thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, là sự thừa nhận, tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào uy tín và những cam kết của Việt Nam.

Đây cũng là bước tiến mới của đất nước trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Mới đây nhất, trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm Việt Nam lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phù hợp với Hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu khác biệt. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm tất cả người dân, bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay khuynh hướng tình dục và người khuyết tật… hưởng đầy đủ các quyền con người…

Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 53, Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines đề xuất và chủ trì soạn thảo.

Tại Khóa họp lần thứ 54 đang diễn ra tại Geneva từ 11/9-13/10, Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Brazil, Ấn Độ, WHO và các nước thành viên có các sáng kiến, đề xuất đóng góp thúc đẩy quyền con người không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các khu vực dễ bị tổn thương khác do biến đổi khí hậu, xung đột, bảo đảm quyền con người và Chương trình nghị sự 2030.

Những đóng góp thiết thực, hiệu quả đó thể hiện nỗ lực và trách nhiệm Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Đây chính là động lực và định hướng quan trọng để Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong giai đoạn mới, tiếp tục phối hợp với quốc tế bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.