Chặng đường ông Donald Trump vươn tới Nhà Trắng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa bao giờ dễ dàng. (Nguồn: Getty Images) |
Chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa, vào cuối ngày 5/11 (giờ Mỹ, trưa 6/11 giờ Việt Nam), ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và bà Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, sẽ kết thúc cuộc đua "song mã" đầy gay cấn vào Nhà Trắng.
Kể từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, tỷ phú Donald Trump đã luôn gây chú ý và tạo ra nhiều dấu ấn lịch sử. Từ một “tay ngang” trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông trở thành vị tổng thống đầu tiên bị luận tội đến hai lần và là cựu tổng thống Mỹ bị kết án 34 tội danh.
Tin liên quan |
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Kết quả cuối cùng do ai quyết định? Cần bao nhiêu phiếu để thắng? Đại cử tri là ai? Tại sao lại có bang chiến địa? |
Con đường mà ông đã trải qua, từ kinh doanh cho đến chính trị, là một hành trình không hề bằng phẳng, thậm chí có thể nói ông đã “vượt ngàn chông gai” để đi đến vị trí như hiện tại.
'Con nhà nòi' kinh doanh
"Cậu ấm" Donald John Trump sinh ngày 14/6/1946 tại quận Queens, New York, Mỹ, là con trai của một đại gia bất động sản. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Donald đã được “thừa kế” tinh thần kinh doanh từ cha.
Khi lên 3 tuổi, Donald đã có “thu nhập” tương đương 200.000 USD mỗi năm (tính theo giá trị hiện nay), trở thành triệu phú vào năm 8 tuổi và đến năm 17 tuổi đã là đồng sở hữu một tòa chung cư 52 căn.
Năm 13 tuổi, Donald được cha gửi vào trường quân sự tư thục New York với kỳ vọng sẽ rèn luyện tính kỷ luật. Những năm đầu ở trường quân sự là khoảng thời gian khó khăn đối với chàng thiếu niên Donald khi bị các thầy phụ trách dạy dỗ bằng những hình thức nghiêm khắc.
Tuy nhiên, bằng khả năng thích nghi và sự quyết tâm, Donald dần biến tính cách cạnh tranh thành lợi thế và trở thành đội trưởng Thiếu sinh quân.
Năm 1964, chàng trai Donald Trump bắt đầu cuộc đời sinh viên ở Đại học Fordham và hai năm sau, chuyển tới Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.
Sau khi tốt nghiệp đại học Wharton, cậu bắt đầu làm việc toàn thời gian cho công ty bất động sản của cha mình, tham gia quản lý các khu chung cư cho thuê, với quy mô từ 10.000-22.000 căn.
Đến năm 28 tuổi, Donald Trump chính thức trở thành chủ tịch tập đoàn của gia đình, mà sau này là Trump Organization. Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, các khu nhà ở do ông Trump sở hữu tại một số khu vực trên nước Mỹ đã vướng vào các vụ khiếu nại về phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi và các nhóm thiểu số khác.
Dù ông Trump luôn khẳng định mình là người rất giàu có, không ai thực sự biết rõ giá trị tài sản thực của ông. Năm 2020, một cuộc điều tra của New York Times tiết lộ rằng, vị tỷ phú vẫn còn món nợ 421 triệu USD, phần lớn với tập đoàn ngân hàng tư nhân Đức Deutsche Bank. Đến nay, tài sản và quyền lực của ông vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Ông Trump đứng tên đồng tác giả của cuốn sách bán chạy “Art of the Deal” (Nghệ thuật Đàm phán, 1987) và nhiều cuốn khác viết về kinh doanh như: “Art of Comeback” (Nghệ thuật trở lại, 1997), “Vì sao chúng tôi muốn bạn giàu” (2006), “Trump 101: Con đường thành công” (2006)...
Cuốn “Art of the Deal” là một trong những quyển sách nổi tiếng nhất về cuộc đời ông Trump – khi đó mới chỉ 38 tuổi.
