PGS. TS Đào Thế Anh trao đổi với Đại sứ các nước châu Phi tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, năm 2019. |
Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian qua phát triển khá tích cực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông nhận định gì về hiệu quả trong quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai bên trong thời gian qua?
Trong vòng 20 năm qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là đầu mối của ngành nông nghiệp, làm nhiệm vụ điều phối các hoạt động như gửi chuyên gia sang châu Phi theo các dự án hợp tác nông nghiệp. Những hợp tác này khá hiệu quả với các hình thức như thông qua hợp tác 3 bên và 2 bên, qua các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO)…
Trong các dự án, Việt Nam cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia, giống giúp châu Phi phát triển nông nghiệp, trong vai trò là nước phát triển hơn giúp các nước chưa phát triển bằng. Trong hai thập niên, đã có nhiều dự án phát triển khá tốt ở các nước như Senegal, Bờ Biển Ngà (Côte d'Ivoire), Trung Phi, Congo, Madagasca, Angola, Sudan, và điển hình nhất là Dự án hợp tác phát triển nông nghiệp ở Mozambique.
Dự án hợp tác phát triển nông nghiệp ở Mozambique do Chính phủ Việt Nam tài trợ 4,5 triệu USD, được phía bạn đánh giá cao, phù hợp với thực tế địa phương, giúp bạn tăng 300% năng suất lúa. Phía bạn đang đề xuất Việt Nam hỗ trợ tiếp 1 giai đoạn nữa.
Tin mừng là giống lúa của Việt Nam mang sang các nước châu Phi đạt năng suất khá cao, 6-8 tấn/ha, trong khi giống lúa địa phương chỉ đạt 1,5-2 tấn/ha. |
Hiện nay, các nước châu Phi vẫn thiếu lương thực nên mong muốn Việt Nam giúp đỡ để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển sản xuất lúa, ngô, đậu… Tin mừng là giống lúa của Việt Nam mang sang các nước châu Phi đạt năng suất khá cao, 6-8 tấn/ha, trong khi giống lúa địa phương chỉ đạt 1,5-2 tấn/ha.
Trong gần 20 năm qua, đã có gần 2.000 lượt cán bộ chuyên gia nông nghiệp Việt Nam tới nước châu Phi để giúp bạn phát triển lĩnh vực này. Các chuyên gia trực tiếp đào tạo cán bộ và người dân địa phương theo hình thức cầm tay chỉ việc. Sự hỗ trợ của Việt Nam được các nước châu Phi tiếp nhận rất nồng nhiệt và đánh giá cao.
Gần đây, dưới sự giúp đỡ của đối tác, trong đó có Việt Nam, sản xuất nông nghiệp ở các nước châu Phi đã được áp dụng cơ giới hóa, như máy cấy, và đã bước đầu thành công.
Viện Khoa học Nông nghiệp cũng đã hợp tác đào tạo tại chỗ hoặc tiếp nhận cán bộ nông nghiệp châu Phi sang Việt Nam để đào tạo thực tập ngắn hạn, chẳng hạn như Dự án hợp tác phát triển nông nghiệp ở Mozambique.
Ngoài ra, Việt Nam còn giúp bạn xây dựng các trạm khuyến nông để nghiên cứu và trình diễn tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp tại địa phương, để đảm bảo tính bền vững sau khi chuyên gia về nước.
Châu Phi là khu vực rộng lớn, chiếm khoảng 60% diện tích đất canh tác nông nghiệp của toàn thế giới. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này?
Có thể nói, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Đa số các nước châu Phi đánh giá cao mô hình, cách làm, kinh nghiệm của Việt Nam bởi tính phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước.
Hiện đất nông nghiệp ở các nước châu Phi chưa được đưa vào canh tác còn rất nhiều. Châu lục này chiếm khoảng 60% diện tích đất canh tác nông nghiệp của toàn thế giới, nhưng còn đang bị bỏ hoang nhiều.
Theo thống kê, mới chỉ có khoảng 6% diện tích đất nông nghiệp được đầu tư tưới tiêu; còn 14% đất canh tác nông nghiệp và 20% đất đồng cỏ chăn nuôi chưa được khai thác.
Như vậy, Việt Nam có thể chuyển giao kinh nghiệm để giúp các nước châu Phi khai thác những diện tích còn hoang hóa, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất đối với phần diện tích đất đã được sử dụng.
