Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên lên đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga, ngày 8/9/2011. (Nguồn: AFP) |
Nhu cầu cao trên thế giới và nguồn cung khí đốt dồi dào của Nga đã tạo ra một hình thức đấu tranh địa chính trị mới, khiến Moscow nổi lên như một người chơi chủ chốt trong bàn cờ địa chính trị thế kỷ XXI.
Chính sách năng lượng thức thời
10 năm sau khi Liên Xô tan rã, một kỷ nguyên mới của sự ổn định chính trị và kinh tế đã đến sau cuộc bầu cử năm 2000, khi ông Putin trở thành Tổng thống Nga.
Cùng với nhiều cải cách kinh tế và chính trị xã hội, những chuyển đổi lớn đã diễn ra trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.
Ông Marshall Goldman, tác giả của cuốn sách “Petrostate: Putin, Power, and the New Russia”, lập luận rằng, ông Putin đã đưa ra một chiến lược để các quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đặc biệt là các quốc gia láng giềng.
Moscow đã thực hiện chiến lược này một cách hiệu quả trong nhiều năm với sản lượng khí đốt tự nhiên tăng liên tục kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Putin.
Tài sản chính và quan trọng nhất đóng góp vào chiến lược này là Tập đoàn năng lượng Gazprom. Gazprom thuộc sở hữu nhà nước đa số, nằm trong chương trình National Champions do chính Tổng thống Putin chủ trương, trong đó các tập đoàn hoạt động như tập đoàn tư nhân nhưng sẽ đóng vai trò là công cụ của chính phủ Nga nhằm hoạt động hiệu quả và cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ trương này đã giúp Tập đoàn Gazprom vận hành thành công. Thêm vào đó, việc Nga sở hữu nguồn khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới cho phép nước này kiểm soát hiệu quả ngành công nghiệp khí đốt vì lợi ích quốc gia.
Hiện Gazprom là tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới về trữ lượng và sản lượng khí đốt tự nhiên. Cụ thể, trữ lượng hydrocacbon của Gazprom đã lên tới 34.899 tỷ m2 (bcm). Các nhà phân tích dự đoán đến năm 2030, Nga sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu ở châu Âu, nhu cầu khí đốt của châu lục này sẽ tăng thêm 100 bcm trong 10 năm tới. |
Ngoại giao khí đốt đã góp phần làm đòn bẩy, giúp Moscow gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị, đặc biệt là đối với các quốc gia hậu Xô Viết, trong đó có Ukraine. Ước tính rằng ít nhất 80% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang phương Tây được chuyển tiếp từ Ukraine, cho phép Nga thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình đối với nước này.
Tuy nhiên, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, quan hệ giữa hai quốc gia đã xấu đi, đến mức Nga chuyển sang tìm kiếm, phát triển các tuyến đường và dự án khác nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình với phương Tây.
Dự án mới, kỷ nguyên mới
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy sản lượng khí đốt của Nga đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ít nhất là 725 bcm/năm. Cùng với đó, khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng đã trở thành một công cụ quyền lực quan trọng của Moscow với khả năng mở rộng hơn nữa trong những năm tới.
Với vị thế của một siêu cường năng lượng, Nga đặt mục tiêu lan tỏa ảnh hưởng của mình thông qua các dự án chiến lược tại các khu vực. Nước này đã đầu tư vào nhiều dự án đường ống dẫn khí đốt, trong đó hai dự án quan trọng nhất là đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream II).
Đường ống TurkStream bắt đầu từ Anapa ở vùng Krasnodar của Nga, qua Bulgaria, Serbia, Hungary, và kết thúc ở bến Kıyıköy của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù thị trường khí đốt khu vực Đông Nam châu Âu thường bị bỏ qua vì quy mô tương đối nhỏ, nhưng dự án TurkStream đã làm thay đổi cách nghĩ này.
Ngày 8/1/2020, tại buổi lễ khánh thành TurkStream, Tổng thống Putin nhấn mạnh, ý nghĩa của đường ống này còn vượt lên trên vấn đề năng lượng.