'Tay ngang' trong cuộc chơi chính trị
Ông Trump đã giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. (Nguồn: The Atlantic) |
Ông Trump là một trong những doanh nhân ít kinh nghiệm về chính trị đã từng tranh cử và đắc cử tổng thống Mỹ.
Ông gây chấn động khi đánh bại đối thủ nổi tiếng, cựu nữ Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, vào tháng 11/2016 với số phiếu đại cử tri áp đảo 306-232 dù thua về phiếu phổ thông để trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, mở đầu cho một sự nghiệp chính trị đầy tranh cãi.
Một trong những dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của ông Trump là sự linh hoạt về đảng phái, khi đổi đảng tới 5 lần. Ông từ đảng Cộng hòa (1985) sang đảng Cải cách (1999), rồi qua đảng Dân chủ (2001) trước khi quay về Cộng hòa (2009) và sau đó trở thành cử tri độc lập.
Bất chấp tất cả “chông gai”, với phong cách mạnh mẽ, ông Trump kiên quyết tiến lên với khát vọng trở lại Nhà Trắng. |
Đến năm 2012, ông Trump quay lại với đảng Cộng hòa và giữ tư cách thành viên đến nay. Năm 2015, vị tỷ phú Mỹ chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống và chiến thắng với khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "Nước Mỹ trên hết".
Trong nhiệm kỳ tổng thống (2017-2021), ông đã thực hiện nhiều cam kết như rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thỏa thuận Khí hậu Paris, cũng như đẩy mạnh chính sách an ninh.
Bốn năm tại Nhà Trắng của ông Trump có nhiều di sản gây tranh cãi, đặc biệt là chính sách hạn chế nhập cư cứng rắn và căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và thị trường chứng khoán đã có giai đoạn đạt đỉnh cao.
Bên cạnh đó, chiến lược dùng ngoại giao cá nhân cũng đem lại cho ông Trump cả sự thành công lẫn sự dè chừng từ đồng minh trong hoạt động đối ngoại. Khi còn là Tổng thống Mỹ, ông Trump đã gặp mặt Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ba lần, giúp tháo ngòi nổ xung đột hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Ở những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền Trump cũng giúp hòa giải thành công mối thù truyền kiếp của một số nước Arab ở Trung Đông với Israel, mang lại “bình minh hòa bình mới” ở “chảo lửa” xung đột.
'Con đường hoa hồng' trải đầy gai
Bức ảnh gây rung động mạnh cho những người xem khi ông Trump giơ tay mạnh mẽ về phía người ủng hộ vào thời khắc ông bị viên đạn sượt qua tai trong một vụ ám sát hụt hồi tháng 7. (Nguồn: AP) |
Con đường theo đuổi sự nghiệp chính trị của ông Trump không hề suôn sẻ. Ông từng bị Bộ Tư pháp điều tra với cáo buộc thông đồng với Nga trong các chiến dịch tranh cử cũng như đối mặt với hàng loạt vụ kiện về gian lận và hối lộ.
Năm 2020, sau khi thất bại trước ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden với tỷ lệ 232-306, vị tỷ phú của đảng Cộng hòa đã không công nhận kết quả bầu cử và đưa ra các cáo buộc gian lận.
Ông Trump bị xem là người thúc đẩy cuộc biểu tình ngày 6/1/2021, chỉ 15 ngày trước thời điểm chuyển giao quyền lực, dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol.
Sau khi rời Nhà Trắng, ông trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án 34 tội danh hình sự liên quan việc làm giả hồ sơ kinh doanh. Một trong những cáo buộc là việc chi trả tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn Stephanie Clifford (hay Stormy Daniels) vào năm 2016.
Ngoài ra, ông cũng bị điều tra vì hành vi can thiệp vào kết quả bầu cử năm 2020 và việc lưu giữ tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở.
