TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ sẽ trực tiếp tham chiến tại Syria? | |
Xung đột Trung Đông xóa sổ thành tựu phát triển của cả một thế hệ |
Đi sâu vào quan hệ song phương
Một trong những đặc điểm nổi bật của quá trình chuyển giao quyền lực Tổng thống ở Mỹ là việc đánh giá lại chính sách một cách toàn diện, qua đó xác định chính sách nào nên được duy trì hay kết thúc.
Cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Đông qua hai đời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã cho thấy Washington nhiều lần lúng túng trước các diễn biến bất ngờ ở khu vực nhiều bất ổn này. Đặc biệt, chính quyền Tổng thống Obama thường do dự mở rộng vai trò của Mỹ ở Trung Đông nhằm tránh sa lầy vào các cuộc nội chiến, sự chia rẽ bè phái, sắc tộc, tôn giáo… Dù vậy, ông Obama vẫn hiểu sự cần thiết của việc duy trì can thiệp của Mỹ ở Iraq - điều mà những người chỉ trích ông thường không đề cập tới.
Trên thực tế, chính Tổng thống Bush (con) - người phát động cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan – đã ký Thỏa thuận về Tình trạng các lực lượng (Status of Forces Agreement) vào năm 2008, trong đó quy định quân đội Mỹ sẽ rút khỏi lãnh thổ Iraq trong vòng 3 năm. Đây cũng là lý do khiến các chính trị gia Iraq không chấp nhận việc kéo dài thời hạn rút quân Mỹ, vốn bắt nguồn từ những điều chỉnh chiến lược của Washington. Trong khi đó, lưỡng viện Quốc hội Mỹ - gồm nhiều nghị sĩ muốn duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq lâu dài như tại Đức hay Nhật Bản, cũng không đồng ý với việc hoạt động của binh lính Mỹ phải phần nào chịu sự kiểm soát của chính quyền Baghdad.
Những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường Iraq, năm 2010. (Nguồn: The Times) |
Tất cả lý do kể trên khiến chính quyền Obama không còn cách nào khác ngoài việc phải rút quân khỏi Iraq. Tuy nhiên, sau khi việc rút quân này hoàn tất, các cuộc xung đột tại Trung Đông bắt đầu leo thang trở lại, thậm chí còn lan rộng hơn trước.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Donald Trump và các cộng sự cần suy nghĩ một cách thấu đáo về tình hình hiện nay ở Trung Đông cũng như cách đối phó với những vấn đề đó. Việc này không chỉ cần sự nghiên cứu chính sách đối với toàn bộ khu vực (chẳng hạn như trong vấn đề chủ nghĩa khủng bố, xu hướng cực đoan hóa…) mà cần đi sâu vào quan hệ song phương giữa Mỹ và các nước ở Trung Đông.
Các điểm nóng
Một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay là chủ nghĩa cực đoan (radicalism), vốn bắt nguồn từ Bán đảo Arab và hiện đã lan ra toàn khu vực Trung Đông. Trong khi các nhóm cực đoan Sunni vẫn được cho là nhận hỗ trợ tài chính từ Bán đảo Arab, Washington không nên đổ lỗi cho các quốc gia Arab đã tạo ra mối đe dọa này, bởi lẽ các nhóm cực đoan hiện hoạt động rất phức tạp. Mặc dù Mỹ đã tự chủ về năng lượng nhờ sự phát triển của công nghệ dầu đá phiến, song các nước Arab - đặc biệt là Saudi Arabia - vẫn là một trong những đối tác quan trọng của Washington ở Trung Đông.
