"Một trong những thứ sợ nhất ở Việt Nam có lẽ là tiếng ồn. Ở nhà cũng ồn, đi ra ngoài đường cũng ồn vào quán cà phê cũng ồn. Giải pháp có lẽ chỉ có cách lúc nào cũng cắm ipod vào tai, coi như lấy tiếng nhạc để chống với những tiếng ồn khác…", một blogger đã than thở như vậy trước thực trạng tiếng ồn quá mức hiện nay.
Đêm khuya cũng “điếc tai”
Than vãn trên không phải là cảm tính mà được các nhà khoa học chứng minh có cơ sở. Tiến hành đo tiếng ồn tại 150 điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường của TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn, Trường Cao đẳng Tài nguyên và môi trường TP HCM, kết luận: "Tiếng ồn ở mọi nơi mọi lúc ở đây “đều vượt mức cho phép”.
Theo đó, ở tuyến đường đông xe có hầu hết số lần đo vượt tiêu chuẩn ở mức cao; còn những tuyến đường khác cũng không có kết quả khá hơn. Đáng báo động nhất là ngay cả đêm khuya, từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần.
Không riêng kết quả đo nói trên, kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi Cục bảo vệ môi trường TP HCM từ đầu năm 2009 cũng đáng lo ngại.
Tất cả các lần đo ở 6 trạm quan trắc gồm: Ngã tư An Sương, Ngã sáu Gò Vấp, Vòng xoay Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng- Điện Biên Phủ, Vòng xoay Phú Lâm và Ngã tư Huỳnh Tấn Phát- Nguyễn Văn Linh nhiều lần đạt tới 85 dBA, vượt xa ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép là 75dBA.
Chuyên viên Lê Như Lộc, Chi cục bảo vệ môi trường TP HCM, nhận xét: “Trạm có mức độ ồn cao nhất là trạm An Sương”. “Thủ phạm” theo anh Lộc là do ở đây lượng xe tải, xe cơ giới qua lại gây hiệu ứng cộng hưởng tiếng ồn quá lớn.
Mức độ ô nhiễm tiếng ồn gia tăng chóng mặt
Trước năm 2008, mức tăng trung bình tiếng ồn trên địa bàn TP HCM khoảng 0,2-04 dBA nhưng từ năm đến năm 2009, độ ồn đã gia tăng chóng mặt bằng 14 năm trước đó cộng lại.
Trong 3 nguồn gây tiếng ồn chính: hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng- dịch vụ thì tại TP HCM, nguyên nhân của sự gia tăng mức độ ồn phần lớn đều do giao thông gây ra.
“Trong mấy năm gần, mỗi năm TP tăng 10% xe hơi cá nhân. Dự kiến, nhu cầu sử dụng xe hơi sẽ còn tăng cao hơn nữa và tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi. Với tình hình này, ô nhiễm tiếng ồn sẽ còn tăng vùn vụt hơn”, tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn lo ngại nói.
Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng, Phân viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động TP HCM cho rằng, chỉ cần quá ngưỡng cho phép, tiếng ồn đã rất đáng báo động. Vì tiếng ồn không muốn nghe sẽ quấy rầy, gây ức chế thần kinh, căng thẳng, stress cho công việc, học tập…
Đáng ngại hơn, theo tiến sĩ Dũng, tiếp xúc với tiếng ồn lâu ngày sẽ làm cho con người mất sự nhạy cảm với âm thanh, dần dần gây bệnh điếc không thể cải thiện được.
Bác sĩ Phạm Công Nhân, Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường TP HCM cho biết, tiếp xúc với tiếng ồn nhiều sẽ gây mệt mỏi, suy nhược toàn thân, ù tai, mất ngủ và làm trầm trọng thêm các loại bệnh, nhất là tim mạch, huyết áp.
Quy hoạch để chống ồn
Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn đề nghị chia ra bốn 4 loại nguồn gây ồn là để từ đó quy hoạch và loại trừ những nguồn ồn không chấp nhận được.
- Chấp nhận được so với quy định
- Vượt quy định nhưng có khả năng khắc phục
- Không khắc phục được
- Không được phép có trong đô thị
Theo tiến sĩ Tuấn, với nguồn gây tiếng ồn "không khắc phục được", nếu là xe cộ thì không cho phép lưu thông, còn nếu là máy móc sản xuất thì phải yêu cầu cơ sở thay đổi công nghệ.
Riêng với nguồn gây tiếng ồn "không được phép có trên đô thị", chính quyền thành phố phải có biện pháp cấm hẳn.
Dù nhận định “hiện khó có giải pháp chống ồn cho riêng cá nhân vì việc tiếp nhận tiếng ồn là thụ động”, song tiến sĩ Nguyễn Văn Quán, khoa Môi trường và Bảo hộ lao động của ĐH Tôn Đức Thắng vẫn nhấn mạnh: ý thức của cá nhân không làm tăng tiếng ồn rất quan trọng.
Bên cạnh đó, để hạn chế những ảnh hưởng của tiếng ồn tới sức khỏe, người dân nên tự ý thức, không tự “tắm” trong tiếng ồn quá lâu, hạn chế ra đường vào các giờ cao điểm.
Theo Đất Việt