TIN LIÊN QUAN | |
Dịch virus corona: Quảng Ninh họp bàn phương án đón tàu biển quốc tế | |
DCCI Quảng Ninh 2019: Truyền lửa cạnh tranh và thúc đẩy nhân tố cải cách |
Quảng Ninh đưa ra những giải pháp thắt chặt tiêu chuẩn về chất lượng cho sản phẩm OCOP. (Nguồn: BQN) |
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Quảng Ninh xây dựng với mục đích phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hoá ở nông thôn, phát huy những lợi thế của nông sản đặc trưng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Bắt đầu triển khai từ năm 2013, chương trình OCOP của tỉnh đã kết thúc giai đoạn I (2013-2016) với nhiều thành công và tạo được sự tin tưởng với người dân. Giai đoạn II (2017-2020), tỉnh đang tiếp tục triển khai với nhiều dấu ấn đậm nét.
Nghiêm khắc tại ‘sân chơi’ OCOP
Năm 2016, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc thi đánh giá xếp hạng các sản phẩm OCOP nhằm giúp các sản phẩm này ngày càng được chuẩn hóa. Tổng số sản phẩm được cấp sau cả 2 đợt của năm 2016 là 39 sản phẩm. Sau hơn 3 năm, hầu hết các sản phẩm được cấp sao của năm 2016 đều đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, có logo thương hiệu riêng và mã vạch hoặc tem điện tử để truy suất nguồn gốc.
Không chỉ thế, nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm với hình thức đẹp và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp không chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, không nâng cấp bao bì, tem nhãn và có sản phẩm đã bị dừng sản xuất. Một số cơ sở do quản lý sản xuất kém, sản phẩm tiêu thụ chậm, nhà xưởng máy móc thiết bị không duy tu bảo dưỡng nên ngày càng xuống cấp, không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại.
Có tình trạng trên là do những năm đầu phát triển Chương trình OCOP, một số địa phương, do chạy theo số lượng nên việc đăng ký sản phẩm còn chưa thực sự được siết chặt, thậm chí đưa những sản phẩm không mang tính đặc thù địa phương như theo tiêu chí chương trình đặt ra như: Su hào, tai chua; bột nghệ, khoai tây, cà chua; lá vối; nấm hương, nấm sò, bột tam thất, rau củ các loại...
Ngày 6/1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của 10 sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Tiếp đó, ngày 10/1, Ban Xây dựng Nông thôn mới của tỉnh ban hành quyết định đưa 65 sản phẩm không đạt chuẩn ra khỏi chương trình này.
Theo Phó trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức, đa số các sản phẩm đề nghị đưa ra khỏi Chương trình OCOP đều tham gia từ những năm đầu, vì vậy, những sản phẩm này không có sự thẩm định, không có quyết định chấp thuận của tỉnh, nhiều sản phẩm không đảm bảo điều kiện hoàn thiện để phát triển. Bên cạnh đó, một số sản phẩm đạt sao nhưng dừng sản xuất hoặc đang nâng cấp nhà xưởng cũng bị thu hồi để đảm bảo tính công bằng cho sản phẩm khác.
Ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, quan điểm của chương trình là các sản phẩm đã tham gia “sân chơi” này phải ngày càng nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã, chuẩn hóa về bao bì, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh và tiến gần hơn với thị trường quốc tế.
“Việc thu hồi chứng nhận đạt sao và loại các sản phẩm không đạt chuẩn ra khỏi Chương trình OCOP là việc làm cần thiết để giữ vững thương hiệu, cũng như tạo sức hút cho những đơn vị thực sự có tâm huyết với chương trình, khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Đức nói.
Tạo dựng thương hiệu, khẳng định vị thế
Để tạo được “chỗ đứng” cho các sản phẩm OCOP, suốt chặng đường 7 năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Ban hành Bộ công cụ quản lý chương trình OCOP về chu trình phát triển, thủ tục pháp lý, cách thức hỗ trợ thành lập tổ chức kinh tế, lập kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP; tổ chức thi thiết kế logo, bao bì sản phẩm; quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm và điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh; tổ chức các kỳ hội chợ, triển lãm sản phẩm, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP...
Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của Quảng Ninh. (Nguồn: QTV) |
Ngoài ra, đối với sản phẩm nông sản, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Những chính sách hỗ trợ trên đã góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ, manh mún sang đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, các cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn, mua giống cây, các hoạt động xúc tiến thương mại... đã giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp bền vững.
Để các sản phẩm OCOP chuẩn hóa hơn nữa, tỉnh liên tục tổ chức cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm. Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức, hội đồng đánh giá, ban hành quy chế tổ chức cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp huyện . Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội chợ để quảng bá sản phẩm OCOP với nhiều địa phương trên cả nước.
Thời gian tới, Quảng Ninh đã có kế hoạch tiếp tục mở rộng quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP theo hướng chất lượng - hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại trong nước và nước ngoài.
Qua việc thắt chặt quản lý và đảm bảo những tiêu chí khắt khe trong việc tạo dựng thương hiệu OCOP tỉnh, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang ngày càng được các doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp. Từ đó, tạo được bước đi đúng đắn cho các sản phẩm OCOP, tiến tới đạt được các tiêu chí về chất lượng và nâng cao năng lực hội nhập cho sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh không chỉ là sản phẩm địa phương mà vươn tầm xa hơn, được đông đảo người dân trong và ngoài nước biết tới.
Kêu gọi thanh niên khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP Sáng 8/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng Bí thư Thứ ... |
Nông nghiệp Quảng Ninh "gặt mùa vàng" Với nhiều kết quả đột phá trong tư duy và cách làm, Quảng Ninh đã trở thành một điển hình thành công được Chính phủ ... |
“Trái ngọt” từ Chương trình OCOP Quảng Ninh Học hỏi kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của nước bạn Nhật Bản, với cách làm sáng tạo và sự ... |