PGS. TS. Đào Thế Anh giới thiệu về truyền thống của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với các quan khách châu Phi. |
Hiệu quả hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi rõ ràng là rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Các dự án hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi đều rất đáng ghi nhận và thành công về mặt hỗ trợ kỹ thuật nhưng lại gặp vấn đề về tính bền vững. Trong khi các dự án thường không tác động được đến các khâu của toàn chuỗi giá trị, từ giống, chăm sóc nuôi trồng đến chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ bán hàng.
Vì vậy, sau khi cán bộ Việt Nam về nước, địa phương không đầu tư tiếp, cũng không có thị trường để bán hàng nên khó phát triển mở rộng. Vì vậy, bài học ở đây chính là cần phát triển đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị.
Thêm vào đó, dự án cũng chưa hợp tác được với khối tư nhân của sở tại. Hiện nay, các nước châu Phi đã chú ý phát triển khối tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vì vậy, cần hợp tác toàn diện hơn với khối này để tạo thành chuỗi giá trị mới bền vững được.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này?
Trong giai đoạn tới, hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi sang một giai đoạn mới, không phải Việt Nam giúp nước bạn nữa mà là hợp tác bình đẳng, trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Như vậy, không chỉ hợp tác giữa nhà nước với nhà nước mà cần huy động cả khối tư nhân của hai bên cùng trao đổi thương mại 2 chiều.
Thông qua đó, với vai trò là đơn vị đầu mối, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ khối tư nhân của Việt Nam đưa công nghệ vào để giúp chuỗi giá trị nông sản thực phẩm ở châu Phi phát triển.
Ngày 23/9 tới, tại Mỹ, Liên hợp quốc sẽ chủ trì tổ chức Đối thoại cấp cao toàn cầu về hệ thống thực phẩm bền vững. Việt Nam sẽ tham gia sự kiện này.
Các nước châu Phi cũng đang tích cực chuẩn bị tham gia bằng việc tổ chức các đối thoại cấp châu lục giữa các nước về chiến lược phát triển nông nghiệp.
Tôi nghĩ đây là bước chuẩn bị rất tốt bởi sau Đối thoại, sẽ có rất nhiều sáng kiến mới về hợp tác, đặc biệt là huy động cả khối tư nhân vào cuộc chứ không chỉ dừng ở hợp tác nhà nước như trong giai đoạn vừa rồi.
Ngoài huy động khối tư nhân thì theo ông, còn có giải pháp gì để hợp tác đạt hiệu quả hơn?
Sự hợp tác đồng bộ giữa nhà nước với nhà nước, cơ quan khoa học với cơ quan khoa học và khối tư nhân với tư nhân trong câu chuyện này là rất quan trọng.
Trong năm 2020, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã cùng Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và 6 doanh nghiệp thành lập Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - châu Phi (VAECA). Đây là tổ chức hoàn toàn tự nguyện, dành cho các doanh nghiệp quan tâm phát triển kinh tế, buôn bán trao đổi hàng hóa và phát triển bền vững nông nghiệp châu Phi.
Có một thực tế là hiện nay là doanh nghiệp hai bên đều rất có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với nhau nhưng còn rất thiếu thông tin chính thống về thể chế chính sách, nhu cầu sản phẩm, thị trường của nhau, đặc biệt là thông tin về khối tư nhân.
Như vậy, đòi hỏi đầu tiên là cần kết nối được nhu cầu về thông tin giữa hai bên. Do đó, chúng tôi thành lập VAECA với mục đích thúc đẩy thông tin tư vấn về các dự án. Ngoài ra, Liên hiệp còn tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư làm ăn tại thị trường châu Phi để tránh những rủi ro; kết nối, tư vấn, thông qua đầu tư dự án và là đầu mối thông tin.
Sắp tới, Liên hiệp sẽ xây dựng các nền tảng số, áp dụng công nghệ thông tin nên rất thuận tiện, giúp kết nối thông tin tốt hơn, rõ ràng, minh bạch.
Về phía Viện Khoa học Nông nghiệp, với chức năng của mình, để hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thì Viện cần chuẩn bị đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về chuyên môn, ngoại ngữ (tiếng Pháp), các kiến thức về kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của nước bạn để hòa nhập tốt hơn, đồng hành với các doanh nghiệp.
Theo tôi, hiện nay mạng lưới thương vụ của Việt Nam chưa đều khắp các nước châu Phi nên thông tin còn hạn chế. Tất nhiên, việc có bộ phận thương vụ ở tất cả các nước có lẽ khó khả thi, vì vậy, nên chăng có bộ phận thương vụ kiêm nhiệm bao quát châu lục này theo vùng như vùng cận Sahara, Đông Phi, Trung Phi, Tây Phi… để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tốt hơn.
