PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, ngoài việc tăng lương thì cần phải cải tổ quy trình công việc để giảm sức lao động của giáo viên trong những công việc không cần thiết. (Ảnh: NVCC) |
Theo bà giáo viên đang phải chịu những áp lực gì liên quan chuyện học, chuyện thi cử?
Hầu hết các giáo viên đều có nỗi khổ khi dạy học đáp ứng kỳ thi tập trung. Nỗi khổ dễ thấy nhất chính là tâm lý “sợ kết quả không tốt”. Do đó, thường thì giáo viên sẽ tích cực, trách nhiệm trong sưu tầm đề thi, ôn luyện cho học sinh.
Chuyện này không hề dễ dàng, bởi chính các giáo viên phải bỏ nhiều thời gian, công sức, đôi khi cả “rèn luyện để có mối quan hệ” để làm sao việc luyện tập, chuẩn bị cho học sinh thật sự hiệu quả.
Tuy vậy, có nỗi khổ khác mà nhiều giáo viên giỏi, tự tin cảm thấy đau khổ khi mắc phải. Đó là, dù họ rất tự tin vào chuyên môn của mình, có quan điểm giáo dục tích cực, muốn phát triển cho học sinh theo đúng triết lý, mong đợi, nhưng vì chuyện thi, mà họ phải “gò mình”. Có khi, họ cảm thấy mệt mỏi khi phải chạy vào đường đua chung cho tất cả mà kỳ thi chung kia đã tạo ra.
Biết là một bài thi không phản ánh đúng bản chất nhưng giáo viên chẳng thể đứng ngoài cuộc. Vì vậy, thực tế họ cảm thấy rất áp lực khi phải dạy học đáp ứng cho kỳ thi.
Đây có phải là một biểu hiện của bệnh thành tích?
Giáo viên lo khi bị triệu tập vào nhóm ra đề. Đây cũng là thử thách chuyên môn nên người thầy cảm thấy căng thẳng. Tiếp đến là cũng sợ khi đi coi thi vì sơ sẩy là làm sai quy chế; rồi coi thi chéo, chấm thi chéo.
Còn về phía học sinh, các em sẽ luôn cảm thấy ám ảnh khi phải "học để thi". Không em nào được phép thờ ơ với việc ôn thi, luyện đề. Tôi tự hỏi một kỳ học bao nhiêu môn? Vậy sao thời gian của học, của trải nghiệm, của phát triển năng lực lại được dùng phần nhiều cho ôn thi?
Tôi vẫn ám ảnh nhiều lời nói của các em học sinh khi có cơ hội được tiếp xúc. Từ tiểu học đến THPT, các em có thể còn chưa từng biết học để đạt những mục tiêu như chương trình công bố, để rèn luyện đến được chân dung học sinh như mong muốn là gì…
Nói như vậy nghĩa là, việc kiểm tra định kỳ đang tạo áp lực rất lớn cho học sinh nhưng không giúp các em phát triển được năng lực bản thân?
Theo tôi, việc lạm dụng tổ chức đánh giá định kỳ sẽ tạo ra áp lực rất lớn, giảm ý nghĩa của việc đánh giá trên lớp học, phát triển năng lực học sinh. Việc tổ chức một kỳ thi chung có hàng nghìn học sinh ở quy mô cấp quận/ huyện có thể được coi như 1 kỳ "đánh giá trên diện rộng".
Trong các kỳ đánh giá trên diện rộng thì thiết kế và phân tích kết quả thường do các chuyên gia về đánh giá trong giáo dục đảm nhiệm, tiếp cận chuẩn, khách quan, so sánh theo diện rộng đối tượng người học (lớp trường/ địa phương) và không dễ thực hiện.
Đổi mới giáo dục đang thực hiện phát triển năng lực người học, trao quyền và thúc đẩy các đánh giá trên lớp học, nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh trên lớp học. Cả giáo viên và học sinh với tư cách từng cá nhân tham gia một cách tích cực vào quá trình đánh giá. Giáo viên quan tâm đến việc khám phá những xu hướng và dấu hiệu ở học sinh có thể cung cấp thông tin và giúp nâng cao chất lượng dạy học.
