Back to E-magazine
08:00 | 04/08/2021
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người

08:00 | 04/08/2021

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, dù là một phạm trù rộng với nhiều chuyên ngành sâu nhưng mục tiêu cuối cùng của luật pháp quốc tế là bảo vệ con người.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người

Dù là một phạm trù rộng với nhiều chuyên ngành sâu nhưng mục tiêu cuối cùng của luật pháp quốc tế là bảo vệ con người. Nhiệm vụ của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) là pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật quốc tế nhằm đáp ứng tốt nhất mong muốn chung của cộng đồng quốc tế, cân bằng lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng.

Dù đang tất bật chuẩn bị cho kỳ họp của ILC nhưng PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam đầu tiên trúng cử ILC (nhiệm kỳ 2017-2022) giải thích cặn kẽ cho phóng viên những nhiệm vụ của người làm công tác pháp điển luật quốc tế. Với ông, trong bối cảnh thế giới đang có những biến chuyển mạnh mẽ và khó lường, việc pháp điển luật quốc tế càng cần được coi trọng như là phương tiện hữu hiệu bảo vệ công bằng, hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới.

MỪNG, LO NHIỆM VỤ

MỞ ĐƯỜNG…

Năm 2016, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên ứng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc? Cảm giác của ông lúc đó như thế nào?

Thực sự là vừa mừng vừa lo.

Đó là lần đầu tiên Việt Nam đề cử ứng cử viên vào hệ thống bầu cử của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa đầy một năm kể từ thời điểm Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sỹ) gửi công hàm giới thiệu tới phái đoàn các nước vào tháng 2/2016.

Việt Nam có nhiều kinh nghiệm ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc nhưng đây là lần đầu tiên vận động cho cá nhân vào vị trí thành viên của một tổ chức thuộc cơ quan này.

Thông thường các nước chuẩn bị ứng viên của họ 5-10 năm, tạo điều kiện để tham dự nhiều diễn đàn đa phương, hội thảo quốc tế, các buổi tiếp tân để giới thiệu. Do thời gian chuẩn bị ngắn, lại là “lần đầu” nên cả tôi và các thành viên trong nhóm chuẩn bị vừa lo, vừa nỗ lực hết sức để nắm bắt cơ hội.

Vậy tâm trạng của ông vào ngày 3/11/2016, khi biết mình trúng cử?

Bầu cử diễn ra vào lúc 3 giờ chiều 3/11/2016 theo giờ New York, tức 2 giờ sáng Hà Nội. Dự kiến kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố lúc 3 giờ sáng Hà Nội.

Song lần đầu tiên trong lịch sử bầu ILC của Liên hợp quốc phải bỏ phiếu đến hai lần. Phải mất ba tiếng, tức 5-6 giờ sáng Hà Nội mới có kết quả.

Khi được xướng tên, tôi cùng Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và các anh chị em tham dự thực sự rất phấn chấn và cũng rất đỗi tự hào.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người

Đại sứ Nguyễn Hoàng Anh, nguyên thẩm phán Tòa án tối cao nhận xét chúng ta đã "biến điều tưởng chừng không thể thành có thể" khi nói về ý nghĩa của sự kiện này.

Thực sự chúng ta đã đấu tranh để giành giật vị trí rất khó khăn khi ngay cả trong khu vực ASEAN cũng có các đối thủ rất mạnh từ Indonesia, Malaysia. Ứng cử viên của Indonesia đã có 2 nhiệm kỳ ở ILC nên có rất nhiều kinh nghiệm.

Rồi cảm giác vui mừng lại đi kèm với lo. Tôi nhận được sự hỗ trợ to lớn của Bộ ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong quá trình tranh cử. Nhưng khi tham gia ILC với tư cách thành viên, mình là người tham gia soạn thảo, chịu trách nhiệm về phát ngôn, giải thích và nhiều vấn đề khác.

Tôi có những kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, luật biển nhưng còn nhiều lĩnh vực khác hoàn toàn mới với chúng ta. Tôi cần tìm hiểu thêm nhiều về quyền con người, quyền tài phán phổ quát, các vấn đề về di cư, chiến tranh, thương mại, y tế, không gian mạng…

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người
Các thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2022. Ảnh chụp nhận dịp kỳ họp thứ 70, năm 2018 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Vậy theo ông, những lợi thế nào giúp ông vượt qua các ứng cử viên khác?

Trước hết là do vị thế đang đi lên của Việt Nam.

