Sang Czech từ năm 1998 khi 21 tuổi, mọi thứ với anh Phạm Gia Hậu rất bỡ ngỡ, đặc biệt là ngôn ngữ. Tuy nhiên, là trẻ mồ côi từ khi mới 9 tuổi nên anh Hậu thích nghi với môi trường mới rất nhanh. Với sự giúp đỡ của bà con họ hàng tại đây, anh Hậu quyết định kinh doanh thời trang và dần có được các hệ thống đại lý bán buôn bán lẻ các mặt hàng may mặc.
Anh Phạm Gia Hậu (thứ 2 từ phải) cùng các nghệ sĩ Việt Nam tại Czech. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Bén duyên nghệ thuật
Từ năm 2010, khi tham gia sâu vào cộng đồng người Việt với những hoạt động văn hoá từ thiện, anh Hậu như tìm được đúng sở trường của mình do duyên ăn nói và lòng đam mê nghệ thuật. Tham gia Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Czech, anh Hậu đã góp công sức dàn dựng các chương trình văn hoá cộng đồng, trong đó có rất nhiều chương trình nghệ thuật hướng về quê hương, đất nước. Không chỉ là người tổ chức, anh Hậu còn trực tiếp làm MC, ca sĩ cho rất nhiều hoạt động văn hóa của kiều bào. Đây cũng là khoảng thời gian anh cảm nhận được sức mạnh của những kết nối văn hoá và tinh thần ngày một lan tỏa trong cộng đồng người Việt.
Thành lập từ năm 2008, Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Czech là tổ chức xã hội của những người Việt Nam và những người Czech nói tiếng Việt hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật... Với mục đích giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và phát huy mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc, Hội đã có những đóng góp tích cực và thiết thực vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa với nhân dân sở tại.
Được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội từ năm 2014, anh Hậu chia sẻ, bản thân anh và các thành viên trong Hội đều làm việc nhằm tôn vinh văn hóa Việt, nâng cao uy tín và vị thế của cộng đồng người Việt cũng như tích cực quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh chú trọng phát hiện và bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật trẻ, tổ chức các chương trình nghệ thuật gây tiếng vang trong nước như Đêm nhạc hướng về Biển đảo quê hương..., Hội còn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Czech và các Hội Văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt ở các nước.
“Tham công tiếc việc” vì cộng đồng
Gặp hoàn cảnh khó khăn từ bé, nên anh Phạm Gia Hậu luôn cố gắng làm nhiều nghề để mưu sinh. Tại Praha, anh đã mở nhà hàng mang tên MRHAU chuyên phục vụ đồ ăn chay Việt. Cùng với công việc kinh doanh hàng may mặt, anh Hậu còn là người tổ chức các sự kiện nghệ thuật nổi tiếng như Cuộc thi Sao Mai, Liên hoan Tiếng hát doanh nhân người Việt toàn châu Âu... Đôi khi, vì “tham công tiếc việc”, anh gặp không ít áp lực. Nhưng anh vui vì những đóng góp của mình cho cộng đồng luôn được ghi nhận. Năm 2015, anh Hậu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án Năm Văn hóa Việt Nam tại Czech.
Sắp tới, Mr. Hậu cũng góp sức cho Cuộc thi Hoa hậu và Hoa hậu quý bà Việt Nam toàn châu Âu được tổ chức tại Birmingham (Anh) từ ngày 13-17/4. Thời gian này, gặp được “ông bầu” rất khó khăn bởi anh cũng đang bận rộn lo tổ chức cho chương trình ca nhạc “Một thời để nhớ 2017” diễn ra tại Czech và châu Âu vào tháng 5 tới. Được biết, đây là chương trình nghệ thuật gắn liền với tên tuổi các nghệ sĩ đại thụ trong làng âm nhạc Việt như NSND Thanh Hoa, NSND Thái Bảo... Qua chương trình này, cộng đồng người Việt ở Czech sẽ có cơ hội được gặp các nghệ sĩ nổi tiếng trên đất khách quê người, được xem và nghe hát những ca khúc gắn liền với tên tuổi của họ và hình ảnh thân thương về quê hương...
Anh Hậu cho biết, NSND Thanh Hoa là người rất tâm huyết với kiều bào châu Âu. Những năm gần đây, bà luôn song hành cùng Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Czech và các hội ở châu Âu, đặc biệt gắn bó với doanh nhân kiều bào yêu văn hóa văn nghệ. Suốt 5 năm nay, bà đã cùng Hội mở nhiều lớp học nghệ thuật cho doanh nhân và các cháu thiếu nhi, cũng như thường xuyên bồi dưỡng và cố vấn cho các giọng ca Việt Nam ở Czech tham dự giải Sao Mai.
Theo anh Hậu, cộng đồng người Việt tại Czech cũng giống một Việt Nam thu nhỏ với hệ thống các hội đoàn và câu lạc bộ. Tại đây, nhu cầu thưởng thức và sinh hoạt cộng đồng của bà con rất lớn, nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường được tổ chức phong phú, nhiều màu sắc và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Bà con đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát quan họ... và luôn coi trọng việc giáo dục con cái học tiếng Việt.