Xét đến quan hệ Nga-Mỹ trên bàn cờ chiến lược Mỹ-Nga-Trung Quốc-EU, nhìn vào sự chủ động chiến lược của ông Biden với ông Putin cho thấy Washington vẫn coi Moscow là cường quốc về mặt chiến lược. (Nguồn: The Telegraph) |
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva (Thụy Sỹ) diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh với những bất đồng trong nhiều vấn đề như Ukraine, nhân quyền, an ninh mạng…
Thời gian qua, hai bên liên tiếp gia tăng những đòn “ăn miếng trả miếng” nhau, bao gồm các biện pháp trừng phạt dẫn tới việc triệu hồi các đại sứ của nhau về nước.
Trong vòng xoáy căng thẳng đó, Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin như một cơn mưa rào giữa mùa hạ đối với cả hai bên.
Bước đi chủ động chiến lược
Việc hai vị nguyên thủ đồng ý tham dự hội nghị thượng đỉnh cho thấy mặc dù vẫn còn khác biệt, nhưng cả hai đều có nhu cầu điều chỉnh, cải thiện mối quan hệ này. Đặc biệt là những bước đi mang tính chủ động, chiến lược của Tổng thống Mỹ Biden.
Kể từ khi ông Biden nhậm chức, thời kỳ tháng 3 và tháng 4 có lẽ là lúc quan hệ Nga-Mỹ “chạm đáy” với loạt động thái triệu hồi đại sứ hai bên, Mỹ công bố loạt biện pháp trừng phạt bổ sung Nga, Washington cáo buộc Moscow tấn công an ninh mạng...
Nhưng cũng chính khi quan hệ “chạm đáy” đó, hai bên cũng bắn những tín hiệu của riêng mình để tránh làm sụp đổ hoàn toàn mối quan hệ.
Chẳng hạn như khi Điện Kremlin triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ đã lấy lý do để "tham vấn và phân tích những gì cần làm về tương lai quan hệ Nga-Mỹ", chứ không tuyên bố đây là động thái đáp trả những phát ngôn nặng lời của ông Biden về ông Putin trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
Về phía Mỹ, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ ngày 13/4, ông Biden đã đề cập một số điểm đáng lưu ý.
Một là, nhắc tới một loạt “điểm nóng” trong quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời cho biết những động thái từ Moscow buộc Washington phải hành động bằng các biện pháp trừng phạt.
Hai là, bày tỏ mong muốn đưa quan hệ hai nước trở lại ổn định và có thể đoán định trước. Qua cuộc điện đàm này, ông Biden đã khẳng định nước Mỹ không tìm kiếm cuộc xung đột với Nga, và mong muốn rằng dù có những bất đồng nhưng vẫn có những khuôn khổ đối thoại ngoại giao để đưa quan hệ hai nước đi vào “đường ray bình ổn”.
Ba là, đề xuất cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian sớm nhất.
Nội dung cuộc điện đàm cho thấy rõ ràng bước đi chủ động chiến lược của ông Biden. Đồng thời, sự chấp nhận đề xuất hội nghị thượng đỉnh từ phía ông Putin cũng thể hiện sự đồng tình của Nga với mong muốn ổn định từ phía Mỹ bởi đây chính là điểm song trùng lợi ích của cả hai bên.
Trở lại “đường ray bình ổn”
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin dù còn hạn chế và khác biệt nhưng là một bước tiến để điều chỉnh lại chiến lược quan hệ hai nước.
Kết quả lớn nhất của hội nghị lần này là hai bên đưa ra được nhận thức chung nhằm đưa quan hệ hai nước vào “đường ray bình ổn”, nhất trí rằng sẽ tiếp tục các nỗ lực tham vấn để kiểm soát vũ khí chiến lược, giảm bớt rủi ro chiến tranh, bao gồm chiến tranh hạt nhân.
Tin liên quan |
Thành công 'thực dụng' của ông Biden tại thượng đỉnh Nga-Mỹ* |
Đây được xem là nhận thức rất mới trong nỗ lực của hai bên nhằm đưa quan hệ hai nước vào khuôn khổ ổn định chiến lược.
