Sức mạnh quân sự của Phần Lan đã kiến tạo nét đột phá mới trong năng lực quốc phòng tổng thể của NATO. (Nguồn: Le Monde) |
Ngày 4/4 đánh dấu một chương mới trong tiến trình phát triển của NATO bằng việc kết nạp Phần Lan, đồng thời tạo nên chuyển biến lịch sử đến cấu trúc an ninh tại lục địa già.
Ngay trước thềm diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại thủ đô Brussels (Bỉ), chính phủ Phần Lan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận rằng Helsinki sẽ trở thành thành viên thứ 31 của NATO.
Đề cao ý nghĩa sự kiện này, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố: “Phần Lan hôm nay đã trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO. Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng ta đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Mỗi quốc gia phải bảo đảm tối đa an ninh của chính mình. Phần Lan cũng vậy. Đồng thời, việc trở thành thành viên NATO sẽ củng cố vị thế quốc tế của chúng ta và tạo cơ hội cho các hành động. Là một đối tác, từ lâu chúng ta đã tích cực tham gia các hoạt động của NATO. Trong tương lai, Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO”.
"Hổ mọc thêm cánh" cho NATO
Sức mạnh quân sự của Phần Lan đã kiến tạo nét đột phá mới trong năng lực quốc phòng tổng thể của NATO. Theo như số liệu từ Firepower Index, quân đội Phần Lan mạnh thứ 51 trên thế giới.
Bên cạnh đó, Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson của Mỹ đưa ra báo cáo phân tích ba thế mạnh giúp Helsinki bổ trợ cho năng lực của NATO, bao gồm lực lượng dự bị, nền tảng công nghệ và lực lượng pháo binh.
Một là, lực lượng chiến đấu thường trực của Phần Lan khoảng 23.000 người và được hỗ trợ bởi ngân sách quân sự hàng năm khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời chiến, Helsinki có thể mở rộng quân đội lên khoảng 280.000 quân, lấy từ 900.000 quân dự bị được huấn luyện thường xuyên.
Hai là, với khoảng 1.500 bệ pháo, bao gồm 700 khẩu Howitzer, 700 súng cối hạng nặng và 100 hệ thống phóng tên lửa, Helsinki sở hữu dàn hỏa lực mạnh hơn quân đội Ba Lan, Đức, Na Uy và Thụy Điển cộng lại.
Ba là, quốc gia Bắc Âu này là một trong ba nhà cung cấp mạng lưới 5G lớn trên thế giới, cùng với Ericsson của Thụy Điển và Huawei của Trung Quốc. Từ đây, chính quyền của ông Sauli Niinisto có khả năng đóng góp đáng kể vào nền tảng công nghệ quốc phòng của NATO trong thời gian tới.
Chấm dứt thế trung lập
Sau chiến tranh Nga-Thụy Điển (1808-1809), Phần Lan được sáp nhập vào Nga và Helsinki tuyên bố độc lập vào năm 1917.
Bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, do vị thế địa chính trị đặc biệt nằm giữa hai bờ Đông-Tây, Phần Lan đã ký một hiệp ước với Liên Xô năm 1948, là cơ sở cho chính sách “Phần Lan hóa”. Theo đó, Helsinki được duy trì chủ quyền của mình nhưng phải giữ vị trí trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường, không tham gia NATO lẫn Hiệp ước Warsaw.
Tuy nhiên, Phần Lan đã phải thay đổi thái độ kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Trước lo ngại an ninh ảnh hưởng từ xung đột, việc gia nhập NATO được Helsinki cho là điều kiện tối quan trọng nhằm bảo vệ nước này thông qua "chiếc ô an ninh" của khối. Đặc biệt, Điều 5 của NATO quy định rằng một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên là cuộc tấn công nhằm vào tất cả. Điều này sẽ kêu gọi cơ chế phòng thủ tập thể và thiết lập tấm màn che chắn Phần Lan khỏi những đe dọa tiềm tàng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken bắt tay, chuẩn bị trao nhau văn kiện gia nhập NATO của Phần Lan tại Brussels, Bỉ, ngày 4/4. (Nguồn: Reuters) |
Mặt trận mới, nguy cơ mới
Phần Lan chia sẻ đường biên giới dài tới 1.340 km với Nga. Nếu Helsinki gia nhập NATO, đường biên giới trên bộ Nga chia sẻ với các lãnh thổ thuộc NATO sẽ tăng lên gấp đôi. Do đó, việc NATO triển khai tập trận quân sự, hoặc bố trí căn cứ vũ khí tại khu vực Baltic trong thời gian tới, đồng nghĩa với tần suất đe dọa từ phương Tây mà Nga phải giáp mặt sẽ tăng lên.
Trong bối cảnh đó, phản ứng của Nga với sự kiện sát sườn này sẽ tiềm ẩn nhiều khả năng, bao gồm rủi ro leo thang xung đột chính trị-quân sự giữa đôi bên.
Trước đó, ngày 12/5/2022, Bộ Ngoại giao Nga từng nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO là “sự thay đổi triệt để” trong chính sách ngoại giao của nước này.
“Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đáp trả, kể cả về mặt quân sự, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia gia tăng”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Tuyên bố của Moscow trong việc tăng cường mặt trận phòng thủ phía Bắc có thể châm ngòi cho những đụng độ tiềm tàng giữa quân đội NATO và Nga, thậm chí gia tăng nguy cơ đối đầu hạt nhân.
| Truyền thông Lào ca ngợi ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng Nhiều tờ báo lớn của Lào đã đăng trang trọng trên trang nhất các bài xã luận nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Võ ... |
| Ấn tượng về Hà Lan và nỗi trăn trở để hai cánh chim hữu nghị 'bay' không mỏi Với Đại sứ Hà Huy Thông, Hà Lan là đất nước của những điều kỳ diệu đáng để học hỏi. Cũng bởi yêu mến "xứ ... |
| Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus báo hiệu điều gì? Sau nhiều thập kỷ không triển khai căn cứ quân sự tại nước ngoài, Nga chuẩn bị thiết lập vũ khí hạt nhân chiến thuật ... |
| Thụy Điển 'bật đèn xanh' một việc theo yêu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ Ngày 6/4, Thụy Điển thông báo sẽ dẫn độ một công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị Ankara truy nã nhưng từ chối một yêu cầu ... |
| Nhìn lại thế giới quý đầu năm 2023 Quý đầu năm 2023 vừa qua đi với nhiều sự kiện, chiều hướng của năm 2022 đồng thời hé lộ không ít sự kiện, hiện ... |