“Mẹ Hương” luôn dạy các con phải tự lao động, tự làm việc vì nhân cách và cuộc sống của mình. |
Lao động làm nên nhân cách
Trần Thị Thanh Hương là người gốc Huế - theo gia đình tập kết ra Bắc từ năm 1954. Năm 1966, thi đỗ Đại học loại giỏi và được Nhà nước cử đi du học ở Ba Lan nhưng chị đã từ chối tương lai đầy rạng rỡ ấy, đi theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt. Chị xin gia nhập đội thanh niên xung phong rồi trở thành chiến sĩ khi mới 19 tuổi.
Năm 1972, trên đường hành quân ra Quảng Trị, Thanh Hương được một đồng đội bị nhiễm chất độc da cam gửi chị nuôi hộ đứa con của anh - vì anh chẳng còn ai ruột thịt. Thương anh, thương đứa trẻ, chị nhận lời nhiệt tình. Biết chuyện, một đồng đội khác của chị lại tìm đến Thanh Hương để "gửi con". Cực chẳng đã, một mình cô gái trẻ chưa chồng ngày ấy đã gánh 2 đứa trẻ một con tên Lạc, một con tên Hằng từ miền Trung ra đến Đoàn an dưỡng 253 (Quân khu 3). Do không đủ thủ tục nhập Đoàn nên Thanh Hương phải đưa con về nhờ mẹ đẻ giúp. Cuộc sống vất vả đã đẩy 3 mẹ con chị phiêu bạt, khi ở Hải Dương, Hưng Yên, lúc lại về Bắc Ninh, lại dạt Hải Phòng…
Thế rồi, năm 2004, Thanh Hương cùng các con lưu lạc đến Đồ Sơn. Không có nơi ở ổn định, bà quyết định chọn một nơi đồng không mông quạnh để dựng lều tranh sinh sống. Gặp lại đồng đội cũ, chị biết có rất nhiều người nhiễm chất độc da cam và để lại di chứng cho các con. Họ bàn nhau và xin các cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở nuôi dưỡng Thiện Giao. Và, trại nấm Thiện Giao ra đời, trở thành nơi nuôi dưỡng, dạy nghề, tạo việc làm cho nạn nhân chiến tranh và người tàn tật.
Trước đây, Thanh Hương và các con của mình gần như sống tách biệt với bên ngoài, ngại tiếp xúc với người lạ, ngại lên báo chí vì sợ các con xấu hổ, mặc cảm. Khoảng 4 năm trở lại đây, khi các đội sinh viên tình nguyện đến Trại nấm giúp đỡ thường xuyên, đưa thông tin về mái ấm Thiện Giao và kêu gọi sự giúp đỡ… thì nhiều người mới biết đến cái tên Thiện Giao.
Với diện tích rộng khoảng 5000m2 với bờ rào tre mong manh, bên trong là các dãy nhà tôn, nhà cấp 4 cũ kỹ, tường bong tróc làm nơi trú ngụ cho 23 con người - đều đang gánh chịu di chứng của chất độc da cam/dioxin. Trong số đó, có 9 người bị bệnh down và 5 người bị câm điếc, chỉ có thể ú ớ ra dấu bằng tay. Những người còn lại thì chân tay teo tóp. Ngoài ra, Trung tâm còn có một "nhà khách" - là một cái "chòi hạng sang" lợp lá cọ, dành cho khách đến chơi và một nhà "VIP" - dành cho các đôi vợ chồng mới cưới. Vào tháng 3 vừa qua, một người con trong Trung tâm nghịch dại đã khiến hỏa hoạn thiêu rụi cả trại nấm. Có về Thiện Giao mới thấy hết sự xót xa khi mà cơ sở vốn đã rất khiêm tốn này trở nên hoang tàn sau sự nhầm lẫn tai hại của thần Lửa.
Với Thanh Hương - đây dần trở thành lý do khiến bà không thể dứt lòng đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Người cựu chiến binh tuổi lục tuần kể, đã có người ngỏ ý muốn làm bạn đời với chị, nhưng anh không thế làm "bạn đời" với cả đàn con của chị. Lúc đó, Thanh Hương bị đặt trước một sự lựa chọn khó khăn, một bên là hạnh phúc riêng tư, một bên là đàn con thiệt thòi, ngơ ngác, chúng biết dựa vào đâu nếu thiếu chị? Cuối cùng, chị đã khước từ anh để toàn tâm, toàn ý lo cho đàn con tội nghiệp của mình. Tỉ mỉ dạy dỗ những đứa trẻ ngơ ngơ ngác ngác từ cách làm vệ sinh cá nhân, đi vệ sinh đúng chỗ, tắm giặt, đánh răng… cho đến lúc các con biết giúp chị quét nhà và cách trồng nấm. Đó là thành quả của 5 năm trời ròng rã.
