Dù cho tổ chức khủng bố Hồi giáo Jaish-e-Mohammad (JeM) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, song điều này không khiến New Delhi nguôi giận. Sáng ngày 15/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã triệu tập họp khẩn Hội đồng Nội các về An ninh (CCS). Ông khẳng định rằng hành động này sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng. Bộ trưởng Jaitley thì khẳng định Ấn Độ sẽ “cô lập hoàn toàn Pakistan”.
Hiện trường vụ tấn công đẫm máu nhắm vào lực lượng cảnh sát Ấn Độ. (Nguồn: Reuters) |
Theo đó, Ấn Độ đã rút Pakistan ra khỏi danh sách những Quốc gia Được Ưu tiên Nhất (MFN), áp thuế 20% với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Pakistan và triệu hồi Cao ủy tại Pakistan về nước để thảo luận, tạm gián đoạn quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã thông tin cho tất cả Đại sứ tại nước ngoài về “bằng chứng không thể chối cãi” cho thấy Pakistan có liên quan đến vụ tấn công.
Về phần mình, Pakistan phủ nhận mọi cáo buộc liên quan từ phía Ấn Độ, chỉ trích việc triển khai lực lượng tại khu vực tranh chấp, đồng thời khẳng định chỉ hỗ trợ các nhóm Hồi giáo đang chịu thiệt thòi. Đứng trước phản ứng có phần quyết liệt từ phía Ấn Độ, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đã gửi thư đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guteres, kêu gọi tổ chức này hỗ trợ giảm căng thẳng đang gia tăng với Ấn Độ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng xét trên mức độ nghiêm trọng của vấn đề, New Delhi nhiều khả năng sẽ có những trừng phạt mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong bối cảnh bầu cử đang đến gần và Thủ tướng Modi cần tiếp tục thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn nhằm duy trì sự ủng hộ của công chúng.
Tấn công chính xác dọc theo Đường Kiểm soát (LoC) có thể là một phương án, khi nó thường được triển khai nhanh, chính xác, nhằm vào các mục tiêu cụ thể, thường là các tổ chức khủng bố, và khó bị phát hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp của Ấn Độ, sử dụng không quân để tấn công chính xác các đối tượng tấn công ẩn nấp trong các khu dân cư đông đúc có thể gây ra nhiều thiệt hại ngoài dự kiến, đồng thời đặt máy bay tham gia chiến dịch vào tầm ngắm hệ thống phòng không SILLAC tối tân của Pakistan.
Một phương án trả đũa khác mà Ấn Độ có thể tính tới là phong tỏa đường biển, nơi Hải quân nước này có ưu thế vượt trội so với Pakistan về mọi mặt. Nếu thành sự thực, kịch bản này có thể khiến Islamabad rơi vào thế khó, khi có tới 60% khối lượng xuất nhập khẩu đường biển của Pakistan nằm ở cảng Karachi. Song nó sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Pakistan, mà còn tác động tiêu cực tới chiến lược Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, cụ thể là cảng biển Gwadar mà Trung Quốc đang thuê, qua đó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ vốn mới cải thiện trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, đây đều là những kịch bản mà cả Ấn Độ và Pakistan đều không mong muốn. Dù vậy, điều này sẽ đòi hỏi các bên nỗ lực triển khai chính sách ngoại giao nhằm hóa giải căng thẳng này, mang lại sự bình yên cho vùng biên giới khói lửa.