Về phía Viện Khoa học Nông nghiệp, với chức năng của mình, để hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp thì Viện cần chuẩn bị đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về chuyên môn, ngoại ngữ (tiếng Pháp), các kiến thức về kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của nước bạn để hòa nhập tốt hơn, đồng hành với các doanh nghiệp. |
Các ngân hàng Việt Nam cũng cần mở rộng mạng lưới chi nhánh tại các nước châu Phi để tạo thuận lợi cho việc thanh toán, một yếu tố rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt nam.
Ngoài ra, tổ chức FAO rất cổ vũ hợp tác Nam-Nam, Việt Nam là thành viên tích cực và có thể phát huy vai trò đầu tàu, kêu gọi thêm sự hỗ trợ của FAO cũng như các nhà tài trợ. Theo tôi được biết, hiện các nhà tài trợ luôn sẵn sàng nguồn kinh phí cho châu Phi để phát triển hợp tác 3 bên.
Ví dụ, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ có những dự án trong đó Việt Nam có thể cử chuyên gia và doanh nghiệp cung cấp thiết bị để hỗ trợ các nước châu Phi. Hoặc theo hình thức hợp tác với các nhà tài trợ bên thứ 3. Chẳng hạn như các doanh nghiệp tư nhân của Malaysia, Singapore muốn hợp tác buôn bán với châu Phi có thể mời chuyên gia của Việt Nam về nông nghiệp làm tư vấn cho dự án của họ.
Trong tương lai, các nước đều có khả năng tự chủ được về lương thực, nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá thì rất cần sự nỗ lực tổng hợp từ chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Trong gần 20 năm qua, đã có gần 2.000 lượt cán bộ chuyên gia nông nghiệp Việt Nam tới nước châu Phi để giúp bạn phát triển lĩnh vực này. Ảnh: Cánh đồng lúa tại Nigeria. (Nguồn: foodbusinessafrica.com) |
Như ông đề cập ở trên, hợp tác Việt Nam và các nước châu Phi thời gian tới sẽ là hợp tác sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Nhiều năm qua, hai bên chủ yếu hợp tác tập trung vào khâu trồng trọt, nhưng hiện nay, phát triển chuỗi giá trị nên sẽ mở ra nhiều lĩnh vực, điển hình là cơ khí nông nghiệp, máy chế biến (như ngành điều). Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu được các loại máy như máy cấy, làm đất, các thiết bị chế biến, quy mô nhỏ và vừa, rất phù hợp với thị trường châu Phi.
Bên cạnh đó, phát triển nền tảng số truy xuất nguồn gốc, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực có thể hợp tác.
Hiện nay, cây lúa, điều, cà phê, hạt tiêu là thế mạnh của Việt Nam và châu Phi rất cần. Thực tế, Việt Nam đang nhập điều từ châu Phi, chế biến để xuất sang các nước phát triển hơn, trong đó có cả các nước châu Phi có thu nhập cao như Ai Cập, Nam Phi, Morocco.
Như vậy, thể hiện rõ quan hệ thương mại 2 chiều, cùng có lợi.
Hiện có một số doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong thanh toán, giao dịch ngân hàng nên đề xuất trao đổi hàng lấy hàng. Đây cũng là một giải pháp sáng tạo và nên xem xét.
Là diễn giả tại Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, Cùng phát triển bền vững” do Bộ Ngoại giao tổ chức vào ngày 9/9, ông đánh giá như thế nào về sáng kiến tổ chức sự kiện này?
Tôi đánh giá cao và hoan nghênh sáng kiến của Vụ Trung Đông-châu Phi, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo này. Năm 2019, Viện Khoa học Nông nghiệp đã cùng Bộ Ngoại giao tổ chức gặp gỡ 45 đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy các nước châu Phi nhu cầu hợp tác rất lớn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, mọi hợp tác bị gián đoạn.
Vì vậy, Hội thảo này rất có ý nghĩa, là bước chuẩn bị cho hợp tác hậu Covid-19 giữa hai bên theo hình thức cùng có lợi, bình đẳng, mở cho Việt Nam 1 thị trường mới, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Hội thảo được tổ chức vào lúc này là rất đúng thời điểm, nhất là khi các bên cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là giai đoạn chìa khóa để bắt đầu xây dựng kế hoạch hợp tác cho các bên.
Theo tôi, sau Hội thảo, Bộ Ngoại giao nên tiến hành ký lại các biên bản thỏa thuận khung (MoU) với từng nước hoặc từng khu vực châu Phi để làm khung định hướng cho đối tác tư nhân tham gia hợp tác.
Xin cảm ơn ông!