Syria hiện là một trong những điểm nóng ở khu vực bởi quốc gia này diễn ra nhiều mâu thuẫn sâu sắc về chính trị, xã hội, tôn giáo… Cuộc nội chiến ở Syria, vốn đã bước sang năm thứ 6 và khiến hàng triệu người bỏ nhà cửa đi lánh nạn, không chỉ đơn thuần là xung đột giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với những phe phái nổi dậy. Đó còn là cuộc tranh giành quyền lực giữa các lực lượng phiến quân với nhau, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc ở khu vực (Iran, Thổ Nhĩ Kỳ) và các nước lớn trên thế giới (Mỹ, Nga). Trong bối cảnh đó, việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria đang đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền mới của Mỹ.
Cảnh đổ nát tại Aleppo (Syria) sau các cuộc giao tranh. (Nguồn: Reuters) |
Có thể nói, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với các “thành trì” ở Iraq và Syria, hiện là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với lợi ích và an ninh của Mỹ trên toàn cầu. Rõ ràng, việc tiêu diệt tận gốc IS đòi hỏi Tổng thống tương lai Trump phải có một cách tiếp cận kỹ lưỡng, khôn khéo và toàn diện. Tuy nhiên, giải quyết rốt ráo mối đe dọa IS mới chỉ là bước đầu, Mỹ cần đối phó với các nhân tố khác đan can thiệp vào tình hình Syria. Đơn cử, Washington cần đánh giá lại quan hệ với đồng mình NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là quốc gia có nhiều lợi ích xung đột với Mỹ tại Syria. Đáng chú ý, trong lúc tình hình chính trị Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều xáo trộn, các nhà lãnh đạo nước này dường như ít quan tâm hơn đến quan hệ với các đối tác phương Tây hơn việc duy trì quyền lực ở trong nước cũng như lợi ích thiết thân ở Trung Đông.
Đối với Iran, Mỹ cần nghiêm túc đặt câu hỏi rằng, liệu việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với quốc gia Hồi giáo này – như nhiều chính khách Mỹ đang kêu gọi – có phải là một giải pháp làm giảm căng thẳng ở Trung Đông hay không? Trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân gặp một số khó khăn như hiện nay, mặc dù phía Iran cũng không đưa ra được giải pháp tối ưu, song nếu Washington hủy bỏ thỏa thuận đó, Tehran hoàn toàn có thể có các quyết định tác động đến toàn bộ khu vực.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần quan tâm hơn tới quan hệ với Ai Cập - quốc gia đang có nhiều nỗ lực ngoại giao tích cực nhằm cải thiện tình hình an ninh ở Trung Đông. Hiện nay, Ai Cập đóng vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Israel – Palestine. Trong trường hợp việc hòa đàm này không thành, những ân oán truyền kiếp giữa hai quốc gia này chắc chắn sẽ bùng phát trở lại.
Cho đến nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump luôn tuyên bố sẽ tập trung vào chính sách đối nội, trong khi sẽ dành ưu tiên số 1 cho nước Mỹ (“American first”) trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng ông Trump sẽ có những chính sách phù hợp với khu vực Trung Đông trong tình hình mới. Dù sao, khu vực này cũng có ảnh hưởng quan trọng tới lợi ích, an ninh và uy tín của nước Mỹ trên thế giới.
* Ông Christopher Hill nguyên là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, nguyên Đại sứ Mỹ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, Ba Lan. Hiện ông Hill là Hiệu trưởng Trường nghiên cứu quốc tế Korbel, Đại học Denver, Mỹ. Bài viết trên phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Mỹ cần một chính sách đối ngoại thực tế hơn Nếu lựa chọn đúng đắn, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể thay đổi căn bản chính sách đối ngoại Mỹ theo hướng tốt ... |
Chính sách của Trump vẫn còn là ẩn số Đó là nhận định của chuyên gia Francis Fukuyama (Đại học Stanford - Mỹ) trong một bài viết đăng trên The Financial Times gần đây. ... |
Thế giới mong chờ sự thay đổi Năm 2016 chứng kiến rất nhiều “bất ngờ” trong đời sống chính trị quốc tế, từ Brexit, bầu cử ở Philippines, bầu cử ở Mỹ, ... |