Ông Trump cũng ghi tên vào lịch sử là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với 2 lần luận tội, một vào năm 2019 vì lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội liên quan vụ bê bối Ukraine, lần thứ 2 vào ngày 13/1/2021 với tội danh kích động bạo loạn chống chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, cả hai lần, ông đều được Thượng viện Mỹ tha bổng.
Ngoài việc bước vào "đường đua" tranh cử tổng thống năm 2024 với "hồ sơ" có nhiều vết đen, ông Trump cũng phải trải qua hàng loạt những "chông gai" khác để có thể đi đến ngày bầu cử 5/11 tới, từ những nghi ngờ của nội bộ đảng, sự ngáng chân của đảng Dân chủ, sự phản đối từ dư luận, cũng như các vụ kiện và điều tra đang diễn ra.
Thậm chí, trong quá trình tranh cử, ông còn phải đối mặt với mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, trong đó có vụ ám sát hụt chấn động hồi tháng 7 ở bang Pennsylvania.
Vụ ám sát hụt đã khiến ông Trump bị thương một bên tại do đạn sượt qua. Khi đó, bức ảnh chụp ông Trump được đội cận vệ đưa khỏi bục diễn thuyết, nhưng vẫn giơ tay hướng về khía người ủng hộ đã tạo nên sự rung động mạnh cho người xem.
Bất chấp hàng loạt bê bối và khó khăn pháp lý, ông Trump vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều cử tri, minh chứng qua số phiếu ủng hộ bám đuổi sát nút với đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc đua tranh cử 2024.
Đối mặt tất cả những “chông gai” đó, với phong cách mạnh mẽ, ông Trump kiên quyết tiến lên với khát vọng trở lại Nhà Trắng. Nhiều người ủng hộ tin rằng, ông có khả năng vực dậy nước Mỹ một lần nữa, đặc biệt là trong bối cảnh cường quốc số 1 thế giới đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, tình trang khủng hoảng nhập cư và các thách thức quốc tế.
Nhiều sự kiện trong quá khứ đã chứng tỏ rằng, với ông Trump, không có gì là không thể. Nếu ông thành công trong lần tranh cử này, ông sẽ lập nên một kỷ lục mới trong lịch sử chính trị Mỹ.
Hãy cùng chờ xem, liệu lần này ông Donald Trump có thể vượt qua tất cả các rào cản, chiến thắng đối thủ của đảng Dân chủ Kamala Harris và trở lại Nhà Trắng để một lần nữa định hình tương lai của nước Mỹ, như ông từng tuyên bố.
| Bầu cử Mỹ 2024: Ai sẽ là Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ? Chỉ còn 3 ngày nữa là cuộc bầu cử gay cấn bậc nhất thế giới sẽ diễn ra và có kết quả chung cuộc. Hãy ... |
| Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Con đường 'hoa hồng' trải đầy gai đến Nhà Trắng Ngày 5/11, cử tri Mỹ sẽ bước vào ngày bầu cử quan trọng nhất 4 năm qua, ngày bầu cử tổng thống 2024. Cùng Báo ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Chơi chiêu 'chẳng có gì ngoài tiền' để ủng hộ ông Trump tại chiến địa quyết định, 'đại gia' Elon Musk thách thức tòa án Chương trình của tỷ phú Elon Musk tặng 1 triệu USD ngẫu nhiên cho cử tri khi tham gia bầu cử Tổng thống ngày 5/11 ... |
| Tin thế giới 31/10: Israel phá đường dây gián điệp Iran, Ukraine 'kêu' Mỹ tăng hỗ trợ quân sự, Nga triệu Đại sứ Phần Lan phản đối tịch thu tài sản Nga tố phương Tây phá hoại không gian số, Venezuela triệu hồi Đại sứ tại Brazil về nước, Quân đội Triều Tiên xuất hiện tại ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Tỷ phú Elon Musk ‘chơi lớn’ - ủng hộ ông Trump là thành triệu phú, đã có tính toán gì ở đây? Tại sao người giàu nhất hành tinh như Elon Musk và là chủ sở hữu mạng xã hội X, Giám đốc điều hành SpaceX và ... |