Một trong những kết quả trực tiếp của Hội nghị là các đại sứ của hai nước sẽ trở lại vị trí của mình. Sự trở lại của các đại sứ là một bước tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề khác biệt mặc dù có thể chưa giải quyết được ngay như vấn đề Ukraine, vấn đề dân chủ nhân quyền, tấn công mạng...
Đặc biệt trong vấn đề tấn công mạng, hai bên đã trao đổi và đi đến một nhận thức chung là sẽ tránh tấn công mạng liên quan đến cơ sở hạ tầng thiết yếu của hai bên. Trong đó, ông Biden đã liệt kê 16 cơ sở hạ tầng thiết yếu mà phía Mỹ yêu cầu Nga cần tôn trọng và tránh tấn công mạng. Từ đó, tạo ra những hiểu biết về “lằn ranh đỏ” của hai bên và khởi động lại các cuộc tham vấn song phương về an ninh mạng.
Sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo họp báo riêng biệt khác với thông lệ để mỗi bên có thể nói được ý kiến về nhau và đề cập đến những vấn đề riêng. Tuy nhiên, tinh thần chung của hai cuộc họp báo là cả hai vị Tổng thống đều thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đánh giá rằng hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bầu không khí tích cực và mang tính xây dựng.
Đáng chú ý là hai bên bất ngờ ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ mong muốn đưa quan hệ Nga-Mỹ trở lại trạng thái bình ổn, thống nhất thúc đẩy đối thoại cấp cao ổn định chiến lược với mục tiêu chính là tiếp tục nỗ lực tăng cường kiểm soát vũ khí, giảm thiểu nguy cơ rủi ro chiến tranh.
Có thể nói, tuyên bố chung này mang ý nghĩa rất lớn, bởi đây cũng như một lời tuyên bố với nội bộ hai nước và cả thế giới về hướng đi mới của mối quan hệ cựu thù Chiến tranh Lạnh trong tương lai.
Nếu xét đến lợi ích quốc gia thì Nga càng cần mở rộng quan hệ với EU, với thế giới và Mỹ là 'chùm chìa khóa' mở cửa. (Nguồn: Reuters) |
Điểm trùng lợi ích
Nhìn vào bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ trước đây đang ở mức xấu, rõ ràng dù kết quả hội nghị thượng đỉnh có hạn chế nhưng vẫn đánh dấu sự chủ động chiến lược trong việc đảo chiều quan hệ hai nước. Nếu lúc trước quan hệ Nga-Mỹ đang trong vòng xoáy của sự cô lập và trả đũa lẫn nhau thì hiện đã chuyển sang khởi động đối thoại.
Trước hết, xét đến quan hệ Nga-Mỹ trên bàn cờ chiến lược Nga-Mỹ-Trung Quốc-EU, nhìn vào sự chủ động chiến lược của ông Biden với ông Putin cho thấy Washington vẫn coi Moscow là cường quốc về mặt chiến lược.
Rõ ràng, dù đã bị suy giảm so với thời Liên Xô cũ nhưng cho đến nay, Nga vẫn có tầm ảnh hưởng quan trọng ở nhiều khu vực.
Trong khi đó, bản thân nước Nga cũng muốn phá vây và cải thiện quan hệ với Mỹ. Mặc dù Nga và Trung Quốc có quan hệ khăng khít với nhau hơn trong thời gian gần đây, nhưng suy cho cùng cũng là vì lợi ích quốc gia.
Nếu xét đến lợi ích quốc gia thì Nga càng cần mở rộng quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và thế giới. Và rõ ràng trên bàn cờ thế giới, Mỹ vẫn là một quân cờ quan trọng hàng đầu, đồng thời cũng là "chùm chìa khóa" mở ra nhiều đối tác khác.
Với khát vọng đưa nước Nga trở lại tầm vóc toàn cầu, ông Putin cũng hiểu rằng việc cải thiện quan hệ với Mỹ là song trùng lợi ích cho cả hai bên.