Hơn nữa, trước đó, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm khi vận động cho vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

Ngoài ra, tại tất cả diễn đàn, các cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo ta đều giới thiệu và đề nghị bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở khắp thế giới đã kiên trì vận động, đặc biệt tại New York và Geneva.

Chúng ta có đường lối vận động đúng, tiết kiệm hiệu quả; đưa ra cương lĩnh vận động phù hợp với lợi ích các nước đang phát triển, các nước nhỏ để họ thấy chúng ta có thể đại diện cho quyền lợi của họ.

Trong quá trình vận động, đội ngũ cán bộ của Vụ Luật pháp quốc tế, Vụ Các Tổ chức quốc tế, Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao và các bộ phận khác đã phối hợp chặt chẽ để soạn thảo những tờ rơi, chuẩn bị những món quà giá trị nhỏ nhưng đầy ý nghĩa để tạo được dấu ấn.

Chúng tôi chọn những đồ thủ công mỹ nghệ của các thành viên Hội người mù Việt Nam làm quà tặng, như một thông điệp rằng chúng ta luôn trân trọng các giá trị của con người và nếu được trúng cử, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình cho công tác bảo vệ con người thông qua luật pháp.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (hàng trước, bìa phải), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại sứ Nguyễn Phương Nga và cán bộ Phái đoàn, năm 2016.

Trong cuộc đua nước rút, hình như đội ngũ tham gia cũng “chạy bộ” đi vận động?

Quả thực như vậy.

Trước thời điểm bỏ phiếu 10 ngày, chúng ta mới chỉ vận động được chưa đủ số phiếu quá bán, trong khi điều kiện trúng cử là phải quá bán và số phiếu cao nhất tính từ trên xuống.

Chúng tôi đã kiên trì, tìm mọi biện pháp khả thi, đấu tranh đến cùng, tận dụng mọi cơ hội để đạt được mục tiêu.

Tôi đến New York chỉ một tuần trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu. Các đồng nghiệp của tôi ở Phái đoàn thường trực đã sắp xếp để tôi có thể đến vận động ở 193 cơ quan đại diện các nước ở Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh vấn nạn kẹt xe thường xuyên ở New York, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu, chúng tôi đã bỏ qua các thủ tục lễ tân, bỏ cả xe ngoại giao để đi bộ cho kịp giờ. Ngay cả Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Phương Nga cũng dẫn tôi đi bộ vận động các bạn bè.

Chúng tôi gõ cửa từng cơ quan phái đoàn, tranh thủ từng cơ hội để gặp gỡ đại diện các nước để vận động. Có lẽ tinh thần quyết tâm, sự chân thành của chúng tôi phần nào khiến các bạn rung động!

HÀNH TRÌNH
PHÁP ĐIỂN HÓA

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người
Một phiên họp của Ủy ban Luật pháp quốc tế.

Những ngày đầu tiên ở ILC như thế nào? Quan hệ của ông với 34 đồng nghiệp trong Ủy ban ra sao?

Cũng hơi ngợp khi lần đầu tiên gặp những cây cổ thụ của luật pháp quốc tế. Họ là những người thầy của mình đúng nghĩa. Họ dạy mình nhưng thông qua các công trình nghiên cứu, sách, báo cáo, các công ước quốc tế mà họ là tác giả.

Ngày đầu, tôi may mắn ngồi giữa hai báo cáo viên rất nổi tiếng. Một người là ông George Nolte, người Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Berlin. Năm vừa rồi, Giáo sư được bầu làm thẩm phán của Tòa án quốc tế (ICJ).

Rất nhiều thành viên ILC đã được bầu vào Tòa án quốc tế nên mọi người thường đùa ILC là cái nôi để đào tạo ra các thẩm phán của luật pháp quốc tế.

Ông khác là S. Murphy, giáo sư người Mỹ, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Mỹ, đang làm báo cáo viên về chủ đề “Tội ác chống nhân loại”. Tôi học hỏi được rất nhiều và nhận được sự hỗ trợ chân tình từ những người là thành viên tái cử hay cả thành viên mới (Ủy ban thay đổi 1/3 thành viên).

Nhưng trong môi trường các “cây đa, cây đề”, chúng ta vẫn có thể thu hút sự chú ý bằng cách riêng. Nếu dày công nghiên cứu, chúng ta vẫn tìm ra được những điểm để đóng góp hoàn thiện các báo cáo của các báo cáo viên và đưa ra các vấn đề thiết thực để làm đề tài báo cáo.

