Ai Cập thường được biết đến là cái nôi của nền văn minh nhân loại, với những công trình vĩ đại như kim tự tháp, các kiệt tác về hội họa, điêu khắc, nghệ thuật ướp xác độc đáo.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi rằng kho tàng kiến thức khổng lồ, từ những bản vẽ, cuốn sách lịch sử hay ghi chép về tinh hoa nghệ thuật ấy được lưu giữ ở đâu?
Câu trả lời là giấy papyrus.
Bao dấu tích lịch sử oai hùng, kiến thức sơ khai từ một trong những nền văn minh đầu tiên của nhân loại được ghi trên giấy papyrus, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Vì lẽ ấy, papyrus đã trở thành biểu tượng của văn hóa, tâm linh và lịch sử của xã hội Ai Cập cổ đại, cũng như di sản đáng quý của đất nước Ai Cập hiện đại.
Cuộn giấy papyrus. (Nguồn: UK McClung Museum) |
Cổ kính, đa năng
Cây cói papyrus là một trong những loài thực vật cổ xưa nhất được loài người biết đến và Ai Cập được coi là nơi xuất xứ của loài cây này.
Cây papyrus mọc trong các vùng đầm lầy ở hai bên bờ sông Nile, dựa vào phù sa của sông Nile bồi đắp để nuôi dưỡng và phát triển.
Tài liệu lâu đời nhất được ghi nhận về sự xuất hiện của loài cây papyrus là của nhà sử học Hy Lạp Herodotus, vào năm 450 trước Công nguyên (TCN): “Cây papyrus mọc lên từ các vùng đầm lầy, phần thân thì được cắt và xử lý thành các sản phẩm khác nhau, phần thân rễ dưới thì dùng để ăn hoặc bán”.
Người Ai Cập cổ đại đã phát hiện giá trị sử dụng của cây papyrus trong đời sống hàng ngày.
Không chỉ là nguyên liệu chính trong sản xuất giấy papyrus, cây papyrus còn có rất nhiều công dụng khác trong đời sống hàng ngày của người Ai Cập cổ đại.
Thân dưới và rễ cây có thể ăn sống hoặc nướng. Người ta có thể nhai thân cây papyrus, nuốt lấy nước và sau đó nhả bã như kẹo cao su vậy.
Papyrus còn được bện làm dây thừng, lưới đánh cá, thậm chí là thuyền hoặc các chi tiết trang trí trên thuyền.
Tại các hộ gia đình, papyrus có thể được dùng làm củi đun nấu, đan thành các vật dụng hằng ngày như túi đựng, nút chai, ga giường, thảm, rèm, dép…
Trong lĩnh vực y học, tro cây papyrus khô được dùng để chữa bệnh về da (ăn da, vết chai…) hay ngăn nhiệt miệng phát triển.
Môi trường sống của cây Papyrus là vùng đầm lầy dọc bờ sông Nile. (Nguồn: African Plants – A Photo Guide) |
Nhân chứng lịch sử
Trong vũ trụ học của người Ai Cập cổ đại, thế giới được tạo ra khi vị thần đầu tiên đứng trên một gò đất nổi lên từ bóng tối vô hạn, không thể phân biệt giữa bóng tối và dòng nước.
Hằng năm, gò đất này sẽ nổi lên từ dòng nước cùng cây papyrus. Vì thế, papyrus là biểu tượng của sự sinh sôi, tái sinh, là mầm mống của sự sáng tạo.
Với ý nghĩa linh thiêng đó, người Ai Cập cổ đại đã sử dụng papyrus như tấm bùa hộ mệnh, trong đám tang, khi ướp xác hay trên bức vẽ trong các ngôi đền.
Bùa hộ mệnh làm từ cây papyrus được đeo quanh cổ, khâu trên khăn bọc xác ướp, hoặc đặt bên dưới đầu xác ướp để giúp người đã khuất có được hơi ấm như khi còn sống dù đã bước chân sang thế giới bên kia.
Các bức vẽ trên tường nhiều lăng mộ cho thấy giấy papyrus được sử dụng trong các buổi làm lễ hay trong nghi thức tang lễ. Những người phục vụ trong buổi lễ thường mang theo những thân cây papyrus như một lễ vật dâng lên các vị thần.
Có ý kiến cho rằng khi nghĩ đến Ai Cập, người ta nghĩ ngay đến giấy papyrus. Những người Ai Cập cổ đại đã phát minh giấy papyrus từ rất lâu, lâu đến mức con người chưa thể xác định chính xác thời điểm.
Phần lớn lịch sử của Ai Cập và thế giới cổ đại đến với thế giới hiện đại qua những thông tin được viết trên giấy papyrus.