Về phía Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cũng có những tính toán riêng để xử lý chuyện nội bộ nước Mỹ để làm sao vẫn giữ được những nguyên tắc về những vấn đề khác biệt mà vẫn có những bước đột phá mở ra cơ hội nhằm kéo quan hệ Washington-Moscow khỏi bờ vực thẳm.
Thông qua chiến lược “đi hai chân”, khi cần cứng vẫn cứng nhưng không đóng cửa hoàn toàn cơ hội đối thoại của hai bên, ông Biden dường như đã “nhắm trúng” điểm trùng lợi ích giữa Nga và Mỹ.
Cân bằng bàn cờ chiến lược
"Thời gian tới sẽ có sự chuyển dịch rất lớn trong cân bằng quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt là 4 trung tâm Nga, Mỹ, Trung Quốc và EU. Tuy nhiên, hình thái chung của bàn cờ này sẽ là cân bằng, ổn định, hợp tác đan xen cạnh tranh, chứ không hoàn toàn đối đầu". (Đại sứ Phạm Quang Vinh) |
Vậy kết quả của hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin sẽ tác động tới bàn cờ chiến lược Nga-Mỹ-Trung Quốc-EU như thế nào?
Thứ nhất, quan hệ sẽ Nga-Mỹ đảo chiều và bước sang giai đoạn ổn định hơn thay vì ngày càng căng thẳng như trước.
Có lẽ, đột phá đầu tiên dựa trên lợi ích chiến lược hai bên về kiểm soát vũ khí chiến lược và dần ổn định thông qua đối thoại trên một số lĩnh vực khác như an ninh mạng, nhân quyền, Ukraine...
Thứ hai, quan hệ Nga-Mỹ cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Nga-EU sang một hình thái mới vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Nếu trước đây khi Nga mở rộng quan hệ với các thành viên EU, điển hình như dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (North Stream 2) với Đức, thì Mỹ ắt sẽ phản đối quyết liệt. Nhưng kể từ sau hội nghị thượng đỉnh này, EU và Nga có thể sẽ giảm thiểu yếu tố đối đầu, đồng thời thêm cơ hội gia tăng hợp tác.
Mặc dù trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, NATO vẫn gọi Nga là mối đe dọa, nhưng một số nước thành viên EU lại vừa muốn hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực, lại vừa muốn giữ lập trường về dân chủ nhân quyền.
Hình thái đấu tranh và hợp tác đan xen đó dự báo sẽ là xu thế chính trong quan hệ Nga-EU trong thời gian tới.
Thứ ba, cân bằng quan hệ bộ ba Nga-Mỹ-Trung.
Nước Mỹ đã công bố định hướng chiến lược toàn cầu coi Trung Quốc là thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, đồng thời là đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn cầu, cụ thể là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc.
Xuyên suốt chuyến công du châu Âu lần nay, Tổng thống Mỹ đã thể hiện rõ mục tiêu tập hợp đồng minh truyền thống của mình để tạo ra lực lượng toàn cầu chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Việc ổn định lại quan hệ với Nga cũng thể hiện nỗ lực của Mỹ làm cân bằng lại quan hệ giữa các nước lớn, không để Moscow quá gần với Bắc Kinh.
Về phía Nga, trong bối cảnh bị Mỹ và các nước phương Tây tìm cách bao vây, cô lập, thời gian qua, Nga đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Trong khi đó, sự thay đổi trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ khiến Trung Quốc cũng phải nhìn lại và cân bằng tương đối, linh động hơn trong quan hệ với Nga, Mỹ và EU.
Tựu trung, thời gian tới sẽ có sự chuyển dịch rất lớn trong cân bằng quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt là 4 trung tâm Nga, Mỹ, Trung Quốc và EU. Tuy nhiên, hình thái chung của bàn cờ này sẽ là cân bằng, ổn định, hợp tác đan xen cạnh tranh, chứ không hoàn toàn đối đầu.
Đại sứ Phạm Quang Vinh là một nhà ngoại giao cấp cao của Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách quan hệ của Việt Nam với các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương (2011-2014), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhiệm kỳ 2014-2018.