Có xung đột lợi ích nào giữa 34 thành viên?

Đây là diễn đàn tranh luận khoa học. Cho nên không thể tránh khỏi “cãi nhau” căng thẳng nhưng đích đến đều dựa trên cơ sở khoa học và sự tôn trọng.

Nhiều khi các thành viên Nhật Bản và Trung Quốc hoặc Anh và Tây Ban Nha tranh cãi nảy lửa về các vấn đề bảo vệ bầu khí quyển, áp dụng tạm thời điều ước quốc tế. Các nước đang phát triển cũng vậy.

Hoặc đơn cử như khi ILC thảo luận về quyền ưu đãi miễn trừ của các nhân viên nhà nước trong luật quốc tế. Đây là vấn đề khó vì vừa mang tính pháp lý vừa có tính chính trị. Bởi lẽ nhân viên nhà nước bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao từ tổng thống, thủ tướng cho đến các chuyên viên.

Điều 7 quy định một số ngoại lệ không áp dụng quyền ưu đãi miễn trừ trong hình sự quốc tế. Nhưng luật chưa quy định rõ về tội ác quốc tế. ILC phải thảo luận và đưa ra các đề xuất trên cơ sở thực tiễn quốc gia về thế nào là tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh, tội về tham nhũng.

Tôi đề nghị phải đưa tội ác xâm lược vào khái niệm tội ác quốc tế. Điều này bị các thành viên từ các nước lớn phản đối. Tất nhiên là phản đối dựa trên cơ sở pháp lý vì chưa có văn bản luật nào của thế giới nói rõ về vấn đề này cả. Nhưng chúng ta cũng ngầm hiểu rằng nếu đưa vấn đề đó ra thì nhiều đội quân các nước đang đóng ở nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.

Tương tự với vấn đề tham nhũng. Các nước châu Phi rất muốn đưa tội ác tham nhũng vào khái niệm tội ác chống lại nhân loại trong cả bộ máy chính quyền, không riêng gì trong lĩnh vực dân sự, tư nhân. Một số ý kiến phản đối.

Những mâu thuẫn về lập trường như vậy khiến ủy ban không thể thông qua điều 7 và lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của ILC, các thành viên phải bỏ phiếu để quyết định. Khi bỏ phiếu thì ý kiến của chúng ta cũng nằm trong đa số.

Các ví dụ trên để thấy có mâu thuẫn lợi ích nhưng đích đến vẫn là sản phẩm của khoa học và công lý.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người
Ông Nguyễn Hồng Thao (hàng giữa, bìa phải) tại một phiên họp của Ủy ban Luật pháp quốc tế tại New York.

Những đóng góp nổi bật của ông đối với Ủy ban từ khi nhậm chức đến nay?

Thành viên Việt Nam luôn chủ động phát biểu, nội dung đóng góp thiết thực, phù hợp với xu thế chung của luật quốc tế và các nước trong Ủy ban VI (Ủy ban luật pháp), được các bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Trong năm kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban (2018), thành viên Việt Nam đã vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của ILC, là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của cá nhân tôi cũng như Việt Nam trong suốt thời gian là thành viên của ILC kể từ khi trúng cử.

Năm 2020, tôi hoàn thành báo cáo riêng về nước biển dâng và luật quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình dương cho nhóm nghiên cứu “Tác động của mực nước biển dâng cao trong quan hệ với luật quốc tế”, được dẫn chiếu và trích đăng trong báo cáo của Nhóm trình ILC.

Đáng chú ý, tháng 11/2020, thành viên Việt Nam đã phát biểu tại sự kiện “Hệ quả pháp lý của dịch bệnh: đánh giá 10 tháng qua” (Legal implications of pandemics: A ten-month assessment) tại Ủy ban VI của Liên hợp quốc. Sự kiện này được đồng tổ chức bởi các Phái đoàn thường trực Chile, Siera Leon, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và các thành viên ILC.

Kiến nghị của chúng ta trong Hội thảo trên chính là một phần nền tảng để Bộ Ngoại giao Việt Nam phát triển và kiến nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc cân nhắc thông qua ngày 27/12 hằng năm thành Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Gần đây nhất, ngày 22/7/2021, tôi và các thành viên ILC dự Hội thảo đó lại tiếp tục được mời làm việc với ông Steven Solomon, Tổng Vụ trưởng pháp lý của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trao đổi về Nhóm nghiên cứu dự thảo một công ước về phòng chống các đại dịch như Covid-19 trong tương lai.