"Về phía học sinh, các em sẽ luôn cảm thấy ám ảnh khi phải 'học để thi'. Không em nào được phép thờ ơ với việc ôn thi, luyện đề. Tôi tự hỏi một kỳ học bao nhiêu môn? Vậy sao thời gian của học, của trải nghiệm, của phát triển năng lực lại được dùng phần nhiều cho ôn thi?" |
Nếu mỗi một kỳ học, các bài kiểm tra định kỳ đều có xu hướng bị "chuẩn hóa theo diện rộng", thì giáo viên sẽ không còn chủ động trong dạy học, sẽ buông việc dạy sát đối tượng, vì phát triển năng lực của mỗi học sinh nữa.
Chưa nói đến, đánh giá giờ đây không chỉ nhằm vào kiến thức, vào kết quả học tập, mà cần các thông tin trong quá trình, bao gồm thái độ, động cơ, cảm xúc, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thực hành. Những yếu tố đó bị coi nhẹ thì làm sao dạy học thành công như mục tiêu chương trình đã đề ra.
Và câu chuyện thời gian qua, không ít giáo viên bỏ nghề thì sao? Có phải chỉ vì câu chuyện lương thấp hay còn lý do nào khác, theo bà?
Trong vô vàn nguyên nhân dẫn đến người giỏi sợ nghề giáo, người đang làm nghề giáo thì bỏ nghề, có thể dễ nói ra nguyên nhân lương thấp nhưng việc nhiều. Nhưng có rất nhiều nguyên nhân khác, trong một chừng mực nào đó, chúng ta né tránh, không dám thật lòng, điều này có đúng hay không?
Trong bài tham luận gửi một hội thảo bàn về hiện tượng “công chức, viên chức bỏ việc”, ở phạm vi giáo dục, tôi nói đến động lực. Tôi cũng không dám nói thẳng đến những "tua rua" đang quấn vào động cơ, làm nó tắc nghẹn, không thể quay, đã không tạo ra lực, còn làm chết bộ máy yêu nghề, khát khao làm việc ở một số không nhỏ của giáo viên.
Có một sự thật là, khi ngồi bình tĩnh, chúng ta sẽ liệt kê ra được vô số những việc “chẳng cần thiết”, “có thể bỏ”, để đỡ làm khổ nhau nhưng chúng ta vẫn cứ tiến hành, vẫn cứ bắt làm từ năm này qua năm khác.
Góc nhìn của bà về cải tiến giáo dục để giảm áp lực cho người thầy?
Thực tế hiện nay, thu nhập từ công việc giảng dạy không đủ cho các giáo viên đảm bảo cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều giáo viên không bám trụ với nghề. Ngoài việc tăng lương thì cần phải cải tổ quy trình công việc để giảm sức lao động của giáo viên trong những công việc không cần thiết. Đồng thời, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.
Giáo viên sẽ thực sự hạnh phúc nếu như công việc của họ được quan tâm đầu tư về tư liệu sản xuất để yên tâm làm việc. Để họ toàn tâm toàn ý thực hiện các ý tưởng sư phạm, để họ mở mang tầm nhìn, cập nhật được những tiến bộ giáo dục, để họ tự hào và có niềm tin sâu sắc rằng họ sẽ góp phần quan trọng vào bồi dưỡng những người chủ tương lai của xã hội.
Giáo viên đang mong muốn được thực sự làm nghề đúng như ý nghĩa của nó. Ngược lại, nếu giáo viên lúc nào cũng quẩn quanh với đồng lương eo hẹp, chịu nhiều áp lực vô hình và không cảm thấy hạnh phúc thì rất khó trở thành nhà giáo dục, có thể gây ảnh hưởng tới học sinh.
Xin cảm ơn bà!