Việt Nam: Dạn dày đấu trường quốc tế
Sau kỳ thi HSG Quốc gia môn Vật lý, có 35 HS được lựa chọn để tiếp tục ôn luyện, bồi dưỡng 2 tuần và tiếp tục tham gia vòng 2 lựa chọn 5 đại diện chính thức cho chủ nhà IPhO 39.
5 cậu học trò xuất sắc nhất đã được tập trung 2 tháng tại khách sạn Phương Nam (Hà Nội) và hàng ngày tới học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với những thầy giáo giỏi, giàu kinh nghiệm của trường và Bộ GD-ĐT.
Rút kinh nghiệm những kỳ thi trước chúng ta thường “hụt hơi” với phần thực hành, năm nay, các thầy huấn luyện đội tuyển đã phân bổ ½ thời gian làm thí nghiệm tại phòng thực nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Các thầy dẫn dắt đội tuyển như thầy Trần Thái Hoa, Nguyễn Văn Khánh đều cho rằng các thành viên năm nay khá hơn mọi năm. Thầy phó đoàn Phạm Xuân Thành đặt mục tiêu tất cả các em đều có huy chương.
Trong số 5 thành viên của đội Việt Nam kỳ này, chỉ có duy nhất Trần Anh Vũ, HS đầu tiên của 1 trường dân lập tham gia thi quốc tế, và cũng là “lính mới” lần đầu tham gia trường quốc tế.
4 thành viên còn lại đều đã từng “đem chuông đi đánh xứ người”. Trong đó nổi bật là Đỗ Hoàng Anh, lớp 12 chuyên Lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đã 4 lần tham dự thi quốc tế, từ đoạt huy chương bạc IPhO 2007 và 2 HCV Olympic Vật lý châu Á. Còn Nguyễn Tất Nghĩa, cậu học trò xứ Nghệ đã có trong tay HCV IPhO 2007 và HCV Olympic Vật lý châu Á 2008.
Hai thành viên còn lại của đội tuyển đều đã đạt HCB Olympic Vật lý châu Á năm nay.
Nguyễn Tất Nghĩa tâm sự: “Là đội chủ nhà, Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn là lợi thế bởi nhiều giáo viên giàu kinh nghiệm đều được tập trung vào đội ngũ ra đề. Bên cạnh đó, áp lực và sự quan tâm của dư luận cũng khiến bọn em hơi hồi hộp.”
Tuy nhiên, các thành viên đều khẳng định rất tự tin và đã sẵn sàng bước vào cuộc thi để giành kết quả tốt nhất.
Đội Việt Nam cũng “nể” Trung Quốc nhất bởi họ luôn có truyền thống giành nhiều HCV ở các năm trước.
Trung Quốc: “Đáng gờm” nhất?
Các thành viên đội tuyển Trung Quốc đang chọn đồ ăn trưa tại khách sạn. Ảnh: Lan Hương |
Chính vì thế, đội Trung Quốc luôn được sự quan tâm của báo giới và các đoàn bạn.
Quy trình tuyển chọn đổi tuyển quốc gia của Trung Quốc khá giống với Việt Nam.
Trước tiên, các HS tham dự 1 kỳ thi quốc gia vào tháng 9/2007. Vòng 2 được tổ chức vào tháng 11 để xếp thứ hạng và phân loại huy chương. Sau đó, 30 HS đoạt HCV cấp quốc gia đều được tham gia khóa huấn luyện tập trung kéo dài 3 tháng.
Cả 30 HS này lại tiếp tục tham dự kỳ thi kéo dài tới 7 ngày, trong đó có 5 bài lý thuyết và 2 bài thực hành để chọn lựa ra 5 thí sinh xuất sắc nhất.
Các HS này được 3 giảng viên giỏi của Trường ĐH Bắc Kinh bồi dưỡng trong vòng 3 tuần.
Các thành viên trong đội đều cho rằng phần thi thực hành khó hơn bởi không có nhiều cơ hội để luyện tập nhưng rất tin tưởng đội mình sẽ giành tới 5 HCV.
“Có rất nhiều đội giỏi nên chúng tôi coi ai cũng là những đối thủ mạnh, đặc biệt là chủ nhà Việt Nam” – 1 thành viên trong đội chia sẻ.