Được biết, các thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho các chính phủ. Mặt thuận và không thuận của cơ chế này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người

Thuận thì rất rõ là các thành viên có kiến thức cao về luật pháp quốc tế, hoạt động với tư cách cá nhân, có thể nói lên tiếng nói chung, nguyện vọng chung của nhân loại. Đó là tiếng có tính chất khách quan của cá nhân, không phải là tiếng nói của một quốc gia.

Cơ chế này cũng tạo ra một môi trường tự do học thuật, thể hiện được tất cả các quan điểm có thể trái ngược nhau, xuất phát từ thực tiễn quốc gia, từ các bằng chứng và lý luận của riêng mình.

Quá trình hội tụ quan điểm chung của thế giới cũng được hình thành sớm hơn, tránh cho các nước phải mất nhiều thời gian đàm phán sau này.

Nhưng dù thế nào thì mình cũng phải giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia nhưng vẫn đàm bảo tính khách quan của người làm luật quốc tế.

Ví dụ như trong báo cáo về Kế thừa quốc gia đối với các hành vi vi phạm luật quốc tế, báo cáo viên người Czech cũng đưa ra trường hợp của Việt Nam quốc hữu hóa một loạt các tài sản của nước ngoài trên lãnh thổ của chúng ta sau khi đất nước thống nhất. Theo luật quốc tế thì chúng ta phải bồi thường, nếu không thì vi phạm luật quốc tế.

Thế là chúng ta lại phải đấu tranh. Vấn đề này hết sức đặc thù. Luật quốc tế không cấm quốc hữu hóa khi quốc hữu hóa vì mục đích phát triển song phải bồi thường thỏa đáng cho các cá nhân và pháp nhân nước ngoài theo luật.

Tôi cũng giải thích rằng Việt Nam và Mỹ đã ký thỏa thuận cả gói (lump sump agreement) trước đó, với nội dung tài sản của công dân và pháp nhân Mỹ sẽ được hoàn lại và Mỹ mở phong tỏa tất cả những tài sản, tài bạc của Việt Nam Cộng hòa trước khi rút quân.

Việc đấu tranh không dễ dàng vì có người thuận, người không. Tôi vừa đấu tranh trên diễn đàn, vừa gặp riêng báo cáo viên để giải thích và họ đồng ý bỏ qua luận điểm trên.

Hay liên quan đến trường hợp về Tòa xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, ta khéo léo vận động để các báo cáo viên đưa vào các báo cáo "Tội ác chống lại nhân loại", "Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang", "Kế thừa quốc gia đối với các hành vi vi phạm luật quốc tế"…

Điều này rất có lợi cho tuyên truyền, đưa các thực tiễn của Việt Nam và khu vực vào các tài liệu pháp lý của Liên hợp quốc phổ biến trên toàn thế giới.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao:  Luật pháp quốc tế là bảo vệ con người
Phiên kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban Luật pháp quốc tế vào năm 2018.

CÔNG THỨC VỀ ĐÍCH!

Vừa qua, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York và Geneva đã gửi công hàm thông báo ứng cử của ông vào ILC nhiệm kỳ 2023-2027? Với kinh nghiệm của nhiệm kỳ đầu, chắc ông tự tin hơn?

Thách thức thật sự không nhỏ.

Bạn biết đấy, cuộc cạnh tranh đưa người vào các tổ chức quốc tế đang diễn ra ngày càng khốc kiệt.

Ngày càng nhiều người có kinh nghiệm hoạt động lâu dài ở Liên hợp quốc tham gia ứng cử. Trước đây, thành viên của Ủy ban đơn thuần là những người có trình độ cao về luật pháp quốc tế và hoạt động trong lĩnh vực đó.

Hiện giờ thành phần tham gia ứng cử mở rộng ra các bộ trưởng, các cố vấn pháp lý của các quốc gia. Những người này vừa có bề dày hoạt động, vừa có mạng lưới quan hệ toàn cầu. Hơn nữa, họ cũng có nhiều cái để mặc cả.

Ngay bản thân Việt Nam cũng có nhu cầu đưa người vào các tổ chức quốc tế. Chúng ta đang vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới nên chúng ta cũng trải rộng nguồn lực để vận động.

