Câu chuyện "ba người": Nga - Trung - Mỹ. (Nguồn: Value Walk) |
Theo một số nhà nghiên cứu, Trung Quốc và Nga có thể hình thành một liên minh của riêng mình trước những áp lực kinh tế - chính trị đến từ phía Mỹ và đồng minh. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc không tán thành lập luận đó. Trung Quốc không tìm kiếm các liên minh, và Nga cũng không có ý định thiết lập một liên minh như vậy. Trung Quốc và Nga nên bằng lòng với nguyên tắc quan hệ đối tác thay vì xây dựng một liên minh. Còn Trung Quốc và Mỹ, được khuyến nghị là nên tiếp tục theo đuổi mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới và ưu tiên cho đối thoại, hợp tác và quản lý những khác biệt.
Ra khỏi "cuộc chơi được mất ngang nhau"
Trước các mối quan hệ chồng chéo giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ, không thể phân tích thấu đáo mối quan hệ Trung-Nga nếu không đánh giá tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. So với quan hệ Trung-Nga, quan hệ Bắc Kinh với Washington rộng lớn hơn và phức tạp hơn. Tính chung, Trung Quốc và Mỹ chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. Năm 2014, thương mại Mỹ-Trung đạt gần 600 tỷ USD, và tổng đầu tư song phương vượt 120 tỉ USD. Cách đây 37 năm, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, không ai chờ đợi sẽ có một quan hệ đối tác mạnh như thế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những khó khăn vốn có mang tính cơ cấu của mối quan hệ này.
Vẫn còn những khác biệt sâu xa giữa các giá trị chính trị của Trung Quốc và Mỹ và giữa hệ thống chính quyền ở hai nước. Và nhiều người Mỹ cảm nhận sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, và do đó ảnh hưởng quốc tế ngày càng lớn hơn, của Trung Quốc như là một mối đe dọa tiềm tàng đối với vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khi quân đội Mỹ tấn công chiếm đóng Iraq năm 2003, GDP của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/8 của Mỹ. Tám năm sau, khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, GDP của Trung Quốc đã tăng lên bằng một nửa của Mỹ. Theo nhiều ước tính, GDP của Trung Quốc sẽ xấp xỉ bằng Mỹ vào năm 2020. Những thay đổi này đã khiến cho Washington lo ngại về một sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Những tranh chấp liên quan tới các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại biển Biển Đông đã làm nổi lên một cuộc tranh luận sôi nổi về việc Mỹ nên phản ứng ra sao trước điều mà một số chuyên gia và nhà bình luận Mỹ xem như là chủ nghĩa bành trướng.
Quan hệ Mỹ - Trung "nồng ấm" hơn sẽ tác động như thế nào đến mối quan hệ "ba bên"? (Nguồn: CS Monitor) |
Về phần mình, Bắc Kinh xem sự hiện diện của các tàu quân sự Mỹ gần lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông như là một hành động khiêu khích. Một số người lập luận rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể chuyển từ đối thoại mang tính xây dựng sang chính sách ngăn chặn. Những tranh luận này đã tạo bối cảnh cho chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của ông Tập tới Washington vào cuối tháng 9/2015. Trong lời phát biểu nhân chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp đề cập đến quan điểm cho rằng sự phát triển của Trung Quốc thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói: "Con đường của Trung Quốc là phát triển hòa bình, và Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với các nước khác". Sau đó, ông nói thêm: "Mọi người nên từ bỏ những khái niệm trước đây - "người thua, kẻ thắng", hay "trò chơi được mất ngang nhau", và thiết lập một khái niệm mới về phát triển hòa bình và hợp tác đôi bên cùngcó lợi. Nếu Trung Quốc phát triển tốt sẽ có lợi cho toàn thế giới và cho Mỹ. Nếu Mỹ phát triển tốt, cũng sẽ có lợi cho toàn thế giới và Trung Quốc".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự trỗi dậy nhanh chóng của đất nước họ là nhờ vào sự hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới. Đối với họ, Trung Quốc hưởng lợi từ trật tự quốc tế mà Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, và ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác - những điều được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Trung Quốc cho rằng sẽ phải tập trung vào phát triển kinh tế và xã hội trong nước trong một thời gian dài và do đó coi trọng việc duy trì một môi trường bên ngoài ổn định và hòa bình. Cho dù quyết tâm bảo vệ các lợi ích riêng của mình và phản ứng mạnh mẽ trước những hành động khiêu khích, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ, hay những hành động đe dọa đến quyền lợi và lợi ích của mình, mục tiêu chính của Trung Quốc vẫn là giữ vững hòa bình và ổn định. Và Trung Quốc quyết tâm bảo vệ trật tự quốc tế và trật tự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như hội nhập sâu hơn vào thế giới toàn cầu hóa.
Việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung là một phần quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc. Tháng 9/2015 đánh dấu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, nhưng trước đó, kể từ năm 2013, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp nhau 5 lần và đã 3 lần điện đàm. Tháng 6/2013, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands (California), họ đã thảo luận trong hơn 7 giờ. Sau cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ theo đuổi một "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" - mà ông xác định là một mối quan hệ dựa trên không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, và hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Từ đó, hai nhà lãnh đạo đã tiếp tục đàm luận về chủ đề này: Tháng 11/2014, tại Bắc Kinh, họ đã có cuộc đối thoại không chính thức kéo dài gần 5 giờ. Và trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông và ông Obama đã dành khoảng 9 giờ để thảo luận với nhau, và họ đã cùng tham dự những sự kiện khác nhau. Các buổi họp kéo dài giữa hai nhà lãnh đạo đã giúp họ hiểu về nhau và tránh sự đối đầu mà các nhà phân tích Mỹ cho rằng không tránh khỏi.
Chuyến thăm cấp Nhà nước, nói riêng, rất hiệu quả. Hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nhiều vấn đề, bao gồm việc phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, đấu tranh chống khủng bố, và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Obama cũng đã bàn bạc thẳng thắn về các vấn đề an ninh mạng - vốn là nguyên nhân chính gây mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington; hai nhà lãnh đạo đã làm rõ những ý định của nước mình, chấp thuận tổ chức một cuộc đối thoại chung cấp cao, và cam kết cùng hợp tác để thiết lập bộ quy tắc ứng xử an ninh mạng quốc tế. Đây là minh chứng hùng hồn rằng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác toàn cầu về các vấn đề quan trọng.
Tất nhiên, Bắc Kinh và Washington có thể vẫn còn những bất đồng về vấn đề Biển Đông, nhân quyền, chính sách thương mại và các vấn đề khác. Những ý đồ của các liên minh quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương vẫn là mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc, nhất là từ khi Washington tuyên bố "xoay trục" về châu Á năm 2011.
Quan hệ giữa Trung Quốc, Nga, và Mỹ hiện nay giống như một tam giác lệch. (Nguồn: GB Times) |
Mọi chuyện đều có... ba mặt
Quan hệ giữa Trung Quốc, Nga, và Mỹ hiện nay giống như một tam giác lệch, trong đó cạnh dài nhất giữa ba điểm là ở giữa Moscow và Washington. Trong tam giác này, quan hệ Trung-Nga tích cực và ổn định nhất. Quan hệ Mỹ-Trung thường trải qua những thăng trầm, và quan hệ Mỹ-Nga đã trở nên rất căng thẳng, đặc biệt vì Nga phải chịu những biện pháp trừng phạt gay gắt của Mỹ. Trong khi đó, cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều phản đối việc Washington sử dụng vũ lực, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nước khác, và hệ thống phân biệt đối xử mà Mỹ áp dụng trong chính sách đối ngoại của mình.
Mỹ và các đồng minh có thể diễn giải sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga là bằng chứng của sự bắt đầu một liên minh nhằm làm đảo lộn hay thách thức trật tự thế giới do Mỹ chi phối. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, mối quan hệ tay ba này không nên được xem như một cuộc chơi trong đó hai chủ thể trong cuộc liên kết với nhau chống lại bên thứ ba. Sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Trung-Nga không nhằm mục đích gây tổn hại cho Mỹ, và Washington cũng không nên tìm cách gây ảnh hưởng lên nó. Tương tự, sự hợp tác của Trung Quốc với Mỹ sẽ không chịu tác động của Nga, cũng không bị những căng thẳng giữa Moscow và Washington chi phối. Trung Quốc sẽ không hình thành một liên minh dựa trên chính sách liên minh, và cũng không để các nước khác lôi kéo làm đồng minh.
Trật tự quốc tế hiện nay là nền tảng của sự ổn định toàn cầu, nhưng nó không hoàn hảo. Năm 2005, Trung Quốc và Nga đã đưa ra một tuyên bố chung về "trật tự quốc tế trong thế kỷ 21" cổ vũ một hệ thống quốc tế công bằng hơn, có tính chính đáng dựa trên các nguyên tắc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Bản tuyên bố đã chỉ rõ rằng Bắc Kinh và Moscow nhận định sự phát triển quan hệ của họ - từ nghi kỵ và cạnh tranh chuyển sang quan hệ đối tác và hợp tác - như là một mô hình quản lý mà các nước khác có thể áp dụng để giải quyết những bất đồng và cùng nhau hợp tác trên cơ sở các điểm đồng thuận nhằm củng cố trật tự toàn cầu và giảm thiểu các khả năng xảy ra xung đột và chiến tranh giữa các cường quốc trên thế giới.