Mong các con sống như người bình thường
Nguồn kinh tế để mẹ Hương nuôi dạy các con đều từ việc nuôi trồng nấm linh chi và chăn nuôi lợn của Trại. Mỗi nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều được Nhà nước hỗ trợ một khoản nhất định - nhưng mẹ Hương đã gửi số tiền đó lại cho gia đình các em. Chị quan niệm: "Gia đình họ cũng khó khăn, coi như là tôi nuôi con giúp họ. Mục đích của tôi khi xây dựng Thiện Giao là giúp đỡ người khó khăn chứ không kinh doanh để làm giàu". Chính luôn tâm niệm như vậy nên khi có một số người đến đề nghị chị làm hồ sơ xin tài trợ với khoản tiền lên tới con số tỷ đồng, với điều kiện trích lại cho họ 50% thì Thanh Hương đã giận dữ đến mức cầm vớ lấy đòn gánh đuổi đám người đó ra khỏi Trung tâm.
Chị thường dạy các con mình: "Vì tình yêu cuộc sống, kể cả phải bò, phải lết thì các con cũng phải sống cho đàng hoàng. Có người giúp đỡ là tốt, nhưng chỉ có lao động mới là nhân cách của các con". Từ mái nhà này nhiều đứa con của Thanh Hương đã trưởng thành, vượt lên số phận, tạo lập tương lai cho chính mình. Đối với chị, mỗi người con hoà nhập được với cuộc sống, với cộng đồng là một thành công.
Cưu mang những đứa trẻ thiệt thòi, coi chúng như khúc ruột mình đẻ ra, nhiều lần, Thanh Hương cảm thấy đau đớn tột cùng khi bắt gặp những ánh mắt kỳ thị của người đời dành cho những đứa con của chị. Có lần, chị dẫn con vào quán cơm, bỗng lặng như tờ trong khi trước đó còn ồn ào. Lần khác, khách mua nấm từ chối sản phẩm của Thiện Giao chỉ vì ghê sợ những người làm ra nó… Vì thế, ước mong lớn nhất của chị là các con mình được sống như những người bình thường. Với những người đến với Thiện Giao, Thanh Hương không quan trọng người ta đến cho tiền, cho quà bánh… mà chỉ cần có người đến chơi với các con, để các con được vui sống, hòa nhập với cộng đồng đã là rất quý.
Mới đây, chị đã tổ chức đám cưới cho 2 người con là Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Thị Thêm. Hôn lễ cũng vấp phải một số ý kiến phản đối, vì cả hai đều mắc bệnh down, nhưng "mẹ Hương" đã thuyết phục mọi người cho các con được sống cùng nhau, hưởng nỗi buồn vui trần thế như bao chàng trai, cô gái trưởng thành trên trái đất này. Cuối cùng, hôn lễ cũng được mọi người tán thành và cặp đôi Hạnh - Thêm hiện đang sống rất hạnh phúc ở nhà "VIP" của Trại nấm. Đó là ngôi nhà được lợp mái tôn đỏ, tường quét vôi, rộng hơn các nhà còn lại, có giường, tủ quần áo, ghế sa-lon tiếp khách. Thanh Hương muốn các con của mình cũng có khoảng không gian riêng tư, được sống như những con người bình thường nhất.
Người mẹ đông con tâm sự: "Tình yêu lạ lắm, hình như nó làm con người khôn ra. Từ ngày cưới, hai đứa biết bảo ban nhau làm việc, biết tự quét sân nhà, tự tắm giặt... Hạnh vẫn lười như thế, nhưng đặc biệt nghe lời vợ và rất sợ khi bị dọa "Tối nay cho về nhà trai ngủ". Tôi vẫn bảo, từ khi cưới, Hạnh thông minh như bất kỳ người đàn ông nào trên đời. Tình yêu đã dạy chúng biết quan tâm lẫn nhau, cho chúng hiểu những giá trị của cuộc sống mà tôi không thể nào chỉ dạy cho chúng được".
Tình yêu đã làm nên những điều kì diệu, nó giúp con người xích lại gần nhau trong khốn khó và níu giữ "mẹ Hương" ở lại lâu hơn với các con, khi mà cuộc sống của bà chỉ tính từng ngày vì căn bệnh ung thư phổi đã di căn sang gan, hàm và họng. "Tình yêu cuộc sống đã giúp mẹ quên đi bệnh tật để sống khoẻ và sống có ích" - bà Hương vẫn nói với các con như thế.
Minh Phương
Hiện Đoàn TN Báo TG&VN đang triển khai kế hoạch xây dựng một thư viện nhỏ cho Trung tâm Thiện Giao. Các tổ chức/ cá nhân muốn tặng sách cũ, mới xin vui lòng liên hệ: Khánh Chi, điện thoại: 4.37346906; 0988553693. |