Theo giới phân tích, ý nghĩa mà ông Putin nhắc tới chính là tác động của TurkStream tới quan hệ giữa Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thông qua dự án TurkStream, Tổng thống Putin có thể khai thác tối đa giá trị và ý nghĩa địa chính trị của các thành viên NATO tham gia dự án nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa Moscow với Washington và NATO theo hướng có lợi nhất cho Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khai trương đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream), ngày 8/1/2020. (Nguồn: Kremlin.ru) |
Dự án quan trọng khác và cho đến nay vẫn gây tranh cãi là đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 với sự hợp tác của Nga và Đức. Dự án này được cho là sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream I), và bảo đảm nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic.
Dòng chảy phương Bắc 2 được bắt đầu vào năm 2015 và tính đến ngày 4/6/2021, phần đầu tiên của dự án đã được hoàn thành bất chấp nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Theo Tiến sĩ Alan Riley, một chuyên gia về các vấn đề năng lượng và môi trường, đồng thời là thành viên cao cấp thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Dòng chảy phương Bắc 2 đã chia cắt phương Tây.
Những người ủng hộ cho rằng dự án này sẽ mang lại nguồn cung khí đốt tự nhiên cần thiết cho Tây Âu, trong khi những người phản đối thì cho rằng dưới hình thức một dự án thương mại, đây là một "vũ khí" chính trị để chia rẽ Liên minh châu Âu (EU) và tạo đòn bẩy tăng cường ảnh hưởng cho Nga ở các nước Đông và Trung Âu.
Một số quốc gia châu Âu lo ngại rằng các tranh chấp gần đây với Ukraine và chính sách đối ngoại chung của Nga đối với Đông Âu, là những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ý định của Điện Kremlin khi sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 như một công cụ chính trị gây ảnh hưởng.
Mặc dù Nga và Đức đã nhấn mạnh nhiều lần Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn mang tính thương mại, nhưng việc dự án vẫn được tiến hành bất chấp các lệnh trừng phạt cho thấy địa chính trị của châu Âu đã thay đổi mạnh mẽ trong ngắn hạn, và dường như Nga càng khẳng định vị trí khó thể thay thế của mình trong lĩnh vực năng lượng ở châu Âu.
Cuộc đua giành ảnh hưởng
Theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU, Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất ở châu Âu. Tổng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga chiếm ít nhất 60% thị trường châu Âu. Đây là con số quan trọng, không chỉ vì lý do kinh tế mà vì nó còn đại diện cho cuộc đua tranh địa chính trị giữa Nga và Mỹ.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu rằng EU “bị Nga cầm tù” do sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow của khối này. Chính quyền Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, nhưng không có kết quả vì dự án đã gần hoàn thành.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực thuyết phục EU đa dạng hóa các nguồn năng lượng để chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga. Cụ thể, Mỹ đang giúp đưa Qatar, một trong những đồng minh Trung Đông thân cận của mình, trở thành nhà cung cấp năng lượng cho EU.
Theo Reuters, trong vòng 5 năm tới có thể có một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Qatar tới Đức. Hiện tại, Qatar đã cam kết đầu tư ít nhất 10 tỷ USD cho dự án này để tăng cường quan hệ với Đức, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở châu Âu.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream II) dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 8/2021. (Nguồn: TASS) |
Ngoại giao năng lượng của Nga được phản ánh qua các dự án đang triển khai tác động đến EU và áp lực từ Mỹ là một ví dụ cho thấy năng lượng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc tái thiết bản đồ địa chính trị. Thoạt nhìn, có thể thấy đây là những dự án kinh tế thương mại thuần túy, nhưng ẩn chứa bên trong là bản chất của cuộc đua tranh giành ảnh hưởng.
Ngành năng lượng ở Nga, đặc biệt là sản xuất khí đốt tự nhiên, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong những năm tới. Moscow đang bước vào kỷ nguyên mới về sản xuất và xuất khẩu năng lượng, gia tăng đáng kể ảnh hưởng và vị thế đối với cả phương Tây và phương Đông.
Rõ ràng, cạnh tranh Nga-Mỹ sẽ dừng lại khi hai nước áp dụng cách tiếp cận thực tế hơn trong chính sách đối ngoại. Hai bên cũng cần đánh giá lại chính sách ngoại giao năng lượng và chiến thuật thương mại hiện có của nhau.