📞

Nơi chúng tôi gọi là nhà

14:00 | 02/09/2017
Nhà khách Chính phủ với tôi không còn xa lạ với những cuộc họp báo thường kỳ, nhưng lần này, khi bước chân vào số 2 Lê Thạch, tôi có những cảm xúc mới vì được gặp những người bạn đến từ các nước ASEAN, nhiều người trong số họ là cán bộ sứ quán tôi đã từng phỏng vấn. Họ gọi tên tôi, mời tôi những món ăn họ nấu, thăm hỏi tôi những câu chuyện rất đỗi đời thường.

Tôi chợt nhận ra, ngôi nhà chung ASEAN có ở đâu xa lạ, ở ngay trong trái tim tôi và những người cùng tham dự Lễ hội vàng ASEAN - "ASEAN Golden Festival". Lễ hội được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2017) và hai năm ngày thành lập Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (ASEAN Women’s Circle of Hanoi - AWCH).

Bà Trần Nguyệt Thu, Phu nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ hội vàng ASEAN.

Thẩm thấu văn hóa đa dạng

Hàng trăm người từ các cán bộ ngoại giao, tri thức, người dân từ 10 nước ASEAN quây quần trong khuôn viên tòa nhà cổ tọa lạc giữa lòng Hà Nội, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực và xem triển lãm để cùng thưởng ngoạn những giá trị văn hóa của nhau qua thính giác, vị giác và thị giác. Nổi bật giữa đa dạng các bộ trang phục truyền thống là những tà áo dài Việt Nam. Cô sinh viên Thu Hiền chia sẻ với tôi rằng cô bị hút hồn trước vẻ đẹp của những tà áo dài sắc tím duyên dáng của Phu nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - bà Trần Nguyệt Thu - khách mời danh dự của Lễ hội, Phu nhân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - bà Nguyễn Nguyệt Nga, Chủ tịch danh dự Nhóm AWCH...

Huyền Trang, cô sinh viên đến từ Học viện Ngoại giao lại rất hứng thú với những điệu nhạc truyền thống của các nước ASEAN. Cô bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những cô gái Indonesia qua điệu múa Poco Poco, một điệu múa mang âm hưởng của những giai điệu sôi động từ miền Đông Indonesia và bị rung động trước điệu múa Rabam cổ điển của Thái Lan, tượng trưng cho sự tinh tế, nhẹ nhàng, tấm lòng chân thật, đôn hậu và mến khách của người dân Thái.

Điệu múa dân gian của các bộ tộc Lào cũng lôi cuốn cô gái trẻ khiến cô không rời mắt khỏi sân khấu cho tới khi chương trình văn nghệ kết thúc. Với Trang và bạn bè cùng lớp, đây là lần đầu tiên được ngắm nhìn vẻ đẹp các nước ASEAN qua những bức ảnh triển lãm hay những đồ thủ công truyền thống. Đặc biệt hơn, các em được nghe giới thiệu từ chính những cán bộ sứ quán, trao đổi những băn khoăn mà các em chưa hiểu. Có lẽ, một buổi học trên giảng đường không thể cho các em được lượng kiến thức vô giá ấy. 

Hoàng Thị Mai, một công dân trẻ của thủ đô Hà Nội, cười mãn nguyện khi thưởng thức món cá Amok, món ăn truyền thống của Campuchia. Với chị Mai, trước đó, ẩm thực đến từ đất nước rất gần Việt Nam này lại vô cùng xa lạ bởi chị chưa từng đến thăm Campuchia và đồ ăn của nước này không phổ biến tại Hà Nội. Chính việc tham gia lễ hội và thưởng thức những món ăn đã giúp chị quyết tâm sớm đặt chân lên mảnh đất Campuchia để thưởng thực trọn vẹn ẩm thực nơi đây và khám phá những điều thú vị từ con người Campuchia gần gũi.

Để có được những niềm hạnh phúc ngọt ngào đó, có lẽ mỗi công dân ASEAN cần nỗ lực  hơn nữa để xây dựng ngôi nhà chung, để ASEAN từ một khu vực bị chia cắt, xung đột, đói nghèo đã trở thành khu vực của hòa bình, gắn kết và phồn vinh; một Cộng đồng tự cường, năng động và đoàn kết; một đại gia đình với tầm nhìn, bản sắc chung vì người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Nền văn hóa đặc sắc của ASEAN với các bài hát, điệu múa, món ăn truyền thống (như cơm dừa Nasi Lemak của Brunei, cá Amok của Campuchia, mỳ cá Mohinga của Myanmar, trà sữa Teh Tarik của Malaysia, nem hải sản của Việt Nam), trò chơi dân gian (như Pabitin của Philippines, Five Stones của Singapore, trò chơi đi trên gáo dừa của Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Thái Lan) đã tạo nên những sắc thái riêng cho Cộng đồng, là sức mạnh đưa các giá trị ASEAN vươn xa ngoài khu vực. 

Kỷ niệm một bước ngoặt

Cuối Hạ, cái nắng dường như gay gắt hơn trước khi nhường chỗ cho những làn gió Thu mát dịu, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt của hầu hết các đại biểu tham gia lễ hội. Dù vậy, quên đi những mệt mỏi, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga vẫn nở nụ cười rất tươi và chia sẻ, là người tâm huyết với những hoạt động văn hóa trong ASEAN, bà luôn mong muốn những giá trị ASEAN ngày càng đến gần hơn với người dân. Theo bà, Lễ hội vàng ASEAN 2017 không chỉ có ý nghĩa đối với nhân dân Cộng đồng ASEAN mà còn với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

“Lễ hội vàng lần này giúp tăng thêm hình ảnh về bản sắc chung của văn hóa ASEAN. Nó có ý nghĩa rất đặc biệt, cùng với tất cả các hoạt động khác của Việt Nam, lễ hội kỷ niệm một bước ngoặt của ASEAN, đánh dấu những thành công trong 50 năm qua”, bà Nga nói.

Theo Đại sứ Nguyệt Nga, đoàn kết, thống nhất luôn là những giá trị cốt lõi mà mỗi người dân Hiệp hội cần phải ý thức gìn giữ, phát huy. Lịch sử Việt Nam cũng như thế giới đã chứng minh cho chân lý đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết không bao giờ tạo ra rào cản mà chỉ giúp chỉnh thể đó phát triển và có vị thế hơn. Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh ASEAN có được thành công trong suốt 50 năm qua là nhờ sự đoàn kết. Khác biệt là thứ tồn tại hiển nhiên trong ASEAN song sự khác biệt đó không làm Hiệp hội yếu đi mà khi chúng hội tụ lại làm ASEAN có thêm sức mạnh. Chính sự đa dạng, khác biệt văn hóa đã tạo nên sức mạnh văn hóa to lớn trong ngôi nhà chung ASEAN mà mỗi người đều có thể cảm nhận được ngay trong chính Lễ hội.

Tôi trở về nhà với những món quà lưu niệm mà những người bạn ASEAN gửi tặng. Đó là kỷ niệm, là giá trị thực mà ASEAN mang lại cho tôi và mỗi người dân trong ngôi nhà rộng lớn ấy.