Mỹ: Ôn luyện qua internet
Đội tuyển Mỹ chủ yếu tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên qua internet. Ảnh: Lan Hương |
Rui Hu nói đùa: “Trong trường phổ thông Mỹ thì điều được quan tâm nhất là các môn thể thao chứ không phải là những cuộc thi như Olympic Vật lý.”
Joshua Oreman bổ sung thêm rằng điểm số và thành tích hoạt động ngoại khóa quan trọng hơn nhiều nên không phải HS nào cũng biết tới kỳ thi này. Riêng với Joshua thì ngay từ giữa năm học trước, cô giáo dạy Vật lý đã phát hiện ra tố chất của em và động viên em tham dự kỳ thi cấp quốc gia.
Khi đã được lọt vào “Top 5” để đại diện cho Mỹ đi dự thi IphO 2008, 5 HS lại tiếp tục có 1 khóa huấn luyện ngắn 10 ngày rồi sau đó là 6 tuần tự học với sự hướng dẫn của giáo viên thông qua internet. Các giáo viên ra bài tập và chữa bài online, đồng thời chỉ ra những hạn chế của từng HS để cố gắng thêm.
Ngay trước khi sang Việt Nam, 5 HS lại tập trung học thêm khoảng 6 ngày, chủ yếu là trong phòng thí nghiệm.
Theo các thành viên đội Mỹ thì Trung Quốc là đối thủ đáng gớm nhất bởi năm nào họ cũng đoạt 4, 5 huy chương vàng nhưng Việt Nam cũng rất giỏi.
Là đoàn đầu tiên tới VN, đội Mỹ đã tranh thủ đi chơi 1 vòng xung quanh Hà Nội, thăm phố cổ, viện bảo tàng…
Edward Gan nhận xét: “Con người Việt Nam rất thân thiện, đi đâu chúng tôi cũng được chào đón và tiếp đãi nồng hậu. Tuy rằng khi đi dạo chơi, mua sắm, chúng tôi bị những người bán hàng rong chạy theo chèo kéo nhưng cũng không sao. Rất thú vị!”
Các thành viên trong đội cũng bày tỏ sự thích thú với món phở Việt Nam nên “sáng nào chúng tôi cũng tranh thủ ăn phở và cũng thử cả món phở vỉa hè nữa rồi. Món ăn Việt Nam quá tuyệt vời!”
Đội Nga: “Nhất Nga, nhì Việt Nam, ba Trung Quốc”
Những chàng trai 16, 17 tuổi của đội Nga tỏ ra rất galant khi luôn mời nữ tình nguyện viên ngồi vào trung tâm để chup ảnh. Ảnh: Lan Hương |
Phải tham gia 5 vòng thi, từ cấp trường, cấp thành phố đến khu vực và toàn quốc để được chọn làm thành viên dự thi IPhO.
Sau đó Top 5 thành viên sẽ tham dự khóa huấn luyện kéo dài 20 ngày ở Moscow do những giáo viên giỏi của Trường ĐH Moscow hướng dẫn.
Mỗi ngày các HS này dành 2 tiếng học với giáo viên, còn lại là tự ôn luyện ở nhà.
Một thành viên trong đội tâm sự: “Chúng tôi chuẩn bị chưa thực sự đầy đủ cho phần thi thực hành thiếu một số dụng cụ để thực hành.”
Tuy nhiên, đội Nga vẫn rất tự tin sẽ dành kết quả cao nhất trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần này. Các thành viên hào hứng dự đoán đoàn Nga sẽ xếp thứ nhất, kế đến là Việt Nam và thứ ba là Trung Quốc.
Mấy ngày vừa qua, cả đội đã tranh thủ đi ra chợ mua đồ và thử một số món ăn Việt. Các thành viên đều nhận xét đồ ăn của Việt Nam ngon nhưng khá khô nên phải mua thêm rất nhiều chai nước ngoài chợ. Tuy nhiên, vì mua ngoài chợ nên các em rất sợ nước không được sạch như “quảng cáo” của người bán hàng.
Theo VNN