Khó khăn khi bước chân vào Nhà Trắng của ông Biden vô cùng lớn. (Nguồn: CNN) |
Một "thế giới" mới?
Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020 có thể là sự khởi đầu mới cho một thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của Mỹ đối với thế giới.
Chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ Joe Biden, người có thể sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2021, hứa hẹn sẽ là “một đôi tay an toàn” cho thế giới. Ông tuyên bố sẽ thân thiện với các đồng minh của Mỹ hơn ông Trump.
Tuy nhiên, bối cảnh chính sách đối ngoại có thể còn nhiều thách thức hơn những gì ông nghĩ. Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi ông Biden lần cuối cùng ở trong Nhà Trắng với tư cách là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama. Các đối thủ của Mỹ đã trở nên cứng rắn hơn nhiều như Triều Tiên, thậm chí là Trung Quốc và Nga.
Ông Biden hứa hẹn sẽ đem lại sự khác biệt, đảo ngược một số chính sách gây tranh cãi của ông Trump, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ.
Đối với Trung Quốc, ông Biden cho biết sẽ tiếp tục con đường cứng rắn của đương kim Tổng thống trong vấn đề thương mại, đánh cắp tài sản trí tuệ và các hành vi thương mại ép buộc.
Đối với Iran, chính trị gia 77 tuổi nói rằng Tehran sẽ có cách thoát khỏi các lệnh trừng phạt nếu tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia mà ông đã cùng cựu Tổng thống Obama giám sát, nhưng bị hủy bỏ dưới thời ông Trump.
Và với Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông sẽ cố gắng xây dựng lại lòng tin bằng cách quyết tâm đánh bay nỗi sợ hãi ở Điện Kremlin.
Đó là những lời hứa hẹn dễ làm hài lòng đám đông của một chính trị gia kỳ cựu có nhiều năm làm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Tuy nhiên, việc thực hiện tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ không hề đơn giản. Trong 4 năm qua, các quốc gia trên khắp châu Âu, Trung Đông đã phải chịu đựng sự đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Trump về việc rút quân Mỹ khỏi Syria đã khiến các đồng minh vô cùng bất ngờ và thất vọng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng sẽ là một thách thức mới đối với ông Biden. Ông Erdogan đang can dự vào các cuộc xung đột ở Syria, Libya và Armenia và thậm chí làm tăng căng thẳng với Hy Lạp và Pháp để làm sao lãng những thất bại của ông ở trong nước.
Việc đương kim Tổng thống muốn rút khỏi khu vực như một tín hiệu cho thấy Mỹ sẽ không dẫn dắt các đồng minh để cản trở ông. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã gây thất vọng cho liên minh NATO khi mua vũ khí của Nga, đồng thời ủng hộ các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và các đồng minh châu Âu theo cách mà các chính quyền trước đây của Mỹ khó có thể tha thứ.
Nghệ thuật xoa dịu và thuyết phục
Nhiệm vụ của ông Biden giờ đây là phải thuyết phục các đồng minh rằng Mỹ là một đối tác đáng tin cậy, ổn định lâu dài, đồng thời giải quyết mối đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ở khía cạnh này, ông Biden có thể rơi vào tình thế khó khăn. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Trump năm nay cho thấy kỳ bầu cử năm 2016 không phải là khác thường: nước Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc.
Mặc dù các cử tri Mỹ đã lựa chọn một ứng cử viên truyền thống cho Nhà Trắng, nhưng các đồng minh vẫn cảm thấy e dè và sẽ không dễ dàng được xoa dịu.
Vào thời điểm ông Biden nhậm chức tổng thống vào đầu năm sau, nước Mỹ đi khá xa trên con đường cô lập. Ông Biden sẽ phải điều chỉnh lại khoảng cách và tốc độ để tập hợp đủ đồng minh ủng hộ mình nhằm đưa thế giới đi theo con đường mà ông mong muốn. Đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn.
Ông cũng sẽ phải tìm cách kiềm chế Iran trong một thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia mới để thay thế cho Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) mà chính quyền Tổng thống Trump đã hủy bỏ.
Ông Biden sẽ phải thuyết phục Anh, Đức, Pháp, những nước đã dồn nhiều công sức hỗ trợ Mỹ tạo thỏa thuận ban đầu như thế nào để cùng ông bắt đầu tham gia trở lại thỏa thuận?
Đó là chưa kể việc lôi kéo Nga và Trung Quốc vào một thỏa thuận mới như ông và Obama đã làm trong năm 2015. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ khó có thể ủng hộ một thỏa thuận Iran mới cho đến khi Mỹ đưa ra những nhượng bộ về thương mại.
Thành công chính sách đối ngoại sẽ không chỉ là giành được sự tin tưởng của bạn bè và sự phục tùng của kẻ thù; mà còn là việc xây dựng niềm tin quốc tế vào mục đích đoàn kết của Mỹ, một nhiệm vụ khó khăn cho một đất nước bị chia rẽ.
Ông Biden có thể thấy rằng trật tự thế giới không còn có thể thiết lập lại theo cách ông mong muốn. Còn vài tuần nữa là đến lễ nhậm chức, con đường đến Nhà Trắng có thể là đoạn đường dễ dàng nhất trong hành trình làm tổng thống của ông Biden.