Mặc khác, ILC cũng luôn muốn có những cái mới, với sự khuyến khích có thêm các gương mặt nữ. Hiện Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế của Bộ Ngoại giao Thái Lan đã tham gia cuộc đua. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông H. Roque cũng tuyên bố ứng cử.

Do tình hình Covid-19, chúng ta cũng không thể áp dụng phương châm “gõ cửa” từng phái đoàn thường trực của các nước tại New York như trước. Nhưng chúng ta cũng có các biện pháp linh hoạt. Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao đã làm tờ rơi, video ngắn gửi các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vận động ủng hộ.

So với 5 năm trước, chúng ta có rất nhiều thách thức và khó khăn cần vượt qua.

Nhưng như tôi từng chia sẻ, công thức thành công của tôi đơn giản trong 10 chữ: ước mơ, sáng tạo, tự tin, cơ hội và may mắn.

Muốn đến được đích mong muốn, chúng ta phải sáng tạo, phối hợp tốt với các đồng nghiệp, với bạn bè quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ mọi người, chắc chắn sẽ có tin vui vào những lúc chúng ta không ngờ đến nhất.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hoàn thành học vị Tiến sĩ Luật tại Đại học Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, từng là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, về biển, xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Ông là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới.

Thực hiện: Vân Hồ

Ảnh: Nguyễn Hồng, Văn Trung, ILC, tư liệu

Đồ họa: Nguyễn Hồng

Đọc thêm

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.
Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng của chính Bộ trưởng và mỗi cán bộ ngoại giao về một thế giới hòa bình và đất nước có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Tháng Hai - tháng của khát vọng mùa Xuân, với hai chuyến thăm “xuất hành” đa phương và song phương của Bộ trưởng tới châu Âu, có thể thấy rõ những mầm ươm của ước vọng đang lớn dần.
Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Hạnh phúc là gì? Nhiều khi ta lúng túng! Với mỗi người và đặc biệt với phụ nữ, thật khó để định nghĩa rõ khái niệm này. Cùng Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Minh Hằng có một góc nhìn về “hạnh phúc” nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3.
75 năm MotoGP và hành trình 2024

75 năm MotoGP và hành trình 2024

Cuộc đua đầu tiên năm 2024 sẽ bắt đầu tại trường đua Lusail International ở Qatar từ ngày 8-10/3. Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua tình hình nhân sự và việc chuẩn bị của các đội đua cho mùa giải kỷ niệm 75 năm MotoGP. Liệu các đội Aprila, KTM và Yamaha có lật đổ sự thống trị 2 năm liên tiếp của Ducati? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Ngoại giao Việt Nam - 'Đẹp' từ chính sách đến con người

Ngoại giao Việt Nam - 'Đẹp' từ chính sách đến con người

Trong cảm nhận của nhiều nhà ngoại giao nước ngoài, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam luôn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bản sắc rất riêng từ chính sách đến con người, để chỉ cần gợi ra họ đã có thể thốt lên ngay: 'Đó là Việt Nam!'.
'Thu phục lòng người' ở 'thực địa' đa phương

'Thu phục lòng người' ở 'thực địa' đa phương

Phát huy bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam" ở môi trường đa phương là rất phù hợp. Tại sao lại nói như vậy? Cùng Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) trả lời cho câu hỏi đó để thấy rõ một Việt Nam với sự chân thành và tinh thần trách nhiệm đã cùng cộng đồng quốc tế “kể những câu chuyện đẹp” về khát vọng hòa bình của nhân loại giữa muôn trùng gian nan!
Mệnh lệnh dẫn 'đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Mệnh lệnh dẫn 'đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng Việt Nam đang trong quá trình phát triển và khát khao muốn có tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
Chủ tịch Kocham: Cơ hội đã mở với Việt Nam!

Chủ tịch Kocham: Cơ hội đã mở với Việt Nam!

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) vui mừng chia sẻ với phóng viên TG&VN rằng, năm 2023, loạt nhà đầu tư lớn đình đám thế giới đã đến Việt Nam và cam kết “rót tiền” vào lĩnh vực công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ cao, chất bán dẫn cũng sẽ thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc trong tương lai.
Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải nhiều lần nói: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ trước thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào, cá nhân chúng tôi và các chiến sỹ cũng lên đường với đúng tinh thần đó! Đó là hành trình ông và cộng sự thấu hiểu hơn về nhân sinh, về được mất và cho nhận giữa những con người, giữa các dân tộc…