Việc sử dụng giấy papyrus từ Vương triều thứ I, năm 3100 TCN được ghi lại trên các bức bích họa dưới hình một cuộn giấy, đồng thời được coi là hình ảnh của một cuốn sách.
Vậy giấy papyrus đã được người Ai Cập cổ đại sản xuất như thế nào?
Đầu tiên, họ kéo thân cây papyrus khỏi đầm lầy, buộc thành từng bó và mang về xưởng chế biến. Sau đó, thân cây được cắt thành lát mỏng, ngâm nước nhiều ngày để làm mềm. Cuối cùng, các lát được xếp thành lớp, ép hết nước và tăng cường độ kết dính.
Giấy papyrus được phơi khô, có thể được dán để tăng độ dài tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
Hình ảnh cây papyrus được dung làm chi tiết trang trí trên thuyền. (Nguồn: UK McClung Museum). |
Giấy papyrus cổ được tìm thấy ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu trong các lăng mộ.
Trong cuộc khai quật năm 1903-1920 tại làng Deir al Medina (nơi ở của của những người làm việc cho các lăng mộ trong Thung lũng các vị vua), thuộc thành phố Thebes (nay là Luxor) do nhà Ai Cập học người Italy Ernesto Schiaparelli dẫn đầu, các nhà sử học đã tìm thấy 16 mét giấy papyrus, được biết đến là “Cuốn sách của người chết” trên lăng mộ của người thợ chính Kha và vợ là Merit (được xây dựng khoảng năm 1386-1349 TCN).
Đây là một tài liệu tôn giáo cổ của người Ai Cập, tên gọi khác là “Sách hướng tới ánh sáng” hay “Tử thư”, tập hợp bùa chú, phép thuật được ghi lại để giúp linh hồn người chết sang thế giới bên kia thông qua “Cửa Âm phủ”. Cuốn sách do nhiều thầy tư tế viết trong khoảng thời gian 1.000 năm.
Ban đầu, cuốn sách này được khắc bằng chữ tượng hình trong các khu lăng mộ kim tự tháp và chỉ phục vụ cho các Pharaoh.
Tuy nhiên, đến thời kỳ Tân Vương quốc (1550-1352 TCN), cuốn sách này đã được các thầy tư tế chép lại trên giấy papyrus và sử dụng cho cả hoàng thân, các quan chức và tầng lớp thượng lưu.
Tử thư sẽ được đọc trong suốt quá trình ướp xác và để lại trong lăng mộ người chết.
Kha và vợ Merit trước Thần chết Osiris ngồi dưới tán cây papyrus ở Thế giới bên kia. (Nguồn: UK McClung Museum). |
Chờ ngày “tái sinh”
Ngày nay, dưới ảnh hưởng của địa hình, môi trường và sự phát triển của các khu dân cư hiện đại bên bờ sông Nile, cây papyrus đã gần như tuyệt chủng tại Ai Cập, và theo đó, nghề làm giấy papyrus đã dần mai một.
Một ngôi làng nhỏ tại Ai Cập, một trong số những ngôi làng cuối cùng còn giữ truyền thống làm giấy papyrus, có tên là Al Qaramous (tỉnh Al Sharqia).
Nghệ nhân Atef Mohamed Shehata là một trong số ít nghệ nhân trong làng còn thu hoạch papyrus và sản xuất giấy papyrus.
Hạt papyrus được gieo trồng và sẽ mất khoảng một năm để đạt đến độ trưởng thành có thể thu hoạch được.
Sau khi thu hoạch, cây sẽ mọc lại trong khoảng 1-2 tháng. Từng có thời gian, cả ngôi làng được bao phủ bởi cây papyrus song đến nay, diện tích của loài cây này chỉ còn khoảng 4 ha.
Kết thúc quá trình hoàn thiện, giấy papyrus sẽ được bán lại cho nghệ nhân khác trong làng, một trong số đó là nghệ nhân vẽ tranh Saied Tarakhan. Cuối cùng, tranh vẽ trên giấy Papyrus sẽ được bán tại cửa hàng lưu niệm.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, khiến lượng khách du lịch giảm đáng kể đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai của các hộ dân trong làng, vốn đa phần sống dựa vào việc thu hoạch và bán tranh papyrus.
Nghệ nhân Tarakhan đã phải cho toàn bộ nhân viên vẽ tranh của xưởng nghỉ việc và đóng cửa một phần của xưởng.
Tuy nhiên, với nghệ nhân Shehata và Tarakhan, giấy papyrus đã trở thành một phần linh thiêng trong cuộc sống. Họ sẽ tiếp tục gìn giữ truyền thống làm giấy và làm tranh papyrus sang nhiều đời sau, cùng hy vọng truyền thống này sẽ tiếp tục được khôi phục, rực rỡ hơn, đúng như ý nghĩa về sự “tái sinh” của loài cây papyrus.